Sách Phật giáo

Quá trình phát triển của Phật giáo Phú Thọ

Thứ hai, 19/03/2018 04:17

Trải qua lịch sử hơn 2500 năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, Phật giáo đã thấm đẫm, ảnh hưởng sâu rộng mọi mặt đời sống người dân Việt, nhất là văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Thọ với tư cách là một thành viên của GHPGVN, phát huy truyền thống của cha ông đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, góp phần xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”. Trong quá trình kế thừa - phát triển, trải qua các nhiệm kỳ, GHPGVN tỉnh Phú Thọ đã không ngừ
1. Phật giáo Phú Thọ kế thừa những thành quả của các bậc tiền bối

Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, là một trong những nơi tiêu biểu của cả nước có quá trình phát triển văn hóa lâu đời của kinh đô Văn Lang dưới triều đại dựng nước của các Vua Hùng. Từ xa xưa người dân nơi đây đã theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt lễ giỗ tổ Hùng Vương khiến những người con trên khắp mọi miền tổ quốc trở về với lòng thành kính dâng lên tổ tiên lòng biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng, chính là khẳng định niềm tin cùng truyền thống dựng nước và giữ nước muôn đời của dân tộc ta.
Ngày nay, giỗ tổ Hùng Vương là lễ hội văn hóa tâm linh lớn nhất Việt Nam. Phú Thọ có 1372 di tích và các điểm du lịch trong đó có trên 200 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di tích cách mạng...Với trên 260 lễ hội tổ chức quanh năm như lễ hội Đền Hùng, hội đền Mẫu Âu Cơ, hội Cầu tháng giêng, hội Xoan, hội Gia thanh, hội đình Cả, hội Chu Hóa, hội Phết Hiền Quang, hội đánh cá… Phú Thọ còn bảo lưu được nhiều nghi lễ cổ xưa của cư dân nông nghiệp như rước lúa thần, lễ gọi lúa, rước nông cụ, lễ cầu nước… Có thể nói Phú Thọ chính là vùng đất ươm trồng văn hóa làng xã với các biểu hiện tập trung là lễ hội. 

Đến với Phú Thọ người ta còn có thể tìm thấy những lời giải đáp về quá khứ của nền văn hóa dân tộc đi từ cội nguồn. Tín ngưỡng này xuất phát từ đạo lý và truyền thống của dân tộc, lòng yêu nước, kiên cường bất khuất luôn hướng về cội nguồn.

Về địa lý, hiện nay Phú Thọ có diện tích: 3.532.9493 km2 chiếm 1,5% diện tích cả nước; tổng dân số: 1.313.926 người, thuộc nhiều dân tộc khác nhau, mật độ dân số 373 người/km2. Dân số ở vùng nông thôn khoảng 75%; thành thị 25%; số lượng phật tử xấp xỉ 90.000ng. Vùng núi chiếm 79% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; vùng trung du chiếm 14,35% diện tích; vùng đồng bằng chiếm 6,65% diện tích. Ðiểm cao nhất có độ cao 1.200m so với mực nước biển, điểm thấp nhất cao 30m; độ cao trung bình là 250m so với mực nước biển.

Do điều kiện địa lý và sự phong phú của lễ hội, con người nơi đây nặng về lễ bái cầu cúng. Ngay từ những năm đầu thành lập Ban Trị sự, cố Hòa thượng Thích Viên Thành đã nắm bắt được điều đó. Ngài đã không quản phật sự đa đoan, vượt qua mọi khó khăn thành lập BTS và làm Trưởng ban với 1 phó ban, gồm 25 thành viên trong đó có 16 thành viên là phật tử tại gia; tổng số tăng ni là 13 vị, cư sĩ là 39.930. 

Suốt 5 năm ngài đến Phú Thọ do sự cảm thỉnh của một gia đình hay một nhóm phật tử để hướng dẫn tu tập lập tịnh thất thờ Phật cho các phật tử tại gia... Kế thừa nhiệm kỳ đầu, từ năm 2002 đến năm 2007, thành viên BTS gồm 25 vị, tu sĩ 8 vị, cư sĩ là 17 vị, do Ni sư Thích Đàm Nhã làm trưởng ban, tổng số 48.491 hội viên; nhiệm kỳ 2007-2012, BTS gồm 31 thành viên do Thượng tọa Thích Minh Nghiêm làm trưởng ban, trong đó có 9 Ủy viên thường trực, tổng số hội viên là 59.006 người; nhiệm kỳ 2012-2017, BTS gồm 31 thành viên do Thượng tọa Thích Minh Nghiêm làm Trưởng Ban, trong đó có 9 Ủy viên thường trực, tu sĩ đạt 26/31 vị.

2. Sự phát triển của Phật giáo Phú Thọ ngày nay
2.1. Nhân sự của GHPGVN tỉnh Phú Thọ

Nhìn lại 4 nhiệm kỳ GHPGVN tỉnh Phú Thọ đã thành tựu rất nhiều phật sự quan trọng, đặc biệt là về nhân sự góp phần vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong hiện tại và cho tương lai. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đang ngày càng hoàn thiện với số lượng là 31 thành viên, 11 ủy viên Thường trực và vận hành có hiệu quả với các tiểu ban, tăng ni, phật tử không ngừng nỗ lực hoạt động. 

Tính đến nay toàn tỉnh có 147 tăng ni tu hành, tuy là một con số đáng mừng cho gần 20 năm phát triển nhưng quá ít ỏi đối với 326 tự viện và gần 90.000 hội viên (Phật tử sinh hoạt khoảng trên 300.000 người). Đại đa phần là tăng ni trẻ, độ tuổi từ 50 trở lên chỉ khoảng trên 10 vị nhưng phật tử lại rất đông, chiếm đại đa số so với dân số trong toàn tỉnh và luôn sống trong niềm tin hòa hợp, đoàn kết theo sự hướng dẫn của tăng ni.

Số lượng phật tử đông, chùa nhiều, tăng ni ít, nên đòi hỏi tăng ni nhất là tăng ni trẻ phải trau dồi đạo hạnh, nâng cao trình độ không chỉ về nội điển mà cả ngoại điển như: Tin học, văn học, ngoại ngữ, hành chính và quản trị, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của các hoạt động phật sự, để đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững Phật giáo. Việc tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, cứ hai năm BTS lại tổ chức Giới đàn một lần để trao truyền giới châu cho giới tử, làm thềm thang tu hành và tạo điều kiện giúp đỡ tăng ni đang theo học tại các trường trung cấp và học viện.

2.2. Công tác Hoằng pháp

Công tác hoằng pháp là một trong những phật sự trọng yếu của Phật giáo Phú Thọ trong những nhiệm kỳ qua. Mỗi tăng ni đều là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bà con nhân dân tại địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc hoằng truyền chính pháp, đồng thời là người trực tiếp dìu dắt các phật tử trong làng hoặc trong khu vực của mình trên con đường tu học. Vì thế cho nên, việc hoằng dương Phật pháp ngay tại các chùa, các tự viện và có liên quan đến sự thịnh suy của Phật giáo.

Với tinh thần “Trụ Pháp Vương gia, Trì Như Lai Tạng”, mỗi tăng ni trụ trì đều chuẩn bị cho mình một tinh thần “Bi, trí, dũng”, am tường giới luật, có kinh nghiệm tu tập đủ khả năng giảng giải, hướng dẫn phật tử trên lộ trình tu tập giải thoát, giác ngộ, vượt qua khó khăn, gian khổ quyết tâm làm phật sự vì lòng bi mẫn của người con Phật ở mọi nơi chúng sinh cần đến, nên công việc hoằng dương chính pháp trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Công tác hoằng pháp của tỉnh được đổi mới về nội dung và phương pháp, có chiều sâu nghiên cứu làm sáng tỏ chân lý giải thoát song hành cùng giá trị đạo đức, nhân văn của giáo lý Phật đà trong đời sống xã hội kết hợp với văn hóa truyền thống đang được quan tâm với nhiều hình thức khác nhau, góp phần nâng cao hiệu quả, phong phú, đa dạng trong hoạt động hoằng pháp. Đối với thanh thiếu niên, đứng trước những tệ nạn của xã hội, các vấn đề thời đại nảy sinh trong nền kinh tế hội nhập như: lối sống hưởng thụ chạy theo vật chất, suy thoái đạo đức cá nhân và xã hội, tiêu cực, tham nhũng, với sự cạn kiệt và mất cân bằng môi trường sinh thái, các bệnh dịch hiểm nghèo, nhiễm HIV/AIDS,... hoạt động hoằng pháp đã được tổ chức với nhiều mô hình sinh hoạt, tích cực góp phần giảm bớt những mặt trái đã và đang phát sinh trong xã hội, đồng thời xây dựng nếp sống hài hòa, quân bình về mặt tinh thần và vật chất. 

Đối với các thế lực lợi dụng tôn giáo, BTS đã giúp đồng bào nhận thấy trách nhiệm của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân, động viên tăng ni, phật tử tham gia vào nhiệm vụ chung của đất nước, của mặt trận, thực hiện tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ hòa bình, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống đô thị văn minh và nông thôn mới”.

Trên thực tế, ở Phú Thọ người dân chủ yếu sống ở những vùng nông thôn trung du xa xôi, hẻo lánh, cuộc sống thường ngày là làm ruộng, lên nương một nắng hai sương, nên đời sống phần nhiều còn khó khăn cả vật chất đến tinh thần, có những người dân chỉ biết đến chùa thắp nén hương cầu xin, những mong thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, mà không biết Phật pháp là gì, thậm chí đời sống tinh thần của họ còn mang nặng tính chất mê tín dị đoan, tín ngưỡng bản địa, chưa có nhận thức và chưa có niềm tin về đạo Phật. 

Đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn như: Yên Lập, Cẩm Khê, Thanh Sơn, Tân Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng..., BTS đã kết hợp công việc hoằng pháp với từ thiện. Người dân tập hợp về nghe pháp và được tặng quà. Nếu chỉ tổ chức thuyết pháp thì họ sẽ không đi vì thời gian còn phải đi làm để kiếm sống. Nhiều giảng sư đến vùng xa thuyết giảng cũng không có ai đến nghe, hoặc người nghe rất ít. Nên BTS đã kết hợp việc thuyết pháp với từ thiện. Thực tế đã cho thấy dân chúng rất hoan hỷ đến thính pháp, tinh thần của họ được cởi mở, phấn chấn hơn. 

Được nghe giảng dạy những điều lành thiện, lâu ngày họ cũng thấm nhuần luật nhân quả, bớt làm việc xấu, bớt buồn phiền với cuộc sống khổ cực của họ và niềm tin với Phật pháp cũng thêm tăng trưởng. Hoằng pháp theo cách này đối với vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó, giúp họ tiếp thu nền văn minh của nhân loại ở thế kỷ XXI và phát huy được sức mạnh của đạo Phật, mở rộng con đường hoằng pháp đến mọi nơi của đất nước góp phần mang lợi lạc, an vui cho tất cả mọi người.

2.3. Hướng dẫn phật tử

Tại Phú Thọ, dân số ở vùng nông thôn khoảng 75%; thành thị 25%, với điều kiện địa hình tự nhiên và nhiều lễ hội truyền thống đã khiến cho người dân nơi đây nặng về cầu cúng, mang nặng màu sắc mê tín, chủ yếu là cầu an, cầu siêu. Nếu biết tận dụng thì đây cũng là một duyên tốt hướng người dân phát triển về mặt tâm linh. 

Trước đây, mỗi khi tăng ni đến làm lễ đều hướng dẫn gia đình cách tu tập, tụng kinh, niệm Phật, kể chuyện nhân quả, khuyến hóa tạo phúc đức cho bản thân và cho con cháu, việc giáo hóa chỉ theo từng gia đình, từng nhóm. Dần dần, thêm tin tưởng, kính quý thầy và những công đức mà họ làm khiến thành tựu được những mong ước. Từ việc tu tập đơn lẻ ở từng gia đình, từng nhóm, ngày nay tăng ni đã tổ chức cho các phật tử đã tu tập chung thành các đạo tràng lớn với số đông người tham gia, có khóa tu lên tới cả nghìn người.

Phật tử ở Phú Thọ đa dạng về đối tượng, lứa tuổi, thành phần và trình độ, hoàn cảnh khác nhau, nên việc giáo hóa gặp không ít khó khăn. Những năm gần đây, BTS tùy theo từng địa phương, trình độ mà hướng dẫn cho các tiểu ban tại các huyện có những cách giáo hóa khác nhau vừa khế lý vừa khế cơ. Nhiều nơi mở rộng mô hình khóa tu Một ngày an lạc, khóa tu Bát quan trai, khóa tu Phật thất. Trong đó khóa tu Bát quan trai, Phật thất đáp ứng nhu cầu cho hàng phật tử lâu năm, khóa tu Một ngày an lạc dành cho các phật tử mới biết đạo. 

Chú trọng đến việc nghe pháp, tụng kinh, sám hối nhằm giúp thân tâm hành giả thanh tịnh trong một ngày, phần lớn là vào ngày cuối tuần ở các chùa như: Chùa Đại Bi, chùa Cát Tường, chùa Tiên Long ở thành phố Việt Trì, chùa Cây Thị ở thị xã Phú Thọ, Chùa Phổ Độ ở thị trấn Đoan Hùng...

Công tác giảng dạy đối với lớp trẻ được chú trọng vào tâm thức để đối trị trước những tệ nạn xuống cấp của đạo đức xã hội, nhằm giúp các thanh thiếu niên gìn giữ văn hóa gia đình, văn hóa Việt Nam và văn hóa Phật giáo. Đây chính là cách giúp giới trẻ gắn bó với đạo Phật. Ngoài những khóa tu học do các chùa tổ chức, BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ đã chú trọng đến các lớp giáo lý dài hạn tổ chức cho những thành phần cốt cán của các Ban hộ tự các chùa. Các lớp giáo lý liên xã, liên huyện cũng được BTS tỉnh, BTS các huyện, thị, thành phố tổ chức thường xuyên tùy theo khả năng theo học và trình độ của các phật tử.

Nhìn chung trong công tác hướng dẫn phật tử, ngoài việc trang bị kiến thức về giáo lý, truyền đạt cốt tủy của Phật học, còn hướng đến giúp cho nhân thân mỗi phật tử trở thành một hình mẫu sống an lạc, tự tại giữa bao ràng buộc của gia đình và xã hội.

2.4. Từ thiện xã hội

Trước kia, hoạt động từ thiện thường mang tính chất đơn lẻ tự phát, mạnh ai nấy làm, nên hiệu quả rất thấp. Ngày nay, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Phú Thọ đã tập trung toàn tỉnh hoạt động có kế hoạch kết hợp với nhiều ban ngành, tạo nên một sức mạnh giúp được nhiều gia đình trong vùng miền. Nhiều tăng ni tham gia Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Phú Thọ, Hội bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Nam... Với hạnh nguyện lợi sinh, tinh thần Bồ tát đạo, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, Ban Trị sự Phật giáo kết hợp với Hội bảo trợ trẻ em, cùng lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, vận động các phật tử, doanh nghiệp quyên góp hàng nghìn phần quà để giúp đỡ những người nghèo khổ ăn Tết, tạo điều kiện cho các gia đình khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế, xây nhà tình nghĩa, nồi cháo nghĩa tình, gây quỹ bảo trợ học đường. Với trách nhiệm của người con Phật, tăng ni luôn giúp đỡ chúng sinh bằng những việc làm thiết thực nhất cả về phương diện tài thí lẫn pháp thí, giúp họ vơi đi nỗi khổ về vật chất lẫn tinh thần.

3. Một số thiếu sót còn tồn tại

- Đặc thù vùng miền tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận đều đa dạng về văn hóa, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống nên tín ngưỡng cũng rất phong phú, đời sống bà con ở vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn nên công tác hoằng pháp, đưa đạo vào đời còn nhiều trở ngại.

- Trình độ hiểu biết về Pháp luật nhà nước ở vùng đồng bào còn hạn chế, Phật giáo là điều mới mẻ với lãnh đạo các cơ sở nên chưa có được sự uyển chuyển khi có vụ việc liên quan đến Phật giáo cần xử lý tại địa phương.

- Kinh nghiệm của tăng ni trẻ còn hạn chế nên chưa dễ dung hòa được lối sống thường nhật của bà con với văn hóa, đạo đức Phật giáo.

- Giảng sư thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng và các tỉnh vùng sâu, vùng xa nói chung đều thiếu trầm trọng.

- Trường Phật học không được mở ở các tỉnh vùng xa nên việc chư tăng được đi học còn hạn chế, trình độ thế học không được phổ cập thường xuyên khiến tăng ni không kịp thời nắm bắt khoa học công nghệ cũng như các chủ chương mới của Giáo hội và nhà nước.

4. Một số giải pháp

- Thời đại công nghệ toàn cầu hóa hiện nay đòi hỏi mỗi tăng ni phải có sự tu song hành với sự học, bởi kiến thức Phật học và thế học là hai yếu tố giúp tăng ni uyển chuyển vận dụng đưa đạo vào đời. Vì thế, mỗi tăng ni trẻ phải nỗ lực hơn nữa để trước hết là hoàn thiện mình, sau là góp phần giúp ích cho xã hội. Thêm vào đó, mỗi tăng ni phải thường xuyên trau dồi nếp sống và uy đức thanh cao bởi chính thân giáo là hình ảnh, là bài pháp sinh động, đầy tính thuyết phục nhất để cảm hóa mọi người thực hành giáo pháp. Vậy nên tự thân của mỗi người đều mang trong mình sứ mạng hoằng pháp, cần luôn tu dưỡng bản thân, hoàn thiện nhân cách để làm mô phạm cho mọi người xung quanh. Đây chính là mục tiêu mà tăng ni trong tỉnh đang phấn đấu.

- Các khóa tu dành cho thanh thiếu niên mới chỉ được diễn ra trong dịp nghỉ hè. Các hoạt động dành cho giới trẻ còn ít so với nhu cầu thực tiễn của lứa tuổi năng động này. Ban Trị sự tỉnh Phú Thọ nói riêng và các tỉnh vùng sâu vùng xa nói chung cần có sự giúp đỡ để tổ chức các khóa tu, đặc biệt là sự ủng hộ về công tác tổ chức, giảng sư, cũng như nhân sự từ phía Trung ương Giáo hội để đáp ứng nhu cầu của thanh thiếu niên ở những vùng đặc biệt này.

- BTS GHPGVN các tỉnh cũng như Trung ương Giáo hội cần tìm kiếm những giải pháp để tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà chùa và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thế hệ thanh thiếu niên trẻ. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, nhằm chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức, hình thành phẩm chất cao đẹp cho thế hệ tương lai.

- Trước tình hình xã hội nhiều biến động về văn hóa, kinh tế, chính trị hiện nay, công cuộc hoằng pháp đến quảng đại quần chúng là điều vô cùng khẩn thiết. BTS tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận nên từng bước phấn đấu chung tay cùng các ban ngành, xây dựng và duy trì nền tảng đạo đức Phật giáo góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc.

- Để đáp ứng nền kiến thức Phật giáo với kiến thức thế tục, tăng ni cần nỗ lực học tập thông qua các trang website Phật giáo, các trường đào tạo Phật học. Đặc biệt, các khóa bồi dưỡng giảng sư cần được tổ chức nhiều hơn để tăng ni trẻ có cơ hội được học hỏi kinh nghiệm tu học và truyền giáo từ các bậc tiền nhân. Song song việc đào tạo cho tăng ni, quý BTS các tỉnh có đồng bào thiểu số sinh sống nên quan tâm đến mô hình tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo lý liên xã, liên huyện để bà con có cơ hội tiếp xúc với giáo pháp theo hệ thống, thứ tự căn bản.

- Hoạt động hoằng pháp của tăng ni tỉnh Phú Thọ còn rất nhiều khó khăn, rất cần sự chung tay góp sức của GHPGVN cũng như các ban ngành đoàn thể để đưa Phật giáo tỉnh Phú Thọ nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung ngày càng bền vững và phát triển.

5. Kết luận

Nhìn chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Thọ trên tinh thần kế thừa và phát huy những tinh hoa của các bậc tiền bối và thế mạnh vùng miền, với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của mình, cộng với sự gắn bó khăng khít trong khối đại đoàn kết toàn dân, đã đạt được những thành tựu phật sự quan trọng trong nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, cần phải có sự quan tâm sâu sắc hơn, cần có một đường lối kế hoạch cụ thể hơn đối với công tác hoằng pháp tại vùng nông thôn, nhất là tại những huyện nghèo, huyện miền núi, cách xa địa bàn thị trấn, thành phố. Ban Trị sự tỉnh Phú Thọ đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các vị tăng ni có nguyện vọng, khả năng làm phật sự tại các vùng sâu vùng xa, sẵn sàng ủng hộ về mặt tinh thần cũng như vật chất cho các vùng nông thôn nghèo khó, duy trì mạng mạch Phật pháp, làm rường cột vững chắc cho nhân dân phật tử, góp phần trang nghiêm Giáo hội, lợi lạc quần sinh, thường xuyên tham gia vào các hoạt động y tế, giáo dục, phòng chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường..., khuyến khích tăng ni, phật tử tham gia tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, giới thiệu và truyền bá được bản sắc văn hóa dân tộc đối với bạn bè quốc tế.

Trên đây là bài tham luận với chủ đề: “Phật giáo Phú Thọ kế thừa và phát triển”, theo quan kiến của con, con xin trình Đại hội, kính thỉnh chư tôn Giáo phẩm, chư Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, tăng, ni hoan hỷ tham khảo và bổ sung, đóng góp ý kiến để bản tham luận được đầy đủ hơn.

Con xin thành kính tri ân!

Tham luận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Phú Thọ
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)
loading...