Lời Phật dạy

Phật dạy cách trợ duyên cho người hấp hối

Chủ nhật, 24/09/2022 08:24

Để có được một một sự ra đi nhẹ nhàng và bình an, chìm vào “giấc ngủ ngàn thu” một cách lặng lẽ không đau đớn, vật vả, quằn quại và hốt hoảng là điều không phải ai cũng có được.

Audio

Sinh thời phải tu tâm dưỡng tánh, trồng phước tích đức, từ bi hỷ xả thật nhiều thì mới hy vọng có một cái chết bình an.

Sinh thuận tử an là một phước báo lớn.

Sinh thuận tử an là một phước báo lớn.

Một thời, Thế Tôn trú ở Bhagga, rừng Bhesakàla, Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, gia chủ, cha của Nakula bị trọng bệnh. Mẹ của Nakula nói với cha của Nakula như sau:

Thưa gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Đau khổ là người khi mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Thế Tôn đã quở trách người khi mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái.

Gia chủ có thể suy nghĩ: Mẹ của Nakula, sau khi ta mạng chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa; Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula, sẽ đi đến một gia đình khác; Mẹ của Nakula, sau khi ta mạng chung, sẽ không muốn yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng; Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula, sẽ không giữ giới một cách đầy đủ…

Thưa gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Sau khi gia chủ mạng chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa; Gia chủ cũng đã biết, mười sáu năm nay tôi đã sống với gia chủ và thực hành phạm hạnh thế nào rồi; Sau khi gia chủ mạng chung, tôi sẽ yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng nhiều hơn; Cho đến khi nào, các nữ đệ tử áo trắng của Thế Tôn còn giữ giới luật một cách đầy đủ, tôi là một trong những người ấy…

Do vậy, gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ, phần Cha mẹ của Nakula [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.32).

LỜI BÀN:

Con người, đối diện với cái chết, nếu chưa phải là bậc Thánh thì đa phần đều lo âu, hoang mang và sợ hãi. Ngoài việc sợ chết, người lâm trọng bệnh biết mình không qua khỏi còn ân hận với những điều chưa làm được trong đời, tiếc nuối những niềm vui chưa hưởng trọn đồng thời trăn trở và thao thức thật nhiều về vợ con, tài sản, bè bạn… Sau khi ta nhắm mắt họ sẽ làm gì? sống như thế nào? sản nghiệp ta đã dày công tạo dựng sẽ đi về đâu?

Chính những băn khoăn, tiếc nuối và lo sợ ấy là tâm mong cầu luyến ái đã tạo ra cận tử nghiệp tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến xu hướng tái sanh. Do vậy, trợ duyên cho người sắp chết bằng cách trấn an, hứa khả làm tròn bổn phận, sẽ thực hiện các di nguyện của người sắp chết để giúp tâm họ an ổn, thanh thản là điều cần làm.

Sinh thuận tử an là một phước báo lớn. Để có được một một sự ra đi nhẹ nhàng và bình an, chìm vào “giấc ngủ ngàn thu” một cách lặng lẽ không đau đớn, vật vả, quằn quại và hốt hoảng là điều không phải ai cũng có được. Sinh thời phải tu tâm dưỡng tánh, trồng phước tích đức, từ bi hỷ xả thật nhiều thì mới hy vọng có một cái chết bình an.

Đặc biệt là sự trợ duyên của người thân như nói pháp cho người hấp hối để họ nhận thức về lẽ vô thường, sanh tử; tụng kinh, niệm Phật để tâm họ an tịnh; nhắc lại những điều tốt mà họ đã làm trong đời; biểu hiện sự chu toàn trách nhiệm với gia đình khi họ vĩnh viễn đi xa… sẽ làm cho người hấp hối được thỏa nguyện và ra đi thanh thản. Chính những điều này đã góp phần xả ly luyến ái để trợ duyên cho người chết sanh về cảnh giới an lành.

loading...