Hỏi - Đáp
Phật giáo có hợp với khoa học không?
Chủ nhật, 06/06/2022 03:42
Vấn: Phật giáo có hợp với khoa học không?
Đáp: Trước khi giải đáp câu hỏi, tốt hơn ta nên định nghĩa từ “khoa học” (science). Theo từ điển, khoa học là “kiến thức mà có thể hợp chung lại thành hệ thống, kiến thức thuận theo những gì ta thấy, những sự kiện được trắc nghiệm và nêu lên những định luật thiên nhiên tổng quát, là một ngành của kiến thức ấy, bất luận gì có thể khảo sát là đúng vậy”.
Có những sắc thái của Phật giáo không hợp đúng với định nghĩa này, nhưng giáo lý nòng cốt của Phật giáo, Tứ thánh đế, hay bốn Chân lý Cao quý, chắc chắn là thích ứng. Chân lý đầu tiên, Khổ đế, là một kinh nghiệm có thể mô tả, chứng nghiệm và đo lường. Chân lý thứ nhì, Tập đế, nói rằng đau khổ phát sinh do một nguyên nhân thiên nhiên – ái dục, cũng có thể mô tả, chứng nghiệm và đo lường. Không có sự cố gắng nào để giải thích đau khổ như một khái niệm hay những câu chuyện thần thoại có tính cách siêu hình.
Đau khổ chấm dứt, theo Diệt đế – chân lý thứ ba, không phải bằng cách ỷ lại nơi một nhân vật tối cao, bằng đức tin, hay bằng cách van vái nguyện cầu, mà chỉ giản dị bằng cách diệt trừ nguyên nhân của nó. Đó là định lý rõ ràng và hiển nhiên.
Chân lý thứ tư, Đạo đế, là con đường, phương cách để chấm dứt đau khổ, một lần nữa, không có gì liên quan đến siêu hình, mà chỉ tùy thuộc nơi cuộc sống theo những đường lối đặc thù. Và một lần nữa, lối sống này có thể được trắc nghiệm.
Phật giáo, cũng như khoa học, không dựa trên khái niệm về một nhân vật tối thượng, mà giải thích những nguyên nhân và những sinh hoạt của vũ trụ, theo những định luậtthiên nhiên.
Tất cả những điểm này chắc chắn cho thấy rõ tinh thần khoa học. Một lần nữa, Đức Phật luôn luôn khuyên dạy không nên có đức tin mù quáng, mà phải nghiên cứu, học hỏi, khảo sát tận tường trước khi chấp nhận điều gì là chân lý. Ngài nói: “Đừng vội tin vì nghe nói lại, đừng vội tin vì theo phong tục, đừng vội tin vì nghe tin đồn, đừng vội tin vì kinh điển truyền tụng, đừng vội tin vì lý luận, đừng vội tin vì công thức, đừng vội tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng vội tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng vội tin vì thấy thích hợp, đừng vội tin vì người đó là thầy mình.
Nhưng khi nào quý vị tự biết rõ các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời quý vị hãy tuân theo các pháp ấy.” (Kinh Kālāma, AN 3.65).
Do đó, chúng ta có thể nói rằng mặc dù Phật giáo không hoàn toàn là khoa học, nhưng tôn giáo này có màu sắc khoa học rất sâu đậm, và chắc chắc có nhiều tính khoa học hơn các tôn giáo khác. Đây là một sự kiện có ý nghĩa khiông Albert Einstein, một nhà khoa học lỗi lạc nhất của thế kỷ 20 đã nói về Đạo Phật:
“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo đó cần phải siêu hóa vị Thượng đế cá thể, không có các giáo điều và thần học. Bao gồm tính thiên nhiên và tâm linh, nó phải dựa trên một ý nghĩa tôn giáo sinh khởi từ thể nghiệm của mọi sự việc, thiên nhiên lẫn tâm linh, và trên một sự hợp nhất có ý nghĩa. Phật giáo phù hợp với sự diễn tả này. Nếu có một tôn giáo nào có thể thỏa mãn các nhu cầu khoa học hiện đại thì tôn giáo đó phải là Phật giáo.”
Tác giả: Tỳ-khưu Shravasti Dhammika
Dịch giả: Phạm Kim Khánh & Bình Anson