Sống an vui
Quán thân giả tạm để trừ tham sân si và chấp thủ
Thứ sáu, 03/11/2022 08:42
Tham sân si là ba con rắn độc, nó giết người từ vô thủy kiếp đến nay trong dòng luân hồi vô tận. Từ vua chúa quan quyền cho đến các thứ dân bần cùng, cũng đều bị tham sân si chi phối làm đau khổ.
Quán thân vô thường không bền chắc lâu dài nên không si mê chấp trước bám víu vào thân tứ đại hòa hợp giả có. Nhờ quán chiếu thường xuyên như thế nên trí tuệ phát sinh, phá được sai lầm si mê chấp ngã. Anh si mê tối tăm đã được anh trí tuệ soi sáng, nên anh tham lam ngay đó cũng dừng theo, anh tham không còn hoạt động nữa thì anh nóng giận không có cơ hội phát sinh. Do đó tham sân si tan hòa vào chân tâm mà sáng trong rõ biết.
Từ si mê chấp ngã mà khởi tham muốn quá độ, nên sinh ra nóng giận tạo nghiệp khổ đau cho người và vật. Nếu mỗi người con Phật chỉ quán thân vô thường rồi dừng lại ngay đó, thì dễ bi quan chán nản không muốn làm gì hết. Ngay nơi thân vô thường bại hoại này chúng ta nhận ra Phật tính sáng suốt của mình, nên lúc nào cũng lạc quan yêu đời thấy ai cũng là người thân người thương của mình, do đó đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã vị tha. Người lạc quan lúc nào cũng nhìn đời bằng tất cả sự tốt đẹp, nên không bị khổ đau chi phối do đó sống trong an vui và hạnh phúc.
Người con Phật thường xuyên quán thân sinh già bệnh chết không bền chắc lâu dài, nhờ vậy bớt si mê tham ái và luôn sống lạc quan thương người thương vật.
Có một cư sĩ do thâm nhập đạo lý giác ngộ, nên anh ta lạc quan yêu đời đến không thể ngờ. Không có chuyện gì có thể làm cho anh ta ưu phiền sầu muộn, một hôm trong lúc lái xe anh bị tai nạn giao thông và đành phải cưa mất một chân. Bạn bè của anh mới kháu với nhau rằng, chắc bây giờ anh ta sẽ không còn lạc quan nữa. Anh mĩm cười bảo, tôi vẫn lạc quan như thuở nào. Anh có chắc là như thế không? Có chứ, bây giờ tôi chỉ tốn tiền mua một chiếc giày thôi. Đối với người không chấp thân làm ngã hoặc quá yêu thân thể thì khi gặp sự cố về thân cũng không bao giờ làm họ khổ. Hay nói cho đầy đủ hơn, người đã thật sự giác ngộ giải thoát thì đâu còn bị thứ gì ràng buộc.