Kiến thức

Phật pháp nhiệm màu: Sống đời chánh nghiệp (II)

Thứ hai, 21/02/2021 03:37

Từ ngày ăn chay niệm Phật, chọn nghề bán phong lan tới giờ, gia đình chị thấy thoải mái, ung dung. Trong nhà chị, có bảy người (bà nội, hai vợ chồng và bốn đứa con) thì có bốn người ăn chay.

Thành tâm cảm ứng Phật nhiệm màu

Trước kia, khi thờ cúng mỗi tháng tôi chỉ thay nước hai lần, vào ngày rằm và ngày 30, bông hoa tôi cũng không mua, vì nghĩ bông hoa cúng xong không ăn được. Bởi chưa hiểu về Phật pháp nên chỉ mua trái cây, cái gì ăn được thì mới cúng. Tôi chưa để tâm coi sóc gian thờ một cách cẩn thận. Nay tôi bắt đầu thay nước ngày hai lần, hoa tươi, trái cây ngon mang lên cúng. Có lẽ do tôi thành tâm nên dần dần về sau cứ tới giờ tụng kinh anh ấy lại giục: “Em ơi, tới giờ tụng kinh rồi, em về tụng kinh đi”. Khi thấy tôi đi chùa, anh lại còn khuyến khích. Lạ thật! Mới đây anh ấy còn phản đối mà bây giờ lại thay đổi nhanh như thế. Trước kia, anh bảo thương vợ nên chở vợ đi chùa chứ anh không vào chùa lạy Phật đâu. Bây giờ, anh tự động chở tôi đi chùa, mồng hai tết vừa rồi anh cũng tự động đi vào lễ Phật. Mồng sáu Tết, quý thầy bảo hai vợ chồng tôi xuống chùa từ 4 giờ sáng để đi phóng sinh. Hôm đó, anh không đi ra chợ, mà từ 4 giờ sáng đã dậy chở tôi đi chùa. Đến 6 giờ sáng, thì vào ăn sáng, anh nhìn thấy nếp ăn của sư phụ mà học hỏi thêm. Trước kia, mẹ anh đi chùa, ăn uống cẩn thận, cách xỉa răng cũng từ tốn thì anh xem đó là “già mà còn điệu”. Nên giờ anh nghĩ thương cha mẹ, mẹ chỉ dạy như vậy nhưng anh không biết, không nghe lời. Anh nói với tôi: “Thiệt, giờ anh quý các thầy quá, giờ cứ cúng dường Tam Bảo thật nhiều để tạo phước”. Có sự thay đổi này, là do gia đình tôi có nhân duyên đón quý thầy ở chùa Hoằng Pháp về phóng sinh ao cá. Trước đó, anh chưa gặp gỡ với quý thầy bao giờ nên không có thiện cảm với chư Tăng. Nhưng sau khi gặp gỡ, nhờ thầy chỉ dạy nên anh mới dần nghe và tin vào Phật pháp. Anh nói: “Ai không tin thì không tin, chứ giờ anh tin tưởng một trăm phần trăm rồi đó. Giờ con mình từ từ rồi nó sẽ tin em ạ! Trước đây, mình chưa biết bán nghêu, sò, ốc, hến, cá là điều ác nên mới tạo ác, mới bị quả báo như thế!”

Đến khi hiểu biết được Phật pháp, giác ngộ ra mới thấy rằng có nhân - quả, có tội - phước, có đời này - đời sau.

Đến khi hiểu biết được Phật pháp, giác ngộ ra mới thấy rằng có nhân - quả, có tội - phước, có đời này - đời sau.

Ngày trước, chồng tôi hay mở phim kiếm hiệp xem, hễ tôi mở băng đĩa giảng pháp là anh ấy dẹp ngay. Nhưng bây giờ ngày nào anh ấy cũng mở đĩa Phật pháp, cứ mỗi bữa ăn cơm anh ấy đều mở một đĩa. Khi ra chợ, anh ấy niệm Phật, còn tôi niệm Đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhiều lúc tôi sợ anh quên nên lâu lâu lại hỏi: “Anh ơi, anh học bài chưa?”. Anh bảo: “Nhớ, nhớ, nhớ!” Đôi khi, bảo niệm Phật người ta cười, nhiều người còn chế nhạo đủ kiểu, thành thử hai vợ chồng thường bảo ban nhắc nhở nhau. Lúc đi ngủ, lại tiếp tục để máy niệm Phật ở trên đầu giường mới ngủ được! Ngày trước nghe câu niệm Phật là anh ấy không thích nhưng giờ cũng không hiểu lý do vì sao anh lại thay đổi nhanh thế. Từ chỗ mình bán cá thu nhập ngày mấy trăm nhưng bây giờ thu nhập dù có ít hơn chút mình cũng chịu mà vui cửa vui nhà, gia đình êm ấm.

Trước kia, nghĩ đến ăn chay tôi sợ. Lúc hết đồ ăn mặn, thì lại ăn bữa chay tôi cảm giác nhạt miệng, không có mùi vị gì. Từ hôm lễ vía A Di Đà trở về nhà, tôi phát tâm ăn chay trường. Tôi ăn chay được khoảng nửa tháng, cũng chưa dám hứa gì, nhưng nếu ăn chay được thì sẽ ăn chay luôn. Có hôm tôi thử đi ăn tiệc cưới, tự nhiên trong người tôi thấy khó chịu khi ăn đồ mặn. Từ đó, tôi quyết định ăn chay trường, còn chồng tôi ăn chay một tháng mười ngày. Lúc đầu ăn chay một tháng bốn ngày, anh bảo ngán. Về sau này, anh ăn chay được mười ngày, tôi thấy vậy cũng mừng. Đối với các con, lúc đầu thấy mẹ đi chùa, chúng tưởng mẹ bị bùa ngải gì nên buồn. Nhưng bây giờ, các con tôi đã ăn chay và niệm Phật rất hay. Hôm mồng ba tết, tự tay tôi làm ba mâm cơm chay, con cháu về rất đông đủ. Những năm trước, tôi cúng đồ mặn, con cháu về không đủ, thiếu đứa nọ đứa kia, mà giờ về đông vui.

Những điều này mới nhiệm màu thay, hôm mùng một Tết, cháu nội tôi đòi đi câu cá. Câu được hai con cá, nó lạch cạch xách vào khoe với tôi và mẹ nó. Con tôi bảo cháu: “Con đưa cá ra thả ngoài suối ấy”. Nghe thế cháu tôi bảo: “Cá ơi, cá đi ăn tết nhé! Chiều anh về, anh chơi với cá”. Rồi nó cứ kéo cái thùng xô đi, tôi mới hỏi: “Cháu ơi! Cháu kéo đi đâu thế?”. Cháu tôi đáp: “Bà nội ơi, con đem con cá ra suối thả cho cá đi ăn tết”. Nghe vậy, tôi mừng lắm, cháu gần ba tuổi mà đã có thể hiểu chuyện, giờ cháu như tờ giấy trắng, chỉ nói một xíu đã tiếp thu được ngay. Tôi rất mừng. Ngày xưa, bởi nghèo khổ, không có điều kiện đưa con đi chùa, không biết Phật pháp như thế nào. Bây giờ biết đến Phật pháp, gia đình tôi yên ổn, tôi xin cảm ơn thầy trụ trì và tất cả quý thầy chùa Hoằng Pháp đã mua ba ao cá nhà tôi để phóng sinh, giúp chúng tôi biết và hiểu về Phật pháp. Giờ đây gia đình tôi đã biết tránh dữ hướng thiện, chúng tôi bán hết cá, chuyển sang trồng hoa phong lan.

Trước kia, nhà tôi nuôi cá trong ba cái ao, còn lấy nghêu, sò, ốc, hến bán thêm; sau đó còn định mua cối để xay cua. Theo cách nhìn của nhà Phật thì hành động đó có tội lớn. May mắn thay tôi giác ngộ được và bỏ nghề buôn bán cá, nghêu, sò, ốc, hến. Khi không còn bán cá nữa, tôi chuyển sang bán bông hoa, bán rau nhưng cũng ế ẩm, thu nhập ít. Vừa rồi, khi các quý thầy lên nhà, giới thiệu tôi với chị Diệu Liên, chị ấy đã dìu dắt, chỉ bảo gia đình tôi chuyển sang trồng hoa phong lan. Vợ chồng tôi xem các quý thầy như người cha thứ hai, đã cứu độ gia đình tôi. Và chị Diệu Liên đã giúp chúng tôi theo nghề trồng hoa phong lan để tránh gieo những nhân xấu, ác.

Chị Diệu Liên có xuất phát giống gia đình tôi là cũng từng bán cá rồi chuyển sang bán phong lan khi đã biết đến Phật Pháp. Trước đây, gia đình chị nuôi cá lóc đồng được 10 năm, trung bình mỗi năm phá cá hai lần, được 120 triệu đồng tiền lãi. Gia đình chị nuôi cá với mong muốn có đủ tiền nuôi bốn đứa con đi ăn học. Vào đầu năm 2005, nhân dịp đi Núi Cấm ở Châu Đốc chị được nghe một vị thầy giảng về Phật pháp. Từ xưa chị chưa biết Phật pháp, chưa biết ăn chay, đi chùa, suốt ngày chỉ đi làm để lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng sau khi nghe được lời thuyết pháp của thầy, chị tự nhìn lại mình, thấy mình đã gây quá nhiều nghiệp chướng, nhưng nếu nghỉ nuôi cá làm sao có tiền nuôi bốn đứa con ăn học?

Chị đem chuyện của mình tâm sự với người bạn đi cùng chuyến xe, người bạn động viên: “Nếu chị muốn chuyển nghề thì chị hãy thường xuyên niệm mẹ Quan Âm cứu khổ, cứu nạn để tâm mình được sáng suốt hơn và muôn điều tốt lành sẽ đến cho chị”. Chị ấy nghe và làm theo, niệm Phật không bao lâu, quả thật Phật pháp nhiệm mầu, khoảng hai tuần sau chị được Hội Nông Dân huyện cho đi dự tập huấn chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, với mô hình là con bò sữa, cây bonsai, hoa lan. Khi về, chị bàn với gia đình chọn trồng cây hoa lan. Mới đầu chỉ trồng được 1.000m2 với ba ngàn gốc lan, sáu tháng sau chị thu hoạch trung bình bốn triệu đồng/tháng. Như vậy, một năm gia đình chị ấy trồng phong lan lãi được 48 triệu. Sau đó, chị ấy mạnh dạn mở rộng hết diện tích đất còn lại, hiện giờ được 20 ngàn gốc lan. Bây giờ cây còn nhỏ, chưa có được thành phẩm, nếu như 20 ngàn gốc lan trưởng thành thì mỗi tháng thu lãi được khoảng 70 - 80 triệu đồng. Hiện giờ một tuần chị thu được bảy triệu đồng.

Ngày xưa, khi gia đình chị còn nuôi cá, chị bệnh và phải đi bệnh viện hoài. Bác sĩ cũng phải lắc đầu nói: “Sao nhìn chị nhỏ con mà cái bệnh nào cũng ngặt nghèo vậy!” Cho tới ngày gặp được thầy, tin vào Phật pháp chị tự nhận ra sai lầm của mình. Từ đó, chị quyết định ăn chay rồi chuyển sang trồng lan. Bây giờ, chị đã ăn chay trường được bốn năm. Gia đình chị có bốn đứa con, hai đứa đi học Đại học Y Dược, một đứa đi học tiếng Hàn, một đứa đang học cấp hai. Hiện giờ, gia đình chị cũng tạm ổn.

Vì sao hành trì kinh Dược Sư lại chuyển hóa được ách nạn, bệnh tật?

Suốt 10 năm nay chị được công nhận là nông dân sản xuất giỏi của thành phố, năm nào cũng được lãnh giấy khen hai lần, thưởng hai lần. Khi chị chuyển sang trồng lan, mọi người cứ hỏi: “Chị nuôi cá có lời mà tại sao không chịu nuôi nữa, chuyển sang trồng lan làm chi? Tui thấy chị trồng lan thu nhập không có bằng đâu!” Chị mới nói: “Thưa với chị em, không phải nuôi cá có lãi nhiều mà mình tham đâu. Ngày xưa chưa biết Phật pháp, ngày hôm nay mình đã biết Phật pháp thì mình phải cố lòng tránh xa nghiệp chướng. Chắc có lẽ, vì trước đây mình gây nghiệp chướng nên mang nhiều bệnh nặng như vậy. Rồi từ ngày biết ăn chay niệm Phật tới giờ, dường như bệnh tật đi đâu mất rồi. Hồi trước, cứ bị bệnh này bệnh kia, thoái hóa đốt sống cổ rồi nhiều thứ bệnh tưởng không chữa trị được. Cũng nhờ có mọi người động viên, nhờ quý thầy động viên để có mãnh lực, thúc đẩy đi theo con đường Phật pháp. Nếu là người đời, càng đua thì càng thấy thua. Bởi, thí dụ người ta có một nhà lầu, mình cũng muốn có một nhà lầu, hoặc khi người ta có hai nhà lầu, mình cũng muốn có hai nhà lầu thì đến khi người ta có ba nhà lầu, mình lại phải chạy đua tiếp… Cứ như thế, thành ra trong đầu lúc nào cũng đau khổ, nghĩ mình thua người ta, mình đau khổ vô cùng. Từ ngày biết Phật pháp tới giờ, tâm hồn không còn chạy đua với đời nữa, phải dốc lòng niệm Phật, theo dấu chân của Phật để mỗi ngày của mình được tốt đẹp hơn”.

Khi chị chuyển sang trồng lan, cũng có người ngoài bảo chị: “Giờ chị mở ra quán, bề ngang là 100m, bỏ ra chừng khoảng hai trăm triệu thôi mà không bao lâu lấy lại vốn dễ dàng”. Chị đáp: “Không, bây giờ có tiền chất chồng cỡ bao nhiêu đi nữa cũng không làm. Ngày xưa tui ham tiền lắm, cỡ như ai kêu tui làm gì mà có tiền là tôi làm, còn bây giờ thì không. Mô Phật! Tôi đã niệm Phật rồi, bây giờ tôi cầu cho ơn trên gia hộ cho tất cả bá tánh vạn dân, cho tất cả dòng họ cô bác ông bà, đất nước được an vui thái bình là điều đó tui hạnh phúc với lòng tui”.

Nhìn vào gia đình chị, tôi cũng học tập được nhiều điều. Từ ngày ăn chay niệm Phật, chọn nghề bán phong lan tới giờ, gia đình chị thấy thoải mái, ung dung. Trong nhà chị, có bảy người (bà nội, hai vợ chồng và bốn đứa con) thì có bốn người ăn chay. Ban đầu, mẹ chồng chị ăn chay, bà năn nỉ: “Con ăn chay được ngày mồng một tết là tốt cả năm luôn đó, con ráng ăn chay một ngày”. Chị nghe vậy, từ chối: “Má ơi, con ăn chay không được má à!” Còn chồng chị hiền và thật thà lắm nhưng cũng bảo: “Tui ăn chay không có được!” Sau này, khi nhà chị phát tâm ăn chay tới giờ, nhìn lại chỗ người ta bán thịt heo là thấy sợ rồi. Bởi thế, Phật pháp nhiệm mầu xoay chuyển cho chị có được tâm lành, sáng suốt. Gia đình chị ăn chay được bốn năm, mấy đứa con cũng ăn chay trường theo được hai năm.

Tôi rất biết ơn chị khi đã dìu dắt tôi chuyển sang nghề bán phong lan. Người ta thường nói: “Thà cho vàng, chứ không dẫn đàng đi buôn”, ít ai có thể chỉ nghề của mình cho người khác, mà nhất là trong việc làm ăn buôn bán. Thế mà vì một lòng hướng đến Phật pháp, chị chia sẻ cho tôi nghề trồng lan, hướng gia đình tôi đến nghề nghiệp tốt lành.

Nhân vật: Phật tử Nguyễn Thị Duệ

Điều quan trọng là người Phật tử khi hiểu được Phật pháp phải có tâm tu

Điều quan trọng là người Phật tử khi hiểu được Phật pháp phải có tâm tu

Nhận định của thầy Thích Chân Tính

Trong cuộc sống, nếu chúng ta chưa hiểu Phật pháp, thì ai cũng vậy, lúc mới sinh ra đến khi lớn lên chỉ biết ăn rồi học. Khi lập gia đình có vợ, có chồng, có con lúc đó chúng ta phải làm việc để có tiền nuôi bản thân, nuôi gia đình. Những người hiểu biết được nhân quả, tội phước thì tránh những nghề sát sinh hoặc nghề bất chính. Còn những người chưa hiểu Phật pháp làm bất cứ nghề gì miễn là có tiền nuôi sống bản thân, cũng có thể làm những nghề bất chính, thậm chí ăn trộm, ăn cướp để có tiền. Có những người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến họ phải làm những nghề bất chính hoặc những nghề tội lỗi khác. Cũng có những người vì ham làm giàu nên họ bất chấp đến nhân quả, miễn sao có tiền làm giàu là được. Từ chỗ đó mà con người chúng ta mỗi ngày càng gần đến con đường tội lỗi.

Qua câu chuyện của hai cô Phật tử Nguyên Huệ và Diệu Liên, chúng ta cũng thấy là các cô vốn không biết đến Phật pháp, không biết đến nhân quả, tội phước. Khi sinh ra, lớn lên, lập gia đình rồi phải kiếm việc làm để có tiền nuôi sống gia đình. Rất đơn giản, có nhiều khi cứ nghĩ rằng mình không đi ăn cướp, không đi giết người, không làm những nghề quốc cấm là không có tội lỗi. Đến khi hiểu biết được Phật pháp, giác ngộ ra mới thấy rằng có nhân - quả, có tội - phước, có đời này - đời sau. Khi hiểu được thì trong quá khứ chúng ta cũng đã gây tạo rất nhiều nghiệp ác. Thế nhưng, cũng có những người - sau khi hiểu biết về việc làm của mình, nghề nghiệp của mình là tạo nghiệp xấu - họ liền nỗ lực từ bỏ để tạo cho mình một nghề nghiệp chính đáng mà trong đạo Phật gọi là chính mạng (nuôi mạng chân chính). Sức mạnh của hai cô là sức mạnh dám từ bỏ nghề mà mình kiếm được rất nhiều tiền so với nghề mình làm sau này. Có những người quy y Tam bảo, biết rõ nghề của mình làm là nghề sát sinh, là nghề bất chính thế nhưng lợi nhiều quá nên họ không dám bỏ. Thậm chí có những người quy y Tam bảo rồi, thọ trì năm giới, trong đó có giới sát sinh là giới cấm đầu tiên, thế mà họ vẫn làm nghề sát sinh. Vì họ thấy lợi quá lớn, bây giờ bỏ nghề để kiếm một cái nghề khác cho phù hợp với lời Phật dạy thì sợ rằng lợi nhuận không bằng khi làm nghề cũ, do vậy họ vẫn tiếp tục làm. Thế nhưng hai Phật tử trên đây rất đáng để chúng ta tán thán, đó là dám từ bỏ, dám chuyển đổi nghề nghiệp mình làm trước đây khi biết rằng nghề đó là nghề gián tiếp sát sinh.

Nghệ sĩ Châu Thanh nhờ niệm Phật đã hết bệnh viêm gan siêu vi c

Vậy điều quan trọng là người Phật tử khi hiểu được Phật pháp phải có tâm tu, tu có nghĩa là sửa nên phải mạnh dạn sửa đổi, thay đổi, chuyển đổi thói hư tật xấu và nghề nghiệp của mình từ tà đến chính. Như vậy mới gọi là người Phật tử chân chính. Ngược lại, chúng ta đã là Phật tử, quy y Tam bảo, thọ trì năm giới mà vẫn làm những nghề sát sinh vì cái lợi quá lớn, như thế là không có trí tuệ vì không thấy được hậu quả trong tương lai. Có thể ngày hôm nay mình có một số tiền hưởng thụ trong một đời, thế nhưng quả báo của việc sát sinh và những nghề bất chính là gấp trăm lần, ngàn lần. Đức Phật dạy những người làm nghề sát sinh như thế, sau khi từ bỏ thân này phải đọa vào ác thú, cụ thể là địa ngục, có thể là ngạ quỷ, hoặc có thể là súc sinh. Ăn ở thế gian này năm năm, mười năm, năm mươi năm, hay một trăm năm cũng chẳng là bao nhiêu so với cái khổ ở địa ngục một ngày. Trong khi đó, chúng ta đọa địa ngục không biết bao nhiêu năm, bao nhiêu kiếp, hết địa ngục rồi lên ngạ quỷ, súc sinh, và lúc trở lại làm người thân hình của chúng ta không được đầy đủ, có thể bị tàn tật. Nếu thân hình đầy đủ thì hay ốm đau, bệnh hoạn hoặc chết yểu, đó là quả báo rõ ràng.

Tôi thấy không ít những Phật tử đã quy y Tam bảo, thọ trì năm giới rồi vẫn làm những việc sát sinh. Rất tiếc, những vị đó chưa đủ bản lĩnh và chưa nhận thức được nhân quả một cách sâu sắc, để rồi bàn tay cứ tiếp tục gây tạo những nghiệp ác, nghiệp xấu cho chính bản thân mình. Cho nên, qua đây rất mong tất cả Phật tử, những người con Phật, luôn luôn mang trong tâm mình hoài bão làm thế nào để Phật pháp được phổ biến bằng mọi cách, bằng mọi phương tiện. Các vị có thể bằng phương tiện nào đem đến Phật pháp cho những người xung quanh được thì quý vị nên làm. Quý vị nên có tấm lòng đó, như vậy sẽ giúp được nhiều người hiểu Phật pháp, thay đổi cuộc sống, không tạo ác nghiệp, đó là tâm nguyện của những người con Phật chúng ta. Quý vị nên hứa với lòng và cố gắng làm được điều đó để góp phần giúp cho Phật pháp được trường tồn, được phổ biến, giúp cho mọi người biết tu, biết thay đổi nghiệp xấu hướng đến những điều tốt đẹp.

(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 28)

loading...