Hỏi - Đáp
Sáu thức hay tám thức?
Thứ bảy, 20/02/2023 11:40
Hỏi: Tôi đọc trong Vi diệu pháp và Kinh tạng Nguyên thủy thì chỉ thấy có sáu thức. Nhưng khi tìm hiểu Duy thức học và các kinh Đại thừa thì có đến tám thức. Quá trình phát triển này có sự khác biệt, bất đồng hay trái ngược gì không?
Vi diệu pháp (Abhidhamma) còn gọi Thắng pháp là môn tâm học của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. Duy thức học (Vijnanavada) là môn tâm học của truyền thống Phật giáo Đại thừa. Hai môn tâm học thuộc hai truyền thống Phật giáo này tuy có sự khác biệt, bất đồng nhưng không hề trái ngược.
Vi diệu pháp, tương truyền vào mùa an cư kiết hạ thứ 7, Đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết cho mẹ là Hoàng hậu Ma-gia (bấy giờ là vị trời) và chư thiên. Trong thời gian này, Tôn giả Xá-lợi-phất ở gần Phật nên được lãnh hội Vi diệu pháp, sau đó truyền dạy nơi thế gian.
Duy thức học do Đại luận sư Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubhandu) sáng lập tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ IV (khoảng 900 năm sau Phật Niết-bàn). Tương truyền, ngài Vô Trước dùng thần thông lên cung trời Đâu Suất (Tusita) để nghe Bồ-tát Di Lặc (Maitreya) giảng dạy về Duy thức, sau đó truyền dạy nơi thế gian. Ngài Thế Thân là em ruột của Vô Trước, trước tu theo Tiểu thừa, sau nghe lời anh chuyển sang Đại thừa và trở thành đại luận sư về Duy thức. Vô Trước và Thế Thân được xem như là Sơ tổ của tông Duy thức tại Ấn Độ.
Vi diệu pháp thuyết minh tâm là sự biết cảnh hay nhận thức đối tượng. Sự nhận thức này thuần túy, đơn giản chỉ là cái biết, không có tính cách phê phán tốt xấu. Khi có sự phân biệt tốt hay xấu, đó là do các tâm sở phối hợp vào. Đứng về phương diện hiện khởi qua các căn thì có 6 thức: 1-Nhãn thức: tâm nương con mắt, biết hình sắc. 2-Nhĩ thức: tâm nương lỗ tai, biết âm thanh. 3-Tỷ thức: tâm nương lỗ mũi, biết mùi. 4-Thiệt thức: tâm nương cái lưỡi, biết vị. 5-Thân thức: tâm nương thân xác, biết cảm giác xúc chạm. 6-Ý thức: tâm biết những ý nghĩ khởi lên trong tâm. Giáo điển Phật giáo Nguyên thủy và Vi diệu pháp có đề cập đến tâm (citta), ý (mano) và thức (vinnana) tùy theo ngữ cảnh mà sử dụng khác nhau nhưng tựu trung chúng được xem như đồng nghĩa là cái biết, nhận thức.
Duy thức học chủ trương có 8 thức. Sáu thức đầu nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức là cái biết của sáu căn, giống với Vi diệu pháp. Duy thức phát triển thêm Mạt-na thức và A-lại-da thức.
Mạt-na vừa là căn, chỗ phát sinh ý thức; vừa là thức, cái biết của ý căn nhờ nương vào A-lại-da. Thức này còn có tên là Truyền tống thức vì nó có công năng truyền các pháp hiện hành vào A-lại-da thức và tống đưa các pháp chủng tử khởi ra hiện hành. Mạt-na thức không bao giờ gián đoạn, luôn bám sát theo A-lại-da, chấp A-lại-da là ngã.
A-lại-da thức, còn gọi là Tàng thức, có ba nghĩa: Năng tàng, thức này chứa đựng, gìn giữ chủng tử của các pháp. Sở tàng, thức này bị xông ướp bởi chính những chủng tử được chứa trong nó. Ngã ái chấp tàng, thức này bị thức mạt-na bám víu và chấp là ngã. Thức này làm nền tảng cho 7 thức kia phát sinh nên được gọi là Căn bản thức. Nó rộng lớn, tiềm ẩn sâu xa và chứa đựng tất cả chủng tử nghiệp trong dòng tâm thức. A-lại-da thường hằng không bao giờ tiêu diệt, khi tái sinh thì nó đến trước, khi chết thì nó ra sau cùng. Ngày nào A-lại-da còn chứa những chủng tử ô nhiễm phiền não thì nó còn bị Mạt-na chấp là ngã. Khi nào tất cả chủng tử trở thành thanh tịnh thì nó được gọi là Đại viên cảnh trí.
Điểm tương đồng là Vi diệu pháp có thuyết minh dòng tâm thức Hữu phần (bhavangasota) có thể được xem như tương đương với A-lại-da của Duy thức. Hữu phần là phần chìm của dòng tâm thức, tất cả loại tâm đều khởi lên từ Hữu phần rồi cuối cùng trở về Hữu phần, giống như sóng khởi lên từ nước rồi lặng trở về nước. Hữu phần chuyên chở và chứa đựng trong đó tất cả những nghiệp nhân do các tâm nối tiếp sinh diệt tạo tác, khởi lên chìm xuống, tiếp nối từ đời này sang đời khác.
Vi diệu pháp còn có khái niệm về Kiết sinh thức (patisandhi), đó là dòng tâm thức kết nối từ đời này sang đời sau. Khi sống, dòng tâm thức trôi chảy lặng lẽ trong ngũ uẩn dưới trạng thái Hữu phần, nếu không có tâm nào khác khởi lên. Khi chết, dòng tâm thức trở thành Kiết sinh thức, chập tư tưởng cuối cùng của kiếp trước trở thành chập tư tưởng đầu tiên của kiếp sau, cho nên còn gọi là Thức tái sinh. Sau khi nhập thai, Kiết sinh thức liền trở thành dòng Hữu phần.
Theo Giác Ngộ.