Kiến thức
Quán Thế Âm Bồ Tát là hiện thân của lòng từ
Chủ nhật, 03/12/2023 09:59
Mọi người Phật tử khi nhắc đến Đức Quán Thế Âm (Avalokites) nghĩa là lắng nghe tiếng kêu của cuộc đời, người Việt Nam dù là Phật tử hay chưa phải là Phật tử đều có một khái niệm chung là vị Bồ tát hay cứu khổ cứu nạn cho mọi người.
Điều này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người và Quán Thế Âm trở thành một biểu trưng cho lòng từ bi của Phật giáo. Quán Thế Âm dân gian ta gọi tắt là Quán Âm, nhìn chung Ngài là vị Bồ tát thể hiện lòng bi, một trong hai đức của Phật tánh: Văn Thù biểu trưng cho trí tuệ thì Quán Thế Âm biểu trưng cho đức từ bi của Phật.
Đã từ lâu, Đức Quán Thế Âm được nhiều người Việt Nam tôn kính và thờ phụng tin tưởng rất phổ biến, nhất là trong lúc gặp khó khăn hoạn nạn đều hướng về Ngài như là một vị cứu tinh vì danh hiệu Ngài là "Cứu khổ cứu nạn". Việc thờ Quán Thế Âm là một niềm tin mang tinh thần từ bi của Đạo Phật nó còn là biểu trưng cho niềm khác vọng hướng tới nguồn tâm linh muốn "lìa khổ được vui". Chính ý thức tự nhiên của con người nói chung và Phật tử nói riêng về kiếp sống có khuynh hướng về người nữ, cho nên việc thờ Đức Quán Thế Âm là muốn thể hiện ý chí đó trong tâm thức của con người Việt Nam.
Ngày vía Đức Quán Thế Âm là người mà Phật tử Việt Nam thường dùng danh từ "Mẹ hiền Quán Thế Âm" tuy không đúng với tinh thần nguyên gốc của vị Bồ tát có nghìn mắt nghìn tay này. Tuy nhiên điều đó cũng chứng tỏ tinh thần Quan Thế Âm đã không còn trong phạm vi Phật giáo mà nó biến thành tín ngưỡng của quần chúng nhân dân. Mặt tích cực là Đức Quán Thế Âm đãvượt ra ngoài vi của dân gian làm cho mọi người biết đến tên vị Bồ Tát của Phật giáo Bắc truyền nhưng bên cạnh đó nó cũng có khuynh hướng lệch lạc qua việc thờ Ngài, hướng bên ngoài cốt tượng còn phủ cho Ngài một mảnh vải như là một vị Chúa Xứ hoặc 5 Bà Ngũ Hành của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ.
Kỷ niệm ngày vía Đức Quán Thế Âm, nhất là một con người hiện thân nữ, vì thế cho nên người con Phật nữ giới phải thể hiện tích cực hơn nữa trong việc đem bàn tay của người Mẹ hiền xoa dịu những khổ đau của con người. Có làm được như vậy, Phật giáo nói chung và tinh thần từ bi của đạo Phật nói riêng mới thực sự đi vào cuộc đời. Vì chính bàn tay đó Đức Quán Thế Âm đã dùng nó để cứu khổ cứu nạn bằng hiện thân một người nữ. Chỉ có người Mẹ mới đem lại niềm an ủi ấm áp tình thương, khơi nguồn cho tâm thức con người hướng đến lý tưởng từ bi bình đẳng vô ngã vị tha. Tinh thần của Quán Thế Âm không phải chỉ có khổ mới kêu cứu mà mọi thời điểm từng giai đoạn người con Phật xuất gia hay tại gia đang thực hiện hạnh nguyện lợi tha của một Quán Thế Âm, bằng những việc làm có ích thiết thực cho cuộc đời và chính đó mới là Quán Thế Âm ở mọi lúc mọi nơi trên thế gian này.