Quan Thế Âm Bồ Tát giữa đời thường
Thứ bảy, 26/04/2023 07:16
Với những người theo đạo Phật, thì hình tượng Bồ Tát Quan Thế Âm chắc hẳn không còn xa lạ. Chúng ta biết tới Bồ Tát với nhiều nguyên do khác nhau. Nhiều nhất có lẽ là sự từ bi và hạnh nguyện cứu khổ của ngài.
Từ nhỏ mỗi khi tôi bệnh, mẹ tôi thường bảo “con hãy cầu nguyện với Bồ Tát Quan Âm và niệm danh ngài, mong ngài phù hộ con hết bệnh”. Theo lời chỉ dẫn của mẹ, tôi cũng làm theo, sau đó bệnh của tôi đã hết. Tôi cảm thấy Bồ Tát thật “linh nghiệm”. Dù sau này đã lớn hơn, cứ hể có những chướng duyên trong cuộc sống, hay tật bệnh, tôi đều cầu nguyện với Bồ Tát và xưng niệm danh hiệu của ngài, dần mọi chuyện cũng trở nên thuận lợi hơn.
Thông qua câu chuyện nhỏ ở trên, chúng ta thấy được Bồ Tát Quan Thế Âm rất linh nghiệm, luôn nghe thấy tiếng than khổ của chúng sanh, mà đến cứu giúp.
Nhưng ở đây tôi không đề cập đến Bồ Tát Quan Âm được tôn thờ tại các chùa, được chúng ta hằng ngài cầu nguyện, xưng niệm danh hiệu. Mà nói về một vị Quan Âm gần gũi hơn đối với tất cả chúng ta. Đó là người mẹ của mỗi chúng ta – một vị Quan Thế Âm Bồ Tát đời thường.
Vị Quan Âm này không bạch y, cũng không có phép màu nào, chỉ có một lòng thương con vô bờ bến. Người mẹ mang nặng, đẻ đau suốt độ mười tháng, đây là một việc khó, nuôi dạy ta từ lúc lọt lòng đến lớn khôn lại càng khó hơn. Không ngần ngại khó khăn, tiều tuỵ về thân xác, người phụ nữ rất trọng về nhan sắc, nhưng khi đã làm mẹ, điều đó không còn quan trọng nữa, chăm lo cho con, nuôi con khôn lớn nên người là điều quan trọng hơn cả.
Những lúc khó khăn, trời giá rét dù chỉ có một tắm chăn mẹ cũng để dành cho con, còn mẹ tự co mình lại để giữ ấm. Trời mưa nhà dột ẩm ướt, mẹ để con nằm chỗ cao khô thoáng, còn mẹ có thể lạnh ướt, chỉ cần con yên ổn là được. Lúc ăn cơm mẹ thường nói “mẹ no rồi”, sâu trong câu nói ấy là để con có thể được ăn uống thoải mái, no đủ dù mẹ chỉ ăn lót dạ hay thậm chí là nhịn đói. Tuổi trẻ bồng bột, đôi khi ta buông lời xấu ác, hay ra tay đánh mẹ, mẹ vẫn bỏ qua tất cả lỗi lầm, ân cần khuyên bảo chúng ta bình tâm trở lại,…Vẫn còn rất nhiều điều để nói về mẹ, mỗi chúng ta đều có sự trải nghiệm riêng trong đời. Chung quy lại những gì tôi nói ở trên là còn rất ít.
Sự hi sinh, chịu thiệt thòi ấy, không phải người nào cũng làm được, chỉ có mẹ làm được. Vì sao vậy? Tình cảm mẹ dành cho con là rất lớn, không gì có thể sánh bằng. Câu hát “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” đã phần nào cho ta thấy lòng mẹ quá ư là rộng lớn sánh ngang với biển Thái Bình hoặc hơn cả thế. Những gì mẹ đã làm xứng đáng là một vị Bồ Tát Quan Thế Âm của mỗi người chúng ta.
Nay đã là con Phật, đã quay về nương tựa Tam Bảo. Hằng ngày chúng ta cung kính tranh, tượng Bồ Tát Quan Âm là chưa đủ. Hãy cung kính, tôn trọng, hiếu thảo với Bồ Tát Quan Âm bằng xương, bằng thịt, gần gũi với chúng ta mỗi ngày.
Có những khi lầm lỡ làm điều sai trái với mẹ, nhưng cái tôi của bản thân quá lớn, khiến ta khó mở miệng nói lời “XIN LỖI”. Nếu không nói được, ta hãy hành động sửa chửa lỗi lầm, hiếu thảo với mẹ hơn, sống tốt tích cực hơn. Đó là sự sám hối chân thành nhất và sự “cúng dường” giá trị nhất dành cho mẹ hay bị Quan Thế Âm Bồ Tát giữa đời thường của mỗi người con chúng ta.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Châu Huỳnh Xuân Thành.