Sách Phật giáo
Phật giáo Việt Nam với vấn đề môi trường bảo vệ môi trường
Thứ hai, 22/11/2017 03:08
Nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của muôn loài. Cho nên trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở các cộng đồng dân cư.
1. Khái niệm về môi trường và quan điểm của Phật giáo về môi trường
1.1. Khái niệm về môi trường
Khái niệm về môi trường được nêu rõ trong điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam như sau: “Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật”(1).Như vậy, theo khái niệm trên thì môi trường sống của con người tùy theo chức năng mà được phân chia thành hai loại là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
- Môi trường tự nhiên: Là thế giới khách quan bao gồm các yếu tố thiên nhiên như ánh sáng mặt trời, núi sông, biển cả, không khí, động vật, thực vật, đất, nước v.v… tồn tại bên ngoài con người, tác động đến cuộc sống con người và cũng chịu sự tác động của con người. Môi trường tự nhiên là cơ sở nền tảng cho con người và muôn vật hình thành, tồn tại và phát triển.
- Môi trường xã hội: Là tổng thể các mối quan hệ giữa người với người. Ðó là những luật lệ, quy định về chuẩn mực đạo đức, hành vi, lối sống của con người ở các cấp độ khác nhau. Môi trường xã hội định hướng hoạt động của con người theo một khuôn khổ nhất định, tạo nên sức mạnh tập thể thuận lợi cho sự phát triển, làm cho cuộc sống của con người khác với các sinh vật khác.
Tóm lại, môi trường là tất cả những gì có xung quanh ta từ những yếu tố vật chất tự nhiên cho đến những yếu tố vật chất nhân tạo, là những công cụ, phương tiện trong cuộc sống của con người.
1.2. Quan điểm của Phật giáo về môi trường
Ngày nay toàn thể nhân loại, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển phải đối diện với vấn đề khủng hoảng về môi trường, mà tác nhân gây nên những vấn đề về khủng hoảng môi trường ấy không ai khác chính là con người. Bởi lòng vị kỷ, với những nhu cầu, ham muốn quá độ của mình mà con người đã lạm dụng, khai thác triệt để các nguồn khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên v.v… gây nên sự mất cân bằng hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, nước biển dâng v.v... làm thay đổi cuộc sống của chính con người. Do đó, việc giải quyết vấn đề môi trường cũng phải bắt đầu từ chính con người.
Đối với Phật giáo, con người là trung tâm của vũ trụ, phải sống hài hòa với thiên nhiên. Cho nên vấn đề bảo vệ môi trường đã được đức Phật và tăng đoàn thực hiện từ hơn hai ngàn năm trăm trước. Bằng trí tuệ siêu phàm của bậc toàn giác, đức Phật đã nhận thức được và chỉ rõ nguyên lý vận hành của vũ trụ vạn vật qua cái nhìn của Duyên khởi: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt(2)”. Đây là chân lý về sự tồn vong của vũ trụ vạn vật. Con người và muôn loài trong thế giới này tồn tại hay diệt vong đều có quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau, tất cả đều trong mối tương quan trùng trùng duyên khởi. Không chỉ nhận thức rõ ràng về mối tương quan giữa con người và thế giới như vậy, mà đức Phật cùng chúng đệ tử luôn luôn thực hiện việc bảo vệ môi trường trong quá trình tu tập, hành đạo trên cả hai phương diện môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Trên phương diện môi trường tự nhiên: Hình ảnh đức Phật từ khi đản sinh, đến khi xuất gia, thành đạo, chuyển Pháp luân và nhập Niết bàn đều gắn liền với gốc cây. Đối với chúng đệ tử cũng vậy, ban ngày tu tập dưới gốc cây, đêm đến lấy gốc cây làm nơi ngủ nghỉ v.v... Đó là một thông điệp rõ ràng, sống động mà đức Phật muốn chuyển tải đến mọi người: Hãy sống hòa hợp với thiên nhiên.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, trình độ khoa học kỹ thuật của con người đã đạt đến trình độ cao, khiến con người cho rằng mình đã chế ngự được tự nhiên, bắt tự nhiên phải phục tùng và cũng làm nhiều việc trái với tự nhiên một cách thái quá. Do đó con người phải hứng chịu những tai họa từ việc tàn phá môi trường gây lên như bão lụt, hạn hán, lũ cuốn v.v...
Trên phương diện môi trường xã hội: Với tinh thần bình đẳng triệt để, lòng từ bi vô lượng, đức Phật luôn răn dạy chúng đệ tử phải sống thiểu dục tri túc, thực hành hạnh ăn chay, mặc áo phấn tảo. Không được làm những việc sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ v.v... Đây là những nguyên tắc đạo đức cơ bản nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình và duy trì nền tảng đạo đức xã hội. Đối với chúng đệ tử xuất gia phải sống, tu tập với tinh thần lục hòa cộng trụ; đối với chúng đệ tử tại gia phải giữ gìn tốt đẹp sáu mối quan hệ trong gia đình và xã hội(3) v.v... đều là những hành động thiết thực để mỗi cá nhân tịnh hóa tâm hồn, nhằm bảo vệ môi trường xã hội, làm cho cuộc sống của nhân loại được an lạc hạnh phúc.
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam với vấn đề bảo vệ môi trường
2.1. Thực trạng về môi trường tại Việt Nam
Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển, với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đời sống vật chất của nhân dân được nâng cao, nhưng cũng kéo theo hệ lụy bởi sự ô nhiễm môi trường trên cả hai phương diện môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
- Môi trường tự nhiên: Hiện nay trên toàn quốc, đặc biệt là tại các thành phố lớn, tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người ngày càng gia tăng và trở nên trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của xã hội.
Vấn đề ô nhiễm này thể hiện trên các phương diện như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn.
+ Ô nhiễm nguồn nước: Tại các thành phố lớn, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều bệnh viện, trường học, cơ quan công sở v.v... dân cư đông đúc chính là đối tượng gây ô nhiễm nguồn nước bởi sự xả thải bừa bãi, thiếu ý thức trong vấn đề bảo vệ môi trường. Hệ thống thoát nước, xử lý nước thải kém, nên nước thải trong hoạt động sản xuất từ các khu công nghiệp, các làng nghề truyền thống và nước thải sinh hoạt trong các cộng đồng dân cư xả ra môi trường mà không được xử lý.
+ Ô nhiễm không khí và tiếng ồn: Tình trạng khí thải từ các nhà máy xí nghiệp, khí thải, âm thanh phát ra từ các phương tiện giao thông đông đúc hàng ngày tại các thành phố lớn, rác thải trong sản xuất và đời sống sinh hoạt từ các nhà máy, các cộng đồng dân cư không được thu gom, xử lý kịp thời bốc mùi xú uế v.v... chính là những tác nhân gây nên sự ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn.
- Môi trường xã hội: Tình trạng ô nhiễm không chỉ trầm trọng ở môi trường tự nhiên, mà sự ô nhiễm trong môi trường xã hội cũng là vấn đề cấp bách. Trình độ khoa học kỹ thuật của xã hội phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, nhưng nền tảng đạo đức xã hội ngày càng suy giảm.
Ngày nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự ra đời ngày càng nhiều của những bộ phim ảnh, trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực, khiêu dâm v.v... đã tác động tiêu cực đến đời sống con người, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Một bộ phận thanh thiếu niên trong xã hội ngày nay luôn coi trọng giá trị vật chất mà xem nhẹ giá trị đạo đức tinh thần, sống ảo tưởng và thích thụ hưởng. Từ đó dẫn đến những hệ lụy như giết người cướp của, cờ bạc, mại dâm, ma túy v.v...
2.2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam với vấn đề bảo vệ môi trường
Từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay, Phật giáo Việt Nam đã trải qua hai ngàn năm lịch sử gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Trải qua mỗi thời kỳ, tăng ni, phật tử Việt Nam luôn luôn thực hành lời Phật dạy, tích cực tham gia vào các lĩnh vực hoạt động xã hội, trong đó có vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay khoảng 47.327 tăng ni thành viên, quản lý 17.287 cơ sở tự viện, tịnh thất, niệm Phật đường trên toàn quốc. Đó là lực lượng đáng kể trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Kế thừa truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi thành lập đến nay luôn tích cực vận động tăng ni, phật tử tham gia các hoạt động về vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường. Tuyên truyền giáo hóa cho tăng ni, phật tử tuân thủ các quy định của Pháp luật về bảo vệ môi trường, không sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phải biết tôn trọng và bảo hộ sinh mệnh của muôn loài, nhằm giữ gìn sự cân bằng của hệ môi trường sinh thái. Nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, không xả rác thải bừa bãi ra môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, mà sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hàng ngày.
Đối với môi trường xã hội, tăng ni trụ trì các tự viện tích cực lao động sản xuất trên cơ sở đất đai vốn có của chùa nhằm tự cung cấp cho cuộc sống tu hành của bản thân. Trùng tu xây dựng chùa chiền khang trang để ổn định cơ sở vật chất, làm nơi quy hướng cho tín đồ phật tử. Thành lập các đạo tràng hướng dẫn nhân dân - phật tử tu tập, trao truyền Ngũ giới, Bát quan trai giới cho hàng phật tử tại gia nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình, bảo vệ nền tảng đạo đức xã hội.
Tổ chức các khóa tu định kỳ cho tầng lớp thanh - thiếu niên con em các gia đình phật tử, nhằm giáo dục cho giới trẻ biết tôn trọng giữ gìn đạo đức truyền thống, thực hành nếp sống lành mạnh. Giảng dạy kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường để mọi người biết yêu thương, san sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Trong những năm qua, tăng ni, phật tử thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tích cực hưởng ứng các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, bài trừ các tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới - việc tang tại các cộng đồng dân cư do Ủy ban MTTQ các cấp phát động. Tổ chức các hoạt động nhân đạo như xây dựng nhà tình nghĩa, mở các phòng khám chữa bệnh miễn phí, lớp học tình thương, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, cứu trợ đồng bào các vùng bị lũ lụt, hạn hán, giúp đỡ người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa v.v... nhằm thiết thực thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, góp phần mang lại sự an lạc cho xã hội.
3. Định hướng trong việc bảo vệ môi trường
1. Chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh thành nghiêm túc thực hiện cam kết về vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã thỏa thuận với Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp. Bảo vệ, giữ gìn môi trường tại các cơ sở tự viện do Giáo hội quản lý.
2. Tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, bài trừ mê tín dị đoan để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang do Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân - phật tử hiểu rõ và thực hiện các quy định của Pháp luật về bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Sử dụng các loại túi bằng vật liệu thân thiện với môi trường, để rác thải đúng nơi quy định không xả bừa bãi ra môi trường, giữ gìn cảnh quan đường phố, xóm làng.
4. Vận động tăng ni, phật tử tích cực sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cá nhân, nhằm góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
5. Tổ chức các khóa tu cho thanh thiếu niên con em gia đình phật tử, để giáo dục, định hướng cho giới trẻ về những giá trị đạo đức truyền thống và lối sống tích cực lành mạnh. Tổ chức các hoạt động nhân đạo như xây dựng nhà tình nghĩa, tặng xe lăn cho người khuyết tật, cứu trợ đồng bào vùng thiên tai lũ lụt, giúp đỡ người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa v.v... nhằm san sẻ tình thương, trách nhiệm với xã hội theo tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật.
Kết luận:
Ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay của nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng. Tình trạng ô nhiễm tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp v.v... đang ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Để giải quyết được vấn đề môi trường, thì cần phải giải quyết từ gốc là vấn đề ý thức con người và phải có sự đồng lòng chung sức của chính quyền, cơ quan tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, các tổ chức tôn giáo, đoàn thể các cấp cho đến mỗi người dân.
Nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của muôn loài. Cho nên trong những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở các cộng đồng dân cư. Kết quả hoạt động của Giáo hội còn khiêm tốn và trong phạm vi tuyên truyền, giáo dục là chính, nhưng cũng đóng góp phần nào về lĩnh vực môi trường và bảo vệ môi trường. Đó cũng là thực hành lời Phật dạy và thực hiện phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra.
Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII