Chùa Việt

Phật giáo Yên Bái tái hiện di tích xưa

Thứ bảy, 17/11/2015 02:04

Hy vọng với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, sự nhiệt tâm khôi phục kiến trúc Phật giáo thời Trần của Chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh, sự góp sức của công ty TNHH Mỹ thuật Zen Art

Dấu tích Phật giáo thời Trần ở Yên Bái

Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm giữa vùng Tây Bắc - Đông Bắc và Trung du Bắc bộ, có nhiều dân tộc sinh sống. Mật độ dân cư phân bố không đều, kinh tế còn nghèo, giao thông chưa thuận lợi, trình độ nhận thức của một bộ phận đồng bào còn hạn chế. Những khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý và dân cư dẫn đến những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển đạo Phật trên địa bàn.

Tuy nhiên, ngược dòng thời gian Phật giáo đã có mặt ở Yên Bái từ hàng trăm năm trước, theo thống kê sơ bộ đến năm 1930 ở trên đất Yên Bái có hàng trăm ngôi chùa. Trải qua chiến tranh và sự thăng trầm của lịch sử, sự biến thiên của thời gian, xáo trộn đời sống sinh hoạt... do vậy, đến nay phần nhiều chỉ còn là dấu tích. 

Phát lộ di tích đồi Pú Tre

Năm 2010 qua nhiều kênh thông tin từ nhân dân và chính quyền sở tại, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tổ chức đoàn điền dã khảo sát toàn bộ khu vực và thảm sát kiểm tra. Kết quả cho thấy khá bất ngờ và thú vị, phát hiện lò nung vật liệu xây dựng tại Bản Đao và 2 địa điểm kiến trúc là phế tích nằm sâu trong lòng đất ở các địa điểm Bản Ỏ và Bản Nong xã Phù Nham, huyện Văn Chấn. 

Phát hiện ra hệ thống phế tích kiến trúc Phật giáo thời Trần ở đồi Pú Tre thuộc bản Ỏ, đồi Pú Chìa Chùa thuộc bản Nong và vườn nhà ông Lường Văn Xiên ở bản Đao, xã Phù Nham thuộc phía Đông của cánh đồng Mường Lò.
 
 
Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, ở xã Phù Nham các nhà khảo cổ đã phát hiện các di vật trống đồng, thuổng đồng, vòng tay đồng… thuộc văn hoá Đông Sơn. Vào năm 2000, ông Lường Văn Xiên ở bản Đao sau khi thuê máy múc đất đào ao, ở độ sâu 60 - 80 cm thì phát hiện khoảng 5- 6 lò nung, các loại gạch ngói lạ thời cổ: gạch chữ nhật, ngói mũi lá, mũi hài, ngói ống…

Còn tại đồi Pú Tre, cách nhà ông Lường Văn Xiên khoảng 1km về hướng Bắc, năm 1978, khi người dân dùng máy ủi quả đồi này trồng mía cũng phát lộ ngói mũi hài, mũi lá, đá bó vỉa, ngói, gốm, tiền cổ. Máy ủi chết máy, họ cho là “thiêng” nên để nguyên tại chỗ, nay trồng chè, keo và trồng tre. Từ khi đồng bào miền xuôi lên tiếp tục khai phá đất trồng chè, quả đồi này được người Thái đen địa phương đặt tên là Pú Tre (nghĩa là đồi chè).

Tại Bản Đao nghi là lò nung cách địa điểm Bản Ỏ khoảng 1km về hướng Bắc, địa điểm Bản Ỏ cách 1km là Bản Nong cũng hướng Bắc. Bản Nong theo tộc Thái Đen gọi là (Pú Chìa Chùa) đồi có chùa. Qua thám sát nhỏ và điều tra khảo sát mở rộng tại 2 địa điểm nghi là có kiến túc kết quả cho thấy vật liệu xây dựng bằng đá (ông Sư) và các loại ngói mũi lá, mũi hài, mũi hài cánh én, ngói bò nóc, gốm... trong hố thám sát có chân tảng, ngói và phân tán trong dân dân có dấu hiệu phế tích kiến trúc Phật giáo. 

So sánh vật liệu xây dựng, riêng phần vật liệu lợ là đồng liệu và cơ bản giống vật liệu lợp ở di tích khảo cố Hắc Y - Lục Yên đã khai quật 5 lần (2004 - 2008) về đồ sành, gốm. Gốm có phần trang trí, tạo hình hoa sen ngói có nhiều mảnh cũng vậy, nên sơ bộ bước đầu nghi là kiến trúc phế tích Phật giáo thời Trần.
 
Chùa Trúc Lâm Thiên Phú đang được xây dựng
Tái hiện “Kinh đô Phật giáo vùng Tây Bắc”

Trước những năm 1960, ở Yên Bái chỉ có duy nhất một sư Ni trụ trì chùa Ngọc Am, đến năm 1964 Ni sư viên tịch, và từ đó Yên Bái vắng bóng các nhà sư. Mãi đến năm 2004 mới có tăng, ni trụ trì các chùa ở Thị xã Yên Bái do Giáo hội PGVN bổ nhiệm từ nơi khác về.

Năm 2007 Ban đại diện Phật giáo tỉnh được thành lập gồm 13 thành viên đại diện cho tăng, ni, phật tử, do Hòa thượng Thích Thanh Duệ làm Trưởng  ban, trong Đại hội Nhiệm kỳ (2012-2017), số lượng thành viên đã lên con số 35 vị. 

Đến nay có gần 20 ngôi chùa trong đó có sáu tăng, ni đang trụ trì các chùa trong tỉnh, số chùa còn lại đều có Ban hộ tự, phật tử nhân dân quản lý. 

Khảo sát thực trạng, có thể nói Phật giáo Yên Bái đang còn thiếu nhiều yếu tố để phục hưng và phát triển, trong đó có yếu tố cơ sở thờ tự.

Được sự chấp thuận và ủng hộ của các Sở ban ngành, sự đồng thuận của BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái ngày 19/11/Giáp Ngọ (9/1/2015) tại thôn Bản Ỏ và thôn Phù Ninh, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, mảnh đất hội tụ những sự linh thiêng của sông núi, BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái đã làm lễ đặt đá khởi công xây dựng khu tâm linh Phật giáo huyện Văn Chấn và chùa Trúc Lâm Thiên Phú.
18 vị La Hán được tạc bằng chất liệu Đá ngọc Suối Giàng, huyện Văn Chấn
 
 Tôn tượng các vị La Hán đang dần hiện lên...
Theo thiết kế có 9 hạng mục công trình: tòa Tam Bảo, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, nhà văn phòng Ban Trị sự, nhà soạn lễ, nhà khách, nhà Tăng, nhà Ni, nhà Từ Ân tổng diện tích sàn sử dụng là 15.300,4 m2 và đặc biệt hai dãy cung điện Kim cương với 18 vị La Hán được tạc bằng chất liệu Đá ngọc Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Hy vọng với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, sự nhiệt tâm khôi phục kiến trúc Phật giáo thời Trần của Chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh, sự góp sức của công ty TNHH Mỹ thuật Zen Art, trong một ngày một không xa, sẽ thấy hình bóng những ngôi chùa được tái hiện tại mảnh đất mà một thời được mệnh danh “Kinh đô Phật giáo vùng Tây Bắc”.

Anh Minh
loading...