Kinh Phật

Quan niệm phương tiện trong Phật giáo Đại thừa (I)

Chủ nhật, 24/11/2022 09:25

Một vài trình bày về khái niệm phương tiện trong kinh điển Đại thừa chắc chắn chưa đủ làm sáng tỏ tinh thần, quan điểm, tư tưởng giáo lý được nhấn mạnh ở văn hệ này.

Audio

Do đó, để có thể đi sát vào từng khía cạnh nhận thức và hành trì, người viết xin được tìm hiểu qua hai bản kinh có tính phương tiện rõ nhất trong Đại thừa giáo: Pháp Hoa và Đại Bảo Tích.

Phương tiện trong kinh Pháp Hoa

Bỏ qua những khía cạnh tiếp biến tín ngưỡng, văn hóa cúng dường, thờ tháp, đọc tụng kinh sách… được ghi nhận trong nhiều văn điển Đại thừa, Pháp Hoa đã trở thành hiện tượng độc đáo trong việc xây dựng hình thái phản vấn đa sắc của Phật giáo giai đoạn Đại thừa sơ khai. Đại diện cho nhiều trào lưu của Đại thừa giáo, Pháp Hoa trở thành ngôi nhà lý tưởng, tiếp nhận mọi quan điểm thực hành của các Tông phái đạo Phật. Bằng hai cánh cửa chân thật môn và phương tiện môn, bản kinh đã phản ánh rõ tính nhất quán và khát vọng dung hòa tông phái, Pháp môn qua Nhất thừa đạo. Tuy nhiên, chân thật môn lại ‘quá tầm với’ của chúng hữu tình, do vậy phương tiện môn được chú trọng và linh hoạt diễn bày thành những điều kiện mang khuynh hướng tiếp độ nhất thời. Tất cả những giá trị mà Pháp Hoa mang lại, vì thế, không thể bỏ qua ‘upaya – kausalya’. Đây cũng là lí do Pháp Hoa dành nguyên một phẩm để nói về phương tiện.

Tổng quan nội hàm bản kinh, ngoài việc giới thiệu gián tiếp Phật trí từ Tứ vô ngại giải, Cửu thứ đệ định, Tứ vô sở úy và Thập Như Lai lực; việc thể nhập định, tuệ vô ngã tướng được xem như chìa khóa mở lối vào thực tướng Vô tướng, hay Phật tri kiến. Ngang qua Phật trí mà Thập như thị được hiển lộ trọn vẹn nhờ các biểu hiện duyên khởi tính, vô tự tính và trung đạo của vạn pháp. Quan điểm về ‘upaya – kausalya’ càng nổi bật hơn trong thi kệ:

“Chư Phật lưỡng túc tôn

Tri pháp thường vô tánh

Phật chủng tùng Duyên khởi

Thị cố thuyết nhất thừa.

Thị pháp trụ, pháp vị

Thế gian tướng thường trú

Ư đạo tràng tri nhỉ

Đạo Sư phương tiện thuyết1.”

Phương tiện của Pháp Hoa, nếu không lộng ngôn có thể xem như “chính sách hòa giải giữa Đại thừa và Tiểu thừa'.

Phương tiện của Pháp Hoa, nếu không lộng ngôn có thể xem như “chính sách hòa giải giữa Đại thừa và Tiểu thừa".

Ở đó, bài kệ một lần nữa nhắc đến tầm quan trọng của Duyên khởi như thể xác tín không có sự khác biệt nào giữa hai giáo hệ Nguyên thủy, Đại thừa. Điều này cũng có nghĩa rằng Đại thừa không tuyên bố các hình thái trí tuệ khác nhau giữa hai thời kỳ Phật giáo. Sự chẻ nhỏ các con đường giáo hóa như Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát… cũng chỉ là phương tiện để đánh bật gốc rễ bám víu, cố chấp các tướng thường trú của thế gian. Có thể nói, ứng xử hào hiệp này rất ‘vừa tầm với’ và cũng rất phù hợp với căn cơ, trình độ của nhiều hạng loại chúng sanh.

Ngang qua giáo nghĩa Tam thừa đến Nhất thừa, quyền năng phương tiện đã biểu hiện hoạt dụng rất lớn, đến nỗi không có sự chống trái nào trong lý tưởng hướng đến Phật quả, ‘nhất thiết chủng trí.’ Hiện thực hóa quan điểm phương tiện này được tìm thấy trong phẩm Thí Dụ với câu chuyện vị trưởng giả cứu đàn con ra khỏi căn nhà lửa (Tam xa hỏa trạch). Tại đó, lửa dục giới, sắc giới, vô sắc giới được xoa dịu và nhanh chóng muội lược bởi những phương tiện tiếp độ thiết thực như “xe hươu, xe dê, xe trâu.” Hơn thế, sự nóng lòng của một người cha không giải quyết bằng những phương án có tính cách nhất thời và lưu dấu hệ lụy. Trái lại, những tinh tế của giáo lý được thực hành đúng lúc, đúng chừng mực, đúng đối tượng đã khiến cho “một chút lừa dối” của ông cha cũng trở nên hoàn bị, lỗi lạc hơn trong mắt con trẻ. Một sự lừa dối ngoạn mục, không khiến người thất vọng, ngược lại, chỉ có thể ví như một sự an toàn khó tả, đến nỗi không ai dám thách đố tìm thấy dã tâm của người cha vĩ đại. Ngay tại đây, Bồ tát đạo cũng là Phật đạo, đồng thời còn là tiền đề để đặt ra những thách thức về giới luật và đạo đức.

Nối theo ví dụ sinh động này, 8 dụ sau: ‘cùng tử dụ’, ‘dược thảo dụ’, ‘hóa thành dụ’, ‘hệ châu dụ’, ‘kế châu dụ’, ‘lương y dụ’, dụ người mù từ thuở nhỏ2, dụ người thợ làm đồ gốm, đều là những vị thuốc bổ ích, những trạm dừng chân, những tư lương tuyệt vời cho hành giả đang trên đường tiến về bảo sở. Xem đó, tính phương tiện được đặt ra trong tích môn, bản môn; Tiểu thừa, Đại thừa; thậm chí về sau khi “Hội tam quy nhất hay Khai tam hiển nhất hoặc Khai quyền hiển thật3,” cũng là phương tiện và mục đích không khác. Bởi lẽ, tất cả mọi phương tiện không phải cứu cánh. Không cứu cánh vì “Chánh pháp còn bỏ, huống gì phi pháp.4”

Như vậy, phương tiện của Pháp Hoa, nếu không lộng ngôn có thể xem như “chính sách hòa giải giữa Đại thừa và Tiểu thừa5.” Đáng ghi nhận hơn, Pháp Hoa “không khinh Tiểu thừa là vô dụng, mà cố gắng nêu rõ Tiểu thừa là một xảo phương tiện (upàyakausalya) đức Phật dùng để thích ứng với hạng đệ tử còn sút kém về trí thức và khả năng tâm linh và là một nấc thang đưa đến Ðại thừa6.” Tại đó, Đức Phật được ví như con mắt của đời, rõ thấy cấp độ mù lòa, vô minh của từng đối tượng. Ngài tùy theo các triệu chứng mù, loạn, viễn, cận… để cho liệu trình điều trị thích hợp. Thậm chí, đối với người không có dấu hiệu tổn thương ‘nhục nhãn’, có thể tự bảo vệ mắt mình bằng những thứ kính râm, kính mát, kính 0 độ… Cũng thế, chánh pháp của Phật, thậm chí còn có sự bảo hộ lớn đối với ‘pháp nhãn’ của các bậc thức giả (chỉ cho người đang dần tỉnh thức trong bốn thánh quả Thanh văn; Duyên giác; Bồ tát; ngoại trừ sự tỉnh thức trọn vẹn của Đức Thế Tôn). Nhờ nhiệt tâm tinh cần trong Tứ Niệm xứ, tứ chánh cần… các thức giả đi vào sóng gió thế gian mà không bị bụi đời nhiễu hại. Cách hiểu này nhằm giải thích phần nào ý nghĩa Tam thừa giáo. Vượt trên tất cả những vướng bận của nhục nhãn và cố thủ pháp nhãn ấy, tuệ nhãn hay Phật nhãn do Đức Thế Tôn giới thiệu mới đúng phương thuốc tốt để phàm phu, Hiền thánh sớm khắc phục và lột bỏ lớp kiếng đa sắc màu đang được đeo bám trong trí tưởng tượng. Từ đó, nhanh chóng vứt bỏ tất cả sự rườm rà không cần thiết để nhìn nhân sinh, vũ trụ một cách cụ thể, trực tiếp, rõ ràng và chân thật nhất.

Với sự sắp xếp vô cùng ổn thỏa đó, chứng tỏ lập trình đi đến quả vị cứu cánh không đơn độc trong việc nỗ lực khẳng định đáp án cụ thể về Phật tính, Pháp giới tính hay Vô ngã tính. Bởi lẽ, song song với việc khai mở phương tiện tuệ, Đức Phật đã hé mở về khả tính giác ngộ của mọi chúng sanh, khích lệ sự tự tín, tự tri trong cá nhân của người học đạo. Chính những điều này, Pháp Hoa đã không làm cho bộ phận Tiểu thừa thất vọng khi khẳng định bình đẳng Phật quả với sự mời gọi phát tâm thực hành bổn phận của vị Bồ-tát.

Phương tiện trong kinh Đại Bảo Tích

Tương tự Pháp Hoa, tinh thần phương tiện trong Đại Bảo Tích được dàn trải rất nhiều trong kinh văn. Trong đó, Đức Phật khéo léo thể hiện phương tiện phù hợp để hóa độ Thanh văn, Độc giác cũng như người an trụ Đại thừa7. Tuy nhiên, sự dị biệt được thấy rõ ở đây: Nếu phẩm Phương tiện ở kinh Pháp Hoa thi triển phương tiện của chư Phật thì Pháp hội 38 trong Đại Bảo Tích nhấn mạnh đến phương tiện và pháp hành phương tiện của chư Bồ tát. Dựa trên nền tảng căn bản của Lục độ vạn hạnh, Đại Bồ tát hành phương tiện nhiếp thủ tất cả chúng sanh bằng hai nhân duyên: “Một là cầu Nhất thiết trí tâm, hai là nguyện phương tiện8.”

Trong nhiều băn khoăn còn ràng buộc bởi định giới của hàng Thanh văn hữu học, Đại Bồ tát khi hành phương tiện đã trở mình để đi theo hoài bão ‘nhiêu ích hữu tình’ và giữ gìn ‘thanh tịnh giới9’. Do vậy, nếu hàng nhị thừa bị đọa vì thân tâm không thanh tịnh thì Bồ tát bị đọa vì bỏ rơi chúng sanh10. Ngạc nhiên hơn, “Sự thật, vị Bồ tát không thực hành giới pháp của chư Phật, chư vị Bồ tát và Thanh văn11.” Bởi lẽ, trên lộ trình thăng hoa giới hạnh, “không có điều ác nào các Ngài không trừ diệt, không có điều thiện nào bị bỏ qua và không có chúng sanh nào mà không làm lợi ích cho họ12.”

Nhìn từ động thái “giấu dao trí tuệ mà dùng phương tiện ở trong năm dục cùng nhau vui thú để hóa độ chúng sinh…. lúc đã thỏa mãn sở nguyện, liền chặt đứt phiền não, khiến dứt hết13,…” phần nào thấy được tịnh giới của Bồ tát được phương tiện bởi tuệ không vô sở đắc, đồng thời vạch trần tính bất nhiễm của Bồ tát. Ngoài ra, việc cụ thể hóa mọi hành động bằng 6 phương tiện lực (lục độ ba la mật) đã mạnh dạn thừa nhận rằng: “Các phương tiện Thiện xảo là biểu hiện tự nhiên của Từ bi. Nếu Từ bi chỉ có nghĩa là sự suy nghĩ về những tư duy “trắc ẩn” thì rõ ràng đấy là một sự chế nhạo14.” Chính sự phá vỡ những định kiến cố thủ như thế đã đánh động đến một nội hàm sâu sắc hơn: Việc hiểu được giáo pháp không chỉ dừng lại phạm trù nhận thức mà còn biểu hiện trong các hành hoạt và lý tưởng hành trì giải thoát.

Bao hàm trên các giai vị và tầng bậc tu chứng, hình ảnh các Đại Bồ-tát ẩn mình dưới nhiều hình thức, nhiều kiếp sống, nhiều thế giới, không nhàm mỏi độ sanh lại càng lộ rõ hơn những bước tiến cần với tới của một vị Bồ tát. Thể hiện sinh động nhất cho quan điểm này được nhìn thấy từ cuộc đời và đạo nghiệp của Đức Thế Tôn từ lúc hành Bồ tát đến Phật đạo. Tính phương tiện phủ trùm trên nhiều giai đoạn và nhiều phương diện: Đại Bồ-tát rời cung trời Đâu-suất mà ở Diêm-phù-đề thành Phật; Đại Bồ-tát chẳng phải chẳng vào thai mẹ mà thành Phật; Bồ-tát biến hóa vào thai, thọ năm dục, hiện tự vui thú, xuất gia khổ hạnh; nhập thai, xuất thai, đản sanh, nạp vương phi thể nữ quyến thuộc, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, Niết-bàn15. Nói không khoa trương và quá đà, tất cả sự ứng hiện này được xem như hành trình ‘vói tới’ dài tập của bậc Thiện Thệ, kể cả sự xuất hiện và ứng dụng các phương tiện Tam thân, Tứ trí.Một trong những lý giải cho thấy phương tiện mang tính thực tiễn của Bồ tát là giai đoạn thị hiện có vợ con. Ý nghĩa này được kinh văn trình bày nhằm hai mục đích: Vừa có tính khẳng định Bồ-tát là nam tử trượng phu, mặt khác, tránh sự nghi ngờ khiến chúng sinh mắc vô lượng tội. Điểm quan trọng thứ hai khá gay cấn nhưng cũng rất thuyết phục mà Bảo Tích mô tả là sự thị hiện về nghiệp duyên. Trong đó, chính Đức Thế Tôn đã khẳng định: “Trước kia Ta thuyết pháp thị hiện chúng sinh mười nghiệp đạo nhân duyên, hoặc là Bồ tát, hoặc là Như Lai, trong mười nghiệp ấy thị hiện phương tiện chỉ có hàng trí giả mới biết nghĩa ấy16.”

(còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:

  1. Thích Thiện Siêu. “Lược Giảng Kinh Pháp Hoa, Phần Giảng Về Pháp Hoa”, tr. 517.
  2. Bản kinh của Ngài Cưu-ma-la-thập dịch bỏ sót. Trích từ: Hòa thượng Thích Trí Quảng. “Phật giáo Nhập Thế Và Phát Triển”, Quyển III, tr. 547.
  3. Thích Thiện Siêu. “Lược Giảng Kinh Pháp Hoa, Phần dẫn nhập. V. Bố cục kinh Pháp Hoa. A. Tích môn”, tr. 37.
  4. Sa môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 33 – Bộ Bát-Nhã XVI – Số 231 – 261, Số 238 – Kinh Kim Cang Năng Đoạn Bát-Nhã Ba-La-Mật”, tr. 336.
  5. Thích Minh Châu, “Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa”, tr. 100.
  6. Sđd, tr. 101.
  7. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 42 – Bộ Bảo Tích I – Số 310 (Quyển 1 – 40), Kinh Đại Bảo Tích – Quyển 38 – Pháp hội 12: Bồ-Tát Tạng (Phần 4) – Phẩm 4: Tánh Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai (Phần 2)”, tr. 943.
  8. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 44 – Bộ Bảo Tích III – Số 310 (Q. 91 – 120), Số 311 -> 312, Kinh Đại Bảo Tích – Quyển 106- Pháp hội 37: Vương Tư A-Xà-Thế”, tr. 313.
  9. Sđd, tr. 358.
  10. Hòa thượng Thích Trí Quảng, “Lược Giải Kinh Đại Bảo Tích II”, tr. 102 – 103.
  11. Thích Minh Châu, “Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa”, tr. 391.
  12. Đại sư Ấn Thuận, Thích Bổn Huân. (dịch). “Con đường thành Phật”, tr. 383.
  13. Sa môn Thích Tịnh Hạnh. Sđd, tr. 321 – 322.
  14. Khantipalo – Tỳ-kheo: Thích Chơn Thiện. (dịch). “Tìm Hiểu Đạo Phật”, tr. 256.
  15. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh. Sđd, tr. 334 – 344.
  16. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh. Sđd. tr. 348.
loading...