Kiến thức
Phật tử phải hiểu ý nghĩa câu “Tụng kinh này phước vô lượng” như thế nào cho đúng?
Thứ sáu, 21/08/2022 07:09
Khi nghe câu “tụng kinh này phước vô lượng”, thế rồi họ yên chí không cần làm phước gì nữa, chỉ lo ngồi tụng kinh hết ngày này qua tháng khác. Đến kiếp sau phước đâu không thấy, chỉ thấy cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cuộc sống vô cùng thiếu thốn.
Chúng tôi cũng gặp rất nhiều Phật tử cực kỳ mộ đạo nhưng lại rất nghèo. Những người này chắc chắn đời trước là người tốt, vậy thì tại sao nghèo? Trong nhiều nguyên nhân, có một nguyên nhân là do kiếp trước họ hiểu lầm kinh điển, nhất là kinh Pháp Hoa. Vì khi nghe câu “tụng kinh này phước vô lượng”, thế rồi họ yên chí không cần làm phước gì nữa, chỉ lo ngồi tụng kinh hết ngày này qua tháng khác. Đến kiếp sau phước đâu không thấy, chỉ thấy cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cuộc sống vô cùng thiếu thốn.
Vậy, chúng ta phải hiểu ý nghĩa câu “tụng kinh này phước vô lượng” như thế nào?
Nghĩa là sau khi tụng bộ kinh này thì chúng ta hiểu được ý nghĩa của những lời Phật dạy một cách chân thật nhất (Nguyện hiểu Như Lai chân thật nghĩa).Sau khi hiểu đúng, chúng ta sẽ sống đúng theo lời Phật dạy trong vô lượng kiếp sau: Cung kính Tam Bảo, thương yêu chúng sinh, giúp đỡ mọi loài. Sống đúng như vậy trong vô lượng kiếp sau thì đến vô lượng kiếp sau nữa chúng ta mới thu hoạch được vô lượng phước báo.
Còn nếu tụng xong được bộ kinh rồi nghĩ rằng phước của mình đã mênh mông vô tận thì đây là một sự hiểu lầm gây tổn phước rất nhanh. Sự hiểu lầm này mà kéo dài lâu ngày sẽ khiến chúng ta mất hết phước, kiếp sau làm người cực kỳ nghèo khổ. Nhân quả công bằng, phải có làm mới có hưởng, phải đứng dậy tự mình làm phước giúp đời giúp người thì mới có phước.
Kinh Pháp Hoa dù rất hay nhưng có những điểm rất dễ gây hiểu lầm cho người tu Phật, nên khi giảng kinh Pháp Hoa, chúng tôi thường chú ý tháo gỡ những điểm này. Hiểu lầm kinh điển nguy hiểm vô cùng. Cũng giống như nhiều người xuất gia thường hiểu lầm là cạo đầu xong, thọ giới xong đồng nghĩa với việc mình đã trở thành phước điền của chúng sinh, mà đâu biết rằng nếu tu chưa đắc đạo thì chưa phải là ruộng phước. Hàng ngày không lễ Phật, không công quả, không giáo hóa chúng sinh, không phục vụ các bậc trưởng thượng, không đem lại lợi ích cho đời thì sẽ không có phước chứ đừng nói đến có phước điền.
Hoặc có người cứ nghĩ là cả đời này chỉ cần niệm Phật là phước vô lượng; cả đời này chỉ cần sống chết với câu niệm Phật là được vãng sinh. Đây cũng là một sự hiểu lầm. Thương Phật, kính Phật, nhớ Phật là làm theo lời Phật dạy, thực hành Bát Chánh Đạo, tận tụy giúp đỡ mọi người, đó mới là sự cúng dường Phật chân chính nhất, cúng dường như thế mới có phước.
Muốn xin Phật về cõi trời là ước nguyện đáng quý, nhưng không thể bằng cách ngồi một chỗ mà niệm, mà gọi tên Phật suốt ngày rồi bỏ quên hết tất cả, quên chúng sinh, quên thương yêu, quên giúp đỡ… Không động một ngón tay làm phước thì làm sao có phước, mà không có phước thì Phật không thể rước đi đâu được. Đó là điều chắc chắn. Nguy hiểm của người tu không tạo được phước là cuộc sống dần dần trở nên khó khăn dù rất mộ đạo, kính Phật.
Công đức đem Phật Pháp, nhân quả cho người khác hiểu biết, thì với phước đó mình có thể làm Thánh và đắc đạo được. Phước đó hưởng không bao giờ hết. Có một lần có một người hỏi Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, nếu có một người nào ở ngoài đạo Phật nhưng vẫn được sinh lên cõi trời để hưởng phúc hay không?”
Đức Phật trả lời: “Này Bà La Môn, trong suốt 91 đại kiếp qua, ta chưa thấy một người nào ngoài đạo Phật mà được sinh lên cõi trời, trừ một người. Đó là người hay giảng về nhân quả, nghiệp báo”. Đức Phật cũng đã xác định phước lớn nhất chính là phước giúp cho người khác hiểu được nhân quả, nghiệp báo.