Sách Phật giáo
Quần thể lăng tẩm nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh (Phần 3)
Chủ nhật, 17/10/2013 11:01
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, năm 1381, để tránh việc quân Chiêm Thành (Chăm-pa) tàn phá lăng tẩm, nhà Trần đã cho chuyển thần tượng15 của các lăng ở Giác Hương (Mỹ Lộc, Nam Định), Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương (Thái Bình) đưa về lăng lớn ở Yên (An) Sinh.
Chương 2: QUẦN THỂ LĂNG TẨM NHÀ TRẦN Ở ĐÔNG TRIỀU
An Sinh hay còn được đọc là Yên Sinh vốn là quê của nhà Trần. Năm 1237, sau sự kiện “biến loạn sông cái”13, vua Trần Thái Tông đem đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng và Yên Bang cho Trần Liễu làm ấp Thang Mộc14 và phong Trần Liễu làm An Sinh vương. Đất An Sinh xưa là một vùng rộng lớn tương đương với toàn bộ phần đất huyện Đông Triều, một phần thành phố Uông Bí; một phần huyện Kinh Môn và một phần huyện Yên Hưng ngày nay.
Năm 1320, sau khi mất tại cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, Thượng hoàng Trần Anh Tông được đưa về an táng tại Thái lăng ở An Sinh, từ đó các vua Trần đều chọn An Sinh là nơi xây dựng lăng tẩm của mình. Năm 1381, để tránh nạn phá hoại lăng tẩm của quân Chiêm Thành (Chăm-pa), nhà Trần cho dời thần vị các lăng ở Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương (Thái Bình) về lăng lớn ở An Sinh, từ đây An Sinh là nơi tập trung các lăng tẩm của nhà Trần.
Khu sơn lăng nhà Trần ở An Sinh có 07 lăng gồm: Thái lăng của vua Trần Anh Tông, Mục Lăng của vua Trần Minh Tông, An lăng hay còn gọi là lăng Ngải Sơn của vua Trần Hiến Tông, lăng Phụ Sơn hay Phụ lăng của vua Trần Dụ Tông, Hy lăng của vua Trần Duệ Tông, Nguyên lăng của vua Trần Nghệ Tông và lăng Tư Phúc là nơi thờ thần vị của vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.
Ngói ống men xanh lục lợp mái tháp tìm thấy tại Thái lăng |
Dấu vết kiến trúc phát hiện tại lăng Tư Phúc. Ảnh: Lê Đình Ngọc |
2.1. Lăng Tư Phúc, nơi thờ thần vị của hai vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông
Lăng Tư Phúc nằm trên một quả đồi thấp phía sau đền An Sinh ngày nay, cách đền An Sinh qua hồ Sư Phạm. Đồi này còn được gọi là đồi Trại Lốc, đồi Mít hay đồi Tập Bắn nay thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, năm 1381, để tránh việc quân Chiêm Thành (Chăm-pa) tàn phá lăng tẩm, nhà Trần đã cho chuyển thần tượng15 của các lăng ở Giác Hương (Mỹ Lộc, Nam Định), Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương (Thái Bình) đưa về lăng lớn ở Yên (An) Sinh.
Những ghi chép ngắn gọn trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ cho biết thông tin về việc nhà Trần cho xây dựng một lăng lớn ở An Sinh để chuyển thần vị các lăng từ Tức Mặc, Tam Đường về đây nhưng không nói rõ lăng lớn đó tên là gì? Cụ thể có bao nhiêu thần vị được chuyển về lăng lớn ở An Sinh? vv...
Kết quả điều tra, nghiên cứu khảo cổ học khu lăng tẩm nhà Trần ở An Sinh cho phép khẳng định lăng lớn mà nhà Trần cho xây dựng tại An Sinh chính là lăng Tư Phúc. Tại lăng Tư Phúc, năm 2009, Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật thăm dò khảo cổ học. Kết quả, ở sườn đồi phía Nam đã tìm thấy dấu vết con đường dẫn từ chân lên đỉnh đồi, đường rộng 3,45m, được kè xếp bằng gạch và cuội. Đây chính là dấu vết của đường Thần Đạo của lăng Tư Phúc. Trên đỉnh đồi, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy dấu vết kiến trúc được xây dựng dưới thời Trần của khu trung tâm lăng Tư Phúc bao gồm: dấu vết sân hành lễ, dấu vết kiến trúc hành lang phía Tây và dấu vết Chính Tẩm. Qua các dấu vết kiến trúc đã phát hiện tại đây, các nhà khảo cổ học cho rằng, khu trung tâm của lăng Tư Phúc được xây dựng theo lối nhiều lớp khép kín, lấy Chính Tẩm - nơi đặt bài vị là trung tâm, các kiến trúc khác bao quanh kiến trúc trung tâm. Ngoài các di tích, khảo cổ học cũng đã phát hiện được một số di vật của thời Trần, trong đó có nhiều bộ phận tượng rồng, lá đề trang trí hình chim phượng với những đường nét tinh xảo, vv... các di vật này cho thấy kiến trúc lăng Tư Phúc được trang trí hết sức đẹp đẽ đồng thời thể hiện tính chất công trình lăng tẩm quan trọng của hoàng gia nhà Trần.
Bên cạnh các dấu vết kiến trúc thời Trần, cuộc khai quật thăm dò khảo cổ học năm 2009 tại lăng Tư Phúc cũng đã phát hiện các di tích kiến trúc và các di vật của thời Lê Trung hưng. Các di tích, di vật này cho thấy, dưới thời Lê Trung hưng, lăng Tư Phúc đã được trùng tu và sửa chữa. Dưới thời Lê Trung hưng, các vua nhà Lê và chúa Trịnh rất quan tâm đến việc trông coi, thờ phụng lăng tẩm và nơi thờ cúng các vua Trần ở Đông Triều.
Ngoài việc cấp đất cho các lăng tẩm, miễn trừ phu, phen tạp dịch cho dân xã An Sinh để dân trong xã có điều kiện trông coi và thờ phụng lăng tẩm, triều đình còn tổ chức trùng tu, sửa chữa lăng tẩm, đền thờ khi các công trình này bị xuống cấp. Các tài liệu cho biết, lăng Tư Phúc đã được nhà Lê cho trùng tu, sửa chữa vào các năm Hồng Thuận (1509 - 1516); Hoằng Định (1601 - 1619)16. Dấu vết khảo cổ học đã cho thấy, dưới thời Lê, kiến trúc phía trước Chính Tẩm được mở rộng về phía sân hành lễ thành một tòa kiến trúc 7 gian, gian giữa rộng 3,2m; các gian còn lại rộng 2,9m.
Ngoài việc cấp đất cho các lăng tẩm, miễn trừ phu, phen tạp dịch cho dân xã An Sinh để dân trong xã có điều kiện trông coi và thờ phụng lăng tẩm, triều đình còn tổ chức trùng tu, sửa chữa lăng tẩm, đền thờ khi các công trình này bị xuống cấp. Các tài liệu cho biết, lăng Tư Phúc đã được nhà Lê cho trùng tu, sửa chữa vào các năm Hồng Thuận (1509 - 1516); Hoằng Định (1601 - 1619)16. Dấu vết khảo cổ học đã cho thấy, dưới thời Lê, kiến trúc phía trước Chính Tẩm được mở rộng về phía sân hành lễ thành một tòa kiến trúc 7 gian, gian giữa rộng 3,2m; các gian còn lại rộng 2,9m.
Mảnh tượng đầu rồng tìm thấy tại lăng Tư Phúc. Ảnh: Nguyễn Văn Anh |
Tuy nhiên, lăng Tư Phúc là nơi thờ thần vị của những vị vua nào lại là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì: “Tân Dậu, năm thứ 5 (1381)… tháng 6, rước thần tượng ở các lăng Giác Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đem về lăng lớn Yên Sinh”17.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, ở Thái Đường, ở Long Hưng, ở Kiến Xương đưa về An Sinh, cốt để tránh nạn người Chiêm sang xâm lấn quấy nhiễu”18.
Lá đề lệch trang trí chim phượng tìm thấy tại lăng Tư Phúc. Ảnh: Nguyễn Văn Anh |
Như đã biết, Thái Đường, tức Tam Đường có 04 lăng gồm Thọ lăng, Dụ lăng, Chiêu lăng và Đức lăng; Long Hưng là tên phủ, Thái Đường thuộc phủ này; Kiến Xương cũng là tên của một phủ khác nay thuộc Thái Bình mà theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư thì An lăng của vua Trần Hiến Tông xây dựng ở phủ Kiến Xương19 và Giác Hương nay thuộc huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định, không có lăng của vua Trần nào được xây dựng tại đây.
Như vậy, với những bằng chứng khảo cổ học được tìm thấy tại lăng Tư Phúc đã khẳng định việc nhà Trần cho xây dựng lăng lớn ở An Sinh để chuyển thần vị của các lăng từ Thái Bình về đây là hoàn toàn đúng như ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, tuy nhiên địa điểm các lăng được chuyển về thì sách Đại Việt sử ký toàn thư có một số nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn này của Đại Việt sử ký toàn thư cũng dẫn đến sai lầm của một số bộ sử giai đoạn sau, trong đó có sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Ngói mũi sen thời Lê Trung hưng tìm thấy tại lăng Tư Phúc. Ảnh: Nguyễn Văn Anh |
Ngoài ghi chép của các bộ quốc sử, các sách khác cũng ghi chép về vấn đề này. Sách Trần triều lăng tẩm đồ mạn ký do Nguyễn Tư Giản viết khi ông đang làm Tham biện quân vụ Hải - Yên (1863-1865), phần chép về lăng Tư Phúc cho biết “Truyền rằng đây là lăng Thái Tông, Thánh Tông và nghi là có cả lăng Giản Định Đế”21.
Mảnh lư hương vẽ hình long mã, sứ men trắng vẽ lam thời Minh thế kỷ 16 tìm thấy tại lăng Tư Phúc. Ảnh: Nguyễn Văn Anh |
Nội dung bia cụ thể như sau: Bia thứ nhất: “明 命 弍 拾 弌 年 玖 月 初 陸 日 奉 陳 朝 太 宗 皇 帝 陵 勅 造” (Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng Trần triều Thái Tông hoàng đế lăng sắc tạo). Nghĩa là Ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) tạo (bia) tại lăng hoàng đế Trần Thái Tông theo sắc chỉ. Bia thứ hai: “明 命 弍 拾 弌 年 玖 月 初 陸 日 奉 陳 朝 聖 宗 皇 帝 陵 勅 造” (Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng Trần triều Thánh Tông hoàng đế lăng sắc tạo). Nghĩa là Ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) tạo (bia) tại lăng hoàng đế Trần Thánh Tông theo sắc chỉ. Bia thứ ba “明 命 弍 拾 弌 年 玖 月 初 陸 日 奉 陳 朝 簡 定 皇 帝 陵 勅 造” (Minh Mạng nhị thập nhất niên, cửu nguyệt, sơ lục nhật phụng Trần triều Thánh Tông hoàng đế lăng sắc tạo). Nghĩa là Ngày mồng 6 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) tạo (bia) tại lăng hoàng đế Trần Giản Định theo sắc chỉ. Cả ba bia này hiện không còn nữa, tuy nhiên, như đã biết, năm 1840 vua Minh Mạng đã cho dựng bia ghi nhớ vị trí lăng tẩm của các vua Trần ở An Sinh, do vậy việc sách Trần Triều thánh tổ các xứ địa đồ ghi nhận có ba bia đá như trên là hoàn toàn có thể tin được.
Như vậy, nếu theo ghi chép của các sách thời Nguyễn thì lăng Tư Phúc là nơi thờ thần tượng của hai vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và nơi táng của vua Trần Giản Định.
Vua Trần Thái Tông nguyên tên thật là Trần Bồ sau đổi thành Trần Cảnh, ông là con thứ của Trần Thừa, một người nhiều mưu lược, giữ chức Nội thị khán thủ dưới triều Lý. Trần Thái Tông sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218), nhờ sự giúp đỡ của chú mình là Trần Thủ Độ, ông vào làm Chi Hậu chính của triều Lý rồi kết duyên với vua Lý Chiêu Hoàng. Năm 1225, ông được vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ nhà Lý (1009 - 1225) sang nhà Trần. Trần Thái Tông ở ngôi hơn 32 năm (1225 - 1259), làm Thái thượng hoàng 19 năm, ông mất ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277) tại cung Vạn Thọ, thọ 60 tuổi.
Vua Trần Thái Tông là vị vua mở nghiệp nhà Trần, triều đại cực thịnh trong lịch sử dân tộc. Vua được sử sách ghi nhận là người khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, khi đã lên ngôi, đặt khoa mục, dùng hiền tài, định lễ nghi, đặt hình luật, điển chương, chế độ rõ rệt đáng kể. Ông là người đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng cuộc xâm lược của quân Nguyên
Dấu vết Thần Đạo của lăng Tư Phúc. Ảnh: Lê Đình Ngọc |
- Mông lần thứ nhất năm 1258, bảo vệ toàn vẹn biên cương bờ cõi, viết lên một trong những trang sử chói lọi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đến khi nhường ngôi, lui về ở Bắc cung22, thì vua để ý học hỏi, tìm hiểu kinh sách của Phật giáo, do đó hiểu ý nghĩa tinh sâu của Phật, Pháp.
Năm 1277, sau khi vua băng ở cung Vạn Thọ thì được táng tại Chiêu lăng, nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, năm 1381 thần tượng được rước về lăng Tư Phúc ở An Sinh.
Vua Trần Thánh Tông là vị vua thứ hai của triều Trần, tên húy là Trần Hoảng, ông là con trưởng của vua Trần Thái Tông, sinh ngày 25 tháng 9 năm Canh Tý (1240) và ngay lập tức được lập là Đông cung Hoàng thái tử. Ngày 24 tháng 2 năm Mậu Thân (1258), sau khi đánh thắng cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông lần thứ nhất, Đông cung Hoàng thái tử được vua cha Trần Thái Tông nhường ngôi, đổi niên hiệu là Thiệu Phong, xưng làm Nhân Hoàng, tôn vua cha Trần Thái Tông thành Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng đế. Vua ở ngôi 21 năm, làm Thái thượng hoàng 12 năm, mất ngày 25 tháng 5 năm Trùng Hưng thứ 6 (1290) tại cung Nhân Thọ, thọ 51 tuổi.
Vua Trần Thánh Tông được sử sách ghi nhận là người trung hiếu nhân từ, tôn người hiền, trọng kẻ sĩ; cha làm ra trước, con nối về sau, cơ nghiệp của nhà Trần được bền vững. Ông là vị vua văn võ song toàn, đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh thắng cuộc xâm lược lần thứ 2 (1285) và cuộc xâm lược lần thứ 3 (1288) của quân Nguyên - Mông, làm lên một Bạch Đằng nổi tiếng trong lịch sử. Ông còn là một nhà thơ và đặc biệt còn là nhà nghiên cứu giáo lý, kinh sách của đạo Phật. Ông cũng được người đời sau gọi là Trần Thánh Tông Phật tổ. Năm 1290, ông mất và được táng vào Dụ lăng ở Tam Đường (Thái Bình). Năm 1381, thần tượng được rước về lăng Tư Phúc ở An Sinh.
Vị trí lăng Tư Phúc và đền An Sinh |
Trần Giản Định tên thật là Trần Ngỗi, là con thứ của vua Trần Nghệ Tông, dưới thời Trần được phong làm Giản Định vương, nhà Hồ thay nhà Trần (1400) đổi phong ông là Nhật Nam quận vương. Khi quân Minh đánh bại quân dân nhà Hồ, tướng nhà Minh là Trương Phụ treo bảng tìm con cháu nhà Trần để giúp nhưng thực ra là để sát hại23, Trần Ngỗi phải trốn về Mô Độ (Ninh Bình). Lúc ấy tại Mô Độ, Trần Triệu Cơ đang tụ tập lực lượng để chống lại quân Minh nên lập ông làm chủ.
Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), ông lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh, lập nên nhà Hậu Trần. Sử gọi ông là Giản Định Đế. Sau khi lên ngôi, nhờ sự giúp sức của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, Giản Định Đế đã nhanh chóng làm chủ được một vùng rộng lớn từ Nghệ An đến Thuận Hóa và bao vây thành Đông Quan24. Song do mâu thuẫn trong kế hoạch đánh chiếm lại thành Đông Quan, Giản Định đế lo sợ Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân có lòng khác nên đã cho người giết hại Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân.
Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), ông lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh, lập nên nhà Hậu Trần. Sử gọi ông là Giản Định Đế. Sau khi lên ngôi, nhờ sự giúp sức của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, Giản Định Đế đã nhanh chóng làm chủ được một vùng rộng lớn từ Nghệ An đến Thuận Hóa và bao vây thành Đông Quan24. Song do mâu thuẫn trong kế hoạch đánh chiếm lại thành Đông Quan, Giản Định đế lo sợ Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân có lòng khác nên đã cho người giết hại Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân.
Bất bình vì cha mình bị giết oan, con trai của Đặng Tất là Đặng Dung và con của Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Di đã tôn lập Trần Quý Khoáng làm vua mới, tức là Trùng Quang Đế, sau Trùng Quang Đế tôn Giản Định Đế làm Thái thượng hoàng. Tháng 7 năm 1409, trong trận chiến với quân Minh, Giản Định Đế bị quân Minh bắt và đưa về Kim Lăng (Trung Quốc), sau đó ông bị giết tại Trung Quốc.
Như vậy, Giản Định Đế bị giết hại tại Trung Quốc, không có tài liệu nào nhắc đến việc thi hài của ông được đưa về Đại Việt. Trong tình hình đất nước bị chiếm đóng, những người trong dòng tộc nhà Trần bị ly tán, việc đưa thi hài của Giản Định Đế về là việc khó có thể diễn ra. Do vậy, việc cho rằng lăng Tư Phúc có phụ táng Giản Định Đế là không đúng.
Như vậy, Giản Định Đế bị giết hại tại Trung Quốc, không có tài liệu nào nhắc đến việc thi hài của ông được đưa về Đại Việt. Trong tình hình đất nước bị chiếm đóng, những người trong dòng tộc nhà Trần bị ly tán, việc đưa thi hài của Giản Định Đế về là việc khó có thể diễn ra. Do vậy, việc cho rằng lăng Tư Phúc có phụ táng Giản Định Đế là không đúng.
Như vậy, có thể cũng giống như việc thờ các vua ở đình Đốc Trại sau này, khi chuyển thần vị của vua từ Tam Đường về An Sinh, thì hai vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông được thờ tại lăng Tư Phúc, còn thần vị của vua Trần Nhân Tông được thờ tại chùa Ngọa Vân. Tức là lăng Tư Phúc là nơi thờ thần vị của vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.
Họa đồ Giới hạn lăng Tư Phúc trong sách “Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ” |
Thái lăng giữa lòng hồ Trại Lốc. Ảnh: Nguyễn Văn Anh |
Còn nữa...
Nguyễn Văn Anh
Nguyễn Văn Anh
-
13. Vua Trần Thái Tông và Lý Chiêu Hoàng (Chiêu Thánh) kết hôn nhiều năm nhưng chưa có con, lo sợ không có người nối nghiệp nhà Trần, Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cựu lập mưu lấy công chúa Thuận Thiên Lý thị là vợ của Trần Liễu, lúc đó đang có bầu ba tháng lập làm hoàng hậu Thuận Thiên và giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa. Uất hận trước việc bị “cướp” vợ, Trần Liễu tập họp quân lính ra sông Cái (sông Hồng) để trả thù, sau thất bại. Sử gọi sự kiện này là loạn sông Cái.
14. Nhà Trần có chế độ phong đất thang mộc và phong thái ấp. Đất thang mộc và thái ấp là đất đai được triều đình ban cho các vương hầu, quý tộc tôn thất nhà Trần; những người được ban quốc tính để hưởng bổng lộc, không phải nộp tô thuế cho nhà nước. Nhà nước thu hồi lại đất thang mộc và thái ấp người được phong đất mất đi hoặc phạm tội.
14. Nhà Trần có chế độ phong đất thang mộc và phong thái ấp. Đất thang mộc và thái ấp là đất đai được triều đình ban cho các vương hầu, quý tộc tôn thất nhà Trần; những người được ban quốc tính để hưởng bổng lộc, không phải nộp tô thuế cho nhà nước. Nhà nước thu hồi lại đất thang mộc và thái ấp người được phong đất mất đi hoặc phạm tội.
15. Thần tượng tức là bài vị. Một số ý kiến cho rằng, việc di chuyển thần tượng chỉ là hình thức làm lạc hướng quân Chiêm Thành còn thực tế các lăng tẩm vẫn được để nguyên tại Thái Bình. Điều đó cũng hoàn toàn có thể xảy ra! Tuy nhiên có thể còn có một lý do khác, là việc di dời thần vị các lăng về An Sinh có thể còn thể hiện ý nguyện “lá rụng về cội” của nhà Trần, đồng thời nó cũng thuận tiện cho việc tổ chức tế, lễ lăng tẩm hàng năm của triều đình. Ở đây chúng tôi không bàn sâu đến mục đích của việc chuyển Thần vị mà chỉ xem việc đó có diễn ra trên thực tế hay không và lăng lớn ở Yên Sinh là lăng nào?.
16. Đại Nam nhất thống chí. Nxb Thuận Hóa, Huế 2006. tr.490
17. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. tr.683.
18. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Bản điện tử, tr.302.
19. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tr.628
19. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tr.628
20. Đại Nam nhất thống chí. Sđd, tr490.
21. Nguyễn Tư Giản. Lăng tẩm đồ mạn ký. Tư liệu Viện Hán Nôm, ký hiệu VHv.1755.
22. Các vua nhà Trần làm vua một thời gian thì nhường ngôi cho con lên làm Thái thượng hoàng. Ban đầu Thượng hoàng ở Bắc cung tại Thăng Long, khi Thiên Trường được xây dựng (1239) thì Thượng hoàng về ở tại cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).
21. Nguyễn Tư Giản. Lăng tẩm đồ mạn ký. Tư liệu Viện Hán Nôm, ký hiệu VHv.1755.
22. Các vua nhà Trần làm vua một thời gian thì nhường ngôi cho con lên làm Thái thượng hoàng. Ban đầu Thượng hoàng ở Bắc cung tại Thăng Long, khi Thiên Trường được xây dựng (1239) thì Thượng hoàng về ở tại cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).
23. Khi nhà Minh sang đánh Đại Việt, quân Minh lấy cớ là phù Trần diệt Hồ (ủng hộ nhà Trần, diệt nhà Hồ) nên khi đánh bại nhà Hồ, tướng của nhà Minh là Trương Phụ đã giả treo bảng tìm con cháu nhà Trần để lập làm vua nhưng thực chất là để giết hại.
24. Thành Đông Quan chính là Thăng Long (Hà Nội), kinh đô thời Lý Trần, nhà Hồ thay nhà Trần, nhà Hồ đã cho xây dựng và chuyển đô về thành Tây Đô (Thanh Hóa), thành Thăng Long đổi gọi là Đông Đô. Khi quân Minh chiếm được Đại Việt, thành Đông Đô đổi gọi là Đông Quan.