Sách Phật giáo
Phương ngoại khán hồng trần: Các vấn đề xã hội qua lăng kính Phật giáo
Thứ bảy, 22/06/2023 06:18
Lời thảo luận về cuộc sống dưới góc nhìn của Phật giáo Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm đã tận dụng lợi thế của một khách phương ngoại, để từ nhãn quan đạo Phật cung cấp những ý tưởng và giải pháp cho những vấn đề gây ưu tư nhức nhối của cuộc nhân sinh.
“Phương ngoại” là ngoài cõi. Nhưng “ngoài cõi”, là gì? Là đâu? Có thể là một cõi khác, tức một “cõi ngoài cõi” – phương ngoại phương – hoặc có thể vẫn là cõi này thôi, trong cõi này thôi, nhưng con người trong cõi đã tự thấy mình không thuộc về cõi ấy nữa.
Thế nhưng, vì sao đang khi trong cõi lại cứ phải cố đặt mình ra ngoài cõi? Nói rằng vẫn trong mà lại ngoài, có khác gì vẫn mang một tâm thức phân biệt giữa trong và ngoài, giữa cái này và cái khác? Tự đặt mình ra ngoài để có thể nhìn rõ cái bên trong, chính là điểm nhìn mà Pháp sư Thánh Nghiêm, tác giả của tập sách này, đã lựa chọn.
Nhưng đó không phải là sự lựa chọn vì mục đích cho ra đời tập sách này, mà đó là lựa chọn cho lý tưởng một đời của Thầy, và có lẽ cũng chính là lựa chọn của vô số tu sĩ khác: Họ phải tự tách mình khỏi cuộc nhân sinh để có thể có cái thấy như thật về kiếp nhân sinh, cũng như, từ cái thấy như thật ấy, họ có thể có phương án phụng sự tốt nhất, thiết thực nhất cho cõi sống này.
Lời thảo luận về cuộc sống dưới góc nhìn của Phật giáo Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm là đã tận dụng lợi thế của một khách phương ngoại, một người ngoài cõi, để từ nhãn quan đạo Phật, nhãn quan của một người xả tục xuất gia, cung cấp những ý tưởng và giải pháp cho những vấn đề gây ưu tư nhức nhối của cuộc nhân sinh.
Nhưng cũng vì đặc thù của điểm nhìn ấy, độc giả đến với quyển sách này hẳn không thể trông cậy sẽ tìm thấy những giải đáp, khuyên nhủ từ một ông cụ hay một bà lão trải đời, là chứng nhân hay thậm chí nạn nhân của bao cuộc bể dâu.
Bạn đọc sẽ chỉ có thể gặp gỡ những suy tư, gợi mở của một nhà sư, với sự hiểu biết uyên thâm và đầy cập nhật về tình hình xã hội, và từ cái điểm nhìn “xa trông dáng núi Lư”, trông rõ toàn cảnh hồng trần nhưng tựa như không chút bám dính bụi trần. Dù thế, trong toàn bộ tác phẩm này, ta không bao giờ bắt gặp một đại sư Thánh Nghiêm với giọng văn mang tính cách khuyên răn chỉ dẫn, mà luôn chỉ là những chia sẻ hết sức cá nhân và rất mực khiêm tốn, phản ánh rõ sự tự ý thức thường trực của tác giả về vị trí của bản thân như một khách phương ngoại, một người ngoài cuộc.
Cuốn sách với tổng cộng 118 vấn đề thảo luận, chia thành bốn chủ đề lớn, dàn trải từ những lĩnh vực cụ thể và gần gũi như tổ chức đời sống cá nhân, tổ chức đời sống gia đình, cho đến vĩ mô hơn như phát triển đời sống cộng đồng – xã hội, hay những việc vừa cao xa lại vừa thiết thực như chuyện tử sinh, ly hợp của đời người, cùng góc nhìn về những chuyện tâm linh siêu việt.
Tất cả sẽ được chuyển tải tới độc giả bằng thứ ngôn ngữ đối thoại thân mật, giản dị và cung cách từ tốn, nhẹ nhàng, tựa như đem đến cho ta một người bạn phương xa cùng ngồi bên tách cà phê buổi sáng, ôn tồn kể lại những điều đã từng thấy, nghe và nghĩ bấy lâu nay.
Cuốn sách, như đã nói, chưa từng nhắm đến cung cấp bất kỳ sự chỉ dẫn hay một giải pháp đã sẵn nào, mà chỉ đơn thuần mang tính cách nêu những chia sẻ cách nhìn nhận cá nhân của một nhà sư Phật giáo đã tự tách mình khỏi lề thói thế tục.
Nhưng cũng vì vậy, bạn đọc là người “trong cõi” dễ dàng thấy mình có thẩm quyền tham gia vào những cuộc đối thoại ấy, thậm chí có quyền bác bỏ, phản biện những góc nhìn đáng hồ nghi mà tác giả đưa ra. Hoặc những vấn đề của các cuộc đối thoại bên trong quyển sách ít nhiều sẽ gợi mở và thôi thúc nơi mỗi độc giả nỗ lực suy tư tái nhìn nhận và tự chất vấn bản thân. Cũng như, vì tác giả chưa từng nêu một kết luận nào, bạn đọc sẽ là những người chấp bút viết tiếp câu trả lời mình cho là xác đáng.
Trích đoạn sách:
Sống chậm
Hỏi: Ngày trước, Đài Loan có một lối sống được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt đó là “liều ăn nhiều, cắm đầu làm việc mới gặt hái thành công”, người người nhà nhà đều “bán mạng” lao về phía trước, tạo nên đà phát triển thần tốc cho kinh tế Đài Loan. Thế nhưng ngày nay, trong xã hội lại bắt đầu kêu gọi “sống chậm”, khởi xướng một lối sống nhẹ nhàng, ngoài giờ làm việc, nên tạo cho mình thời gian tiêu khiển, hưởng thụ. Vậy rốt cuộc thì trong cuộc sống này, con người ta nên tận dụng thời gian một cách triệt để,phát huy cao độ mọi tiềm lực để làm ra đồng tiền, hay chỉ nên hài lòng với cuộc sống vừa đủ? Liệu có sự mâu thuẫn gì giữa hai cách sống này không?
Đáp: Bản thân tôi cho rằng, ý nghĩa của hai từ “sống chậm” cũng tương tự như việc thả lỏng, không nên tự tạo căng thẳng áp lực mà chúng ta vẫn thường nghe trong các pháp tu thiền. Nỗ lực cho công việc tới mức liều mạng sẽ tạo nên áp lực cho chính bản thân mình, điều này sẽ khiến người ta khó lòng hưởng thụ cuộc sống này thật đúng nghĩa trong mỗi bước đi, điều chỉ có thể cảm nhận được khi người ta sống chậm.
Nêu một ví dụ, như khi Thiền sư người Việt Nam Thích Nhất Hạnh hướng dẫn mọi người thực hành thiền tập, Thầy ấy yêu cầu mỗi hành giả phải chầm chậm trải nghiệm cuộc sống của tự thân, cảm nhận được mình qua mỗi bước chân đi, biết tận hưởng trọn vẹn mỗi bước chân của mình trong suốt quá trình đi ấy. Trong cuộc sống này, chúng ta thấy có không ít người tạo cho mình áp lực từ cuộc sống đến mức thành bệnh, như là tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp…
Nếu khéo sử dụng phương pháp thiền tập vào cuộc sống, sẽ giúp người ta điều tiết nhịp điệu cuộc sống, giải phóng bớt áp lực, từ đó giúp bản thân được nhẹ nhàng, tâm tình được ôn hòa. Và khi làm được như vậy, ta sẽ lại nhận ra cuộc sống có ý nghĩa, công việc cũng có hiệu quả hơn.
Tôi vẫn thường nói“công việc cứ nên tranh thủ, song không nên nôn nóng”, tranh thủ hoàn toàn không có nghĩa là phải cứ ngóng trông, mong đợi để tự mình tạo áp lực cho mình. Thường khi mọi người nghe nói “tranh thủ” là tay chân luống cuống, trong lòng bồn chồn, hơn nữa lại cho rằng phải như vậy mới là tranh thủ. Nhưng nếu hiểu “tranh thủ” là như vậy thì tôi tin chắc là kết quả sẽ khó lòng mà được như mình mong đợi. Chậm một chút, có khi lại cho ra kết quả tốt hơn nhiều.
Tôi có một đệ tử đang học tại Đại học Columbia. Khi ấy tôi cũng đang tại Mỹ, vậy nên cô ấy phát tâm làm thị giả cho tôi. Mỗi ngày, trước khi đi học, cô chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa cho tôi, còn bữa tối thì sau khi tan học về mới nấu. Nếu quan sát sẽ thấy, vị đệ tử của tôi vào mỗi buổi sáng khi chuẩn bị thức ăn, mỗi một hành động đều rất chậm rãi, khoan thai, cứ như người đang rảnh rang không có gì vội vã, song hiệu quả công việc lại rất tốt. Từ đó có thể thấy, động tác chậm giúp người ta kiểm soát được sự chính xác của hành động, đồng thời hiệu suất công việc lại cao. Tôi quan sát thấy trong một giờ đồng hồ, cô ấy làm được rất nhiều công việc.
Thực tế đó cho thấy, việc chậm tiết tấu lại hoàn toàn không có nghĩa là sẽ làm giảm hiệu suất công việc.Có lần tôi hỏi cô ấy “Con làm việc cứ thong thả như vậy sao trong một giờ lại làm được nhiều việc vậy?” Cô ấy đáp “Bạch Thầy, con không làm nhanh được, nhanh là con sẽ rối,không làm được gì hết, cứ thong thả nhưng mấu chốt là con biết trong mỗi phút của một giờ ấy con phải làm việc gì.”
Điều thú vị là, tôi cũng có một vị đệ tử khác, cô này thì tính cách trái ngược với cô kia, suốt ngày làm cái gì cũng vội vội vàng vàng, đến như quét nhà cũng vội vội vàng vàng. Nhưng vì vội vàng nên làm cái gì cũng không kỹ, quét nhà thôi cũng không sạch. Vì vội nên đông một chổi tây một chổi, làm bụi bay hết cả lên tường, rốt cuộc rồi thì sàn không sạch mà tường cũng dơ. Mỗi lần nhận việc là mỗi lần cắm đầu bán mạng, nhưng rồi rốt lại hiệu quả công việc lại chẳng đâu ra đâu.
Từ đó có thể thấy, sống chậm không mâu thuẫn, xung đột gì trong việc phát huy hiệu suất, phát triển tiềm lực, trái lại có khi nhờ sống chậm mà hiệu suất được thêm cao, tiềm lực được phát triển triệt để. Mượn câu nói cũ, tặng quý vị cùng tham khảo: “Công việc cứ nên tranh thủ, song không nên nôn nóng”.