Kiến thức
Phương pháp đưa đến sự an lạc
Thứ hai, 11/08/2023 10:31
Bất kỳ ai trên thế gian này đều mong muốn tìm cho mình hạnh phúc, an lạc, mà những niềm vui, lạc thú trên đời này rất nhiều. Thế nhưng, đa số các lạc thú đều làm cho con người hướng đến thỏa mãn những giác quan, là những cái vui tạm thời, nhanh chóng tàn lụi.
Cái vui này còn dẫn đến những tổn hại, tiềm tàng nguy hiểm về sau. Nhưng bên cạnh đó, có những niềm vui, hạnh phúc xuất phát từ nội tại, sâu lắng mà lâu dài, mang nhiều lợi lạc. Có thể thấy, hạnh phúc là một phạm trù mang tính tương đối và tùy thuộc vào cái nhìn nhận của mỗi con người. Nhưng suy cho cùng, chân hạnh phúc, an lạc thực sự chỉ có thể là xuất phát từ nội tại khiến thân và tâm thanh tịnh, an ổn lâu dài.
An lạc là gì?
An lạc được xem là kết quả, là lợi ích của sự tu tập mang lại. Theo đó, “an” là sự an định của nội tâm, “lạc” chính là hạnh phúc. “An lạc” chính là niềm hạnh phúc xuất phát từ nội tâm. “An lạc” chỉ xuất hiện khi nội tâm có sự tu tập, thanh tịnh. Và “sống an lạc, hoan hỷ tịnh hóa thân tâm là phật sự, là phương châm sống của người con Phật” [1]. Thế mới thấy, để có được an lạc trong đời sống thường nhật phải có sự tu tập và hành trì. Việc này không đơn giản chỉ là một lợi ích, mà “sống an lạc” còn được coi là trách nhiệm của những người con Phật cả xuất gia lẫn tại gia.
Phương pháp thực hành an lạc
Để cuộc sống trở nên có ý nghĩa, mỗi ngày trôi qua đều là sự hạnh phúc, an lạc thì thiết nghĩ, chúng ta cần thực hành những phương pháp sau đây:
Nghiêm trì giới luật
Theo Cương yếu giới luật của Hòa thượng Thiện Siêu: “Thi-la (Sìla), dịch là Giới” [2]. Giới ở đây được hiểu là những giới luật của Đức Phật chế ra hay quy định, mà hàng tu sĩ hay Phật tử đều phải tuân thủ, giữ gìn. Có nghĩa là quán hạnh, tức là xem xét và ngăn ngừa hành vi bất thiện của thân, khẩu, ý (phòng phi chỉ ác, chế ngự: Nghĩa là ngăn ngừa, đình chỉ điều sai trái, xấu ác, bất thiện). Còn chữ “Luật” trong giới luật là: “Tỳ-Ni (tức Tỳ-nại-da – Vinaya), dịch là Luật hay điều phục” [3]. Có nghĩa là điều phục, ngăn ngừa những điều sai trái, bất thiện nơi thân, khẩu ý của mình. Có thể hiểu, “giới luật” chính là những giới cấm, quy định mà Đức Phật chế ra cho hàng đệ tử quán xét, điều phục và ngăn chặn những điều bất thiện, xấu ác, sai trái từ thân, khẩu, ý của mình. Đây là điều kiện để giác ngộ và giải thoát.
Có thể thấy, dù là Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Phật tử,…đều có giới luật khác nhau ở sự nhiều hay ít, nhưng chung quy lại đều xuất phát từ 5 giới căn bản là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu nhằm trao dồi đạo đức, trưởng dưỡng đạo tâm, tiến đến cuộc sống bình an, hạnh phúc. Ví dụ về giới “không sát sanh” thì trong Tỳ kheo Giới Kinh có ghi: “Không được giết hại chúng sinh, là trên từ Thánh nhân, sư Tăng, phụ mẫu, dưới cho đến loài bò bay cựa động vi tế côn trùng, phải có lòng từ bi hộ mạng chúng” [4]. Không sát sinh là không sát hại, giết hại các sinh mạng từ con người đến các loài côn trùng nhỏ như: kiến, muỗi, ruồi… bên cạnh đó còn phải biết yêu thương, bảo vệ sinh mạng cho tất cả muôn loài. Từ đó giúp người hành giả tăng trưởng tâm từ của mình.
Khi hành giả giữ giới nghiêm ngặt thì không có sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, thì hành giả sẽ không sợ hãi bởi sự giết hại hay trả thù, không lo tù ngục, giam cầm, không bất hòa trong gia đình, thần sắc cũng tươi sáng nhiều sức khoẻ. Không lo sợ vì những lời nói dối sẽ bị phát hiện, không có sợ hãi trong lòng.
Khi thực hành giới luật thì hành giả sẽ thanh tịnh về thân, khẩu, ý. Luôn giữ gìn, kiểm thúc hành động, lời nói và ý nghĩ của mình, đó cũng là thiền định. Thân tướng từ đó trang nghiêm. Ý không suy nghĩ tạp loạn bởi vì lo trì giới sợ phạm tội. Từ đó thân tâm chánh niệm, không lăng xăng tạp loạn. Khi chánh niệm thì hành giả sẽ có định. Khi định rồi thì tuệ cũng từ đó phát sinh. Và trí tuệ chính là con dao tối thượng để chặt đứt phiền não và phá tan vô minh trong mỗi con người. Và phiền não, vô minh chính là nguồn gốc của cái khổ. Vì thế, khi có trí tuệ thì luôn nhìn nhận thế giới bằng con mắt trí, biết đối cảnh tùy duyên chuyển hóa, luôn tỉnh giác để nhìn nhận sự vật, sự việc vận hành quanh ta.
Có thể thấy, giới luật cũng chính là nền tảng của đạo đức, dùng để trưởng dưỡng đạo tâm. Những người giữ giới sẽ gặt hái được nhiều lợi ích và thành công trong cuộc sống, được mọi người quý mến, giúp đỡ. Và một hành giả khi giữ giới sẽ có đầy đủ “giới – định – tuệ” thì cuộc sống luôn an lạc từ thân đến tâm, luôn sống trong sự yên bình không sợ hãi. Cuộc sống của hành giả giữ giới mỗi ngày chính là sống trong sự chánh niệm, tỉnh giác, không mê loạn. Đó chính là sự an lạc rốt ráo khi thực hành giới luật.
Nghiên cứu giáo lý sâu sắc và hành trì thực tiễn
Là một hành giả tu tập mà không rõ về giáo lý thì không thể nào tu tập đúng phương pháp được. Mà để hiểu rõ giáo lý thì phải có sự nghiên cứu, tìm tòi, nghiền ngẫm một cách nghiêm túc và sâu sắc. Khi thông hiểu rồi thì phải áp dụng vào thực tiễn qua cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Bởi vì việc tụng kinh không chỉ đem lại sự nhận thức sâu sắc về giáo pháp cho bản thân người tụng mà đồng thời đó còn là một thời thuyết pháp. Trong Tương Ưng I phần “Tụng đọc kinh điển” cũng có đến cập đến việc tụng kinh như sau: “Này Tỳ kheo, sao ông/ Sống chung các Tỳ kheo/ Lại không chịu tụng đọc/ Các kinh điển pháp cú/ Ai nghe thuyết chánh pháp/ Tâm được sinh tịnh tín/ Và ngay đời hiện tại/ Được mọi người tán thán” [5].
Khi trì tụng bất kỳ cuốn kinh nào, nếu hành giả chỉ biết lật quyển kinh và trì kinh thôi, không biết nghĩa kinh nói gì, chỉ hiểu theo quán tính bình thường thì việc tụng kinh chỉ là một hình thức. Nếu nghĩa kinh không hiểu thì làm sao áp dụng thực hành vào thực tiễn được. Và chỉ dừng lại ở việc trì kinh cùng với hiểu nghĩa kinh một cách qua loa sơ sài thì không thể nào mang lại an lạc cho hành giả được.
Vì vậy, việc đầu tiên khi trì kinh là phải tìm đọc, nghe giảng về ý nghĩa của cuốn kinh đó, và phải suy ngẫm, tìm hiểu một cách sâu sắc để thực hành đúng đắn. Và khi hiểu nghĩa kinh rồi thì hành giả sẽ cảm thấy say sưa hơn khi trì kinh, và áp dụng đúng nghĩa kinh ra ngoài cuộc sống thì sẽ giúp hành giả thực hành đúng lời Phật dạy. Khi hiểu nghĩa kinh, giáo lý, thực hành đúng lời Phật dạy thì hành giả sẽ cảm thấy tự tin, sáng suốt, cuộc sống mỗi ngày cũng trở nên ý nghĩa và an lạc hơn.
Có chánh tín kiên cố
Chánh tín và an lạc là hai vấn đề có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Biết rằng chánh tín là một “phương pháp” để đưa đến “kết quả” an lạc. Thế nhưng, chỉ khi có chánh tín thì mới đưa đến an lạc, và chỉ khi nào an lạc mới biết được pháp đó là chánh tín. Bởi khi nói về vấn đề chánh tín Đức Phật đã dạy cho các người Kàlàmà như sau: “Biết rõ các pháp này là bất thiện, là tội lỗi; các pháp này bị những người có trí chỉ trích; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến bất hạnh và khổ đau, thì này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng” và “Biết rõ các pháp này là thiện, là không có tội lỗi; các pháp này được những người có trí tán thán; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì này Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú” [6].
Thường ở trên đời, người ta cho rằng cái gì là của mình, liên hệ đến mình đều là tối thắng, đó chính là tự ngã. Và chính cái tự ngã đó là bóng tối vô minh làm chướng ngại sự thể nhập chân lý và là nguồn gốc đưa đến mọi khổ đau trên cuộc đời. Và hành giả tu tập là không ngừng nỗ lực làm sáng tỏ quan điểm, lập trường của mình. Nhưng cái vi tế ở đây chính là đang phát huy “cái ta” và “cái của ta” là chuyện bình thường vốn dĩ của thế gian. Nhưng phải biết nhìn nhận rằng “cái ta” này xuất phát từ việc dùng trí tuệ quán xét, nhận định chứ không phải cái “chấp ngã”. Và nếu như hành giả bảo vệ quan điểm của mình mà bài xích quan điểm tiến bộ, đúng đắn thì đó là việc sai lệch vô cùng, điều đó thuộc về chấp ngã, vô minh và cuồng tín.
Vì vậy, như ở trên, Đức Phật đã dạy nên thận trọng, chớ vội tin mà phải biết dùng trí tuệ để nhận biết các quan điểm, tư tưởng chủ yếu là “pháp”. Sau khi soi xét, chiêm nghiệm, có sự tư duy thì mới đi đến niềm tin vững chắc. Đó là lộ trình chánh tín của người con Phật. Nếu không được nghi, được xét lại mà chỉ nghe rồi tin theo thì đó thuộc vế cuồng tín, là mê tín và tăm tối. Và biết pháp đó là thiện, không có tội lỗi, thực hành mang đến hạnh phúc cùng sự an lạc thì mới là “chánh pháp”, lúc này cần an trú nơi pháp đó.
Bởi “chánh tín, lòng tin là tài sản tối thượng”, vì vậy khi hành giả đã tìm thấy cho mình “pháp” làm nên an lạc thì cần an trú nơi đó mà duy trì, phát huy. Và thực sự, nếu hành giả không dùng trí tuệ soi xét mà thực hành thì đi sai lệch với lời Phật dạy, điều đó khiến hành giả không được lợi lạc gì mà có khi còn mang lại những bất như ý, không có kết quả. Khi đó hành giả sẽ thấy mất lòng tin, dẫn đến mơ hồ, xáo rỗng, mất phương hướng. Điều đó dẫn đến sự hoang mang, không biết tin vào đâu để làm nền tảng tu tập cho chính mình, cứ thế ngày ngày bước lui về sau trong quá trình tu tập.
Thế mới thấy, chánh tín kiên cố là phương pháp vô cùng quan trọng trong bước đường duy trì sự an lạc rốt ráo cho hành giả. Cho nên, khi tìm thấy phương pháp đúng đắn thì hành giả cần an trú nơi pháp đó tu tập cho chính mình, cần giữ vững lòng tin, không nên chạy theo hay tìm kiếm những “phương pháp mới lạ” để chứng tỏ mình hay chạy theo bên ngoài. Vì chánh tín kiên cố tìm được bằng trí tuệ đó sẽ giúp hành giả luôn tự tin, vững chãi, mang lại hạnh phúc cho mình và người trong cả hiện tại và mai sau.
Trải rộng tâm từ
Từ bi chính là một phẩm chất quan trọng không thể thiếu của người con Phật cả xuất gia lẫn tại gia. Với Phật giáo, tâm từ bi là sự yêu thương, tôn trọng và bảo vệ sự sống của con người cùng tất cả chúng sanh, ở đó không có sự phân biệt. Nói về tâm từ Đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi” sẽ mang đến 11 lợi ích “ngủ an lạc; thức an lạc; không ác mộng; được loài người ái mộ; Chư Thiên bảo hộ; không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm; tâm được tịnh mau chóng; sắc mặt trong sáng; mệnh chung không hôn ám; nếu chưa thể nhập thượng pháp (A la hán quả) được sanh lên Phạm thiên giới” [7].
Là người con Phật, ta nên luôn trải rộng tâm từ của mình với tất cả mọi người, vật tức là lấy từ bi làm nền cho mọi hành động, ứng xử trong cuộc sống này. Để có hiệu quả hơn thì tâm từ luôn đi kèm với buông xả. Bởi khi một người nào đó có chửi mắng hay nói lời không đúng về mình thì cần phải lấy từ tâm mà đối với họ. Tức là phải có cái nhìn yêu thương, và cùng với buông xả thì mới tha thứ được.
Tâm từ bi với khả tính buông xả, tha thứ, thương yêu sẽ dập tắt được phiền não của mình với người. Không những thế, tâm từ bi khiến con người trở nên thuần hậu, an bình, thăng hoa trong đời sống tu tập, dù ở môi trường nào cũng được mọi người yêu quý. Từ đó hình thành an lạc ngay trong nội tại, an lạc từng giây, từng phút trong cuộc đời.
Thiểu dục tri túc
Dù vào thời nào đi nữa, đối với con người thì nhu cầu và khát vọng trong cuộc sống này dường như chưa bao giờ là đủ. Và thiếu, chưa đủ, cần tìm thêm nữa,…là đặc điểm luôn hiển hiện trong mỗi con người. Cho nên, suốt cuộc đời con người luôn đi tìm cái gọi là “đủ”. Thế nhưng, tìm kiếm cả cuộc đời, có khi kết thúc sinh mạng này vẫn chưa bao giờ thấy đủ. Nhưng thực ra thì nếu chúng ta biết đủ thì tự khắc sẽ đủ, còn ai chưa thấy đủ thì cứ mải miết đi tìm. Vì thế mà Đức Phật đã dạy đệ tử Ngài về “thiểu dục tri túc”.
“Thiểu dục tri túc” chính là “ít muốn và biết đủ”, hay có thể hiểu rõ hơn thì “thiểu dục” là ít ham muốn với những gì chưa có, còn “tri túc” là biết đủ với những gì mình đang có. Cho nên mới có câu: “Người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở Thiên đường cũng không vừa ý” [8]. Có thể thấy, nâng cao phẩm chất cuộc sống này không đơn thuần chỉ là vật chất, mà quan trọng nhất là sung mãn, thoải mái về tinh thần. Bởi thực tế trong cuộc sống hằng ngày ta vẫn thấy được rằng dù ai có nhà cao cửa rộng, vật chất đầy đủ nhưng tâm bị tham ái, giận hờn, si mê che đậy khiến luôn dằn vặt, quấy nhiễu thì vẫn khổ đau. Nhưng trái lại, có người tuy không giàu có, dư dả, chỉ đủ sống nhưng họ vẫn luôn lạc quan, thoải mái, thảnh thơi. Đó là họ biết đủ. Nói như thế không phải là dừng những hoạt động kiếm sống, bởi vì lao động là điều kiện tất yếu để duy trì cuộc sống này. Nhưng trên tinh thần “thiểu dục tri túc” thì bên cạnh việc lao động kiếm sống để làm giàu vật chất thì cần biết dành thời gian tu dưỡng, trau dồi đạo đức, chuyển hóa nội tâm để phát triển tuệ giác, đặc biệt là “biết đủ”. Bởi khi “nghiệp” mà đến rồi, bệnh tật đến thì dù có bao nhiêu tiền cũng không chữa trị cho đủ. Nhưng với tâm thái biết đủ thì tinh thần luôn cảm thấy thoải mái, an vui nên vì thế cũng ít bệnh.
Bởi khi nhận thức đúng đắn về con người và cuộc đời, “ít muốn” và “biết đủ” sẽ giúp con người giảm thiểu các nhu cầu về ăn, mặc, ở,…để bớt lo toan, buông xả, nhẹ nhàng, thảnh thơi và giải thoát khỏi các ham muốn. Từ đó, hành giả chẳng mong cầu dư dả, biết đủ, thì sẽ hạnh phúc, cảm thấy luôn bình an và an lạc ngay hiện tại.
Sống trên tinh thần hòa hợp
Trong một tập thể, đặc biệt là một hội chúng, một Tăng đoàn thì vấn đề hòa hợp, đoàn kết là vô cùng quan trọng, điều này còn quyết định sự vững mạnh, phát triển của một Tăng đoàn nói riêng và hệ thống Phật giáo nói chung. Thấy được tầm quan trọng đó, Đức Phật đã dạy về “sáu pháp hòa kỉnh” như sau: “Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo an trú từ thân hành; an trú từ khẩu hành; an trú từ ý hành đối các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Đối với những tài vật nhận được đúng pháp phải san sẻ, dùng chung đối với các vị đồng phạm hạnh. Đối với các giới luật không có vi phạm, thành tựu các giới luật ấy với các vị đồng phạm hạnh. Đối với các tri kiến thuộc về bậc Thánh, Tỳ kheo sống thành tựu tri kiến như vậy cùng với các vị đồng phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Này các Tỳ kheo, sáu pháp này cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí” [9].
Nói rõ hơn một cách hệ thống thì 6 pháp này gồm:
1. Thân hòa đồng trụ.
2. Khẩu hòa vô tranh.
3. Ý hòa đồng duyệt.
4. Giới hòa đồng tu.
5. Kiến hòa đồng giải.
6. Lợi hòa đồng quân.
Như thế, nếu mỗi hành giả là một cá thể góp nên một Tăng đoàn vững mạnh nên phải cộng trụ và đoàn kết với nhau. Trong những lời nói thì nên nói những lời ái ngữ, tránh những lời nói gây bất hòa. Do nhiều cá nhân như vậy thường thì mỗi người sẽ có một tính cách và suy nghĩ khác nhau, nhưng chung quy lại đều cùng tư duy về giáo lý, Phật sự. Vì thế trong ý nghĩ cần có sự thấu hiểu, cảm thông và lấy sự phát triển của đạo pháp làm nguyên tắc và linh hoạt trong việc đồng thuận ý kiến để lợi lạc cho số đông tập thể. Tuy mỗi hành giả có tính cách khác nhau, giới thể khác nhau nhưng giới luật không hề sai khác. Mà giới luật chính là “chuẩn” để đại chúng nương theo tu tập. Vì vậy, phải cùng nhau giữ gìn giới luật Phật dạy, sách tấn nhau để cùng thăng tiến trên bước đường tu tập của mình. Thường thì trong một tập thể nhiều người thì việc bất như ý, bất đồng khó tránh khỏi. Nhưng là người con Phật nên cần phải tỏ bày với nhau, cùng nhau tháo gỡ để đi đến hòa giải, đó là một điều vô cùng tốt đẹp. Cuối cùng là mọi vật phẩm khi chia chúng đều nên đồng điều không được phân biệt.
Nếu mỗi hành giả rèn luyện cho mình sáu yếu tố đó thì sẽ xây dựng nên một Tăng đoàn vững mạnh. Mà bên cạnh đó, sáu pháp hòa kỉnh này còn giúp cho hành giả có một môi trường hòa hợp, ai ai cũng quý mến nhau, cùng sách tấn, cùng tu tập thì hành giả sẽ luôn cảm thấy an toàn, bình an và luôn an lạc, hoan hỷ.
Kết luận:
An lạc là một kết quả, là lợi ích được hình thành từ sự nỗ lực tu tập qua việc nghiêm trì giới luật một cách rốt ráo, từ việc tìm tòi nghiên cứu nghĩa kinh và áp dụng vào cuộc sống thường ngày. Bên cạnh đó, hành giả phải có chánh tín kiên cố trong phương pháp tu tập của mình, bởi vì “lòng tin là tài sản tối thượng”, nhưng phải biết dùng trí tuệ tư duy, quán sát để không rơi vào cực đoan, chấp thủ. Và tâm từ là yếu tố chủ chốt quan trọng để đưa đến sự an lạc, nếu một người với cái tâm thù hằng, ganh ghét thì muôn đời không bao giờ có lấy một phút giây bình an từ nội tại. Chỉ khi biết mở lòng yêu thương, thấu hiểu, cảm thông thì mới có thể tha thứ, buông xả để sống cuộc sống an lạc. Là người con Phật nên “thiểu dục tri túc” để luôn cảm thấy thoải mái, thảnh thơi trước quy luật vô thường của cuộc đời này. Cuối cùng là phải biết lấy tinh thần lục hòa để xây dựng cuộc sống hòa hợp, và trong bất kỳ môi trường nào cũng sẽ được yêu quý, kính mến. Có thể thấy, trước cuộc đời trôi nhanh này, con người đang và luôn bị luật “lão – bệnh – tử” chi phối. Hạnh phúc đang ở ngay thực tại, luôn hiển hiện mà con người không thấy, bởi vì họ chưa có sự an lạc thực sự trong nội tâm của mình. Và chính sự an lạc là nền tảng, là bậc thang để đưa hành giả đến với thanh tịnh, giải thoát.
Chú thích
* Thích Nữ Huệ Giác.
[1] Quảng Tánh (2011), Lời Phật dạy trong kinh tạng Nikaya, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr.475
[2] HT. Thích Thiện Siêu (2002), Cương yếu giới luật, Nxb Tôn giáo, tr.15
[3] HT. Thích Thiện Siêu (2002), Cương yếu giới luật, Nxb Tôn giáo, tr.15
[4] Thích Thiện Hòa (dịch, 2013), Tỳ-kheo Giới Kinh, Nxb Tôn giáo, tr.11.
[5] ĐTKVN, Tương Ưng I, chương 9, phần Tụng đọc kinh điển, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.445
[6] ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Lớn, phần Các vị ở Kesaputta, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.336
[7] ĐTKVN, Tăng Chi Bộ IV, chương 11, phẩm Tùy niệm, phần Từ, VNCPHVN ấn hành, 1977, tr.684.
[8] Thích Thiện Siêu (2002), Chữ Nghiệp Trong Đạo Phật, An Tâm, Nxb. Tôn giáo, tr.169.
[9] ĐTKVN, Trung Bộ I, kinh Kosambiya, VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.701.