Sách Phật giáo

Phật giáo Quảng Nam chú trọng xây dựng hệ thống cấp cơ sở (*)

Thứ hai, 25/03/2018 12:32

Ban Trị sự và toàn thể tăng ni, tín đồ Phật giáo tỉnh Quảng Nam chúng tôi đặt niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam. Với chủ đề của Đại hội hôm nay là “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, chúng ta sẽ nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu được đề ra trong Đại hội để đạo pháp ngày một xương minh, Phật giáo Việt Nam ngày một phát triển, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính bạch…
Kính thưa...

Trước và trên hết, cho phép tôi thay mặt Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam, đảnh lễ và chào mừng chư Tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; chư vị khách quý đại diện Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các Bộ ngành Trung ương; chư Tôn đức tăng ni lãnh đạo các Ban viện Trung ương Giáo hội, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo 63 tỉnh, thành cùng quý phái đoàn tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017-2022. 
 
Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Kính thưa Đại hội,

Nhìn lại chặng đường hơn 35 năm từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập 07/11/1981 đến nay đã trải qua 7 nhiệm kỳ, thời gian không dài so với lịch sử truyền bá của đạo Phật tại Việt Nam, song chúng ta tự hào và khẳng định sự trưởng thành của Giáo hội một cách bền vững từ Trung ương đến các địa phương. Thành quả đạt được của Giáo hội là xây dựng và phát triển Giáo hội ở 63 tỉnh thành trong cả nước, thành lập các Ban, Viện tại Trung ương, mở trường đào tạo tăng tài, Học viện Phật giáo tại 3 miền đất nước và nhiều hoạt động khác mang tính hội nhập, phù hợp với xu thế phát triển chung của Phật giáo ở trong nước và quốc tế.

Quảng Nam là tỉnh được chia tách từ Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây, thời gian được tái lập mới 20 năm. Sự trưởng thành và phát triển được đánh giá rõ nét. Đến nay đã có 16/18 đơn vị Giáo hội Phật giáo huyện, thị xã, thành phố so với 18 đơn vị hành chánh của tỉnh được thành lập. Cả tỉnh có trên 300 cơ sở tổ đình, chùa, tịnh xá. Gần 800 tăng ni và hơn 30 vạn tín đồ. Đã thành lập 12 Ban ngành trực thuộc Giáo hội tỉnh, nổi bật nhất là công tác thành lập mới các cơ sở trực thuộc Giáo hội tại các địa phương, những nơi mà trước đây cơ sở bị chiến tranh tàn phá. Các Ban như Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Từ thiện xã hội v.v... hoạt động tích cực và hiệu quả. 

Qua đó, chúng ta khẳng định rằng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Giáo hội, với đường lối, chủ trương, định hướng và phương châm hoạt động được đề ra của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội” gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng ta chưa đạt được mục tiêu trọn vẹn đề ra là “Thống nhất ý chí và hành động - Thống nhất lãnh đạo và tổ chức”. Thực hiện Hiến chương Giáo hội, nội quy các Ban Viện và quy chế hoạt của các cấp Giáo hội còn bất cập, chưa đồng bộ, kỷ cương, kỷ luật của Giáo hội còn lơi lỏng.

Đại hội lần thứ VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022 với chủ đề: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển” đây không chỉ là chiến lược của nhiệm kỳ 5 năm đến mà còn là mục tiêu định hướng cho nhiều thập niên kế tiếp của Giáo hội chúng ta. Trong khuôn khổ của tham luận tại Đại hội lần này, chúng tôi xin được đóng góp cùng Đại hội hai nội dung sau:

1. Đẩy mạnh công tác thành lập, xây dựng cơ sở trực thuộc Giáo hội:

Tại các địa phương, nhất là vùng nông thôn, chiến tranh đã tàn phá hầu như tất cả mọi thứ, trong đó cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, đa số các chùa Phật giáo bị thiệt hại hoàn toàn. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất Đảng, nhà nước từng bước phải lo đời sống cho dân ổn định và phát triển như ngày nay. Theo chủ trương, chính sách hiện hành, nhất là luật Tín ngưỡng - Tôn giáo đã được Quốc hội thông qua và sẽ được thực hiện vào đầu năm 2018. 

Đây là cơ sở để mọi người có niềm tin về tôn giáo có cơ duyên để thực hiện đức tin của mình. Tại Quảng Nam thời gian qua Giáo hội đã được chính quyền, các ngành chức năng cho phép thành lập nhiều cơ sở tự viện mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của tín đồ. Song hiện nay còn nhiều địa phương chưa thực hiện được. Chúng tôi thiết nghĩ, không những Quảng Nam mà các tỉnh thành khác cũng như thế. Do đó chúng tôi kiến nghị Trung ương Giáo hội có chủ trương, nghị quyết về xây dựng cơ sở tự viện mới trực thuộc của Giáo hội trong nhiệm kỳ này để các cấp Giáo hội có cơ sở pháp lý thực hiện được thuận lợi hơn.

2. Nhiệm vụ truyền bá Phật pháp:

Từ trước đến nay trọng tâm của chúng ta chỉ truyền bá Phật pháp tại các thành phố, nơi có điều kiện thuận lợi với thành phần tín đồ ở các trung tâm dân cư đông đúc mà đa số là người có tuổi. Đối với giới trẻ như thanh niên, sinh viên, học sinh thì ít tiếp cận được với Phật pháp. Nhất là tại các vùng hải đảo, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số công tác truyền bá Phật pháp cũng còn rất hạn chế. Những năm qua công tác này giao cho Ban hướng dẫn Phật tử đảm trách, song còn nhiều bất cập, chưa có chiến lược lâu dài và thiếu cán bộ thực hiện.

Chúng tôi kiến nghị Trung ương Giáo hội cùng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác này. Sớm đào tạo những cán bộ chuyên ngành cho mỗi đối tượng. Ví dụ giới thanh niên, sinh viên, học sinh phải là người của thành phần trên họ tự hướng dẫn nhau, tăng ni chỉ là người cố vấn hoặc lãnh đạo tinh thần. Vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng phải đầu tư, xây dựng người của những nơi đó. Những địa điểm nêu trên có phong tục tập quán khác nhau, đời sống khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, muốn hội nhập vào các đối tượng trên phải là người của địa phương của dân tộc đó. Như thế công tác truyền bá và phát triển Phật pháp của chúng ta mới thuận tiện và hiệu quả.

Kính thưa Đại hội!

Ban Trị sự và toàn thể tăng ni, tín đồ Phật giáo tỉnh Quảng Nam chúng tôi đặt niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam. Với chủ đề của Đại hội hôm nay là “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, chúng ta sẽ nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu được đề ra trong Đại hội để đạo pháp ngày một xương minh, Phật giáo Việt Nam ngày một phát triển, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh.

Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

(*): Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
loading...