Sống an vui
Phương cách chuyển hóa sân hận để cuộc sống bớt khổ đau
Chủ nhật, 07/09/2022 03:29
Làm sao đoạn trừ sân hận để ta được sống hạnh phúc? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần quán sát nội tâm cặn kẽ để có thể hiểu sự việc rõ ràng.
Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ sống một cuộc sống bất hạnh. Đức Phật đã dạy chúng ta rằng chẳng nên phản ứng lại một người đang giận dữ. Nếu phản ứng giống thế, chúng ta còn tệ hơn họ, còn điên dại hơn và chắc chắn là không thể tốt hơn họ về mặt nào cả. Đáp trả lại tâm sân bằng sân hận, thật vô ích.
Chúng ta hãy tìm cách để tránh, để buông, và thanh lọc khỏi sự rồ dại này. Hãy nghĩ đến những cách để buông sự si mê này. Điều này có thể thực hiện được bằng cách huân tập sự kiên nhẫn, khiêm cung. Thí dụ, cha mẹ có thể cho con một món đồ chơi mới, sau đó thấy nó bị bể vỡ. Lúc ấy, thay vì nổi giận, cha mẹ có thể quán tưởng về tính không bền vững của vạn vật. Trái lại, nếu cha mẹ chỉ chú tâm đến sự bất cẩn của con đối với món đồ chơi, thì chắc chắn họ sẽ phật lòng.
Trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào, chúng ta cũng cần nỗ lực buông bỏ các cảm giác sân hận. Nếu chúng ta nổi sân và không thể chịu đựng hơn nữa, thì tốt nhất là tách mình ra khỏi hoàn cảnh đó. Không liên hệ với những người phiền nhiễu ta, sẽ giúp làm giảm sự hiềm hận. Đó là một cách buông bỏ sân hận tạm thời.
Chúng ta thường có khuynh hướng tự trách. Ngay cả khi ta cố gắng phát triển tình thương yêu, ta cũng có thể trở nên bực bội bản thân. Khi phạm một lỗi gì đó, chúng ta kết tội bản thân gắt gao. Thí dụ khi ta có một quyết định sai lầm trong công việc hay mua một món hàng không tốt, có thể khiến ta thất vọng, tự trách, cho rằng mình dại dột. Sự chú trọng vào lỗi lầm sẽ khiến sân hận phát khởi và kéo dài. Thay vì chìm đắm trong sự tự trách, ta nên nghĩ rằng việc phạm sai lầm cũng là bình thường. Không có chúng sinh nào không phạm lỗi lầm.
Chúng ta không thể kiểm soát tâm mình, cũng như không thể kiểm soát tâm người khác, kể cả con cái chúng ta. Không phải lúc nào chúng cũng nghe theo ta, vì chúng là một cá nhân riêng biệt. Con cái không phải là sở hữu của ta. Ta không thể ép buộc chúng chỉ làm theo ý ta, vì thế oán giận chúng thật vô ích. Thay vào đó, chúng ta cần học hỏi từ chúng, để biết tính cách, trạng thái và hiểu cách chúng phản ứng như thế nào trong một số hoàn cảnh. Khi ta có thể hiểu tánh cách, tính khí của người khác thì ta có sự trang bị tốt hơn để đối phó với họ.
Tránh né những người làm ta sân giận không thể giải quyết vấn đề. Thay vào đó, chúng ta cố gắng vun trồng sự chịu đựng đối với những người hay khiến ta nổi sân. Cố gắng để tìm các phương tiện thiện xảo giúp ta có thể nhìn sự việc từ quan điểm, ý nghĩ của họ. Khi đã có thể hiểu họ hoàn toàn, là chúng ta đã tập sống thân thiện với nhau, trao đổi hòa nhã, ít tranh cãi, sân hận, ác ý hay thành kiến. Đây là điểm mấu chốt. Nếu không hiểu những người chung quanh, ta khó tránh khỏi xung đột.
Chúng ta cần phát triển khả năng lắng nghe và đối thoại. Thí dụ, khi người chồng nói, thì vợ cần cố gắng lặng yên lắng nghe mà không chỉ trích. Tương tự, khi người vợ nói thì chồng phải kiên nhẫn, không trả lời cộc lốc. Bằng sự kiên nhẫn, vợ chồng sẽ không phiền hà nhau. Rồi họ sẽ đạt được kỹ năng giao tiếp hòa hợp. Trái lại, nếu vợ chồng tiếp tục cãi vã, mức độ căng thẳng sẽ gia tăng.
Hãy cố gắng quán chiếu rằng sự thật là con người rất khác nhau. Hãy phát triển khả năng tìm hiểu và quán sát người, dầu cho họ là ai, không kể tuổi tác, giới tính. Thí dụ, ta quán sát thấy người già thường than phiền hơn. Đôi khi họ bực bội một cách vô cớ. Khi đã hiểu như thế, thì thay vì bực bội, chúng ta có thể thay đổi cách nhìn và thái độ đối với họ. Nếu ta cố gắng tự sửa chữa mình hơn là thay đổi người khác, thì những sự thay đổi tích cực của ta sẽ được người khác ghi nhận. Nhìn ra được sự nguy hiểm và khổ đi kèm với sân hận chính là cách để buông bỏ nó.