Hỏi - Đáp
Quan Âm Thị Kính và Quan Thế Âm Bồ Tát có phải là một?
Thứ sáu, 04/07/2023 04:16
Kính bạch quý thầy từ xưa tới nay con thường nghe nói Quan Âm Thị Kính và Quan Thế Âm Bồ Tát, vậy cho con hỏi là 2 vị ấy là một người hay là 2 người ? Xin quý thầy giải đáp giúp cho con được hiểu.
Bồ Tát Quán Thế Âm tiếng Sankrit gọi Avalokiteśvara dịch sang tiếng Hán là Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại. Đây là vị Bồ tát hiện thân trong mọi hình dạng để cứu độ chúng sinh, nhất là trong các nạn lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm. Quán Thế Âm mang ý nghĩa là xem xét, quán sát âm thanh của thế gian mà hằng cứu khổ.
Những người Phật tử, nhất là Phật tử thuộc các nước Phật giáo Bắc tông, người ta tin rằng Bồ tát Quan Âm, một vị Bồ-tát có lòng từ vô lượng, vì thương xót cho hết thảy chúng sinh các thế giới. Nhất là thế giới Ta Bà mà luôn luôn quán sát và lắng nghe để cứu giúp cho những ai niệm danh hiệu của ngài. Cụ thể trong các kinh Đại Thừa quan trọng như Kinh Pháp Hoa, kinh Thủ Lăng Nghiêm đều có những phẩm đặc biệt đề cập đến hạnh nguyện và công đức của Bồ tát Quan Âm. Tại các nước Nhật Bản, Trung Quốc cũng như Việt Nam người ta thường gặp Bồ tát qua hình tượng của một nữ nhân trẻ đẹp, mà dân gian còn gọi là Phật Bà Quan Âm.
Tranh tượng thường trình bày Đức Quan Âm dưới nhiều hình dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là vị Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt. Có khi Quan Âm ẵm trên tay một đứa bé, có khi một đồng tử theo hầu. Người ta cũng hay vẽ Quan Âm hiện trong mây, hoặc cưỡi rồng trên thác nước. Hình ảnh Quan Âm đứng trên một hải đảo cứu người bị nạn cũng phổ biến, biển cả tượng trưng cho Luân hồi. Tay Quan Âm thường cầm hoa hoa sen hay bình nước Cam lộ. Bồ tát Quan Âm tay bồng một đứa trẻ, gọi là Quan Âm tống tử, vì người ta quan niệm rằng người nào hiếm con mà thành tâm niệm danh hiệu của Ngài đều được như sở nguyện. Tượng Bồ tát Quan Âm đứng trên biển cả, gọi là Quan Âm Nam Hải, hàm nghĩa là Bồ tát Quan Âm ở biển Nam, do người ta tin rằng, khi đi biển mưa to gió lớn bão tố mà ai thành khẩn chí tâm niệm danh hiệu ngài thì sẽ tai qua nạn khỏi.
Theo Phật giáo Tây Tạng người ta tin rằng vị Đạt Lai Lạt Ma người lãnh đạo tinh thần của họ là hiện thân của Bồ tát Quan Thế Âm. Hơn nữa câu thành chú “Um ma ni bát mê hồng” là do Bồ tát Quan Thế Âm ban tặng để phù hộ cho xứ sở của nước họ.
Đối với tích truyện Quan Âm Thị Kính, Ở nước ta, sự tích này được lưu truyền trong dân gian Việt Nam từ lâu qua nghệ thuật hát chèo, cải lương, kịch, truyện thơ và truyện văn xuôi. Vở chèo Quan Âm Thị Kính ra đời trước, sau đó mới tới truyện thơ rồi chuyển thể qua kịch ảnh. Theo từ điển Phật Học Việt Nam, Tích truyện Quán Âm Thị Kính xuất phát từ truyện thơ Việt Nam, kể về nỗi hàm oan giết chồng của Thị Kính. Về sau nàng cải trang thành nam giới xuất gia học đạo, song lại bị vu oan phá giới phạm trai nhưng nhờ vào công hạnh từ bi nhẫn nhục nên về sau nỗi oan ức được hoá giải, trở thành Bồ Tát Quan Thế âm.
Thông qua Câu chuyện Quan Âm Thị Kính người ta tôn vinh Thị Kính tức Kính Tâm đã thể hiện tấm lòng từ bi và đức tính nhẫn nhục. Rằng Thị Kính đã cảm nhận được lời Phật dạy rằng: “Hận thù diệt hận thù đời nay không thể có. Từ bi diệt hận thù là định luật nghìn thu”. Mặc dù bị tới hai nỗi oan ức rồi bị tra tấn đánh đập, nhưng Kính Tâm vẫn một lòng nhẫn chịu, không hề thanh minh một tiếng rằng tôi bị oan, rằng tôi là phận gái. Kính Tâm biết, nếu mình tiết lộ về thân phận thì chắc chắn hội đồng làng sẽ ngưng tra khảo và được giải oan ngay. Song, Kính Tâm đủ sức nhẫn chịu một cách bình thản không nổi niệm sân giận những nghịch cảnh, những cái mà người đời thường gọi là những điều bất công và những nỗi oan ức. Do đó trong truyện thơ Quan Âm Thị Kính mới có hai câu:
Chữ rằng: nhẫn nhục nhiệm hoà, Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu”
Hay Ca dao Việt Nam có câu:
“Xem trong cõi nước Nam ta Chùa Vân có đức Phật Bà Quan Âm”
Như vậy, có thể nói rằng Quan Âm Thị Kính và Quan Thế Âm Bồ Tát đứng về mặt thân thế lịch sử ghi nhận là khác nhau. Song xét theo công hạnh tu hành thì Quan Âm Thị Kính là hoá thân của Bồ tát Quan Âm. Bởi theo danh từ Phật học thì Bồ tát hay còn gọi là “giác hữu tình” là người làm lợi ích cho tha nhân, cho xã hội, những người như thế đều được gọi là Bồ-tát.
Tài liệu tham khảo
1. HT Thích Minh Châu, Minh Chi, Từ điển Phật học Việt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, 1991
2. Thích minh cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, Tập IV, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2004.
3.Kuan Yin, The Compassionate Rebel, http://www.exoticindiaart.com/article/kuanyin
4. Quán Thế Âm, http://vi.wikipedia.org5. Quan Âm Thị Kính, http://vi.wikipedia.org