Kiến thức
Phật giáo Bình Dương phát triển trên nền tảng kế thừa đoàn kết và hòa hợp
Chủ nhật, 03/02/2022 05:30
Tạp chí Văn hóa Phật giáo đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Pháp chế Trung ương, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương về những sự phát triển của Phật giáo tỉnh Bình Dương
Trước thềm Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ X, Tạp chí Văn hóa Phật giáo đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Pháp chế Trung ương, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương về những giá trị nền tảng cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh Bình Dương. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thưa Hòa thượng, trong nhiệm kỳ IX (2017-2022), Phật giáo Bình Dương đã đạt được những thành tựu như thế nào trong công tác Phật sự?
HT. Huệ Thông: Trong nhiệm kỳ IX (2017-2022), Phật giáo Bình Dương, trước tiên luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của Trung ương Giáo hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi từ lãnh đạo và các ban ngành chức năng của tỉnh. Đặc biệt là được sự đồng thuận của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trong tỉnh. Do đó, Phật giáo Bình Dương đã hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo lần thứ IX của tỉnh. Trong nhiệm kỳ vừa qua, với tinh thần đồng thuận, đoàn kết, hoà hợp, Phật giáo Bình Dương đã phấn đấu và hoàn thành những mục tiêu đề ra. Trong đó, tiêu biểu là việc tổ chức thành công các sự kiện lớn như Đại lễ Vesak, Hội thảo Phật giáo cổ truyền, họp mặt hoằng pháp toàn quốc và các lĩnh vực khác, đặc biệt là công tác từ thiện xã hội. Suốt hai năm gần đây, sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội nói chung, Bình Dương nói riêng; tuy nhiên với tinh thần đoàn kết nhất quán dưới sự chỉ đạo của Giáo hội, Phật giáo trong tỉnh vẫn quyết tâm thực hiện những mục tiêu đề ra. Vì vậy, dù có những thách thức, khó khăn trong bối cảnh đại dịch nhưng cơ bản, Bình Dương đã hoàn thành nhiều chương trình Phật sự ở hầu hết các lĩnh vực. Có thể nói, đây là thành tựu lớn của Phật giáo Bình Dương trong nhiệm kỳ qua.
Đặc biệt, trên cơ sở chỉ đạo sâu sát của Giáo hội và các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương, toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, chủ trương về phòng chống dịch bệnh COVID-19, chú trọng tuân thủ quy định của Chính phủ, bộ ngành các cấp và chính quyền địa phương. Trong công tác phòng chống dịch, Phật giáo Bình Dương đã phát động phong trào công tác từ thiện xã hội, nhằm góp phần cùng với cả hệ thống chính trị của tỉnh nhà đem lại đời sống ổn định cho đồng bào. Thành quả cụ thể là trên 100 tỷ đồng đã được quyên góp ủng hộ cho các công tác liên quan tới phòng chống dịch COVID-19.
Những thành tựu ấy có được, trước hết bởi Phật giáo Bình Dương đã biết vận dụng cơ hội, khắc phục những thách thức của thời đại. Đặc biệt, kế thừa các truyền thống quý báu mà các bậc tiền bối để lại cho Phật giáo Bình Dương. Đồng thời, kết hợp giá trị tinh thần giữa truyền thống và hiện đại, góp phần giúp tỉnh nhà ổn định và phát triển, đóng góp vào sự nghiệp xương minh và hộ trì Phật pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đại hội Đại biểu Phật giáo trong năm 2022 tại tỉnh Bình Dương được xem là Đại hội điểm, Hòa thượng có suy nghĩ như thế nào về nhận định này?
HT Huệ Thông: Phật giáo Bình Dương chọn thời điểm tổ chức đại hội vào đầu tháng Giêng, nhằm kỷ niệm kỳ Đại hội Phật giáo đầu tiên của tỉnh Sông Bé trước đây (ngày 7-8/1/1983). Kể từ đó, trải qua 9 kỳ Đại hội, Phật giáo Bình Dương đều lấy quý I dương lịch để làm Đại hội Phật giáo cấp tỉnh.
Năm nay, Trung ương Giáo hội quyết định lựa chọn Bình Dương là Đại hội điểm cấp tỉnh. Đây là vinh dự rất lớn cho Phật giáo Bình Dương, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực không nhỏ, làm sao để xứng đáng với tầm vóc của một đại hội điểm, không phụ lòng tin của Trung ương Giáo hội vào Đại hội cấp tỉnh/thành phố đầu tiên trong cả nước.
Ý thức được trách nhiệm và vai trò của tỉnh đầu tiên, chúng tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức đại hội. Thứ nhất, làm sao để đáp ứng tốt nhất tinh thần Thông tư 60, trên cơ sở đồng thuận cao của Ban Trị sự tiền nhiệm; kế đến là các huyện/thị/thành phố trực thuộc tỉnh; rộng hơn nữa là Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo. Điều đó nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết, hoà hợp, đồng thuận, nhất là về khâu nhân sự. Chúng tôi phải đảm bảo thực hiện tốt theo tinh thần Thông tư 60 của Trung ương Giáo hội, củng cố tinh thần đoàn kết nội bộ và đặc biệt là trao đổi, chia sẻ với các ban ngành chức năng để có được sự đồng thuận. Điều đó là tiền đề cho sự thành công của đại hội điểm; qua đó tạo niềm tin vững chắc đối với chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, đặc biệt là Hoà thượng Chủ tịch.
Vì vậy, chúng tôi luôn luôn truyền đạt tư tưởng này đến với tập thể Phật giáo tỉnh nhà. Bởi danh dự luôn luôn đi kèm với trách nhiệm và áp lực rất lớn. Đặc biệt, khi Đại hội diễn ra trong thời điểm toàn thể hệ thống chính trị của nhà nước, nhân dân và các tôn giáo đang quyết tâm phòng chống dịch bệnh COVID-19, Ban tổ chức cũng nghiêm túc thực hiện đúng theo các quy định phòng dịch. Làm sao để chúng ta vừa hoàn thành đại hội điểm, vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, qua đó mang lại những thành tựu tốt đẹp nhất cho đại hội Phật giáo tỉnh nhà.
Với quá trình gắn bó lâu dài và trải nhiều cương vị, mong Hòa thượng có thể đúc kết những bài học kinh nghiệm đã, đang và sẽ là nền tảng giúp Phật giáo phát triển bền vững?
HT Huệ Thông: Tôi luôn luôn giữ quan điểm nhất quán, thứ nhất là kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền bối để lại. Đồng thời, tận dụng tối đa những cơ hội có được trong bối cảnh thời đại; kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại để đưa ra chương trình hoạt động phù hợp, đáp ứng với truyền thống văn hoá. Bên cạnh đó, vận dụng và đáp ứng các yếu tố khoa học kỹ thuật, công nghệ vào thực tiễn. Đây có thể xem là những yếu tố trọng tâm.
Tuy nhiên, dù vận dụng dưới bất cứ hình thái nào, yếu tố kỷ cương và giới luật vẫn luôn luôn là nền tảng vững chắc nhất. Bởi chúng tôi nghĩ rằng, một căn nhà dù cao bao nhiêu tầng, đẹp bao nhiêu nhưng nếu nền móng thiếu vững chắc, ngôi nhà đó không sớm thì muộn cũng có thể bị sụp đổ. Do đó để phát triển bền vững, chúng tôi luôn luôn xây dựng tu sĩ Phật giáo phải cố gắng duy trì phẩm hạnh, đạo đức, tác phong, oai nghi để thể hiện lên sự uy dũng trong đời sống sinh hoạt của Giáo hội, qua đó đem lại sự ổn định. Vì vậy, Phật giáo Bình Dương luôn ý thức được sự phát triển phải dựa trên nền tảng kỷ cương, giới luật, chấp hành nghiêm túc hiến chương và các quy định của Giáo hội. Nhờ vậy, chúng ta hội nhập, phát triển nhưng vẫn tuân thủ theo lời Đức Phật dạy: “Ví như bàn tay không thương tích thì chúng ta có thể nắm thuốc độc không sao. Còn nếu bàn tay thương tích thì chúng ta cầm nắm các vật bên ngoài dễ bị nhiễm”.
Khi con người vững chắc, giới luật trang nghiêm, kỷ cương ổn định thì sự phát triển sẽ đem lại những kết quả khả quan và bền vững.