Sách Phật giáo
Quản lý và hoạt động tăng sự trong công tác tổ chức của Giáo hội
Thứ hai, 23/11/2017 02:58
Hai nghìn năm Phật giáo du nhập trên đất nước Việt Nam, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo lớn của dân tộc. Với truyền thống Hộ quốc - An dân, Phật giáo và dân tộc như một thực thể không thể tách rời luôn luôn hòa quyện như nước với sữa, và đã trở thành một nét đẹp văn hóa, đạo đức trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời đã trải qua 1/3 thế kỷ, tuy không dài do với 2000 năm Phật giáo. Song Giáo hội đã luôn nỗ lực kế thừa, phát huy có chọn lọc những tinh hoa để xây dựng và phát triển làm chỗ quy tụ cho tất cả các tổ chức, hệ phái, các thành viên tăng ni, phật tử sinh hoạt trên nguyên tắc thống nhất ý chí và hành động, thống nhất tổ chức v
Từ đó, tổ chức của Giáo hội từ trung ương đến các tỉnh, thành ngày càng phát triển có sức lan tỏa, tạo được vị thế của mình trong đời sống xã hội. Hầu hết các tỉnh, thành đều đã thành lập được Ban Trị sự, không dừng ở đó mà tiếp tục phát triển đến các cấp xã, phường. Các công tác tổ chức của Giáo hội cũng như các ban chuyên môn ngày càng hoàn thiện cả về phần chất lẫn phần lượng, phát triển nhanh mạnh, sâu rộng, sánh vai theo kịp xu thế của thời đại mới.
Hải Dương tự hào là một trong những cái nôi của Phật giáo Trúc Lâm - một biệt phái Thiền tông Việt Nam hòa nhập cùng sự truyền thừa của Thiền tông Lâm Tế Bắc Việt tạo nên dòng chảy Trúc - Tế song hành. Với 12 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, Hải Dương hiện có 972 ngôi chùa, 480 tăng ni và hàng vạn tín đồ phật tử. Hầu hết các ngôi danh lam cổ tự, các di tích lịch sử đều gắn với dòng Thiền phái Trúc - Tế và đã trải qua nhiều thế hệ các cao tăng trác tích tu hành.
Để tiếp nối dòng chảy ấy, các cấp Giáo hội Phật giáo ngày nay luôn kế thừa và phát huy có chọn lọc để làm cho tổ chức Giáo hội không ngừng lớn mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu.Trong những nhiệm kỳ qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương đã từng bước củng cố và phát triển bền vững các mặt tổ chức, nhân sự, hoạch định các chương trình hoạt động vừa mang tính khả thi vừa phù hợp với điều kiện xã hội. Từ đó tạo ra Thế và Lực để thúc đẩy phong trào đưa Giáo hội ngày càng đi lên. Nhân diễn đàn Đại hội này, thay mặt cho đơn vị Phật giáo Hải Dương, chúng tôi xin trình bày tham luận với chủ đề “Phương thức quản lý và hoạt động tăng sự trong công tác tổ chức của Giáo hội”.
A. Tầm quan trọng của công tác tăng sự trong tổ chức Giáo hội
Công tác tăng sự là trọng tâm hàng đầu của Giáo hội, bởi lẽ con người luôn là yếu tố quan yếu quyết định vận mệnh thịnh suy của một tổ chức. Theo lời cổ đức đã dạy: “Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân”, chính vì vậy các cấp Giáo hội phải tập trung củng cố và phát triển tổ chức tăng sự. Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự, các Quy chế hoạt động, các Nghị quyết, Thông tư, Thông bạch của Giáo hội phải luôn được triển khai để mỗi tăng ni nhận thức được rõ quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong tổ chức.
Về quyền lợi, mỗi tăng ni trực thuộc Giáo hội luôn được Giáo hội đảm bảo về tư cách pháp nhân, được hướng dẫn sinh hoạt theo đúng quy định và được hưởng những quyền lợi khác như trú xứ an cư hàng năm, tu học theo các chương trình Cơ bản, Trung cấp, Cao cấp Phật học v.v…
TT.Thích Thanh Vân |
Về trách nhiệm, mỗi tăng ni thành viên luôn phải đặt mình vào trong tổ chức, dưới sự lãnh đạo của tổ chức, phục tùng và xây dựng tổ chức. Y theo Kinh, Luật Phật chế, có hai nhóm pháp vô cùng quan trọng để giữ gìn sự hòa hợp, đoàn kết và phát triển tăng đoàn đó là Sáu pháp hòa hợp (Lục hòa) và Bảy pháp không thoái lui (Thất bất toái pháp). Mỗi mỗi tăng ni phải nắm vững hai nhóm pháp quý giá này để làm kim chỉ nam trong sự nghiệp tu học và sinh hoạt trong tăng đoàn.
Ngày nay, các hoạt động của Giáo hội cũng như các tự viện ngày càng đa dạng, phong phú trong bối cảnh hội nhập, vậy nên các cấp Giáo hội càng phải tăng cường hiệu năng lãnh đạo, quản lý và giám sát để các hoạt động phật sự vừa đảm bảo tính kỷ cương, vừa khế lý, khế cơ trong nếp sống đạo. Tuy nhiên, từ nhận thức cho đến hành động và kết quả là cả một quá trình tư duy, thực hành và rút kinh nghiệm lâu dài, đòi hỏi các cấp lãnh đạo cho đến từng thành viên trong tổ chức phải vận dụng hết tâm lực của mình vào sự nghiệp chung mới mong gặt hái được kết quả tốt.
Chúng tôi xin mạnh dạn góp ý lên Đại hội một số ý kiến cụ thể về phương thức quản lý và hoạt động như sau:
B. Phương thức quản lý và hoạt động tăng sự:
I/ Phương thức quản lý tăng sự:
Trong công tác tăng sự, việc quản lý tăng ni, tự viện là hết sức quan trọng và cần thiết, bởi tăng ni, tự viện là tế bào của Giáo hội; các tăng ni và tự viện có ổn định thì Giáo hội mới ổn định. Bởi vậy, Giáo hội cần tăng cường công tác sau:
1. Thống kê và quản lý tăng ni một cách đồng bộ
Hàng năm, các Ban Trị sự Phật giáo đơn vị huyện, thị xã, thành phố phải trình lên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh danh sách tăng ni của đơn vị mình quản lý (theo mẫu của Ban Trị sự tỉnh hướng dẫn). Phải thống kê đầy đủ số lượng và cập nhật liên tục danh sách những người mới nhập tu, người mới thụ giới, người mới thuyên chuyển sinh hoạt, người mới được bổ nhiệm trụ trì và người mới được tấn phong giáo phẩm để văn phòng Ban Trị sự tỉnh hoàn thiện danh bộ tăng ni tỉnh trước Hội nghị tổng kết công tác phật sự thường niên. Các công tác nhập tu, thụ giới, thuyên chuyển, bổ nhiệm trụ trì và tấn phong giáo phẩm phải được thực hiện đúng quy trình, quy định của Giáo hội và pháp luật Nhà nước.
Đặc biệt, các Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện cần quan tâm sát sao hơn nữa về đời sống tu hành của tăng ni trong địa bàn của mình. Những tăng ni ưu tú cần phải được kịp thời biểu dương để làm gương mẫu cho đại chúng. Những tăng ni có biểu hiện sa sút về phẩm hạnh cần phải được kịp thời quan tâm sách tiến đúng theo Luật Phật chế là “ba lần can gián” trước khi đưa ra khỏi tăng đoàn. Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm, thiết nghĩ các Ban Trị sự, các cấp Giáo hội cần phải để tâm sức thực hiện sâu sát, tránh tình trạng có những tăng ni vi phạm pháp luật khiến các cơ quan Nhà nước phải vào cuộc xử lý trước khi Ban Trị sự có các biện pháp giáo huấn và xử lý theo Giới luật gây mất uy tín của tăng đoàn và dư luận không tốt trong xã hội.
2. Thống kê và quản lý tự viện một cách đồng bộ
Hàng năm, các Ban Trị sự Phật giáo đơn vị huyện, thị xã, thành phố phải báo cáo lên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tình trạng các tự viện trong địa bàn mình quản lý. Phải thống kê đầy đủ số lượng và cập nhật liên tục các vấn đề như số lượng/danh sách những chùa chưa có sư trụ trì, những chùa đã có sư trụ trì, những chùa đang được tu bổ và xây dựng có thực hiện đúng quy trình của pháp luật hay không, những chùa hiện đang xuống cấp chưa được quan tâm đúng mức của địa phương, quản lý hoạt động của các chùa nằm trong quần thể di tích…
Đặc biệt, Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện phải khẩn trương phát hiện và báo cáo những hiện tượng mê tín dị đoan, thực hành đạo lạ và các tăng ni hoạt động trái phép trong các chùa trên địa bàn mình quản lý lên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và các cấp có thẩm quyền để xử lý kịp thời tránh tình trạng gây hoang mang, chia rẽ trong nhân dân.
Một vấn đề nữa liên quan đến quản lý tự viện một cách đồng bộ tuy chưa “thành văn” nhưng chúng tôi thiết nghĩ cũng rất đáng được quan tâm và đưa ra thảo luận. Bởi khi đã nói đến đồng bộ trong lĩnh vực tự viện không thể bỏ qua vấn đề đồng bộ trong kiến trúc. Chúng tôi nhận thấy đây có thể được xem là một vấn đề nổi cộm trong công tác xây dựng chùa cảnh thời kỳ đổi mới, đó là chưa có tính thống nhất và dần phai nhạt nét kiến trúc truyền thống vùng miền.
Mỗi tăng ni trụ trì trước khi bắt tay tu bổ, xây dựng chùa cảnh cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử, văn hóa, kiến trúc nơi mình đang trụ trì kết hợp tham khảo kiến thức kiến trúc hiện đại để ngôi tự viện mình xây dựng nên vừa giữ được nét văn hóa truyền thống vừa tiện cho những sinh hoạt sau này.
II/ Các công tác tổ chức và hoạt động tăng sự:
1. Công tác tổ chức giới đàn
Theo di huấn tối hậu của đức Từ phụ: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, Giới luật còn là Phật pháp còn”, tổ chức giới đàn là một công tác hết sức quan trọng trong lĩnh vực tăng sự nói riêng và đối với Phật pháp nói chung. Mỗi giới đàn còn được gọi là một Tuyển Phật Trường (tức trường tuyển chọn người làm Phật). Bởi lẽ truyền trao giới pháp là bước đầu tiên để hướng dẫn những người phát tâm Bồ đề hướng tới giác ngộ giải thoát. Ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao đó, hàng năm Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hải Dương đã tổ chức các giới đàn để truyền trao giới pháp cho các thiện nam, thiện nữ nhập đạo và các tăng ni lên địa vị Chúng Trung Tôn.
Danh sách và lý lịch của những người thụ giới luôn được văn phòng Giáo hội tỉnh hoàn thiện và trình Sở Nội vụ - Ban Tôn giáo tỉnh để thẩm tường và thông qua. Các giới tử trước khi đăng đàn thụ giới đều phải trang bị đầy đủ những kiến thức Kinh, Luật cần thiết để vượt qua kỳ khảo hạch thụ giới, phải nhất tâm hành sám để cần cầu giới pháp. Nhìn chung công tác tổ chức giới đàn trong những nhiệm kỳ qua của Phật giáo Hải Dương đều được thực hiện nghiêm túc và tốt đẹp.
2. Công tác tổ chức an cư kiết hạ
“An cư nãi tỷ khiêu chi yếu vụ”, trong Giới kinh đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc an cư kiết hạ của tăng ni. Mùa an cư là thời gian để các tăng ni dừng bước vân du giáo hóa mà tự mình củng cố và trau dồi nội lực trong pháp học và pháp hành. Cũng là dịp các tăng ni thực hành nếp sống lục hòa cộng trụ, tôn trọng sự điều hành của tổ chức. Với đặc thù của Phật giáo miền Bắc là “nhất tăng nhất tự”, việc ba tháng tăng ni gác tạm lại những lo toan gánh vác ở chùa cảnh riêng để về một trụ xứ an cư lại càng thêm quan trọng. Chính vì vậy Giáo hội nên khuyến khích mọi thành viên tăng ni nên tham gia đầy đủ các khóa hạ trừ những việc “Sư trưởng, phụ mẫu, Tam bảo sự cố” không nên vì bất cứ lý do nào mà bỏ hạ, để được hưởng lợi lạc từ năng lượng tu tập của đại chúng.
Mỗi khóa an cư kiết hạ cũng là dịp quan trọng để Ban Tôn giáo tỉnh phổ biến những kiến thức quản lý tôn giáo tới các thành viên tăng ni. Những sửa đổi bổ sung của Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự, Hiến pháp - Pháp luật Nhà nước hiện hành, thiết nghĩ nếu các tăng ni không đi an cư kiết hạ thì khó có nắm bắt đầy đủ được các kiến thức cơ bản đó.
3. Công tác bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ các ban chuyên môn
Theo tinh thần “Nhân tu vạn hạnh, quả chứng nhất thừa”, mỗi vị tăng ni không chỉ là hành giả chuyên tu mà còn phải hóa thân đảm nhiệm các trọng trách trong các ban chuyên môn của Giáo hội như các ban: Tăng sự, Kiểm soát, Pháp chế, Giáo dục Tăng Ni, Văn hóa, Thông tin Truyền thông, Từ thiện… Những công việc phục vụ Giáo hội không những không đi ngược lại sự nghiệp tu hành mà còn bồi đắp cho công đức tu hành thêm sâu dày. Điều này cũng đúng với tinh thần hóa thân hành Bồ Tát đạo với hành trang là Ngũ minh, trong đó Công xảo minh đã bao hàm tất cả những kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ mà xã hội yêu cầu.
Ngoài việc phổ biến các kiến thức cơ bản của công tác quản lý tôn giáo trong các khóa an cư như đã nói trên, Giáo hội cũng cần tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu các kỹ năng cần thiết trong quản lý và tổ chức. Trong đó có các kỹ năng quan trọng hàng đầu cần được chú trọng bồi dưỡng như: nghiệp vụ văn phòng, kỹ năng diễn thuyết, kỹ năng tổ chức, quản lý và điều hành, kỹ năng kế toán, kỹ năng làm việc nhóm, phát triển cộng đồng v.v... Để trang bị cho tăng ni các kỹ năng đó có thể đăng ký cho tăng ni theo học các khóa đào tạo tại chức ngắn hay dài hạn trong các trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục hoặc mời các giảng viên về giảng dạy kèm theo chương trình của các khóa an cư, chương trình Phật học Trung cấp, Cao đẳng và Học viện.
Thiết nghĩ, để tương lai phát triển bền vững cần phải biết tạo kế lâu dài từ thuở manh nha, không nên để bị rơi vào tình trạng lúng túng “nước đến chân mới nhảy”, “khát mới đào giếng”. Các tăng ni trẻ cần phải được sớm phát hiện tài năng để trợ duyên phát triển hòng sau này trở thành pháp khí cho Phật pháp và là nhân tố tích cực xây dựng tổ chức Giáo hội. Vị nào có năng khiếu về lĩnh vực nào nên được quan tâm phát triển tập trung, tránh tình trạng “giáo dục cào bằng” gây lãng phí những hạt mầm tốt của tuổi trẻ Phật giáo.
C. Tổng kết và các ý kiến kiến nghị
Kính thưa Đại hội!
Một lần nữa, chúng ta cùng nêu cao ý thức về tầm quan trọng của công tác tăng sự trong tổ chức Giáo hội. Có thể nói tăng sự là sợi chỉ đỏ để xâu chuỗi tất cả hoạt động khác của Giáo hội, là rường cột để trụ đỡ cho ngôi nhà chung của Phật giáo vì tăng là bậc Chúng Trung Tôn trong ngôi Tam bảo. Không có tăng thì không thể nối dài sự nghiệp của Phật và tuyên dương Chính pháp. Tăng sự có ổn định thì Giáo hội mới có thể phát triển vững mạnh.
Để đóng góp vào sự nghiệp phát triển tăng sự nói riêng, xây dựng và phát triển Giáo hội nói chung, chúng tôi xin nêu những kiến nghị cụ thể như sau:
Thứ nhất: Giáo hội cần đề cao hơn nữa tinh thần hành trì giới luật của các tăng ni để giữ gìn kỷ cương ổn định trong tăng đoàn. Ứng dụng hiệu quả và nhuần nhuyễn giới luật Phật chế và pháp luật Nhà nước hiện hành làm kim chỉ nam cho đời sống tu hành của mỗi tăng ni.
Thứ hai: Ban Tăng sự cần kết hợp với Ban Giáo dục Tăng Ni thường xuyên tổ chức các hội thảo, các khóa đào tạo để giúp tăng ni cập nhật liên tục những sửa đổi bổ sung trong Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự, kiến thức pháp luật hiện hành và tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Tổ chức các khóa tập huấn cho các ban chuyên môn để nắm vững những kỹ năng cần thiết.
Thứ ba: Ban Tăng sự cần phải sát sao đôn đốc các công tác thống kê tăng ni, tự viện và hành giả an cư hàng năm để Ban Trị sự Giáo hội tỉnh nắm bắt kịp thời trong báo cáo tổng kết công tác phật sự thường niên.
Thứ tư: Việc tiếp độ người xuất gia cần phải có chọn lọc người có đủ đạo hạnh với lý tưởng giải thoát. Tránh việc “mượn đạo tạo đời”, lợi dụng việc xuất gia để thực hiện các tham cầu phi pháp, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống phạm hạnh của tăng đoàn. Tránh tình trạng chạy theo thành tích, bằng cấp thiếu thực chất trong tu học.
Thứ năm: Giáo hội cần phải kịp thời biểu dương khích lệ những tăng ni ưu tú, xuất sắc đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm minh khẩn trương đối với các thành viên sống buông lỏng tổ chức, xem nhẹ giới luật, dẫn đến vi phạm pháp luật gây phiền toái cho Giáo hội, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Những tăng ni đã sa sút trầm trọng về giới hạnh, Giáo hội nên nghiêm khắc giáo huấn chấn chỉnh, cần thiết phải yết ma tẩn xuất trước khi các cơ quan pháp luật và giới truyền thông vào cuộc gây hoang mang dư luận.
Trên đây là một vài ý kiến đề đạt lên Đại hội. Kính xin Đại hội hoan hỷ với những ưu tư, mong mỏi của GHPGVN tỉnh Hải Dương. Với định hướng tầm nhìn cho sự phát triển trong một thập kỷ phía trước, từ nay đến năm 2030 chúng tôi thiết nghĩ đó là những việc cần làm ngay để sớm ổn định công tác tăng sự tạo nền tảng phát triển cho Giáo hội, vững mạnh đồng hành cùng dân tộc đi tới trên tiến trình hội nhập và phát triển.
Cuối cùng, một lần nữa xin kính chúc Chư tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHPGVN thân tâm an lạc, đạo thọ miên trường, tuệ quang viễn chiếu, phật sự viên thành.
Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!
TT.Thích Thanh Vân - Ủy viên Hội đồng Trị sự Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII