Kiến thức

Quy y Tam Bảo được phước báo như thế nào?

Thứ bảy, 20/06/2023 03:00

Chúng sanh muốn lìa bến khổ trở lại nguồn vui, chỉ có quy y Tam Bảo. Tại sao thế? Vì trong Tam Bảo, Phật là đấng sáng suốt, trí bi đầy đủ, phước huệ vô biên, đức hạnh vẹn toàn. Ngài là bậc đạo sư vĩ đại nhất, dẫn dắt muôn loài thoát nẻo luân hồi, đến nơi cực quả.

Quy y Tam Bảo - còn gọi là pháp tam quy y, là quay về nương tựa ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng.

Bạn Quy y Tam Bảo làm Phật tử, chứ không phải Quy y là xuất gia cạo tóc lên chùa xuất gia đâu nhé - vụ này rất nhiều người hiểu lầm!

Pháp Tam quy y dường như đơn giản, song ít người thấu hiểu tường tận. Có vị đã quy y, nhưng chưa rõ về nghĩa Tam Bảo. Có vị tuy mến chánh giáo, song chỉ đối trước tôn tượng nguyện quy y Phật, Pháp mà không quy y Tăng, hoặc khinh chư Tăng không chịu gần gũi, khiến cho việc thọ Tam quy không thành và tự nuôi lớn lòng cao mạn, không được phần pháp ích.

Lại có người nghe nói quy y Tam Bảo không đọa Tam đồ chẳng hiểu đó là chỉ cho lý Tam quy, nên bên ngoài tuy vẫn thọ Tam quy, thờ Phật, tụng kinh, đi chùa, cúng dường chư tăng, nhưng bên trong không diệt lòng tham sân si, vì danh lợi sắc tài mà gây nhiều nghiệp ác, kết cuộc phải bị sa đọa.

Những điều Phật tử mới Quy y Tam Bảo cần biết

Hơn 500 Phật tử quy y Tam Bảo nhân dịp Rằm Thượng Nguyên tại chùa Thiên Quang.

Hơn 500 Phật tử quy y Tam Bảo nhân dịp Rằm Thượng Nguyên tại chùa Thiên Quang.

Tuy vậy Tam Quy y có giá trị vô cùng to lớn, dẫu bạn chưa giải thoát được sanh tử trong kiếp này vẫn gieo được chủng tử giải thoát về sau. Lại Bồ tát Di Lặc có nguyện rằng:

”Những kẻ tuy chưa giữ giới, nhưng có lòng chánh tín đối với ngôi Tam Bảo, biết kính lễ Phật và đem tâm thành cúng dường Phật, Pháp, Tăng, sẽ được độ thoát trong pháp hội thứ ba của ta.”

Chỉ là, gần 9 triệu năm nữa Ngài mới thành Phật, trong 9 triệu năm ấy không biết chúng ta trôi lăn ở đâu trong sáu nẻo luân hồi!

Ý nghĩa của việc Quy Y:

- Quy là trở về.

- Y là nương tựa.

- Quy y là trở về nương tựa nơi mà mình đã vì si mê lầm lạc, phóng đãng bỏ ra đi. Ví như đứa trẻ vì khờ dại, bỏ cha mẹ đi hoang. Trải qua những kinh nghiệm khổ đau, tự biết tỉnh ngộ, quay trở về nương tựa dưới lòng từ ái. Dưới lời khuyên dạy thiết thật và dưới bóng tuổi tác hiền hòa của song thân.

Tam Bảo là gì?

Tam Bảo là ba ngôi báu: Phật, Pháp, và Tăng. Ví như châu báu có thể giúp cho người khỏi nghèo khó, ba ngôi nầy có thể khiến cho chúng sanh được phước nhơn thiên, cho đến khỏi sự khổ luân hồi đến Niết bàn an vui, nên gọi là “Bảo”.

Quy y Phật:

Phật là “Phật đà da” thuộc cổ ngữ Ấn Độ, dịch là giác ngộ, tức là bậc đại trí huệ hiểu rõ chân tướng vũ trụ vạn vật. Trong kinh Đại thừa Tâm Địa Quán giảng: “Về ân đức Tam bảo” thì Phật bảo có sáu công đức vi diệu:

- Một là Đại công đức điền vô thượng.

- Hai là Đại ân đức vô thượng.

- Ba là Đại tối tôn trong tất cả.

- Bốn là Khó gặp như hoa ưu đàm - Xuất hiện độc nhất trong tam thiên đại thiên thế giới.

- Năm là công đức viên mãn cho cõi thế lẫn xuất thế.

- Sáu là công đức đầy đủ này có thể làm lợi khắp chúng sinh. Nên gọi là Phật bảo, ân không thể lường.

Cho nên, quy y Phật không phải là quy y riêng với một vị Phật nào. Mà bao gồm quy y tự tính Phật của tất cả chư Phật tận hư không khắp pháp giới. Quy y tự tính Phật có nghĩa là tâm chúng ta từ hắc ám chuyển sang quang minh, tức tâm là Phật!

Quy y Pháp:

“Pháp” là những lời dạy của Đức Phật về nhân sinh quan, thế giới quan và phương pháp hành trì. Để hướng tới cuộc sống an lành và tiến tới giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Giáo pháp mà Phật Thích Ca giảng, không những vô lượng chư Phật trước Ngài từng đã giảng. Mà sau Ngài, chư Phật vị lai cũng sẽ giảng như thế. Bởi vì tận hư khắp pháp giới, lý đạo chân thật vốn như thế – vốn là quy luật thế gian – Phật pháp không phải do một vị Phật sáng tạo phát minh ra.

Quy y Tăng:

“Tăng” nói đủ theo tiếng Phạn là Tăng già, có nghĩa: Hòa hiệp chúng hay Thanh tịnh chúng. Ðây là những vị tu hành giữ giới hạnh trong sạch, hòa thuận, chia sớt cho nhau những gì đã thu nhận được. Nói đại khái là sống theo phép lục hòa. Theo đúng nghĩa thì từ bốn người trở lên mới được gọi là Tăng, nhưng một người cũng có thể đại biểu cho Tăng.

“Quy y Tăng”, nghĩa là quy y tất cả Hiền Thánh, là những bậc có đức hạnh siêu phàm, cũng có thể gọi là “thượng nhân”. Quy y Tăng, là quy y Phúc điền Tăng thanh tịnh, bậc không tham tài sắc danh lợi.

Tại sao lại cần Quy y Tam Bảo?

Chúng sanh từ nhiều kiếp đến nay vì si mê lầm lạc, nên bị luân chuyển quanh sáu đường. Sống trong bể nước mắt khổ đau và bùn nhơ dục vọng. Trong cảnh đen tối “cuộc vui vui dở, nỗi sầu sầu thêm” ấy, ai là người có chút thức tỉnh, lại không muốn trở về nguồn trong sáng an lành? Nhưng làm thế nào để thoát ly? Biết nơi đâu là nương tựa?

Theo đấng Ðại giác, chúng sanh muốn lìa bến khổ trở lại nguồn vui, chỉ có quy y Tam Bảo. Tại sao thế? Vì trong Tam Bảo, Phật là đấng sáng suốt, trí bi đầy đủ, phước huệ vô biên, đức hạnh vẹn toàn. Ngài là bậc đạo sư vĩ đại nhất, dẫn dắt muôn loài thoát nẻo luân hồi, đến nơi cực quả.

Về pháp, thì ba tạng Kinh điển của Phật đầy đủ phương châm. Có công năng đưa chúng sanh vượt khỏi bến mơ, bước lên bờ giác. Còn Tăng là những vị giới hạnh trong sạch, đã lìa bỏ mọi thú vui vật chất, hướng về nẻo quang minh. Có thể thay thế cho Phật để dẫn dắt chúng sanh đi trên đường đạo. Xin trích dẫn một vài đoạn Kinh luận, để nói thêm về ý nghĩa Tam quy:

Phật dạy về Quy y Tam bảo:

– Lại nữa, Từ Thị! Nếu chúng sanh nào muốn quy y Tam bảo, nên phát tâm như thế nầy:

"Nay ta đã sanh làm thân người, xa lìa tám nạn, đó là việc rất khó được. Vậy ta phải dùng phương tiện khéo, mà tu tập tất cả pháp thắng diệu. Nếu ta trái với tâm nguyện giải thoát không cầu những pháp lành, chính là tự khinh bỏ mình. Ví như có người đi thuyền ra biển, tìm được chỗ có châu báu, nhưng lại trở về tay không.

Cũng như thế, Phật, Pháp, Tăng bảo là chỗ nương tựa để thoát khổ, nếu kẻ nào được gặp mà chẳng quy y, sau dù có hối hận cũng không thể kịp! Ðã biết như thế rồi, phải nên siêng năng tu tập pháp lành nguyện cho mau được thành tựu. Những tội lỗi từ quá khứ cũng cần sám hối khiến cho trừ diệt. Phải nghĩ rằng ta từ vô thỉ đến nay, do thân, miệng, ý, tạo ra tội chướng vô lượng vô biên.

Những lỗi ấy đều từ tâm niệm điên đảo giả dối mà sanh, vẫn không có thật. Như thế, các tội đã gây đối với cảnh tôn trọng như Phật, Pháp, Tăng, cha mẹ sư trưởng, cho đến lỗi nhỏ như vi trần, nay đều sám hối…. Lại đối với những nghiệp lành của tất cả thánh hiền như Phật và đệ tử, hàng Ðộc Giác, Thanh Văn, bậc hữu học vô học cùng các loài hữu tình trong mười phương đều phải phát tâm tùy hỷ.

Nên xét nghĩ, như khi mình đau nặng, trông mong có người quen thuộc nâng đỡ, xoa nắn, tắm rửa, lo lắng cho việc ăn uống thuốc men. Dù được sự săn sóc đầy đủ như thế, nhưng nỗi bịnh khổ của tự thân trong hiện tại còn không ai thay thế cho được, huống nữa là bao nhiêu nỗi khổ lớn sanh tử ở đời vị lai ư? Ta đã không nơi nương tựa như thế, thì loài hữu tình nào có khác chi! Vậy cần phải quy y ngôi Tam bảo chân thật, vì là chỗ thường trụ.

Ví như người trí khi gặp cảnh hiểm nạn, biết cầu bậc có thế lực cứu giúp chở che. Cũng như thế, chúng sanh trong nẻo hiểm nạn luân hồi, phải nương về ngôi Tam bảo, mới có thể vượt qua sông sanh tử to rộng. Nghĩ như thế rồi, phát lòng tín hướng quả quyết, quỳ gối chắp tay đem hết thân tâm thành kính đúng theo pháp quy y Tam bảo. Sau khi quy y xong lại phải phát đại tâm, nguyện cứu độ tất cả chúng sanh vượt qua biển sanh tử khổ não, đến bờ Niết bàn an vui.

Nầy Từ Thị! Ví như kẻ lương đạo dẫn dắt đoàn thương khách vượt qua vùng sa mạc rộng lớn mênh mang đầy nguy hiểm, đến chỗ an toàn thế nào, thì đạo sư Tam bảo cũng vậy. Ba ngôi báu khéo đưa chúng sanh vượt qua đêm sanh tử dài dặc mịt mờ hầu như vô tận, đến trời mai rạng rỡ của Niết bàn. Vậy kẻ phát tâm tu hạnh Ðại thừa, phải nên như thế mà quy y Tam bảo".

Những truyện Quy y Tam bảo được phước: 

1. Theo Cảm Ứng Thiên Chú, Trương Hoằng Nguyên mộng thấy thần bảo:

“Ngươi có thiện căn nhưng phước lực cạn, hãy nên tu đức, tập tánh hiền lành”.

Do vậy, bèn quy y Tam Bảo, và ghi chú đại lược bộ Cảm Ứng Thiên đem khắc in. Một ngày ông ta mắc phải căn bệnh lạ, thuốc thang vô hiệu, chỉ nằm chờ chết. Trong lúc nguy cấp, ông ta niệm thánh hiệu không ngớt. Chợt thấy có người áo trắng vén màn, kêu tên mình hai lượt, bệnh liền khỏi ngay. Lúc đó ông mới biết là Đại Sĩ hóa thân cứu mình.

2. Theo Quán Cảm Lục, đời Thanh, viên nha lại ở Vô Tích là Vương X… Trong niên hiệu Thuận Trị (1643-1661) do chuyện Tiền Cốc mà bị giam vào ngục chết ở Bắc Đô. Về sau, Kim Hán Quang từ kinh đô quay về, trong thuyền nghe có tiếng người hô:

“Chở giùm đi, ta là Vương X… đây, oán quỷ đấy! Xin cho ta ở nhờ góc thuyền để theo về Nam”.

Đi mấy ngày, trời sắp tối, quỷ xin đậu vào bờ, nói:

“Chỗ này thí thực, tôi muốn đến nhận”. Trong khoảnh khắc thấy quỷ trở về bảo:

“Quán Âm Đại Sĩ chủ đàn. Hộ pháp ngăn không cho tôi ăn, bảo lúc sống tôi thích ăn nhiều thịt trâu”.

Hán Quang kinh sợ nói:

“Tôi cũng ăn thịt trâu, từ nay sẽ kiêng ăn”.

Nói xong, quỷ khóc:

“Thần hộ giới cõi trời đã đến rồi, tôi không thể ở được nữa!”, bèn rời đi.

3. Theo Cao Tăng Truyện tập Hai, đời Ngụy, sư Đạo Thái mộng thấy có người bảo: "Ông sẽ mất năm bốn mươi hai tuổi”. Đến năm ấy bị bệnh, một người bạn khuyên quy y Quán Thế Âm Bồ Tát. Ông nghe lời và kiền thành tụng Thánh hiệu suốt bốn ngày đêm không ngừng.

Chợt thấy dưới tấm màn ở chỗ đang ngồi có quang minh từ ngoài cửa chiếu vào. Thấy gót chân Quán Âm kim sắc chiếu sáng ngời, bảo Đạo Thái:

“Ngươi niệm Quán Âm phải không?”

Đạo Thái vén màn cúi đầu lễ thì đã không còn thấy nữa, liền được sống thọ.

4. Vương Ứng Cát Bút Ký, cho biết: “Trong thời Vạn Lịch nhà Minh, Cát phụng mạng đi sứ, tiện đường trở về quê. Chợt bị bệnh nặng, hoảng hốt như có người sai khiêng tôi đi. Thấy mình rơi xuống nước, gặp các loài có vảy, có mai ở trước mặt liền tự nghĩ: "Trước kia ta ăn những thứ này nên nay gặp nạn".

Chợt có người đỡ lên bờ, thấy Đại Sĩ ngồi dựa vào vách đá, Thiện Tài, Long Nữ đứng hai bên. Tôi khấu bái, Đại Sĩ dạy:

"Ngươi vốn là thiện tri thức chuyển thân, dốc lòng thành kính thờ ta. Nay vì sát sanh nên bị bệnh này. Nếu kiêng giết sẽ lành".

Tôi kính cẩn, vâng theo lời dạy. Đại Sĩ ban Đề Hồ, màu vàng pha biếc. Uống vào vị trong ngần, bèn tỉnh giấc. Hương thừa vẫn còn đọng trên môi mép. Dần dần lành bệnh, bèn kiêng giết, quy y Tam Bảo”.

Nguồn: Kinh nghiệm học Phật - Phật học tinh yếu. 

loading...