Lời Phật dạy
Phật dạy: “Tất cả đồ gốm được làm ra đều phải bể”
Thứ bảy, 23/12/2022 07:45
Một khi hiểu rõ chết là điều không tránh khỏi với tất cả mọi loài, người con Phật càng trân quý sự sống, bình thản với sự chết hơn đồng thời làm tất cả những gì cần làm để đem đến an vui cho mình và người, ở đời này và đời sau.
Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên.
- Đại vương từ đâu đi đến giữa trưa thế này?
- Bạch Thế Tôn, tổ mẫu của con già nua, đã đạt đến tuổi thọ và đã mệnh chung. Con rất yêu quý tổ mẫu. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một voi báu, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho voi báu… Nếu con được cho một quốc độ, hay để tổ mẫu con phải chết, con sẽ cho quốc độ.
- Thưa đại vương, tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết.
- Thật vi diệu, thật hy hữu thay! Bạch Thế Tôn.
- Như vậy là phải, thưa đại vương. Tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết. Ví như, tất cả đồ gốm được làm ra đều phải bể, đều kết thúc trong sự bể, đều không vượt qua sự bể.
Đại vương nên biết:
Mọi chúng sanh sẽ chết
Mạng sống sẽ kết thúc
Tùy nghiệp, họ sẽ đi
Nhận lãnh quả thiện ác
Ác nghiệp đọa địa ngục
Thiện nghiệp lên thiên giới
Do vậy hãy làm lành
Tích lũy cho đời sau
Công đức cho đời sau
Làm hậu cứ cho người.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 3, phần Tổ mẫu [trích], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.216)
Lời bàn:
Ai cũng biết rồi đây mình sẽ chết nhưng không biết chết lúc nào và cái chết đến với mình như thế nào? Bởi vì chết là một sự kết thúc tàn nhẫn và phủ phàng nên đa phần mọi người đều cố tránh, xem như cái chết còn xa lắm. Rồi khi một người thân trong gia quyến mất đi dẫu còn xuân xanh hay thượng thọ thì niềm đau thương, tiếc nuối dành cho người mất vẫn lớn vô hạn. Vì thế, trong đời sống phải trang bị nhận thức và phát huy tuệ quán để đối diện và vượt qua đau thương mất mát ấy.
Vua Pasenadi thực sự đau đớn khi tổ mẫu qua đời, dẫu đã thượng thọ. Ông thương tiếc cùng tột và nghĩ rằng có thể đổi cả vương quốc nếu được, để giành lại sự sống cho tổ mẫu. Nhờ gặp Thế Tôn, vua được khai thị hiểu rõ vô thường, có sinh thì có diệt, cái chết sẽ đến với mọi người là một sự thật tất yếu như “tất cả đồ gốm được làm ra đều phải bể”.
Nhận chân được sự thật này, người con Phật nguyện sống hiền thiện và được chết thanh thản, không tham sống mà cũng chẳng sợ chết. Thực tế thì sự sống chết, sanh diệt đang diễn ra từng giây phút trong chúng ta. Chết không phải là hết, chấm dứt tất cả mà chỉ là sự thay đổi, chuyển sang một đời sống khác trong dòng luân hồi vô tận. Sự kết thúc này chính là tiền đề cho một sự bắt đầu mà đời sống ở tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào nghiệp lực đã tạo ra trong hiện tại.
Một khi hiểu rõ chết là điều không tránh khỏi với tất cả mọi loài, người con Phật càng trân quý sự sống, bình thản với sự chết hơn đồng thời làm tất cả những gì cần làm để đem đến an vui cho mình và người, ở đời này và đời sau.