Kiến thức

Phát nguyện điều lành cho những cuộc đời đã dừng lại vì bệnh tật

Thứ ba, 27/08/2021 08:30

Giá có thể, vào tháng 7 này, cả dân tộc cúi đầu dành một khoảnh khắc thương tưởng đến những đồng bào của mình đã ra đi vì bệnh dịch... Giá có thể, mỗi người phát nguyện hồi hướng một điều lành cho những cuộc đời đã dừng lại trong bệnh tật, cô độc.

“Tiết đầu thu lập đàn giải thoát

Nước tịnh bình rưới hạt dương chi”

Dân tộc Việt có một cách để lưu giữ lịch sử rất riêng.

Thế hệ của chúng ta đang sống ngày hôm nay có thể tìm về nguồn cội, hiểu được phần nào những câu chuyện lịch sử của cha ông mình thời xa xưa đến hàng ngàn năm về trước.

Tìm cách nào? Hiểu ra sao?

Cách dễ dàng nhất là quay trở lại nhìn vào chính những nếp văn hóa mà dân tộc mình đang tiếp nối, kế thừa. Nếp sống (bao gồm từ nếp nhà) cho đến phong tục của làng, nước và những di sản văn hóa, chính là cách để chúng ta hôm nay có thể vén những lớp bụi thời gian mà tìm về nguồn cội. Đối với người Việt nói riêng, bất kể một lễ tiết (Tết) nào được lập ra, cũng là cách để cha ông lưu giữ một dấu ấn lịch sử của dân tộc hoặc một phương thức biểu đạt tâm tình của người sống với người đã khuất, để thắp lên lòng biết ơn và ý thức về nguồn cội.

Hôm nay, chúng ta đang ở giữa tiết đầu thu, tháng 7 âm lịch. Đây là khoảng thời gian mang ý nghĩa tâm linh vô cùng sâu sắc với dân tộc Việt.

Quan trọng thứ nhất, là bởi tháng bảy, tháng bước vào tiết Trung Nguyên và có lễ “Xá tội vong nhân”.

Đền Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội)

Đền Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội)

Muốn tiêu trừ nghiệp chướng hãy niệm thần chú Địa Tạng Vương Bồ Tát

Lật giở “Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc Phả”, cuốn “Thiên Thư” cổ xưa ghi về thời đại các Vua Hùng, chúng ta có thể tìm được một số “manh mối” khởi nguồn có liên quan đến sự kiện này.

Nam Việt Hùng Thị sử ký chép: “Vua Ân muốn xâm lăng đất nước. Vào năm Giáp Tí bỗng thấy biên giới phía Bắc có thư gửi cấp báo. Tướng giặc Ân là Thạch Linh thần tướng khởi binh từ phía Bắc tiến sang, giáo giáp kín trời, tinh kỳ rợp đất”.

Và tiếp theo là sự tích Thánh Gióng mà phần “Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân” trong “Nam Việt Hùng Thị Sử Ký” có ghi:

“Thần Vương nhảy lên ngựa sắt, tay cầm roi sắt, đầu đội nón sắt, thét vang như sấm chớp, phán rằng:

- Ta là Thần tướng, vâng sắc chỉ xuống giúp nước!

Ngựa sắt nhảy mạnh, bay lên không mà phi, lập tức tới nơi Vua ngự. Thần vương cầm roi sắt chỉ huy tiên phong, lệnh khiến các quan hành quân tiếp ứng, chỉ phút chốc đã đến dưới chân núi Vũ Ninh, Yên Việt, đại chiến với Thạch Linh Thần tướng bên núi. Quân Ân thua to tan chạy. Thạch Linh Thần tướng bị bắt sống rồi chém đầu.”

Lật giở truyện “Giếng Việt” trong “Lĩnh Nam Chích Quái”, chúng ta có thêm các thông tin:

“Nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới núi Trâu Sơn. Hùng Vương cầu cứu Long Quân, Long Quân truyền đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ thì sẽ dẹp được giặc. Sóc Thiên Vương ứng kỳ mà sinh, cưỡi ngựa sắt đánh giặc. Tướng sĩ nhà Ân đều bỏ chạy. Ân Vương chết ở dưới chân núi, biến thành vua Địa Phủ, dân phải lập miếu thờ, lâu năm suy dần đền miếu bỏ hoang.”

Tương truyền con ngựa đá của Thạch Linh thần tướng bị chém rơi đầu, nay còn dấu tích ở thôn Cựu Tự, núi Chu Sơn tại Quế Võ, Bắc Ninh, với hình một con rồng có cánh (Phi Liêm) bằng đá lớn.

Như vậy, chúng ta có được một số thông tin thú vị: Thứ nhất, vua Địa Phủ chính là Ân Vương "biến thành".

Theo quan niệm dân gian, bắt đầu vào tháng bảy, Quỷ Môn Quan của Địa Phủ sẽ được mở để các Cô hồn, Ngạ quỷ trở về nhân gian.

Lật giở lịch sử Trung Hoa, chúng ta sẽ hiểu thêm vì sao tháng 7 lại là tháng để “xá tội vong nhân”. Cái chết của vua Ân đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến Chu - Ân. Trong cuộc chiến này, nhân dân đói khổ, loạn lạc, binh sĩ tử trận vô số. Vua Ân tuy là giặc nhưng trở thành vua chốn Địa Phủ.

Cùng với lễ xá tội vong nhân, tục lệ này chính là để thể hiện tinh thần bình đẳng, đại xá trong thiên hạ khi một vị thiên tử lên ngôi, mở đầu triều đại mới.

Người tu xem chúng sanh là đối tượng nuôi lớn Tâm Từ Bi

Người tu xem chúng sanh là đối tượng nuôi lớn Tâm Từ Bi

Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM thắp nến cầu nguyện, tặng 1 tỷ đồng đến nhân dân Ấn Độ

Chúng ta sẽ tìm hiểu về cụm từ tiết Trung Nguyên. Người Việt phân chia năm thành ba tiết: Thượng Nguyên – Trung Nguyên – Hạ Nguyên. Ba tiết này ứng với tam tài: Thiên – Địa – Nhân.

Trong nghi quỹ của đàn bạt độ giải oan, thiết lập Bảo đài trên đàn Ngũ phương, có 3 bài vị ghi: “Thượng nguyên thiên quan giám sát (tứ phúc) thần quân – “Trung Nguyên Địa quan khai ngục (xá tội) thần quân” – “Hạ Nguyên Thủy quan giải thích thần quân”.

Có thể hiểu: “Thiên quan” là chủ những vấn đề tinh thần, giám sát và ban phước vào tiết Thượng Nguyên. “Địa quan” là chủ những vấn đề về vật chất, cứu rỗi tội chướng, chính là sự xá tội cho vong lẫn nhân, mở cửa Địa Phủ, vào tiết Trung Nguyên. Tiết Hạ Nguyên thuộc về giải ách, Thủy quan cứu rỗi các vấn đề do con người gây ra. Thiên – Địa – Thủy chính là Tam tài hay còn gọi Tam Tòa – Tam Phủ trong văn hóa dân gian người Việt.

Cần lưu ý, đối với người Việt, không có Địa ngục mà chỉ có “Địa Phủ”. Tức là không có ngục tù, mà “chết”, đơn giản chỉ là một sự trở về nơi cõi Âm – Âm Phủ.

Chính vì vậy, khi người Việt mất, người ta mới xây lăng đắp mộ, thờ cúng và đốt vàng mã để chu cấp cho người nơi “cõi Âm”, một Cõi đang song song tồn cõi Dương. Thế nên mới có câu: “Trần (cõi dương) sao, (thì cõi) Âm vậy”. Lễ “xá tội vong nhân” vào tiết Trung Nguyên là một nghi lễ dân gian có từ thời xa xưa.

Tiết tháng bảy, đặc biệt là vào ngày Rằm tháng bảy. Đây là ngày “âm khí xung thiên”, Địa Phủ mở cửa, các âm hồn, cô hồn, ngạ quỷ đều được trở lại trần gian để thọ hưởng sự cúng tế… Người ở cõi Dương (Trần) sẽ sửa soạn lễ cúng tổ tiên, cúng vong linh và cô hồn. Đây thực sự là một nghi lễ thể hiện tinh thần bình đẳng và hòa hợp của người Việt.

Tiết tháng bảy, là dịp để Âm và Dương, người mất kẻ còn, hẹn nhau để chu tròn món nợ ân tình.

Phật giáo với lễ Vu Lan bồn vào tiết Trung Nguyên đã hòa cùng yếu tố văn hóa dân tộc Việt để tạo ra những sắc thái riêng biệt.

Phật giáo với lễ Vu Lan bồn vào tiết Trung Nguyên đã hòa cùng yếu tố văn hóa dân tộc Việt để tạo ra những sắc thái riêng biệt.

Du nhập rất sớm, được tiếp biến những yếu tố văn hóa dân gian trong quá trình bản địa hóa, Phật giáo với lễ Vu Lan bồn vào tiết Trung Nguyên cũng đã hòa cùng yếu tố văn hóa dân tộc Việt để tạo ra những sắc thái riêng biệt.

Tâm Phật chính là tâm hiếu sinh ra.

Hạnh Phật chính từ hạnh hiếu dựng thành.

Hiếu với chúng sanh trở thành hiếu với cha mẹ không khác. Vì vậy ta có định nghĩa: Đạo Bụt là Đạo hiếu. Người tu xem chúng sanh là đối tượng nuôi lớn Tâm Từ Bi. Đạo giải thoát, lấy chúng sinh làm chất liệu nuôi lớn hạt giống Bồ đề tâm. Tâm Bồ đề là cái tâm quyết chí cầu thành Phật chứng đắc đạo quả giải thoát. Mà chúng sanh đó là ai?

Bụt dạy: “Sữa mẹ mà ta uống suốt trong luân hồi nhiều hơn nước bốn biển”, Và: “Này các thầy, không thể tìm ra được một chúng sanh nào suốt trong chiều dài luân hồi này mà không từng một lần làm cha hay mẹ chúng ta”. Từ đó, hiếu với cha mẹ tức là hiếu với chúng sinh. Vì ít nhất trong vô lượng vô số chúng sanh đó, bất kỳ chúng sanh nào cũng đã từng một lần làm cha và mẹ ta.

Vu Lan mùa Báo hiếu trở thành vô cùng trọng đại trong ý nghĩa Phật Đạo, Việt Đạo. Hình ảnh người con Mục Kiền Liên cứu mẹ là hình ảnh của người Đại Hiếu. Sau khi ngài Mục Kiền Liên nghe lời Bụt dạy, mời thỉnh toàn thể Đại đức chúng Tăng thọ thực và cúng dường trăm món cần dùng trong ngày chư Tăng tự tứ và chư Tăng đã chú nguyện cho mẹ Ngài; nhờ công đức này của người con hiếu (Ngài Mục Liên) mà người mẹ Thanh Đề đang đọa đày trong ngục tối A Tỳ Vô gián được thoát khỏi.

Cũng trong ngày đó, sau khi đã cầu nguyện xong, ngài Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn thông quán xét trong địa ngục mới hay cũng trong ngày đó bao nhiêu người đã từng chịu khổ như mẹ mình trong địa ngục thảy đều được thoát nghiệp Oan khiên rời khỏi địa ngục sanh về thế giới an lành.

Ông cha ta nhận ra được giá trị trên một cách tâm đắc, đã nhìn thấy sức mạnh vi diệu qua sự chú nguyện, tạo thành trường năng lượng lành từ thế giới người tu hành trong Ngày Rằm Tháng Bảy, Tự tứ, Ngày Bụt hoan hỷ. Từ đó mà bao nhiêu những gì vương vấn day dứt, trói buộc oan trái, cưu thù do nghiệp lực con người tạo ra, như chiến tranh, hận thù, oan ức bởi chết trẻ, chết nạn nơi sông nước hay rừng sâu biển cả... nhiều vô kể trong kiếp sống loài người đều được “giải quyết” trong Mùa Vu Lan – trong lễ Xá Tội Vong Nhân vào tháng bảy.

Vu lan là mùa tri ân, báo hiếu.

Vu lan là mùa tri ân, báo hiếu.

Làm sao cho đứa con hướng về Tam bảo và sự cầu nguyện hồi hướng có tác dụng lợi ích hay không?

Từ văn hóa dân gian, kết hợp với nét đẹp của hiếu đạo trong Phật đạo, tháng bảy như vậy trở thành khoảng thời gian thật đẹp và thật lành. Âm dương chung nỗi lòng, sống chết gần gang tấc. Người nơi hai cõi Âm – Trần không khác. Thảy là vong – nhân, cứ có tội sẽ đều được xá bỏ. Đó là cách thống nhất lòng người bằng nếp sống văn hóa Đạo Việt vào niềm tin Phật Đạo.

Ngày 30 tháng Bảy, còn được cho là ngày Khánh đản của Địa Tạng Bồ-tát. Ngài chính là người lập thệ nguyện: “Địa ngục vị không – thệ bất thành Phật”. Ngài được phong đế hiệu là “Phong Đô Đại đế”, có quyền miễn xá tội lỗi và cho các linh hồn đi đầu thai. Tín ngưỡng Phật giáo và dân gian tin rằng nếu niệm danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng, hoặc cúng dường trai Tăng Vu-lan-bồn hoặc nhân ngày 30 tháng 7, ngày Khánh đản của Ngài, thì những hương linh quá cố của họ sẽ được miễn xá các tội lỗi và được Ngài độ thoát.

Như vậy, cùng với vị vua Địa Phủ sẽ mở cửa âm phủ và mọi vong nhân được xá tội trong niềm tin giân gian, người sống nơi cõi dương hướng về người đã khuất ở cõi âm mà lập đàn cầu siêu chẩn tế trong tiết Trung Nguyên chính là một sự tiếp biến, hòa hợp vô cùng ý nghĩa trong nếp sống và niềm tin vào đạo Phật của người dân Việt.

Ngày Rằm Tháng Bảy, như vậy đã trở thành ngày lễ trọng đại của người Việt. Quên đi ngày Rằm Tháng Bảy, hay không quan tâm đến Ngày Rằm Tháng Bảy đúng mức là đánh mất đi cái cầu nối quan trọng nối hai cõi âm dương. Cây cầu nối người với người trong sức mạnh văn hóa Dân tộc bằng đức tin tâm linh. Lịch sử Dân tộc ta không có ngày nào linh thiêng và mang tầm vóc lớn như thế. Vua chúa vương quan đại thần không mở tiệc mừng vui thú giết hại sinh vật trong những ngày như thế.

Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý chép sự kiện vào năm Mậu Tuất (Hội Tường Đại Khánh năm thứ 9) như sau: “Mùa thu tháng 7, bãi cỗ bàn, Tết Trung nguyên vì gặp ngay lễ Vu Lan Bồn [cầu siêu cho] Linh Nhân Hoàng Thái Hậu”.

Châu bản triều Nguyễn cũng có đoạn chép: “Năm Minh Mạng thứ XVIII, Đinh Mùi (1837), lại thiết trai đàn tụng kinh 21 ngày đêm cũng vào tiết Trung Nguyên, tức Vu Lan rằm tháng 7”...

Sức mạnh và độ dày văn hóa Đạo Bụt ảnh hưởng sâu đậm vào nếp sống, nếp nghĩ cha ông ta xưa là vậy. Ngày Rằm là ngày thực hiện hòa bình thực sự của người Việt. Người Việt không ăn thịt hay uống rượu giết hại sinh vật trong những ngày Rằm hay 30 mùng 1.

Văn hóa tâm linh đó đã chảy trong huyết quản các thế hệ người Việt Nam ta qua hàng ngàn năm nay. Đó đích thực là văn minh. Quay về và tìm hiểu sâu những giá trị tâm linh của cha ông ta xưa là khơi mở suối nguồn huyết thống, là nhìn nhận những giá trị không thể thiếu làm căn bản cho đời sống con người ngày hôm nay.

Giá có thể, vào tháng 7 này, cả dân tộc cúi đầu dành một khoảnh khắc thương tưởng đến những đồng bào của mình đã ra đi vì bệnh dịch... hàng ngàn người, hàng ngàn gia đình mất mát tang thương.

Giá có thể, vào tháng 7 này, cả dân tộc cúi đầu dành một khoảnh khắc thương tưởng đến những đồng bào của mình đã ra đi vì bệnh dịch... hàng ngàn người, hàng ngàn gia đình mất mát tang thương.

Năm 2021, Vu Lan thắng hội và lễ “Xá tội vong nhân” năm nay, đất nước oằn mình tang thương bởi những sự mất mát, những chết chóc và dịch bệnh tràn lan. Bởi dịch bệnh, nhiều sự ra đi không được chuẩn bị, không một tiếng kệ lời kinh, càng không có người thân, bạn bè bên cạnh. Những ai oán, tức tưởi, những đớn đau quặn thắt một kiếp người..

Giá có thể, vào tháng 7 này, cả dân tộc cúi đầu dành một khoảnh khắc thương tưởng đến những đồng bào của mình đã ra đi vì bệnh dịch... hàng ngàn người, hàng ngàn gia đình mất mát tang thương. Giá có thể, mỗi người phát nguyện hồi hướng một điều lành cho những cuộc đời đã dừng lại trong bệnh tật, cô độc.

Chúng ta làm gì cũng được, nguyện sống tốt lên cũng được, thở cho an lành hơn cũng được, đi tiêm phòng dù còn phân vân đến rủi ro hay hiệu quả của vacxin cũng được, phóng sinh hay từ thiện cũng được... nhưng xin hãy đừng dửng dưng. Xin gửi lòng thương tưởng, xin cúi đầu tiễn biệt những người con của dân tộc mình đã ra đi trong nạn dịch lần này.

Cũng xin nhớ câu “xá tội vong nhân” mà mở rộng lòng, mà dùng từ tâm để cư xử với bản thân mình, với gia đình và với tha nhân. Đồng bào mình ngoài kia, bao người vừa phải “hồi hương” trong sự đói khát, sức cùng lực kiệt để tìm về một nơi nương náu cuối cùng là quê mẹ.

“Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” và những người ta gọi là tha nhân ấy, dù “không ai nhớ mặt, đặt tên, nhưng họ đã làm ra đất nước”.

Xin nguyện những lời nguyện đẹp và lành nhất cho dân tộc Việt, cho quý vị, cho tôi và tất cả những sinh linh trong ba nẻo sáu đường, nếu có tội lỗi thì được thứ tha, nếu mang ân thì hướng tâm nguyện báo đền cho tròn vẹn, nếu đang được hiến tặng dù chỉ là chút bình an, xin hãy trân quý. Dù dịch bệnh, dù giãn cách và dù chúng ta không thể có mặt cùng nhau để thắp lên những ngọn nến, tụng những lời chú, biến kinh; không thể lập đàn chẩn tế. Dù không thể phóng sinh hay làm thiện nguyện, chúng ta vẫn có thể hiến tặng lòng lân mẫn, tình thương và sự bình an..

Nguyện cầu đến quý vị một mùa Vu Lan thật đẹp, thật lành!

loading...