Sách Phật giáo

Phát triển bền vững GHPGVN nhìn từ góc độ quản trị

Thứ hai, 21/11/2017 11:43

Người có tâm đạo luôn ưu tư trước cơ đồ thịnh suy của Phật giáo, không ai không khỏi lo lắng khi nhìn thấy thực trạng sinh hoạt trong Giáo hội các cấp hiện nay. Từ cái nhìn của các nguyên tắc quản trị tốt như trên, GHPGVN cần nên thay đổi cách thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong bối cảnh xã hội, thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng như tổ chức bộ máy Giáo hội, các ban ngành từ chỗ có quy mô cồng kềnh, quản lý mọi lĩnh vực, mọi cấp, ôm đồm mọi dịch vụ hành chính, sang hình thức Giáo hội có bộ máy tinh giản, quản lý có chọn lọc các ban ngành của đời sống tăng già hay đại chúng phật tử.

1/ Mở đầu

Trong xu thế hội nhập và phát triển toàn diện của đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có một sách lược tối ưu, một chiến lược khả thi để đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh thời đại, nhằm đạt được sự phát triển bền vững, có chất lượng, mang tính thiết thực trong sự nghiệp giải thoát và hoằng pháp độ sanh. Vì thế, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII là ngày hội thiêng liêng và trọng đại, bởi qua đây Giáo hội sẽ có thêm sách lược, định hướng thể hiện tầm nhìn trí tuệ, phù hợp với thực tiễn. Do đó, Đại hội lần này được tổ chức trong vị thế đi lên bền vững của GHPGVN với những thành tựu vượt bậc trên nhiều lĩnh vực hoạt động phật sự sau hơn 35 năm xây dựng và phát triển. 

Điều này thể hiện sự xương minh của Phật giáo giữa lòng dân tộc cùng với sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết hòa hợp của Chư tôn đức, tăng ni và phật tử, nhất là trong quá trình đồng hành cùng dân tộc đã tạo được sự tin tưởng và hỗ trợ tối đa của Nhà nước cùng với sự kính ngưỡng tiếp duyên của quần chúng nhân dân. Cho nên, GHPGVN rất cần một định hướng mang tính chiến lược, thích ứng với nhu cầu thời đại, sâu sát với tình hình thực tiễn, nhất là phải mang tính khả thi, phù hợp phát triển bền vững. Do đó, bài tham luận này hướng đến chào mừng Đại hội với chủ đề: “Phát triển bền vững GHPGVN từ góc nhìn quản trị tốt”.

2/ Thế nào là quản trị tốt

Khái niệm “Quản trị tốt” được hiểu với ý nghĩa rất khác nhau, từ cách hiểu theo nghĩa hẹp để ám chỉ quản lý hành chính công, đến cách hiểu theo nghĩa rộng bao gồm một diện rộng các mối quan hệ vượt ra ngoài khuôn khổ quản lý hành chính công như các mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, giữa Nhà nước và công dân, giữa Nhà nước và xã hội dân sự hay khu vực tư nhân, giữa các nhà chính trị được dân bầu và các công chức/viên chức Nhà nước, giữa chính quyền địa phương và người dân ở nông thôn và đô thị, giữa khu vực lập pháp và hành pháp, và giữa Nhà nước và các thể chế quốc tế. Cho nên, theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) công bố năm 2000, quản trị tốt là việc thực hiện quyền lực hay quyền uy về chính trị, kinh tế, hành chính; hay các quyền lực hoặc quyền uy khác nhằm quản lý các nguồn lực và các vấn đề của một nước. 

Nó bao gồm các cơ chế, các quá trình và các thể chế mà thông qua đó các công dân và nhóm người bày tỏ lợi ích của mình, thực hiện các quyền theo luật định, thực hiện trách nhiệm của mình và dung hòa các khác biệt của mình. Như vậy, quản trị tốt có nghĩa là quản lý hiệu quả các nguồn lực và các vấn đề của đất nước theo cách cởi mở, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, công bằng và đáp ứng nhu cầu của nhân dân. 
 ĐĐ.Thích Thông Đạo
Đồng thời, quản trị tốt thường được sử dụng trong bối cảnh chính phủ thiết lập nền dân chủ mới, được hướng dẫn bởi các nguyên tắc mang tính minh bạch, giải trình trách nhiệm, hiệu quả và chuyên nghiệp. Do đó, từ những nguyên tắc trên, chúng ta vận dụng vào sự quản lý để phát triển bền vững GHPGVN nhằm mang lại tính dân chủ thật sự, tính nhân văn, tính đại chúng rõ nét; làm nơi nương tựa vững chắc cho quần chúng, xiển dương giáo pháp cũng như làm nơi tham vấn các chính sách phát triển đất nước, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.

3/ Phát triển bền vững GHPGVN nhìn từ góc độ quản trị tốt

Người có tâm đạo luôn ưu tư trước cơ đồ thịnh suy của Phật giáo, không ai không khỏi lo lắng khi nhìn thấy thực trạng sinh hoạt trong Giáo hội các cấp hiện nay. Từ cái nhìn của các nguyên tắc quản trị tốt như trên, GHPGVN cần nên thay đổi cách thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong bối cảnh xã hội, thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng như tổ chức bộ máy Giáo hội, các ban ngành từ chỗ có quy mô cồng kềnh, quản lý mọi lĩnh vực, mọi cấp, ôm đồm mọi dịch vụ hành chính, sang hình thức Giáo hội có bộ máy tinh giản, quản lý có chọn lọc các ban ngành của đời sống tăng già hay đại chúng phật tử. Bởi lẽ, con đường thành tựu đạo pháp đòi hỏi người đi qua phải có đạo hạnh, uy tín và đức nhiếp chúng. Vì thế:

Thứ nhất, về nhân sự: 

Với yêu cầu thực tế cho thấy, ngoài yếu tố căn bản là phẩm hạnh đạo đức thì yếu tố năng lực và tuổi tác cũng là những yếu tố rất quan trọng trong thời đại ngày nay. Đó là nền tảng để quy hoạch chiến lược phát triển nhân sự cho Giáo hội một cách bền vững về lâu dài. Chính vì vậy, Giáo hội cần chọn những vị có phẩm hạnh đạo đức, có tầm nhìn, năng lực, nhiệt huyết phụng sự đạo pháp và dân tộc, biết trọng dụng nhân tài, biết cơ cấu tổ chức và phân bổ công việc hợp lý, để hoạch định sự phát triển của Giáo hội.

Thứ hai, về các nguyên tắc hành chánh: 

Nên đặt nặng nội dung hơn là quá chú trọng vào hình thức. Thay vì tập trung về báo cáo và thành tích, chúng ta nên xoáy mạnh vào phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ mới; đặc biệt cần thảo luận chi tiết để rút kinh nghiệm và hoạch định kế sách phát triển cho từng ban ngành. 

Một vấn đề đáng quan tâm trong cải cách hành chánh của GHPGVN, đó là tình trạng một người kiêm nhiệm quá nhiều việc. Điều này khiến nhiều vai trò quan trọng trong Giáo hội trở thành vị trí “tượng trưng”. Trên thực tế, một người mà kiêm nhiệm nhiều ban ngành khác nhau trong Giáo hội chắc chắn sẽ không đủ sức khỏe và thời gian tham dự các buổi họp, nói gì đến việc điều hành hay trực tiếp tham gia các phật sự.

Thứ ba, thể hiện uy đức trong điều hành phật sự: 

Nếu mỗi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội đều toát lên sự tôn nghiêm và uy đức, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự trang nghiêm thanh tịnh của Giáo hội, Phật giáo sẽ tạo nên lực cảm hóa rất lớn trong đời sống con người, điều này giúp chúng ta dễ dàng thu phục và nhiếp dẫn chúng sanh vào con đường Chánh pháp. Trong đời sống, một người không có uy đức thì lời nói không có giá trị; một tập thể Phật giáo mà không đủ uy đức thì trên nói dưới không nghe, thậm chí rất dễ bị ngoại đạo bày trò xúc phạm.

Tóm lại, với định hướng quản trị tốt, từ những quy định chưa phù hợp, chậm thay đổi khi thực tế đã thay đổi, phục vụ lợi ích và sự tiện lợi của người quản lý là chuyển sang mô hình quản lý tốt, mang tính dân chủ, với trọng tâm là phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật. Lấy thành tựu lý tưởng giải thoát làm trọng tâm, lấy phương châm “Đạo pháp – Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội” làm nguyên lý vận hành.

Mặt khác, Giáo hội cần đề cao việc xây dựng tầm nhìn chiến lược định hướng rõ ràng. Chuyển từ hoạch định đường hướng phát triển dựa trên ý chí chủ quan của đội ngũ lãnh đạo sang hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng, có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể có lợi ích liên quan, mở rộng phản biện các ban ngành và từng địa phương, linh hoạt trong việc xử lý các vấn nạn, tính kỷ luật nêu cao. Chuyển từ đánh giá hiệu quả dựa trên đầu ra sang đánh giá hiệu quả dựa trên kết quả và tác động. Chuyển từ giám sát với mục đích phát hiện sai trái sang giám sát hỗ trợ; v.v…

Tất cả là để thể hiện tính dân chủ trong quản trị tốt nhằm phát triển GHPGVN bền vững thật sự. Vì vậy, Đại hội kỳ này phải đánh dấu sự khởi đầu cho một định hướng phát triển bền vững, đúng bản sắc, phẩm chất của một nền tín ngưỡng cao quý, phát triển hòa hợp trong dòng chảy dân tộc. Từ đó, Đại hội này sẽ là cơ hội để tương tác với các tổ chức đoàn thể khác nhằm trao đổi, giao lưu và học hỏi để tạo nên sự nhận thức sâu sắc hơn về quản trị tốt góp phần cho sự phát triển.

Do đó, chiến lược phát triển bền vững GHPGVN trong bối cảnh thời đại này là cần đến sự quản trị tốt bằng sự dung hòa một cách có trí tuệ giữa hình thái truyền thống và hiện đại. Vì yếu tố truyền thống của đạo Phật là giác ngộ giải thoát, dấn thân phụng sự đạo đời trên tinh thần vị tha vô ngã; yếu tố hiện đại là những phương tiện thích nghi tạo điều kiện thuận lợi nhằm hanh thông phật sự đồng thời đáp ứng nhu cầu thời đại. Sự kết hợp dung hòa một cách trí tuệ giữa truyền thống và hiện đại sẽ giúp chúng ta thăng tiến và dễ dàng nhận ra những tồn tại trên bước đường hướng tới những mục đích cao cả trong sự nghiệp phát triển chung của Giáo hội.

Từ đó, Giáo hội xây dựng một chiến lược phát triển GHPGVN tròn đầy Phật chất, kiên cố vững bền, dồi dào nguồn sinh lực kế thừa; cần quy hoạch một cách có trí tuệ và khoa học, nhất là khâu nhân sự đến cơ chế vận hành, từ phương thức hoạt động đến từng nội dung công tác phật sự một cách cụ thể. Bởi phát triển bền vững Giáo hội tức là nói đến sự lớn mạnh của tăng già và khả năng hoàn thiện của Giáo hội về mọi mặt.

4/ Kết luận

Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp nhất định vào nền văn hóa dân tộc, để lại những dấu ấn sâu đậm trong suốt chiều dài lịch sử, cũng như đang chuyển mình bước vào một vận hội mới. Những thuận lợi, cơ duyên đã có trong bản thân sự chuyển biến nội lực của GHPGVN, cũng như những nhân tố từ bên ngoài đưa vào đã tạo cho Phật giáo Việt Nam một cơ hội mới. Cho nên, để Phật giáo Việt Nam luôn giữ được vai trò và vị trí vàng son của mình, thiết nghĩ Giáo hội cần có những giải pháp để định hướng phát triển bền vững trong tương lai.

Vì thế, Giáo hội phải chính là cơ quan chỉ đạo điều hành cấp cao nhất, tăng cường khẳng định vị thế của mình hơn nữa trong lòng dân tộc. Kiện toàn các Ban, Viện tại Trung ương theo hướng tinh gọn chuyên môn hóa và chuyên sâu, đầy tính dân chủ và nhân văn. Đối với những vấn đề lớn mang tính thời đại của Giáo hội, Trung ương Giáo hội cần có kế hoạch định kỳ và đột xuất, tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo quốc gia và quốc tế bàn về các vấn đề trên để có lời đáp thỏa đáng cho phật sự nước nhà. 

Đồng thời, xây dựng một chiến lược truyền thông phù hợp với thời đại mới. Thể hiện ý chí, trách nhiệm của một tôn giáo theo hướng thượng tôn luật pháp, thể hiện được vai trò là một bộ phận thiết thân của dân tộc trong việc góp phần cùng với cộng đồng xã hội trong công cuộc xây dựng đất nước văn minh giàu đẹp.
Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

ĐĐ.Thích Thông Đạo - UV HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN Tp.Đà Nẵng
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
loading...