Kiến thức
Phật là cha mẹ
Chủ nhật, 27/12/2022 01:15
“Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Sinh đời không gặp Phật, thì khéo thờ cha mẹ chính là thờ Phật. Những lời Phật dạy đã phổ cập thành châm ngôn, tựa như phong dao, tục ngữ, thành ngữ…, như câu nói cửa miệng hàng ngày.
Có thể do chủ quan, do cảm nhận, do kinh nghiệm hành trì của riêng mình, mỗi khi nhớ tới, mỗi khi thầm đọc những câu kinh, những lời Phật dạy, tôi vừa liên tưởng tới Phật, cùng lúc vừa liên tưởng tới cha mẹ, tôi cảm nhận có đức Phật ở trong mình thì cùng lúc tôi thấy có cha mẹ ở trong lòng mình.
Lạ lắm. Đức Phật, Ngài đang ngồi yên lặng trên tòa sen đó, nhưng bỗng dưng tôi thấy Ngài nhúc nhích… Ngài vẫn đang… “sống”. Ngài mở đôi mắt từ bi nhìn tôi, thương tôi. Ngài chìa bàn tay từ ái mát mẻ rờ lên trán tôi. Ngài mỉm cười và nói với tôi: “Tội nghiệp con tôi”.
Tôi cảm nhận rõ ràng Đức Phật đã hóa thân thành cha tôi, Phật ứng thân thành thân phụ của tôi. Cảm quan ấy tôi thấy hình như nó vượt ngoài khái niệm đúng sai. Có vẻ ngây ngô, ngờ nghệch… nhưng lại rất dễ thương.
Trong nghi thức tụng niệm hàng ngày, người Phật tử nào mà không đọc những câu xưng tán Đức Phật trước khi lạy Người như: “Thiên nhơn chi đạo sư. Tứ sanh chi từ phụ” (Bậc đạo sư của trời và người, vị cha lành của bốn loài chúng sinh). Họ có quyền gọi Đức Phật là cha lành, là Từ phụ. Tôi là một trong vô số vô lượng chúng sinh trong bốn loài ba cõi… Chẳng lẽ tôi không thể gọi ngài là Từ phụ, là cha lành. Có khi nào mà Đức Phật lại không vui khi chúng ta gọi Ngài một cách… dễ thương như vậy.
Xót nghĩ, do kết quả nghiệp lực nhiều đời, từ vô lượng vô biên kiếp trước, tôi đã mồ côi cha quá sớm. Tôi không có diễm phúc trông thấy hình ảnh cha tôi, nên hoàn toàn không có mảy may ký ức nào về hình bóng người cha. Người bỏ tôi đi về thế giới bên kia lúc tôi chưa tròn bốn tuổi. Thế nên bây giờ, nhiều lúc, mỗi khi xưng tán “Thầy chỉ đường cho ba cõi, vị cha hiền thương yêu bảo bọc cho cả bốn loài chúng sinh”, không phải tôi mường tượng, không phải tôi hình dung…, lại càng không phải tôi mộng tưởng…, mà rõ ràng mồn một tôi đã thấy, đã rõ lắm: Đức Phật chính là vị cha hiền của tôi, là bố của tôi, là ba tôi.
Ngày mẹ tôi quy tiên… con gái đầu lòng của tôi đang đi học xa, tại một trường cao đẳng ở Sài Gòn, và đúng thời điểm con tôi đang chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa. Tôi không gọi điện báo tin cho con về thọ tang bà nội. Vì tôi vẫn nghĩ, việc báo ân báo hiếu cốt tủy nằm ở trong lòng. Nhưng lạ lắm, Đúng 1 giờ sáng ngày hôm đó, ngay khi mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng thì con gái tôi đang ở xa hơn hai trăm dặm, nằm mộng thấy Phật Quan Âm. Phật Quan Âm mặc áo trắng, trắng ngần như mây, Ngài mỉm cười, nụ cười như hoa…, vừa dẫn mẹ tôi đi, vừa quay lại nhìn con tôi từ giã. Giây phút ấy lòng con tôi thấy nhẹ nhõm lạ thường, an lạc lạ thường.
Nghe con kể lại, tôi thấy rất rõ một điều: Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đích thực là mẹ hiền của tôi. Người đã ứng thân, hiện thân, hóa thân đúng lúc mẹ tôi qua đời. Người đã thị hiện tiếp dẫn mẹ tôi về cõi Phật Di Đà, ánh sáng vô lượng, tuổi thọ vô lượng, công đức vô lượng…
Tôi thấy ngay khi mẹ hiền tôi đi về cảnh giới tuyệt vời an lạc ở bờ bên kia, thì Đức Quan Thế Âm đã ứng hiện tức thì thành người mẹ hiền ruột thịt nhau rốn của bản thân tôi, của cả cuộc đời tôi.
Cầu chi tất ứng. Người xưa thường bảo vậy.
Tôi không ưa lý luận. Tôi tuyệt đối đặt niềm tin vào Phật, vào Tam bảo. Cất bước, tôi niệm Quan Âm. Vào mâm, cầm đũa tôi niệm Quan Âm. Mở mắt thức dậy, tôi niệm Quan Âm. Bước xuống giường, đặt chân mang dép, tôi niệm Quan Âm.
Chí thành chí thiết trì tụng Văn Từ Bi Thủy Sám. Nhật niệm chí thành trì chú Đại Bi, khi khát ngưỡng, khi bức xúc, khi hoạn nạn, khi đau khổ…, tôi thấy Người ứng hiện. Người cho tôi thấy sức mạnh nhiệm mầu, diệu lực vô biên của Người.
Tôi thấy rất rõ ràng Đức Bồ Tát Quán Thế Âm đúng là mẹ hiền của tôi.
Bao giờ cũng vậy: Tin Phật niệm Phật thì thấy Phật ở trong ta. Phật là cha mẹ ta.