Sách Phật giáo

Phát huy niềm tin Tam bảo của người con Phật

Thứ hai, 09/03/2018 01:36

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của tăng ni, cư sĩ phật tử, các tổ chức Giáo hội, các hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam. Đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình; đường lối đúng đắn của Giáo hội, đã thể hiện được truyền thống “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” hơn hai nghìn năm qua. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế và tuân thủ luật pháp nhà nước.

Kính bạch Chư tôn đức,
Kính thưa Đại hội,

Hơn 2500 năm đạo Phật đã có mặt và cống hiến cho nhân loại nền triết học và con đường sống hạnh phúc được xây dựng từ nội tâm của mỗi người. Phật giáo là một tôn giáo của trí tuệ, tình thương yêu chúng sanh, đem lại hòa bình khắp muôn loại. Giáo pháp của Phật đã được biểu hiện qua cuộc sống hài hòa giữa thân và tâm, an lạc hạnh phúc nhờ sự thực hành Giới - Định - Tuệ. Chính con đường Giới - Định - Tuệ này là kim chỉ nam cho những người con Phật xuất gia và tại gia từ xưa cho đến nay. Cho nên, dù ở thời kỳ nào đời sống tu tập của hành giả thực thi giới luật được xem như nguồn thở của sự sống, đức Thế Tôn cũng thường nhắc nhở: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất
thì Phật pháp mất”. 

Trong kinh Phạm Võng có nói:

“Giới như đèn sáng lớn
Soi sáng đêm tối tăm
Giới như gương báu sáng
Chiếu rõ tất cả pháp”.

Do vậy, người xuất gia đi trên con đường giác ngộ giải thoát, việc đầu tiên cần phải nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, đồng thời phát tâm phụng sự đạo pháp và dân tộc, vì đây là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” của một sứ giả Như Lai. Mà sứ giả Như Lai tức người làm việc cho Như Lai; hay nói khác hơn đó chính là biểu hiện sự đoàn kết, hòa hợp, thanh tịnh của tăng đoàn.

Nếu xem đoàn thể Phật giáo như một cơ thể sống, thì mỗi một người con Phật dù tăng ni hay cư sĩ tất cả đều là những tế bào của cơ thể Phật giáo, của đoàn thể tăng già. Mỗi tế bào của cơ thể Phật giáo được mạnh khỏe, thì toàn thân thể Phật giáo sẽ mạnh khỏe và ngược lại. Cũng vậy, ở cương vị là xuất gia thì giữ gìn đúng trách nhiệm của người xuất gia, tại gia giữ gìn đúng trách nhiệm người tại gia. Mỗi cá nhân người con Phật có nhận thức và thực hành đúng đắn như vậy, thì mới làm cho Phật giáo được tồn tại và vững mạnh theo thời gian. 

Có giữ gìn giới luật được tinh nghiêm thì kỷ cương của nhà Phật, của Giáo hội mới được duy trì. Mà mục đích của người con Phật là cầu quả giải thoát, cho nên giáo pháp và giới luật của đức Phật luôn là thành trì để phòng hộ đạo tâm, là phương tiện thù thắng để mọi hành giả tiến đến cảnh giới Niết Bàn.
 
Trước tiên muốn thực hiện được tiêu chí “Kỷ cương” mà Đại hội đề ra, việc đầu tiên tự thân của mỗi người cần thực hành đúng giới luật, giữ gìn đúng phép tắc nhà Phật đã đặt ra. Giới luật là vấn đề tiên quyết, mà cũng là sự sống còn của đạo pháp, trong phần mở đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có nói như sau: Kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 

Như vậy, đối với chủ trương ngay từ đầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn lấy Giáo Pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ Pháp luật làm định hướng cho con đường hành đạo. Với chủ trương này, Phật giáo Việt Nam đã thành công rực rỡ trong những năm qua, nó đã thể hiện một đường lối sáng suốt, đúng đắn của Giáo hội đã vạch ra ngay từ đầu.

Là người tu sĩ, chúng ta gánh trên vai hai trách nhiệm: Một là trách nhiệm của một người tu sĩ phải giữ đúng giới luật của Phật chế, hai là trách nhiệm của một người công dân phải giữ đúng pháp luật nhà nước quy định. Đó cũng là lẽ đương nhiên của một sứ giả Như Lai hoằng dương Phật pháp trong mọi thời kỳ.

Phật giáo Việt Nam đã cùng với đất nước trải qua bao thăng trầm lịch sử, đúng như nhà thơ Huyền Không viết: “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của Tổ tông”. Câu thơ đã thể hiện được cả một bề dày lịch sử cùng với dân tộc chống giặc ngoại xâm và phát triển đất nước. Các Thiền sư như: Vạn Hạnh, Khuông Việt, Pháp Thuận... là những người có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Điều này được dàn trải theo chiều dài lịch sử đất nước.

Đến thời hiện đại, dân ta phải tiếp tục hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thì Phật giáo cũng hòa mình vào dân tộc, điển hình như Thiền sư Thiện Chiếu, Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thiện Hào... là những tấm gương sáng về sự phục vụ Đạo pháp – Dân tộc. Thật xứng với câu: Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.

Nói đến đây, để ta thấy rằng mỗi thời kỳ đều có một nhu cầu khác nhau nhưng Phật giáo luôn có những đóng góp phù hợp cho dân tộc, cho đất nước. Đó là thể hiện tinh thần nhập thế của đạo Phật để hoằng dương chánh pháp, lợi lạc chúng sanh, hiện tại Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao trách nhiệm và thực hiện điều này. Đây cũng chính là tinh thần hội nhập, cũng là định hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam từ trước đến giờ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đất nước ta theo đà phát triển toàn thế giới, nhiều vấn đề đặt ra cho Giáo hội trong tình hình mới, hội nhập theo xu thế toàn cầu hóa. Điều này, nó đòi hỏi chúng ta phải giao lưu, tiếp xúc với các nước trên thế giới nhiều hơn, vấn đề truyền đạo và quản lý tín đồ không còn nằm trong phạm vi toàn quốc mà là thế giới, vấn đề thông tin truyền thông, vấn đề oai nghi - giới luật, vấn đề an sinh xã hội, vấn đề sử dụng các thiết bị thông minh của tăng ni trẻ.... 
 
Với tốc độ phát triển thế giới hiện nay, chúng ta luôn cần phải cập nhật thường xuyên mới nắm được diễn biến của thế giới, mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng, lối sống trẻ hiện nay đang sống. Từ đó, đặt ra những mục tiêu cụ thể trong những hoàn cảnh nhất định và định hướng chiến lược cho lâu dài. Thế giới và đất nước thì luôn phát triển không ngừng về mọi mặt. Phật giáo ta luôn vì mục tiêu tu hành giải thoát và cứu khổ chúng sanh làm hàng đầu. Vậy để hội nhập, phát triển cùng thế giới, đồng thời đảm bảo được hạnh nguyện của người con Phật, xin đưa ra một vài chú ý để tham khảo như sau:

- Điều thứ nhất: Lòng tin Tam bảo và giới luật phải được đặt lên hàng đầu trong mọi hành động của người con Phật. Đây là điều kiện tiên quyết cho tăng đoàn được vững mạnh, vì con người là yếu tố quan trọng, quyết định trong mọi việc. Hơn nữa, Phật có dạy: “Sư tử trùng thực sư tử nhục”, thêm một lời khẳng định rằng yếu tố nội tại là quan trọng. Chúng ta có đầu tư cho nguồn nhân lực kế thừa vững mạnh thì Giáo hội hiện tại và tương lai sẽ vững mạnh. Nếu tăng ni đội ngũ kế thừa được củng cố niềm tin vững chắc, được đào tạo bài bản thì không cần phải lo nghĩ nhiều đến các yếu tố vấn nạn nói trên. Hơn thế nữa, chúng ta nhờ công nghệ tiên tiến mà hoằng dương chánh pháp có hiệu quả hơn gấp nhiều lần, như: trong hoằng pháp nên sử dụng được thông tin truyền thông trên các trang mạng xã hội; bởi vì chúng có lượng truy cập nhiều nhất, thu hút giới trẻ nhiều nhất, nếu đươc như vậy thì kết quả lợi ích rất lớn.

- Điều thứ hai: Đoàn kết nội bộ và hội nhập thế giới. Đoàn kết nội bộ tức thực hiện trọn vẹn và thống nhất phương châm “Đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”. Đồng thời, Phật giáo Việt Nam cần giao lưu, hòa nhập vào dòng phát triển chung của nhân loại. Sự giao lưu và hòa nhập này phải luôn đứng trên tinh thần tùy duyên bất biến của nhà Phật.

- Điều thứ ba: Cần chú ý về trình độ ngoại ngữ của tăng ni sinh trong các trường Phật học từ Trung cấp đến các cấp cao hơn. Nhằm tạo một nguồn tăng ni trong thế hệ tiếp nối có khả năng giao tiếp và giới thiệu Phật giáo Việt Nam đến bạn bè trên thế giới, hoặc được vận dụng vào nhiều mục đích khác, như: mở rộng việc hoằng pháp ra nước ngoài, giao lưu và tham gia vào các hội đoàn Phật giáo hợp pháp trên thế giới, cập nhật thông tin... Nhờ có vốn ngoại ngữ tốt sẽ giúp việc hội nhập tốt hơn.

Kính bạch Chư tôn đức,
Kính thưa quý Đại biểu,

Phật giáo đã hiện diện trên 2500 năm, mỗi thời kỳ mới Phật giáo đều thích nghi một cách hoàn hảo trong công việc hoằng pháp lợi sanh. Cốt lõi đó là nhờ lòng tin Tam bảo vững chắc trong mỗi người con Phật, hơn thế nữa lúc nào cũng luôn đặt hạnh nguyện xiển dương chánh pháp lên hàng đầu. Nhờ quá trình tự độ, độ tha mà người con Phật đã làm tốt nhiệm vụ truyền trì mạng mạch Phật pháp ứng hợp theo từng thời, từng xứ, từng căn cơ.

Đối với Phật giáo Việt Nam thì cũng không ngoài hai cốt lõi trên để tồn tại trên dưới 2000 năm. Ngày nay, những người con Phật được đoàn kết trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là một hạnh phúc mà nhiều nước chưa thực hiện được. Dưới sự lãnh đạo tài tình và khéo léo của Giáo hội, Phật giáo Việt Nam đang trên đà phát triển vững mạnh, chúng tôi tin chắc rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn hoàn thành tốt sứ mạng hoằng pháp lợi sanh của mình.

Trước khi dứt lời, kính chúc Chư tôn đức và toàn thể quý đại biểu vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường. Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

Ban Trị sự GHPGVN Tp.Cần Thơ
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
loading...