Chùa Việt

Phum Ma: Ngôi chùa xưa bên đường vành đai biên giới

Chủ nhật, 15/02/2021 12:13

Huyện Châu Thành (Tây Ninh) hiện nay có ba ngôi chùa Nam tông Khmer, trong đó ngôi chùa được xây dựng sớm nhất đó chính là chùa Phum Ma.

Tượng Phật từ đá quý nguyên khối trong ngôi chùa nghìn năm tuổi ở Hà Nội

Phum Ma hiện tọa lạc tại sát đường vành đai biên giới thuộc ấp Thành Tân, xã Thành Long. Tính đến thời điểm cuối năm 2020, chùa đã tròn 100 năm tuổi.

Về địa danh hành chính xã Thành Long thì mới được thành lập từ sau năm 1975, nhưng đây không phải là một vùng đất mới. Bởi tiền thân của Thành Long chính là làng Tapang Robon thuộc tổng Khán Xuyên xưa.

Chánh điện chùa Phum Ma

Chánh điện chùa Phum Ma

Theo sách Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc(1859-1954) thì “Quyết định ngày 16-8-1877 cải biến 16 ấp phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ thành 12 làng và đặt thuộc tổng Khán Xuyên mới lập: Congpong Nghĩa, Dat Pô, Rừng Vang, Cak Hap, Đây Xoài, Praha Miết, Tapang Súc, Phum Xoài, Chắc Sre, Tanheng, Prey Chet và Tapang Robon”. Nếu đối chiếu bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh hiện tại với bản đồ Hạt Tham Biện Tây Ninh do Pháp vẽ năm 1896 thì tổng Khán Xuyên vùng đất rất rộng bao gồm các xã như Biên Giới, Hòa Thạnh, Thành Long, Ninh Điền hiện nay và một phần của xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng trước đây. Nếu làm một phép tính nho nhỏ thì vùng đất mà chùa Phum Ma tọa lạc hiện nay đã tồn tại trên dưới 150 năm chứ không phải là ít.

Phum Ma là cách gọi quen của người dân theo tên xóm, còn tên chính thức của chùa là Giri Kuma Kama, dịch âm Hán Việt là Thiếu Sơn tự. Cũng xin nói thêm rằng, chữ “Ma” trong địa danh Phum Ma tiếng Khmer “Proma” nghĩa là “con nhím”, khu vực này xưa kia có rất nhiều nhím rừng đào hang để ở, nên người dân mới lấy đặc điểm này để gọi tên xóm.

Chùa Giri Kuma Kama nguyên khởi do Đại đức Long lập từ những năm 1920 của thế kỷ trước, ban đầu chỉ bằng vật liệu đơn giản như cây rừng, tre, mây, lá… Qua bao biến cố của thời gian, chùa bị hư đổ hoang phế, mãi đến năm 2008 mới được xây dựng lại và làm lễ kiết giới sây-ma vào năm 2018. Khuôn viên chùa rộng 1,6 ha, trong đó bao gồm ngôi chánh điện, tăng xá, nhà mát, ao nước, vườn cây và vài công trình phụ khác… Hiện chùa do Đại đức Danh Đông quản lý.

Đến với chùa Phum Ma - Giri Kuma Kama không khó. Từ cầu Bến Sỏi theo đường 781 đến ngã tư Thành Long, rẽ phải chạy thêm chừng 5km, sau đó rẽ trái vào ấp Thành Tân, chùa cách chốt dân phòng Bố Lớn chừng 100m, nằm sát bên đường vành đai biên giới. Hiện tại, chùa chưa có điều kiện làm tường rào, nhưng trong khuôn viên vẫn giữ được sự yên tĩnh. Nơi đây còn bảo tồn được khá nhiều các loại cây rừng quý hiếm, nhưng ấn tượng nhất là bốn cây xoài mút cổ thụ tầm 150 năm tuổi như những nhân chứng của lịch sử thời gian. Ngôi chánh điện trước đây xây không đạt chuẩn kiến trúc văn hóa chùa Khmer, sau đó sư Danh Đông đã huy động và bỏ nhiều công sức để sửa chữa lại mới có dáng dấp như ngày nay.

Tham quan chùa, chúng tôi thấy ngôi chánh điện ở đây thuộc loại trung bình, diện tích ngang tầm với chánh điện chùa Kà Ốt hoặc Chung Ruk, và cũng không có nét cầu kỳ tráng lệ như chánh điện chùa Khe dol. Nhưng bên trong thì rất đẹp, bàn thờ có khá nhiều tôn tượng Đức Thích Ca Mâu Ni với nhiều tư thế khác nhau.

Bên trong chánh điện

Bên trong chánh điện

Ngoài tượng Phật lớn trong tư thế ngồi kết ấn xúc địa, còn có các tượng nhỏ hơn trong các tư thế khác như nhập Niết-bàn, thuyết pháp, tọa thiền, khất thức… tất cả đều được tạo tác theo phong cách tượng Khmer, trông rất sinh động. Xung quanh tường và trần bên trong ngôi chánh điện còn có bốn mươi bức bích họa màu sắc đường nét rất tinh xảo kể về sự tích và cuộc đời Đức Phật từ lúc đản sanh cho đến khi thành đạo.

Bên ngoài, mặt sau chánh điện có bức tranh đắp nổi hình ảnh Bà Mẹ Đất đang vung búi tóc dài đẩy lùi các thế lực ma quỷ, buộc chúng phải sám hối quy y Phập pháp. Đây cũng là vị thần chứng giám cho sự thành đạo của Đức Phật.

Ngoài ra, tại khu nhà mát còn có một pho tượng Phật nằm theo trục bắc - nam khá lớn. Tượng được tô màu hồng phấn, đắp y vàng, xung quanh còn có tượng các Tôn giả, chư Thiên đứng hầu. Nhà mát này cũng là nơi để Phật tử hành lễ vào các dịp lễ hội được nhà chùa tổ chức trong năm.

Tượng Phật nhập Niết-bàn ở khu nhà mát

Tượng Phật nhập Niết-bàn ở khu nhà mát

Hiện tại xóm Phum Ma của ấp Thành Tân có khoảng 60 hộ, trên dưới 200 nhân khẩu dân tộc Khmer đang sinh sống. Nhìn chung, về mặt kinh tế, bà con ở miền biên giới này còn không ít những khó khăn nhất định, nhưng về đời sống tinh thần thì họ đều là những Phật tử thuần hành đạo đức, luôn phối kết hợp với nhà chùa và Sư cả Danh Đông thực hiện phương châm “tốt đời, đẹp đạo” và làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Sư cả Danh Đông quê ở tận Kiên Giang, sư lên Tây Ninh từ ngày 7-7-2011. Sư là người không những tinh thông đạo học, mà thế học cũng rất giỏi. Chính vì vậy mà sư luôn rất tâm huyết với Phật sự và đặc biệt là vấn đề giáo dục ngôn ngữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc ở đây.

Sư quan niệm, giỏi tiếng Việt phổ thông sẽ giúp mọi người học hành, làm ăn được thuận lợi, giỏi tiếng mẹ đẻ sẽ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình. Vì lẽ đó mà sư luôn tìm cách để giúp đỡ trẻ em trong làng, tham mưu với các cấp chính quyền mở lớp dạy tiếng Khmer cho con em không những ở Phum Ma mà còn các làng khác trong tỉnh.

Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng bình yên bên bờ sông Mã

Đại đức Danh Đông

Đại đức Danh Đông

Chùa Phum Ma - Giri Kuma Kama tuy cơ sở vật chất còn khiêm tốn, nằm sát đường vành đai biên giới xa xôi hẻo lánh, nhưng lại không hề xa lạ với mọi người, nhất là giới Phật tử. Bởi nơi nào có ánh đạo vàng của Đức Phật phổ độ thì nơi đó chính là chốn bình yên để mọi người tìm đến.

Nếu như các ngôi chùa Bắc tông chủ yếu là nơi để hành lễ tín ngưỡng, thì chùa Khmer lại tích hợp cả nghi lễ Phật giáo lẫn nghi lễ văn hóa cổ truyền như Chol Chnam Thmay, Sen Donta, Oc om bok, Phật Đản, Nhập hạ, Dâng y Kathina… Hầu hết các nghi lễ này là dịp để bà con Khmer tụ họp về chùa nghe giảng kinh Phật, cúng dường Tam bảo và múa hát vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả.

Vị trí quan trọng của ngôi chùa trong lòng người Khmer

Có thể nói, ngôi chùa rất quan trọng trong đời sống của bà con Khmer. Chùa là nơi gửi gắm ước vọng mong cầu hạnh phúc; là nơi trú ngụ của tâm hồn lúc sống cũng như lúc chết; là trường học đạo lý lẽ sống cách ứng xử với xóm làng, bà con dòng tộc; là nơi để học tập nghề nghiệp, văn hóa truyền thống; là nơi để thực hành nghi lễ Phật và báo hiếu cho ông bà cha mẹ…

Người Khmer Thành Tân - Thành Long chỉ mới bước ra khỏi cái bóng của cảnh nghèo khó chừng hơn chục năm nay. Nhưng tâm thức của bà con gắn bó với chùa, với văn hóa truyền thống là bất di bất dịch từ bao đời nay.

Chính vì vậy mà đã từ hơn trăm năm nay, vai trò của chùa Phum Ma - Giri Kuma Kama và các vị sư sãi là vô cùng to lớn đối với cộng đồng Khmer ở đây.

Ngày nay đi qua các làng Khmer trong tỉnh ta sẽ thấy đổi mới rất nhiều, nhà xây hiện đại có, nhà sàn truyền thống có, đường trường điện là khá đầy đủ theo lối sống mới. Nhưng không gian ngôi chùa vẫn muôn đời cổ kính trang nghiêm. Bước vào chùa là bước vào cõi đạo, tất cả mọi tham sân ái dục đều bỏ lại ngoài kia, con người một lòng hướng thiện, sống cuộc đời đầy trí tuệ và bác ái từ bi.

loading...