Kiến thức

“Phật tại Tâm” theo góc nhìn của Vua Trần Thái Tông

Chủ nhật, 22/02/2022 08:38

Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên khai sáng ra triều đại nhà Trần, nhờ sự giác ngộ mà nhà vua đã đưa ra một quan điểm mới về đức Phật rất gần gũi, dễ tu, dễ chứng đó là quan điểm “Phật tại tâm”.

Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên khai sáng ra triều đại nhà Trần, nhờ sự giác ngộ mà nhà vua đã đưa ra một quan điểm mới về đức Phật rất gần gũi, dễ tu, dễ chứng đó là quan điểm “Phật tại tâm”.

Khuông Việt Online xin trân trọng giới thiệu bài phân tích cuả Sư cô Diệu Tâm:

Theo Đại Việt sử ký toàn thư viết về vua Trần Thái Tông: (1218-1277), họ Trần, tên húy là Cảnh, trước tên là Bồ, làm Chi hậu chính triều Lý, được Chiêu Hoàng nhường “Vua Trần Thái Tông ngôi, ở ngôi 33 năm (1266-1258), nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi (1218-1277) băng ở cung Vạn Thọ, tang ở Chiêu Lăng.

Vua khoan đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ dựng cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy. Song quy hoạch việc nước điều do Trần Thủ Độ làm và chốn buồng the cũng có nhiều điều hổ thẹn.” (1)

Duyên khởi quan điểm “Phật tại tâm” ra đời nguyên do vua Trần Thái Tông lên ngôi còn nhỏ nên mọi việc trong vương triều đều một tay Trần Thủ Độ nắm quyền điều hành. Đứng trước nghịch cảnh Trần Thủ Độ ép vua phải bỏ Chiêu Thánh tức là Lý Chiêu Hoàng để cưới người chị của Chiêu Thánh là Thuận Thiên, mà Thuận Thiên lại là vợ của anh trai mình tức Trần Liễu, đã mang thai ba tháng. Những đau khổ nội tâm dằng xé, không thay đổi được cục diện, bất  mãn thời cuộc cho nên vua Trần Thái Tông quyết bỏ ngai vàng trốn lên núi Yên Tử với mục đích mong cầu làm Phật và quan điểm “Phật tại tâm” bắt đầu hình thành khi gặp được Quốc sư(2) Phù Vân hỏi nguyên cớ vì sao mà vua lại tìm đến chốn núi rừng này thì vua hai hàng nước mắt tuôn trào vì những uẩn khúc mà nhà vua trẻ đang phải gánh chịu mà thưa rằng “Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào nương tựa.

Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên trẫm mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chứ chẳng muốn tìm gì khác” và thầy đáp “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại và trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật”(3). Lĩnh hội được lời chỉ dẫn của Quốc sư, khi mà chí nguyện xuất gia không thành nhà vua đành ngậm ngùi quay trở về triều nội nhiếp chính, có thời gian rảnh thì tham thiền, nghiên cứu kinh điển. Ngài rất tinh tấn tu thiền, chính vì thế mà ngài đã đắc đạo, giác ngộ khi còn ngồi trên ngai vàng. Ngài đã hưởng được niềm vui pháp lạc ngay tại hiện tiền.

Như vậy “Phật Tại tâm” được định hình từ đây. Phật tại tâm tức tâm Phật nghĩa là nương vào tâm mà thành Phật. Cái Tâm tính thiên nhiên của mình vốn trọn lành, cũng như đức Phật. Nương theo tâm ấy, ắt thành Phật nên gọi tâm ấy là tâm Phật. Tâm mình với tâm Phật cũng như nhau(4). Qua đây chúng ta cần hiểu về tâm một cách thấu đáo.

Theo kinh Pháp cú miêu tả về tâm “Ý dẫn đầu các pháp/Ý làm chủ ý tạo…”(5). Kinh Hoa Nghiêm chủ trương “Pháp giới duy tâm”, tất cả các pháp trong pháp giới đều do tâm biến tạo ra. Theo Phật Quang đại từ điển thì Tâm là “Phạm: Citta; Hán âm: Chất đa. Cũng gọi là tâm pháp, tâm sự. Tức là pháp tuy xa lìa đối tượng nhưng vẫn có tác dụng tư duy”(6), Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ cho rằng “Cái tâm muôn pháp là tâm Phật”(7), còn đại thi hào Nguyễn Du thì đặt chữ tâm nặng bằng ba chữ tài “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”(8). Ngang qua đây thì chúng ta thấy tâm rất quan trọng, mọi hành động, tác ý của con người điều do tâm tác động, tội- phước, Phật – chúng sinh, đều do tâm quyết định. Cho nên chúng ta hiểu vì sao mà đại thi hào Nguyễn Du đặt nặng chữ Tâm đến như vậy mặc dù ông không phải là hàng xuất gia.

Với quan điểm “Phật tại tâm” thì ở đâu có con người, ở đó có sự giác ngộ. Điều kiện cần và đủ để thành Phật đó là “Lòng lặng mà biết”, vua Trần Thái Tông đã mở ra cho thần dân của mình một phương pháp tu tập thuận tiện dù ở bất cứ cương vị nào cũng có thể tu thành Phật.

Với quan điểm này chúng ta thấy sự bình đẳng Phật tính trong mỗi người, dù trai, gái, già, trẻ, bé lớn, người giàu, người nghèo, người trí thức, người không trí thức… tất cả đều có thể thành Phật và điều này đã được đức Phật khẳng định trong kinh Pháp Hoa “Ta và chúng sinh có cùng Phật tính”,“Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”(9). Chính vì thâm nhập, lĩnh hội được lời dạy của đức Thế Tôn cho nên vua Trần Thái Tông đã khẳng định trong Niệm Phật luận “Thân ta tức thân Phật, không có hai tướng”(10). Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói trong quyển Thượng sĩ ngữ lục cho rằng “Mày ngang mũi dọc cũng như nhau, Phật với chúng sinh không khác mặt”(11), còn vua Trần Nhân Tông tiếp nối yếu chỉ trong Cư trần lạc đạo phú như sau “Bụt ở trong nhà, Chẳng phải tìm xa, Nhân khuấy bổn nên ta tìm bụt, Chỉn mới hay chính Bụt là ta”. 

Như vậy các vị thiền sư đời Trần đã chứng ngộ cho nên đã hiểu rõ thân Phật và thân ta không khác, chỉ khác nhau là thân Phật giác ngộ không còn trần cấu, còn thân ta chưa giác ngộ nguyên nhân do bụi trần bám víu, vì thế để chứng được thân Phật thì mọi người thực hành theo giáo pháp của Phật, bằng cách sám hối lục thời mà trong Khóa hư lục vua Trần Thái Tông đã chỉ rõ, vì sao phải sám hối sáu căn?

vua-tran-thai-tong-1447

Phật tại tâm tức tâm Phật nghĩa là nương vào tâm mà thành Phật. Cái Tâm tính thiên nhiên của mình vốn trọn lành, cũng như đức Phật. Nương theo tâm ấy, ắt thành Phật nên gọi tâm ấy là tâm Phật. Tâm mình với tâm Phật cũng như nhauDo vì trong cuộc sống hằng ngày khi chúng ta tiếp xúc với lục trần bị đắm nhiễm như ngài Tuệ Trung đã nói “Ngày ngày tâm đối cảnh, cảnh cảnh từ tâm sinh…”(12) khi chúng ta tiếp xúc với cảnh, dính mắc vào cảnh, khi mắt thấy sắc đẹp ưa nhìn dẫn đến muốn chiếm hữu, tai thích nghe âm thanh êm dịu, mũi thích mùi ngửi hương thơm, lưỡi thích ăn ngon, thân thích mặc gấm lụa cao sang… do vậy nên tâm bị che mờ, bị dính mắc bởi sắc trần mà quên lối về bổn sở, vua Trần Thái Tông nói:

Tỷ trước chư hương thiệt tham vị

Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn chương

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách

Nhật viễn gia hương vạn lý trình

Dịch:

“Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng,

Mắt theo hình sắc, mũi theo hương,

Lênh đênh làm khách phong trần mãi

Ngày hết, quê xa vạn dặm đường” (13).

Hay trong Khóa Hư Lục: “Một tảng mây bay qua cửa núi, bao chim lại tổ lạc đường về”(14) muốn về quê hương mà quên mất đường đi, đi sai đường lạc lối vì thế nên Ngài khuyên mọi người cần tu tập, tinh tiến “Nếu đã là con mắt sáng, kíp nên phản tỉnh hồi quang; cất mình vượt hố sinh tử, giang tay xé toạt lưới ái ân; nam cũng vậy, nữ cũng vậy, đều có thể tu;trí cũng thế, ngu cũng thế, đều có dịp”(15). Như vậy để được an lạc, hạnh phúc ngay giữa cõi đời thì bất kì ai cũng có thể tu được, bất kì ai cũng có thể thành Phật  được. Tinh thần thiền tông đời Trần đã mở ra cho nhân loại một lối đi mới dễ dàng tiếp cận với giáo lý Phật Đà chỉ cần “lòng lặng mà biết, đó chính là chân Phật”.

Theo vua Trần Thái Tông cần phải “Biện tâm” tức là gọt bỏ những uế trượt đeo bám ở tâm đã bao đời như kinh pháp cú diễn tả “Tâm khó thấy tế nhị, Theo các dục quay cuồng…”(16). Hay trong kinh Di giáo đức Phật ví tâm chúng sinh như “Tâm viên ý mã” nghĩa là con vượn tâm và con ngựa ý, tâm tức là vượn, ý tức là ngựa. Tâm ý tán loạn, không yên trụ, cũng như con vượn chuyền cành, con ngựa chạy bậy, cho nên kêu là tâm viên ý mã. Cái tâm tưởng thì nghĩ việc này chưa dứt đến nghĩ việc khác, cái ý muốn thì mong chuyện kia và mong chuyện nọ. Trong “Tham đồng khế chú” có câu “Tâm viên bất định, ý mã tứ trì dịch vượn tâm chẳng yên định, Ngựa ý kéo xe tứ mã mà chạy dông”(17).

Tâm chúng sinh luôn lăng xăng, biến đổi, hết chạy đông rồi chạy về tây, thiền sư Khương Tăng Hội đã chỉ ra được sự giao động của tâm “Trong khoảng búng tay, tâm ta chuyển chín trăm sáu mươi lần, một ngày một đêm, mười ba ức ý”(18), vì thế tâm chúng ta giống như tấm gương dính bụi, ngày ngày cần phải lao chùi như ngài Thần Tú đã nói trong bài kệ trình pháp:

Thân thị bồ-đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài.

Thời thời cần phất thức,

Vật sử nhạ trần ai.Dịch:

Thân như cây bồ-đề,

Tâm như đài gương sáng.

Luôn luôn phải lau chùi,

Chớ để dính bụi nhơ”(20)

unnamed-1448

Theo vua Trần Thái Tông cần phải “Biện tâm” tức là gọt bỏ những uế trượt đeo bám ở tâm đã bao đời như kinh pháp cú diễn tả “Tâm khó thấy tế nhị, Theo các dục quay cuồng…”Để lau chùi bụi bặm vua Trần Thái Tông đã đưa ra những phương pháp tu tập trong như Niệm Phật, sám hối lục thời, điều cốt tủy là phải thiền định, điều này đức Phật dạy “Này các Tỳ kheo! Hãy tu tập thiền định thì hiểu biết một cách như thật. Sắc tập khởi và sắc đoạn diệt, thọ tập khởi và thọ đoạn diệt, tưởng tập khởi và tưởng đoạn diệt, hành tập khởi và hành đoạn diệt, thức tập khởi và thức đoạn diệt”(19).

Vua Trần Thái Tông đã đưa ra những tấm gương cổ đức Thánh Hiền trong tam giáo cũng từng ngồi định mà thành tựu “Thích Ca Văn Phật vào núi Tuyết Sơn, ngồi định sáu năm, Chim thước làm tổ trên đầu, cỏ mọc xuyên qua bắp vế, thân tâm vẵn tự như, Tử Cơ dựa ghế ngồi, hình như cây khô, tâm như tro nguội. Nhan Hồi tọa vong, rời thân thể, bỏ phán đoán, lìa ngu trí, cùng thông với đại đạo”(20), có thiền định thì tâm ta lắng đọng, ta có thể quan sát tâm một cách thấu đáo, khi thân tâm hợp nhất thì trí huệ sẽ phát sinh, tâm thanh tịnh,  thấy được thực tướng của vạn pháp đều không, không dính mắc vào bất kì sự vật, hiện tượng nào như Tổ Huệ Năng đã ngộ.

Bồ-đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Bản lai vô nhất vật,

Dịch:

Bồ-đề vốn không cây,

Gương sáng cũng chẳng đài.

Xưa nay không một vật,

Chỗ nào dính bụi nhơ?”

Khi trí tuệ sáng soi, thì chúng ta sẽ hiểu thấu triệt được như Tổ Huệ Năng đã thấy, thấy đời vô thường, khổ, vô ngã, quán chiếu ngũ uẩn giai không vượt thoát khổ đau, an nhiên tự tại sống giữa cuộc đời mà không bị đời chi phối, làm chủ được vận mệnh.

Một quan điểm nữa mà Quốc sư Phù Vân dạy cho vua Trần Thái Tông khi ở cương vị vừa làm vua vừa muốn làm Phật đó là “以天下之欲  為欲, 以天下之心為心; Dĩ thiên hạ chi dục vi dục,dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm” dịch “Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”(21) đây là một quan điểm tư tưởng ý thức hệ mới để an dân. Dạy vua thực hành theo con đường Bồ tát đạo “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”.

vi-sao-tran-thai-tong-dau-dau-uoc-nguyen-bo-ngai-vang-di-tu-hinh-4-1447 (1)

Một khi chúng ta muốn trở về chân tâm, Phật tính cần phải tu vô ngã, dẹp trừ sự chấp ngã chừng nào thì tiến dần về chân tâm chừng nấy. Cũng vậy một vị vua đứng đầu quốc gia thực hành vô ngã thì những gì hữu ngã không còn hiện hữu nữa như là ngôi vàng của ta, tài sản của ta, con ta, hoàng hậu ta, cung điện của ta, thần dân của ta thì khó mà làm được vị vua tốt, còn ngược lại, một khi vô ngã thì những cái ta biết mất chỉ còn lại cái chung. Đây cũng chính là xây dựng hình tượng mẫu người lý tưởng cho đất nước, nếu như người người đều tu và thực hành lời Phật dạy thì đất nước không còn chiến tranh, không còn những tệ nạn xã hội, thay vào đó là những con người sống với lý tưởng cao đẹp, sống vì  cộng đồng, đặt lợi ích chung lêntrên lợi ích riêng, biết hy sinh vìđại cuộc, đem lại hạnh phúc ấm no cho dân tộc Đại Việt.

Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, tư tưởng Phật tại tâm, tư tưởng vô ngã được vận dụng trong lộ trình tu tập cũng như trong cuộc sống dưới triều đại nhà Trần một cách thiết thực, nhà vua đã biến những ý muốn của thiên hạ, tấm lòng thiên hạ thành những tấm lòng cao đẹp của sự giác ngộ với chân tâm thường lạc.

Như vậy, vua trần Thái Tông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng trách của một quân vương đối với quốc gia, đối với thần dân Đại Việt. Bên cạnh đó, ngài còn là người mở đường cho thiền tông Việt Nam hình thành và phát triển.

Để lau chùi bụi bặm vua Trần Thái Tông đã đưa ra những phương pháp tu tập trong như Niệm Phật, sám hối lục thời, điều cốt tủy là phải thiền định, điều này đức Phật dạy “Này các Tỳ kheo! Hãy tu tập thiền định thì hiểu biết một cách như thật.

CHÚ THÍCH:

(1) Ngô Đức Thọ và Hoàng Văn Lâu dịch, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển V, Nxb Văn học Đông A, năm 2017, tr 21

(2) Quốc Sư 國師: là phong hiệu mà các tiều đại đế vương Trung Quốc phong cho các vị cao Tăng có học vấn và đức hạnh, có thể làm bậc thầy tiêu biểu cho một nước. Quốc sư có nghĩa là thầy của dân chúng trong nước và thầy của vua ;Sa môn Thích Quảng Độ dịch, Phật Quang đại từ điển, tập 4, Nxb Phương Đông, năm 2014, tr 5065

(3) Bài tựa sách Thiền Tông Chỉ Nam

(4) Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, Nxb Tổng hợp thành phố HCM, năm 2015, tr1102

(5) HT Thích Minh Châu, Kinh Pháp Cú, Nxb Tôn giáo, năm 2012, câu kệ 1.

(6) Sa môn Thích Quảng Độ dịch, Phật Quang đại từ điển, tập 4, Nxb Phương Đông, năm 2014, tr 5636

(7) HT Thích Thanh Từ giảng giải, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, Nxb Văn hóa-Văn nghệ, tr 263

(8) Mai Quốc Liên khảo chú, Nguyễn Du, truyện Kiều đoạn trường tân thanh, Nxb Văn Học, năm 2018, tr 245

(9) HT Thích Trí Tịnh, dịch kinh Diệu Pháp Liên Hoa

(10) Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải, Khóa Hư Lục, Nxb KH Xã hội- HN 1974, tr 104

(11) HT Thích Thanh Từ giảng giải, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, bài Phàm Thánh Không Hai,Nxb Văn Hóa- Văn Nghệ, năm 2016, tr 330

(12) HT Thích Thanh Từ giảng giải, Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, bài Ca Tâm Phật,Nxb Văn Hóa- Văn Nghệ, năm 2016, tr 95

(13) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, năm 2012, tr 188

(14) Thích Thanh Kiểm dịch, Khóa hư lục, Nxb Tôn giáo, năm 2003, tr 83

(15) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, năm 2012, tr 191.

(16) HT Thích Minh Châu, Kinh Pháp Cú, Nxb Tôn giáo, năm 2012, tr 30, câu kệ 36

(17) Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, Nxb Tổng hợp thành phố HCM, năm 2015, tr 1105

(18) Lê Mạnh Thát, Tổng hợp văn học Phật giáo Việt Nam, quyển 2, Nxb TP HCM, năm 2001, tr 307

(19) Kinh Tương Ưng Bộ III

(20) Thích Thanh Kiểm dịch giả, Khóa Hư Lục, bài Bàn về tọa thiền, Nxb Tôn giáo, năm 2003, tr 53

(21) Viện văn học (1989), thơ văn Lý-Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb KHXH, HN, tr 27-29”.

loading...