Hỏi - Đáp

Phương cách niệm Phật nào giúp dễ đạt nhất tâm bất loạn nhanh nhất?

Chủ nhật, 08/11/2019 06:30

Con tu theo pháp môn Tịnh Độ chuyên niệm hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật. Mỗi lần niệm Phật con cố gắng nhiếp tâm vào câu Phật hiệu hay vào xâu chuỗi.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Niệm Phật 

Vấn: Con tu theo pháp môn Tịnh Độ chuyên niệm hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật. Mỗi lần niệm Phật con cố gắng nhiếp tâm vào câu Phật hiệu hay vào xâu chuỗi. Có bạn khuyên là cố gắng thiền theo hơi thở thì sẽ niệm Phật rất dễ. Có bạn lại bảo nên kết hợp thiền tịnh song tu niệm Phật theo hơi thở bằng cách thở vào niệm Nam Mô A, thở ra niệm Di Đà Phật. Nhưng con thắc mắc như vậy có phải là mình tu loạn pháp không trong khi các vị tu hành đều dạy tu theo pháp nào thì cố gắng chuyên tâm, tu hết thiền đến tịnh là loạn pháp.

Có bạn trích dẫn rất nhiều các vị Tổ Tịnh Độ Tông từng tu thiền rồi quay lại niệm Phật mới chứng quả. Con phân vân quá và không biết là nên làm sao? Đúng là đôi khi con niệm Phật theo hơi thở thấy cũng an lạc, bớt loạn nhưng con sợ mình tu lầm pháp, không chuyên tâm? Xin thầy cho con biết là con nên niệm Phật như thế nào là đúng nhất để được nhất tâm bất loạn? Nếu con kết hợp niệm Phật theo hơi thở như vậy có đúng không? Con xin cảm ơn thầy rất nhiều.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đáp: Bạn là người có thiện căn đó, có thực tập có tìm hiểu pháp tu. Tuy nhiên khi hạ thủ công phu, theo nhà Phật, người tu tại gia có pháp tu theo môi trường hiện thực của người tại gia, học đúng cách, tu đúng phép thì không bao giờ có lọan pháp hay gặp chướng duyên. Người tu Phật phải có kiên quyết không nên nay Thầy nầy mai Thầy nọ, nay có người bày như thế nâày, mai có người bày vẽ như thế khác, gánh vác quảy mang nhiều tư tưởng của Thầy bạn quá nhiều nên gặp nặng nề tâm trí, lấy đâu rỗi rãnh thân, tâm mà chánh niệm.

Bài liên quan

Nghe Bạn nói thì thầy thấy Bạn quá nặng nề trong pháp tu, chạy theo pháp niệm Phật, chứ không phải giác ngộ niệm Phật, tức là chạy theo pháp nào tu cho phù hợp thì tu, pháp nào không phù họp thì bỏ, như vậy không có sự nhất quán, tâm chí nặng nề lắm. Nay Sư vừa giảng vừa hướng Bạn tu cho thật nhẹ nhàng thanh thản. Niệm Phật mà không thấy bị ràng buộc, niệm Phật nhưng tâm nguyện thoải mái, nhẹ nhàng thanh thản.

Thầy vốn gặp những bậc tu hiền, người xưa chỉ ở am tranh vách lá, vách tre, hằng ngày kết thời khóa lần chuổi niệm Phật tứ thời. Người cao tuổi thì niệm tam thời hay nhị thời, có vẽ thanh thoát nhàn hạ lắm. Các vị đi kinh hành dáng vẽ thanh tao nhẹ gót như giữa áng mây hồng bềnh bồng vào “vô định”. Nếu Bạn là người tinh chuyên niệm Phật, không có gì phải cố gắng nhiếp tâm, nhất là cũng không phải châm hẩm vào câu Phật hiệu cho ra vẻ nặng nề. Lúc niệm Phật có “lần chuỗi” cũng được mà không “chuỗi để lần” cũng không sao!

Như trên bạn nói thì chỉ có câu danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật mà có đến 5 pháp tu như vậy thì làm sao có định hướng để tu pháp nào? Bạn ơi, Bạn xả bỏ hết, để Bạn có một pháp tu hành cho thanh thản.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Pháp tu dành cho tuổi trẻ: Tuổi trẻ năng động, có khi là những bậc thiện căn, có khi là quan quyền, công nhân viên chức, sinh viên học sinh, lao động chính, lao động chân tay, lao động trí óc...

Mỗi ngày thực hành hai khóa tu, một khóa buổi sáng và một khóa buổi tối:

Khóa buổi sáng trước khi đi làm việc, vào nhiệm sở, trường lớp, xí nghiệp, nơi làm việc... Bạn đến trước bàn Phật, dâng 3 nén hương lên bàn Phật, điểm 6 tiếng chuông (bon......bon.........bon, bon......bon......bon) xá ba xá thật nhẹ nhàng trong tĩnh lặng, niệm thầm (kim cang trì) câu:

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, niệm 3 lần, mỗi lần xá một xá.

Tiếp niệm:

Mười câu danh hiệu Phật, sau khi niệm xong mười câu, xá ba xá, điểm 6 tiếng chuông (bon......bon.........bon, bon......bon......bon) lui ra và lên xe đi làm việc.

Ý nghĩa phép niệm mười câu: gọi là phép “Thập niệm ký số”, tức là Bạn niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” chầm chậm không gấp không huởn, một hơi niệm bao nhiêu câu danh hiệu Phật cũng gọi là “một câu” - niệm mười hơi như thế gọi là niệm mười câu, phép nầy dành cho “nhóm tuổi trẻ” thực tập tu pháp niệm Phật. Có Bạn thực hành như thề thấy bình thường, ít quá, đơn giản quá! Tuy nhiên, nhưng hiệu quả lại cao. Có Bạn nhận định niệm ít quá không đủ lực để vãng sanh? Niệm Phật ít nhiều không bàn, chỉ bàn ở chổ Bạn có nhất tâm không? Nếu nhất tâm và hành trì không ngưng dứt, không bỏ sót thời gian thì hiệu quả

Khóa buổi tối: 30 phút, vào lúc 22 giờ 00, trước khi ngủ nghỉ, tắm rửa sạch sẽ, mặc áo tràng đến trước bàn Phật dâng 3 nén hương - cúng 3 chung nước - điểm nhè nhẹ 6 tiếng chuông gia trì (bon......bon.........bon, bon......bon.........bon) - chắp tay xá 3 xá thật sâu, thật tĩnh táo - tiếp niệm ra tiếng bài:

Cúi đầu đảnh lễ Phật phương Tây

Đạo sư tiếp dẫn chúng sanh nầy

Con nay phát nguyện về Lạc quốc

Xin Phật thương con độ vãng sanh

Nam Mô Tây phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ, Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, niệm 3 lần, mỗi lần xá một xá, tiếp niệm:

Nam Mô A Di Đà Phật (niệm 10 xâu chuỗi 108 hột)

Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát (niệm 10 câu)

Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát (niệm 10 câu)

Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát (niệm 10 câu)

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát (niệm 10 câu)

Tiếp niệm bài:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đọan

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

Tiếp niệm bài:

Ngưỡng nguyện Bổn sư Vô Lượng Thọ - Quan Âm, Thế Chí, Thánh Hiền Tăng - Đồng triển oai quang phổ chiếu lâm - Cộng tứ minh gia hàm cứu bạt - Vô thỉ kim sanh chư tội chướng - Lục căn tam nghiệp chúng khiên vưu - Nhứt niệm viên quang tội tánh không - Đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh.

Niệm Phật công đức thù thắng hạnh

Vô biên thắng phước giai hồi hướng

Phổ nguyện pháp giới chư chúng sanh

Tốc vãng vô lượng quan Phật sát

* Nguyện tiêu tam chướng trừ hiền não

Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu

Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ

Thế thế thường hành Bồ Tát đạo

* Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung

Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu

Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh

Bất thối Bố tát vi bạn lữ

* Nguyện dĩ thử công đức

Phổ cập ư nhứt thiết

Ngã đẳng dữ chúng sanh

Giai cộng thành Phật đạo

Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh ,thể giải đại đạo phát vô thương tâm

Tự quy Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập kinh tạng, trị tuệ như hải

Tự quy Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, nhứt thiết vô ngại

Nguyện đem công đức nầy

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo

(điểm 6 tiếng chuông, xá ba xá lui ra)

2. Pháp tu dành cho Phật tử lớn tuổi: Ở vào độ tuổi hưu trí, còn sức khỏe, phát nguyện tụng kinh niệm Phật rất quý. Tuy nhiên để bảo đảm cho việc thực tập, những thời niệm Phật, thời kinh luôn có giới hạn.

Phát nguyện niệm Phật, theo nghi thức như đã dẫn, nhưng thời gian hạn định là 20 phút, không thêm bớt, để dành sức khỏe, nghị lực bảo đảm thời gian tụng niệm một đời không bỏ cuộc. Trường hợp tụng kinh bộ, quý vị cũng có thể khai Kinh Pháp Hoa, Kinh Phổ Hiền, kinh Từ Bi Thủy Sám, kinh Địa Tạng, như khai kinh Pháp Hoa thì phát nguyện tụng từng phẩm cho đến hết 28 phẩm, hồi hướng.

Việc tụng kinh niệm Phật với người lớn tuổi, không bàn đến việc tụng nhiều kinh, mà tình đến sự bền bĩ, không thối chí nản lòng với các khóa lễ trong đời người con Phật.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

3. Pháp tu dành cho Phật tử lão niên: Ở vào độ tuổi lão niên, sức khỏe kém, mắt lờ, lưng mỏi, không phải tụnh kinh, nếu có phát nguyện niệm Phật rất được trân trọng. Tuy nhiên, để bảo đảm cho những thời niệm Phật, luôn có giới hạn.

Phát nguyện niệm Phật, theo nghi thức như đã dẫn, nhưng thời gian hạn định là 15 phút, niệm 10 xâu chuỗi niệm Phật, niệm xong, lạy ba lạy, xá ba xá lui ra nghỉ ngơi. Không nên cố làm quá tải thời gian, nên để dành sức khỏe, nghị lực bảo đảm thời gian tụng niệm không bỏ cuộc.

Thầy tĩnh tâm, lắng lòng tức là làm cho năng lượng trong Bạn tăng trưởng sức khỏe. Có sức khỏe thì tâm thể nhẹ nhàng, có nhẹ thì mới hân nguyện vui tu, không tĩnh lặng thì lười biếng nổi lên nặng nề trăm mối, nặng nề thì kiếm cách nầy cách nọ, tìm nhiều phương tiện niệm cho qua giờ, xem như mình có niệm Phật, nhưng càng niệm càng bị động trong điên đảo mê lầm. Câu chuyện sau đây cho thấy phép niệm Phật đưa ta đến đắc đạo, nhưng rất nhẹ nhàng thanh thoát:

Năm 1957, sau thời kinh tối, lúc đó thầy được 10 tuổi lúc bấy giờ được nghe Ba kể chuyện tu hành, người ít chữ nghĩa niệm Phật có hiệu quả cao:

Bài liên quan

Có một lão Tiều phu, hằng ngày phải vào rừng kiếm củi bán để “độ nhựt nuôi thân”. Thời gian trôi đi theo năm tháng, Lão Tiều phu nhận thấy thời gian cứ lôi cuốn thân xác ông đi vào sự mài mòn hủy diệt, không biết lúc nào ra khỏi kiếp làm Tiều phu. Một ngày nọ ông phát tâm tu hành, muốn niệm Phật. Vào rừng gặp ông Đạo đi bên đường, Lão tiều đến bên ông Đạo thưa hỏi, xin Ngài dạy cho tôi phép tu thoát khổ. Ông Đạo nói, ông lão muốn thoát khổ thì không khó, nhưng phải siêng năng niệm Phật, ông Đạo dạy Lão tiều niệm Phật: ”Nam Mô A Di Đà Phật”. Lão tiều mừng quá, nhưng do bình sanh “độn căn dốt nát” nên khi ông Đạo dạy niệm Phật, về nhà ông chỉ nhớ có 3 chữ “Nam Mô A...” còn lại 3 chữ nữa ông quên, nằm chờ ngày hôm sau hỏi lại ông Sư.

Hôm sau, ông Đạo vẫn dạy cho ông nhớ niệm Phật đủ 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, nhưng khi về nhà ông lại thầm niệm “Nam Mô A...” rồi gì nữa không nhớ, chờ hôm sau gặp ông Đạo hỏi lại nữa. Hôm sau ông Đạo xuất hiện như thường lệ để dạy ông niệm Phật, ông niệm “Nam Mô A...” rồi gì nữa quên mất, ông gọi: Ông Đạo ơi “Nam Mô A...” rồi gì nữa ông Đạo. Ông Đạo vẫn quay gót đi, không dạy nữa. Lão tiều chạy theo hỏi: “Nam Mô A...” rồi gì nữa ông Đạo, “Nam Mô A...” rồi gì nữa ông Đạo.

Ông Đạo từ từ đi lên “trời” không ngó lại Lão tiều nữa, Lão tiều vẫn chạy theo hỏi: “Nam Mô A...” rồi gì nữa ông Đạo? Và cứ như thế cho đến khi hai Thầy Trò cùng lên cao, với năm sắc hào quang xuất hiện, ông Đạo đã độ Lão tiều chứng quả cùng đứng chung trong vầng hồng...

Cư sĩ Minh Sơn, người Tân Bản, Bửu Hòa, Biên Hòa, có gia đình làm việc tại Tp.Hồ Chí Minh là công nhân, phát tâm quy y Tam bảo ngày 15 tháng 7 năm 2010. Cha mẹ sinh thời thường xuyên làm từ thiện xã hội giúp đỡ người nghèo, học sinh nghèo tại địa phương. Kể từ ngày quy y Sư hướng dẫn cư sĩ tu tập pháp niệm Phật, hằng ngày cư sĩ niệm 2 thời: buổi sáng trước khi lên xe đến xí nghiệp, cư sĩ niệm Phật theo phép “thập niệm ký số”; buổi tối cư sĩ phát tâm tung kinh bộ, gia đình cùng tụng kinh. Hằng năm cư sĩ phát nguyện khai kinh Pháp Hoa tụng trong mùa an cư, khai kinh Địa Tạng tụng trong tháng 7, khai kinh Vô Lượng Thọ phát nguyện tụng trọn đời. Cư sĩ tu đúng phép, niệm Phật đúng giờ nên rất bảo đảm cho sức khỏe ở độ 52 tuổi.

Việc hệ trọng trong tụng kinh niệm Phật là không nên tiếp nhận nhiều pháp trở thành lọan pháp, càng chế biến, đột phá nhiều phương pháp xen vào tâm thức càng làm cho Bạn nặng nề rối bời không biết đâu mà nương về. Niệm Phật là cốt ở chỗ điều phục tâm, tâm ở nơi nào, đang trú ở đâu, lọan hay tịnh. Không phải dùng nhiều phương tiện niệm Phật là được, không khéo trở thành tạp niệm, loạn niệm. Tâm không sanh khởi thì vọng niệm đâu có chổ trú. Pháp không sanh thì đâu có phiền não, không phiền não thì vô niệm tự tại vô ngại, rảnh tâm lo niệm Phật rốt ráo như Lão tiều thật là mau đắc đạo, thong dong mà giáo chúng niệm Phật, như hóa thân ông Sư thanh thản độ đời.

Không có pháp nào cao bằng sự nhất tâm, giữ chánh niệm, nhất hạnh tam muội nghĩa là “pháp giới nhứt tướng chuyên chú vào một chổ”, giảm bớt sự tiếp xúc ngọai cảnh, chấm dứt các phan duyên. Sở dĩ các bậc Lão bối thiền tông hành đạo “từ Thiền sang Tịnh”, hoặc ngược lại là vì bản hoài của các Ngài muốn dung thông giữa Thiền và Tịnh, làm cho các pháp môn tu của Phật không còn có khoản cách trong quá trình hoằng dương Phật pháp. Như 13 vị đại sư liên tông Tịnh độ trước đó đều là Thiền sư, tiêu biểu như các Ngài Lô Sơn Huệ Viễn, Ngài Quang Minh Thiện Đạo, Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ, Ngài Vân Thê Châu Hoằng, Trí Húc Linh Phong, Thiệt Hiền Tế Tĩnh, Ấn Quang đại sư.

Bài liên quan

Đặc biệt, Ngài Trí Húc Linh Phong, tự là Ngẫu Ích, quê ở Ngô Huyện, thuộc nhà Thanh. Cha me tụng kinh Bạch Y Thần Chú, nằm mộng thấy Đức Quan Âm Bồ Tát trao cho một trẻ sơ sanh mà sanh ra Ngài. Vốn là con nhà nho, viết sách bác Phật, về sau khi lớn lên đọc được quyển “Trúc Song Tùy Bút” của Ngài Vân Thê Châu Hoằng dạy pháp tu Tịnh độ liền đốt sách của mình để theo Phật. Thời bấy giờ các nhà tu Thiền bài xích pháp Tịnh độ niệm Phật là quyền giáo, tiệm tu; riêng đại sư bảo niệm Phật là “tâm tông viên đốn” Ông Trác Tả Xa, một nhà tu Thiền, đem những huyền lý bên Thiền gạn hỏi Tịnh Ðộ, Ngài liền trả lời một cách thỏa đáng dung thông Thiền Tịnh.

Ngài nói: "Pháp môn Tịnh Ðộ niệm Phật đơn giản, yếu chỉ là tin sâu, nguyện thiết và gắng sức thực hành mà thôi. Phật dạy: "Nếu người nào chuyên niệm Nam Mô A Di Ðà Phật, chính là Vô thượng thâm vi diệu Thiền". Trí Giả đại sư bảo: "Niệm Phật tam muội là vua trong các môn tam muội". Tổ Vân Thê cũng nói: "Một câu Nam Mô A Di Ðà Phật bao trùm tám giáo, tròn nhiếp năm tông".

Qua lịch sử và công hạnh của Ngài Trí Húc Linh Phong, chúng ta thấy trong đó có các vị như Trí Giả đại sư, Vân Thê Châu Hoằng, thiền sư Trác Tả Xa là những vị vì hoằng truyền chánh pháp mà diễn dương những công hạnh: “dung thông thiền tịnh” làm phương tiện truyền trì chánh pháp. Chúng ta là liên hữu cũng có thể thực tập tu thiền tu tịnh như các Ngài, nhưng khi hạ thủ công phu thì tu thiền ra tu thiền, tu tịnh ra tu tịnh, không nên cùng một lúc sử dụng hai ba pháp sẽ bị rối lọan tinh thần mà thối chuyển đạo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Niệm Phật, không ảnh hưởng hơi thở ra vào:

Nhứt tâm tức là thân tâm chuyên chú vào niệm Phật, không cho tán loạn, không chuyển sang các pháp khác, có thể niệm cao thinh trì (có tiếng), kim cang trì (không tiếng), hay mặc trì (ý niệm) giữ chánh niệm.

Ngày 25/9/2015 vừa rồi, thầy có hướng dẫn một cư sĩ phát tâm tu niệm Phật: - ấn định cho cư sĩ thời khóa niệm Phật là 19 giờ - thời gian niệm là 20 phút. Nhà cư sĩ có phương tiện thờ phượng, nên sau khi thực hiện các nghi thức phổ thông, điểm 6 tiếng chuông, dâng hương, cúng nước, lạy 3 lạy xong, vị cư sĩ ngồi bán già, hai tay hiệp chưởng nghiêm trang - mắt ngó ngay chớp mũi, chầm chậm niệm danh hiệu: Nam... Mô... A... Di... Đà... Phật... Nam... Mô... A... Di... Đà... Phật... Trong quá trình niệm, không nhứt thiết chú trọng vào hơi thở, chỉ thở bình thường - chú trọng vào niệm Phật - niệm (có tiếng) như thế cho đến 20 phút - niệm tứ thánh - hồi hướng - tam quy y, đơn giàn như vậy mới thành nhứt tâm.

Lời bạt:

Bạn nên điều hòa hơi thở và niệm Phật, phải nhớ hơi thở không ảnh hưởng đến niệm Phật - Trước khi niệm Phật Bạn vẫn thực hiện các nghi thức như trên: - ngồi bán già - hiệp chưởng - niệm danh hiệu Phật: Nam Mô A Di Đà Phật... Nam Mô A Di Đà Phật... Phép niệm Phật không ảnh hưởng đến hơi thở ra vào, có vẻ như logic với Bạn đó. Bạn hãy trở lại phép này cho không còn tạp lọan.

Chúc Bạn thành tựu pháp tu.

Niệm Phật như nước với trăng

Nước trong trăng tỏ nước lu trăng mờ

Pháp tu có tự bao giờ

Không nên đổi mới theo thời xưa nay

Niệm Phật phải gắng trì trai

Giảm bớt giới sát độ dân yên lành

Đêm đêm gió mát trăng thanh

Ngồi đây niệm Phật chí thành mười câu

Niệm lâu diệt bỏ não sầu

Tây Phương Tịnh Độ Phật thâu đem về

Chúng ta dòng dõi bồ đề

Phải tu cho đúng đường về mới xong

Cùng Đạo, con Phật một lòng

Quyết tâm giữ vững giống dòng Thích Ca.

loading...