Hỏi - Đáp
Phật dạy 'không kết bạn với người ngu', vậy có ích kỷ không?
Chủ nhật, 17/06/2022 11:00
Dạ con thưa Thầy, con nghe trong Kinh Phật dạy: “Không kết bạn với người ngu, nếu không gặp người hơn mình hay ngang mình, thì sống một mình chứ không kết bạn với người ngu”. Như vậy có ích kỷ không? Và làm sao để độ được người ngu thưa Thầy?
Thật ra vấn đề này nằm trong Kinh Pháp Cú, Phật có dạy một câu thế này: “Nếu không gặp người hơn mình hay ngang mình, thà sống một mình chứ không kết bạn với người ngu”.
Ý của người đặt câu hỏi này là mình tu tập mà mình làm như vậy có ích kỷ không? Rồi mình không kết bạn với họ thì làm sao mình độ họ đây?
Thầy xin phân tích cho quý vị hiểu đúng về câu này. Người hơn mình với bằng mình là người như thế nào? Có nghĩa là người đó giỏi hơn mình hoặc ngang bằng với mình. Ở khía cạnh này khi nói về “bạn” thì mình thường nghe nói đến bạn đời, còn trong chùa thì được gọi là bạn đạo hay bạn lành. Vậy thì một người nào được gọi là bạn đạo, bạn lành của mình?
Ví dụ như mình và bạn mình cùng học Phật Pháp, mình hiểu 10 điều mà người bạn của mình hiểu mới có 5 điều thôi. Như vậy người đó có gọi là bạn đạo của mình không? Vẫn được gọi là bạn đạo, bạn lành của mình nha!
Cho nên một người bạn đạo, bạn lành của mình không có nghĩa là cái gì người ta cũng hơn mình. Ví dụ như không phải mình đẹp người ta phải đẹp hơn mình, không phải mình khỏe người ta phải khỏe hơn mình, không phải mình giỏi ở mảng này người ta phải giỏi hơn mình, thì mới gọi là bạn lành.
Thầy xin nhắc lại điểm này: “Bạn lành là bạn mà làm sao có thể giúp cho mình phát triển điều thiện trong mình thì được gọi là bạn lành”, có thể ở mảng nào đó, bạn ấy thua mình rất nhiều. Ví dụ ở mảng học, bạn đó thua mình, nhưng mà bạn đó có một cái hơn mình là bạn đó tu rất là giỏi, cái hành động tu của bạn đó giúp cho mình phát triển điều thiện trong mình, rồi có bạn tu dở hơn mình, bạn đó cũng có thể học dở hơn mình luôn, mà bạn đó có một cái hơn là bạn đó hay đi làm phước, làm từ thiện nhiều hơn mình. Còn mình lâu lâu mới đi làm một lần, vậy bạn đó đã hơn mình rồi, mà qua đó còn nhắc mình tính rộng rãi, bao dung nơi mình nữa. Hoặc có người bạn tu cũng thua mình, học cũng thua mình mà đi làm phước cũng thua mình luôn, nhưng mà người bạn ấy có một cái hơn mình là ít nhiều chuyện hơn mình, còn mình thì thị phi, nhiều chuyện quá, thì đó cũng là bạn hơn mình.
Chúng ta hiểu được như vậy, thì khi nghe câu Phật dạy là “Nếu không gặp người hơn mình hay ngang mình thà sống một mình, chứ không kết bạn với người ngu”, nếu đúng thật mình gặp người mà cái gì cũng thua mình hết, đặc biệt người này còn làm mình khởi điều ác nữa thì Thầy khuyến khích là không nên kết bạn với người bạn đó. Phật dạy ở đây không có nghĩa là Phật nói mình không kết bạn với người ngu, mà ý Phật dạy ở đây là muốn nói rằng chúng ta khi chưa đủ giỏi, khi chưa đủ vững thì nên “Chọn bạn mà chơi”. Bây giờ lên Facebook thì mình phải thêm một câu là “ Chọn nơi mà đọc”, chọn cái face nào mà nên đọc, chọn cái face nào mà nên kết bạn. Tại sao? Tại vì mình chưa đủ vững, mà quen bạn xấu thì bữa nào mình cũng xấu luôn. Thường là như vậy, cũng như câu “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn” hay “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Quý Phật Tử mà giỏi rồi thì quý vị đi đâu tu cũng được hết, ở trong chùa tu là một chuyện, lên núi tu cũng được, mà ra chợ cá tu cũng được, quý vị đi vào đời bất cứ nơi nào để quý vị độ đời cũng được hết. Còn mình chưa có giỏi thì làm ơn làm phước thường đi chùa Nghe Pháp, tụng Kinh có cái nền đã. Có nhiều người không hiểu câu này mà nghe nói, thôi Bồ Tát đi vào đời để cứu đời không đi chùa, đi ra ngoài chợ cứu đời, người ta “CÚ” cho thì có. Nghĩa là mình chưa độ sanh mà người ta “độ” lại mình trước rồi.
Vậy ý của Phật là mình nên “Chọn bạn mà chơi”, vì khi mình chưa có vững, thì mình dễ bị bạn xấu ảnh hưởng đến mình lắm. Quý vị có cảm nhận điều này không? Mình vô chùa mình thấy bạn đạo, rõ ràng mình ở trong chùa thì có bạn đạo, ít nhiều gì thì họ cũng sẽ giúp cho mình thì đó là bạn đạo, bạn lành. Còn mà mình giỏi rồi thì bạn ác, bạn gì,.. quý vị cứ độ họ. Còn khi chưa vững giống như lời Phật dạy phải biết “Chọn bạn mà chơi”. Còn không thì thà sống một mình, chứ nếu chọn người bạn ác, dính vô người bạn đó luôn là khổ lắm, thường thì ít nhiều gì ta sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi người bạn khác đó. Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác. Ngài có làm một bài Kệ rất hay, Ngài nói thế này:
“Thường độc hành, thường độc bộ, đạt giả đồng du Niết Bàn lộ”
Có nghĩa là thường một mình, cô độc bước đi trên con đường an lành Niết Bàn.
Còn Hòa thượng Từ Thông Ngài có dịch câu thơ rất hay, Ngài dịch thế này:
“Tôi chấp nhận cô đơn trên đường đạo
Vui một mình vui theo nhịp bước chân đi
Tôi những mong có Pháp lữ chung lòng
Cùng tiến bước trên con đường tịnh lạc
Không như ý, tôi nguyện làm người cổ lộ
Sống một mình sống với gió mát trăng thanh
Dù xương trơ thịt đéc thân teo gầy
Không ân hận Tôi vui với lập trường kiên định ấy!”
Bây giờ có hai lựa chọn, một là gần bạn ác, còn hai là sống một mình nếu mà không gặp được bạn lành thì mình chọn cái nào? Đương nhiên là mình sẽ chọn sống một mình, chứ chọn bạn ác rồi bữa nào mình ác như bạn luôn sao. Mình mà nhảy vô độ đời khi chưa đủ vững, chưa đủ giỏi là mình đi quằn quại chúng sanh chứ không phải hoằng hóa chúng sanh, mình khổ rồi mà mình còn kéo thêm người ta khổ nữa. Vậy Thầy xin trả lời câu này là không phải mình ích kỷ, mà chúng ta nên biết “Tự lượng sức mình, chọn bạn mà chơi!”