Sống an vui

Quán niệm về Tết

Thứ năm, 24/01/2024 11:59

Từ những ngày đầu Chạp, Tết đã lục đục kéo về, gửi vài ngọn bấc se lạnh, những gốc mai bắt đầu rụng lá, đám vạn thọ, mồng gà nức nụ chờ xuân,... Và khi những bà Má quê bắt đầu đong nếp hái dừa chuẩn bị sẵn sàng cho Tết về.

Audio

Tết gõ cửa bằng nhiều kiểu, nhưng vội quá nên vụt qua không thấy Tết đang vẫy gọi.

Còn đó đậm đà hương Tết kỉ niệm thời thanh khâm, rải dọc theo đường đi học là những cánh cửa phơi mình dưới nắng sắp khoác lên mình màu sơn mới, những bộ lư đồng lăn lóc bờ thềm chuẩn bị sáng bóng sau một năm ngủ quên trên tủ thờ ám khói đen sì.

Giàn hoa vạn thọ, mồng gà đã mom mem nức nụ. Tết về rồi, len lỏi đến từng nóc nhà và cả nghĩa địa…

Tác giả - Đại đức Chơn Khánh viết thư pháp làm quà tặng năm mới cho Phật tử viếng chùa đầu xuân

Tác giả - Đại đức Chơn Khánh viết thư pháp làm quà tặng năm mới cho Phật tử viếng chùa đầu xuân

Gần trường là khu nghĩa địa, ngày thường đi học đoạn đó được tụi nhỏ mặc định là đạp hết công suất. Bởi sự u tịch dù ngày hay đêm, những ngôi mộ cũ kĩ nằm yên trong những bụi rậm um tùm, bao nhiêu câu chuyện được dệt lên từ những bóng tối ấy. Vậy mà gió bấc mới tràn về là khu nghĩa địa cũng trở mình thay áo, gió bấc cuốn đi cái ma mị thường ngày, khoác lên mình áo mới, ngôi mộ nào cũng được vun đất trồng hoa, khoác lên màu sơn mới. Hình như người nằm trong đó còn chộn rộn nôn Tết hơn người sống (bởi họ đâu có bận bịu như người sống).

Tới ngày đưa ông Táo là Tết về thật rồi, nhà nào cũng bận túi bụi, như thể trăm công nghìn việc phải làm cho xong, cho kịp ăn Tết, để rồi mấy ngày Tết rảnh tay mà cắn hột dưa nhìn Tết chầm chậm trôi qua…

Tết nay được tính cũng từ đầu Chạp, nhưng bằng hơi thở khác của thời đại: nghe ngóng lịch nghỉ Tết, lương tháng 13, thưởng Tết này có khá hơn không.

Lớn rồi, Tết về cũng theo cách riêng. Điều kiện cần và đủ để có Tết là TIỀN, có lẽ vì vậy mà người ta hay than thở “Tết giờ nhạt rồi, không còn mùi vị của Tết xưa!”.

Đúng rồi vì bạn có còn là ĐỨA NHỎ CỦA NGÀY XƯA đâu. Không ai có thể mặc lại bộ đồ được mua từ cái Tết xưa, mỗi ngày đều là mới mà cứ nhìn về Tết xưa tiếc nuối.

Tết vẫn là món quà cho chúng ta sau 365 ngày quay cuồng hối hả, Tết của người lớn là để nhắc nhở mình dừng chân bên ngoài, về nhà, ĂN TẾT!

Tết rồi, sáng mai trên đường đi làm bạn kéo chiếc khẩu trang đang ngăn bạn với tiết xuân, hít thật đầy một bầu không khí (đường quê thì đậm hơn) bạn sẽ thấy đất trời vào xuân.

Chữ của thầy Chơn Khánh

Chữ của thầy Chơn Khánh

Tết này có thể không còn đậm đà như Tết xưa, nhưng không phải vì Tết mà bởi vì bạn đã lớn rồi, đang đi qua một cái Tết mới của tuổi mới. Hãy để Tết xưa là kỉ niệm, chào đón cái Tết của hôm nay, mở lòng mình đừng so đo tính toán Tết nào và Tết nào, kẻo lở lại đánh mất thêm một cái Tết nữa chỉ vì mãi sống trong quá khứ.

Mỗi khoảnh khắc điều là duy nhất, Tết này cũng là duy nhất không thêm một lần lặp lại, nên đừng đánh mất.

Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới, chỉ có thể sống hết mình với hiện tại. Như vậy mình sẽ nuôi dưỡng tiết xuân lâu dài dù Tết có trôi qua. Những chậu vạn thọ, mồng gà, những gốc mai vàng… ra Giêng sẽ phai tàn, nhưng đâu đó vẫn còn những niềm vui. Những cánh mai xuân của mình mãi vàng, mãi thơm…

Xuân của đất trời có đến có đi, có rực rỡ để rồi phai tàn, nuôi dưỡng được mùa xuân trong tâm hồn thì lo gì những ngày dài tiếp theo.

Dù là cái Tết xưa đậm đà hương sắc hay cái Tết nay của thời đại vội vã ồn ào. Tết nào cũng thật đẹp, thật vui - là dịp làm mới lại mình. Năm mới ta cũng mới!

loading...