Lời Phật dạy
Phật dạy về tám nhân duyên làm tổn hại các gia đình
Thứ bảy, 08/03/2023 11:28
Tu sĩ nói chung, dù trực tiếp hay không trực tiếp tham gia sản xuất thì vẫn có vai trò rất quan trọng trong xã hội, đóng góp tích cực vào việc thiết lập và xây dựng nền tảng đạo đức, góp phần gìn giữ sự ổn định, thăng hoa đời sống, phát triển xã hội.
“Một thời Thế Tôn du hành ở giữa dân tộc Kosala cùng với đại chúng Tỷ kheo đi đến Nàlandà. Tại đấy, Thế Tôn trú tại rừng Pàvarikamba. Lúc ấy, Nàlandà đang đói kém, khó kiếm được cái ăn, xương trắng đầy tràn.
Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta, đệ tử của Nigantha đi đến đảnh lễ, cật vấn Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn dùng nhiều phương tiện tán thán, thương kính các gia đình, bảo vệ các gia đình, từ mẫn đối với các gia đình?
Đúng vậy, này thôn trưởng!
Vậy thì vì sao, bạch Thế Tôn, Ngài cùng đại chúng Tỷ kheo lại du hành tại xứ Nàlandà đang đói kém, khó kiếm được cái ăn, xương trắng đầy tràn? Như vậy, Thế Tôn thực hành tàn phá các gia đình, thực hành sự bất hạnh cho các gia đình, thực hành sự tổn hại cho các gia đình.
Này thôn trưởng, có tám nhân duyên làm tổn hại các gia đình. Do quốc vương, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do trộm cướp, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do lửa, các gia đình đi đến tổn hại. Hay do nước, các gia đình đi đến tổn hại. Hay họ không tìm được tiền của cất giấu. Hay do biếng nhác, họ bỏ bê công việc. Hay trong gia đình có kẻ phá hoại. Và vô thường là thứ tám. Này thôn trưởng, chính tám nhân duyên này làm tổn hại các gia đình.
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 8, phần Gia tộc, Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.505)
Phật dạy: Trách nhiệm của người làm chủ và làm công
Lời bàn:
Không phải ngày nay mới có một vài người nhận thức phiến diện cho rằng tu sĩ là một bộ phận không lao động, thụ hưởng, là gánh nặng cho xã hội mà ngay thời Thế Tôn còn tại thế, quan niệm thiển cận này đã có mặt. Tu sĩ nói chung, dù trực tiếp hay không trực tiếp tham gia sản xuất thì vẫn có vai trò rất quan trọng trong xã hội, đóng góp tích cực vào việc thiết lập và xây dựng nền tảng đạo đức, góp phần gìn giữ sự ổn định, thăng hoa đời sống, phát triển xã hội.
Theo tuệ giác Thế Tôn, một gia đình, địa phương, khu vực hay quốc gia rơi vào nghèo khổ, kinh tế kiệt quệ thậm chí bị chết đói không phải vì “gánh nặng” tu sĩ mà bởi: Vua quan bất tài, dốt nát, chỉ biết bóc lột; giặc giã, trộm cướp hoành hành; thiên tai lửa cháy, nước trôi tàn phá; không kế thừa gia sản của cha ông; biếng nhác, bỏ bê công việc; bị chính các thành viên trong gia đình phá hoại; cuối cùng là do vô thường biến hoại, chi phối, thay đổi. Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu làm tổn hại các gia đình.
Bước đường du hoá hành đạo của Thế tôn và chư Thánh đệ tử vốn tùy duyên, bình đẳng, vô phân biệt. Không vì nơi giàu có sung túc mà dừng chân quá lâu hay những nơi đói nghèo thì chẳng đặt chân đến. Tinh thần thương kính các gia đình, bảo vệ các gia đình, từ mẫn đối với các gia đình vẫn xuyên suốt trong mọi hành trình của Thế Tôn và tất cả những người con Phật. Ở đâu càng đói nghèo, tăm tối và đau khổ lại càng cần có những bước chân an lạc, từ bi, vô ngã, vị tha. Vì lẽ ấy, nơi nào có đau khổ do chiến tranh, thiên tai, dịch họa… thì nơi ấy có mặt người con Phật với tâm nguyện ban vui, cứu khổ “vì lợi ích, an lạc cho chư thiên và loài người”.