Lời Phật dạy
Phật dạy: Các Tỳ-kheo không nói dối
Thứ bảy, 30/04/2023 07:20
Hàng xuất gia đạo cao đức trọng mà Thế Tôn vẫn khuyến cáo “nên hành không vọng ngữ” là sao? Lẽ nào người xuất gia lại nói dối, nói thô ác, nói kiểu đòn xóc, nói cho người nghe xiêu lòng? Chắc chắn là có! Nếu không thì Phật chẳng dạy răn.
Người Phật tử khi bước vào đạo, thọ trì ba pháp quy y và năm điều giới cấm, trong đó có việc lập hạnh không nói dối. Cứ ngỡ rằng đây là chuẩn mực đạo đức căn bản của hàng Phật tử vâng giữ và phụng trì, nhưng đến khi phát tâm xuất gia, làm Tỳ-kheo, Đức Phật vẫn nghiêm khắc răn dạy “Các Tỳ-kheo, nên hành không vọng ngữ”.
Mới hay, chúng sinh nghiệp lực sâu dày, khi chưa chứng Thánh thì bất cứ ai, ở đâu và lúc nào, nghiệp vọng ngữ đều có khả năng biểu hiện. Ngoại trừ việc nói thật, nói đúng thì bất lợi cho cả đôi bề nên người ta cố nói tránh đi, tạm gọi việc này là phương tiện. Còn lại thì nói dối, nói vọng ngữ đều mất phước. Mất đi phước báo mà đáng ra sẽ được hưởng trong loài người, loài trời, ngay cả việc chứng đắc Niết-bàn.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã thực hành, thực hành nhiều rồi hưởng phước trong loài Người, hưởng phước trên Trời, chứng được Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Đó là không nói dối. Các Tỳ-kheo, người không vọng ngữ hơi miệng thơm tho, tiếng tăm vang xa. Thế nên các Tỳ-kheo, nên hành không vọng ngữ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Ngũ giới, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.188)
Vọng ngữ là nói dối, nói lời thô ác, nói lời ly gián, nói thêu dệt để xiêu lòng người mà lợi mình. Vọng ngữ để mình được lợi mà hại người thì mang tội, điều này ai cũng biết. Thế nhưng, hiện thực đời sống còn có những biểu hiện vọng ngữ (nói dối) như là một thói quen, trơn tru đến thuần thục. Vọng ngữ (nói thô tục) chỉ để cho vui, để hù dọa người, để thể hiện mình. Vọng ngữ (nói ly gián) như một cố tật, cứ đến nơi này liền nói xấu nơi kia. Vọng ngữ (nói thêu dệt) để tự huyễn mình là thông minh, tài trí, có thể thuyết phục được mọi người làm theo ý mình.
Nhưng đó là chuyện của người phàm tục. Còn hàng xuất gia đạo cao đức trọng mà Thế Tôn vẫn khuyến cáo “nên hành không vọng ngữ” là sao? Lẽ nào người xuất gia lại nói dối, nói thô ác, nói kiểu đòn xóc, nói cho người nghe xiêu lòng? Chắc chắn là có! Nếu không thì Phật chẳng dạy răn.
Nếu ai chưa chứng Thánh quả mà tuyên bố đã chứng thì phạm tội vọng ngữ nghiêm trọng. Có người nhiều khi chỉ đắc định, được đôi chút thần thông (điều này chẳng liên quan đến giác ngộ, giải thoát), liền thể hiện khả năng siêu phàm, hoan hỷ trong sự cúc cung, bái phục. Có vị đôi lúc tâm chợt lóe sáng, cũng sờ được một phần con voi (nhưng thực chất chỉ là người mù sờ voi - Lời Phật) liền mạnh miệng phủ định các phần khác của con voi mà mình chưa sờ tới.
Nhiều người mở lời ra liền nói ra pháp phương tiện. Dĩ nhiên phương tiện thì không sai, nhưng vấn đề là sử dụng phương tiện thế nào? Một số nơi lâu dần phương tiện trở thành cứu cánh lúc nào không hay. Đạo Phật chủ trương “duy tuệ thị nghiệp”, không duy tín ngưỡng và thần quyền. Nhìn bức tranh Phật giáo lung linh sắc màu tín ngưỡng và thần quyền hiện nay, người có đạo tâm dù lạc quan đến mấy cũng trầm tư về tính hai mặt của phương tiện. Nói theo pháp phương tiện một cách quá đà, không khéo cũng rơi vào vọng ngữ.
Thì ra vọng ngữ luôn ẩn hiện quanh ta. Ở đâu, lúc nào, với ai cũng đều tiềm ẩn nguy cơ rơi vào vọng ngữ. Thật nan giải vì nói hay nín đều cũng không xong. Nên chăng lập hạnh nói theo lời Phật, “nên hành không vọng ngữ”, không nói theo ý mình để từng bước thực hành khẩu nghiệp thanh tịnh.