Kiến thức
Quán Thế Âm - vị Bồ-tát hộ trì bình an
Chủ nhật, 04/11/2023 08:31
Quán Thế Âm là vị Bồ-tát có công hạnh đặc sắc, năng lực vĩ đại và trí tuệ tỏa sáng muôn nơi để cứu giúp chúng sanh trở về đường giác.
Công hạnh của Ngài được nói đến thông qua những bộ kinh tinh hoa của Phật giáo Đại thừa như kinh Bát nhã, kinh Pháp hoa, kinh Hoa nghiêm, kinh Duy ma, kinh Đại bảo tích, kinh Đại Niết-bàn và kinh Vô lượng thọ...
Đặc biệt, tinh thần từ bi cứu khổ cứu nạn của Bồ-tát Quán Thế Âm phổ cập giữa thế gian như một hiện tượng văn hóa cách tân, báo hiệu một nguồn sinh khí mới, rất thân thiện, gần gũi với tâm lý của con người trong từng ngõ ngách cuộc sống. Theo quy luật tự nhiên, hạnh nguyện cứu giúp, gia hộ của Bồ-tát Quán Thế Âm (gọi chung là tư tưởng Quán Âm) thích hợp với thực tiễn xã hội nên được đa số quần chúng đón nhận nhiệt tình. Trong suốt thời gian tồn tại và phát triển trên đất mẹ (Ấn Độ) rồi truyền sang các nước Đông Nam Á, tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm đã để lại nhiều dấu ấn rất sâu đậm trong đời sống văn hoá, xã hội và lịch sử.Nhà nghiên cứu Phật học Nhật Bản Kimura Taiken nhận định: “Theo một ý nghĩa nào đó ta có thể nói rằng sự phát triển về Phật Bà Quan Âm là nguyên nhân chủ yếu làm cho giáo lý Phật giáo biến thiên và triển đạt. Do đó, vấn đề bộ phái Phật giáo liên quan tới Bồ-tát luôn được coi là một vấn đề vô cùng trọng yếu” (1).
Thật vậy, Bồ-tát Quán Thế Âm lấy thế giới Ta-bà làm trung tâm hóa độ. Ngài dùng mọi phương tiện dẫn dắt chúng sanh thoát mọi khổ đau trần thế. Ngài phổ độ bằng cách tiếp cận chúng sanh xem như thân bằng quyến thuộc. Nên mọi người con Phật cảm nhận sự hiện diện của Ngài rất gần gũi, rất thân thiện, dễ dàng đi vào lòng người, vào lòng xã hội. Đặc trưng “giáo lý Phật giáo biến thiên và triển đạt” nghĩa là phương pháp độ sanh thẫm sâu vào đời sống nhân sinh, là niềm tin cứu độ cùng với sự kính ngưỡng vô biên, không phải ở lãnh vực thuyết pháp khai tâm mở trí. Nên nói, Bồ-tát Quán Thế Âm không những đứng ở một vị trí tôn kính, tôn thờ như Đức Phật Thích Ca, mà niềm tin về Ngài còn ăn sâu vào trong tâm tư, tình cảm, thật thân thương và gần gũi.
Cho đến hôm nay, trong tâm thức người Việt, Bồ-tát Quán Thế Âm có sức mạnh siêu nhiên, luôn biến hóa cứu độ chúng sanh trong mọi hoàn cảnh. Hàng năm, có ba ngày lễ vía Bồ-tát Quán Thế Âm: Đó là ngày 19 tháng 2 âm lịch vía Bồ-tát Quán Thế Âm đản sinh, ngày 19 tháng 6 âm lịch vía Bồ-tát thành đạo, ngày 19 tháng 9 âm lịch vía Bồ-tát xuất gia. Ngoài ra, một hóa thân khác của Quán Thế Âm là Bồ-tát Chuẩn Đề, vía Ngài ngày 16 tháng 3 âm lịch. Các hoạt động lễ hội tưởng niệm và cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm trong toàn quốc thường được tổ chức vào các ngày vía này.
Truyền thống người Việt luôn tưởng nhớ tổ tiên và thờ cúng những người đã khuất là tập tục lưu truyền nhiều đời. Họ quan niệm người khuất phải sanh một cõi nào đó theo nghiệp của mình, trôi lăn theo sáu nẻo luân hồi. Vì tập nghiệp chúng sanh hầu hết nặng về tham ái nên vì nhân tham ái mà tái sanh vào ngạ quỷ. Vì thế người con Phật quan niệm lễ chẩn tế cô hồn sẽ giúp hương linh (ngạ quỷ) giảm bớt khổ đau, đói khát, và người cúng thí nhờ đó mà tạo ra phước báo vô lượng. Trong lễ cúng thí này, Bồ-tát Quán Thế Âm (hiện thân Tiêu Diện Đại Sĩ) được tôn trí ở vị trí cao nhất để thống lĩnh, giáo hóa, ban vui, cứu khổ cho các chúng sinh ngạ quỷ, cô hồn.
Đón linh hồn người quá cố về,
Mời Phật Bà Bồ-tát.
Đưa linh hồn người quá cố ra cửa ngục,
Thỉnh cầu xá tội (2).
Lễ thí thực cô hồn cũng góp phần làm vơi nỗi đau lòng của người đang sống và kính nhớ tổ tiên quá vãng của mình. Vì thế, lễ chẩn tế cô hồn thường được tổ chức nhân mùa Vu lan Báo hiếu. Đặc biệt, ngày nay lễ chẩn tế cô hồn được các nhà doanh nhân tổ chức trong những dịp khai trương để cầu âm siêu dương thái, mong trí tuệ sáng suốt và tâm từ rộng mở trong việc kinh doanh buôn bán.
Lễ chẩn tế cô hồn phản ánh nhiều khía cạnh, văn chương, triết lý và tín ngưỡng, nói chung là tất cả tinh hoa trong nền triết học Phật giáo Đại thừa Mật tông. Bố trí đàn tràng theo hình thức của Maṇḍala (3). Thiết trí một vòng tròn, tượng trưng cho đóa sen nở trọn và tượng trưng căn bản vũ trụ luận của Mật tông. Có hai bộ Maṇḍala: Kim cang giới Mạn-đà-la (Vajradhātu-Maṇḍala) đại diện cho trí tuệ và Thai tạng giới Mạn-đà-la (Gabhadhātu-Maṇḍala), đại diện cho tâm đại bi của Như Lai.
Hiện nay, tượng Bồ-tát Quán Thế Âm không chỉ tôn thờ trong chùa mà còn xuất hiện trong vườn nhà, nơi làm việc. Hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm đã xuất hiện trên các cung đường, những địa điểm nguy hiểm để trấn giữ yêu quái, gia hộ bình an, cứu giúp dân chúng an lành. Người dân thường đặt tượng Bồ-tát Quán Thế Âm ở những nơi thường xảy ra tai nạn hoặc các nơi công cộng, ngay cả trên tàu xe, với niềm tin tưởng Ngài che chở, gia hộ an lành cho những chuyến đi xa.
Đơn cử như tại Quốc lộ 1A đi Vũng Tàu, ngay vòng xoay xa lộ (ngã tư Vũng Tàu) có tôn trí thờ Bồ-tát, với những câu chuyện truyền nhau về sự linh nghiệm của Phật Bà Quán Âm. Người ta tin rằng, những nơi có Ngài xuất hiện sẽ được hộ trì, giảm bớt tai nạn giao thông, làm cho người điều khiển xe cảm thấy bình an qua những khu vực nguy hiểm.
Những gia đình có điều kiện xây nhà cao tầng thường đặt tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trên sân thượng để trấn giữ yêu quái, giúp người nhà yên lành. Họ tin rằng, thờ Ngài để ngăn cản điềm xấu đến gia đình, giúp gia chủ làm ăn thuận buồm xuôi gió, mọi người trong gia đình ít ốm đau bệnh tật. Nhiều người đeo đồ trang sức có hình Bồ-tát Quán Thế Âm với niềm tin sẽ được Ngài độ trì trong cuộc sống hàng ngày.
Tại các bệnh viện, người ta tôn trí tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, bởi họ tin rằng mỗi khi người bệnh thấy mẹ Quán Âm là họ cảm nhận được sự che chở. Đứng trước những nỗi đau bệnh tật của người nhà và của chính mình, ngoài việc phó thác cho đội ngũ bác sĩ điều trị, mọi người vẫn mong một sự nhiệm mầu, cụ thể là mong việc hóa hiện các thân của Mẹ Quán Âm để giúp người thoát khổ, thoát khỏi nguy nan bệnh tật cận kề sanh tử. Lúc này, hơn khi nào, người tín tâm cầu nguyện năng lực vô úy, một khả năng đặc thù chỉ những ai thật định tĩnh, tự tin và từ bi vô hạn mới có thể làm con người yên tâm dù hoàn cảnh trước mặt đang xảy ra vô cùng bất lợi và nguy hiểm.
Cho nên, tư tưởng Quán Âm không chỉ ở địa vị tôn thờ mà còn gắn liền với môi trường sống và làm việc, rất thân thương và gần gũi. Việc thờ cúng Bồ-tát Quán Thế Âm rất đa dạng, từ bàn thờ trang nghiêm, đến trước sân chùa, hang động, hồ nước hay nơi công cộng, nơi làm việc, hay đeo tượng Quán Thế Âm trên người đều mang ý nghĩa hộ trì cho con người bình an trong mọi hoàn cảnh sống. Điều này chứng tỏ tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm đã đi sâu vào lòng quần chúng, xuất phát từ niềm tin rằng Ngài là vị Bồ-tát độ trì bình an.
Chú thích:
1 Kimura Taiken, (1971), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ (dịch), Khuông Việt ấn hành, tr.31.
2 Giáo sư Hoàng Chương (2010), Nghệ thuật Phật giáo với đời sống hôm nay, Nxb Dân Trí, tr.297.
3 Tiếng Phạn Maṇḍala, Hán dịch là Mạn-đà-la (曼陀羅). Maṇḍala là đàn tràng tác pháp, hay hành trì bí pháp của Mật giáo. Đó là khu vực cấm chế của quỷ thần xâm nhập. Bên trong thiết trí hình tượng, biểu tượng hay các ký tự tượng trưng một ý nghĩa nào đó. Đàn tràng có thể hình vuông hay hình tròn.