Chùa Việt

Sen ở chùa Phúc Linh

Thứ sáu, 10/07/2015 10:55

Nhớ lại cách đây ít ngày khi được về chiêm bái chùa Phúc Linh tại thôn Đồng Lại, xã Quyết Thắng, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã đưa chúng tôi về với thế giới thanh tao, ngát hương nhưng thật gần gũi, thân quen của hồ sen chùa quê.

Tục ngữ ta có câu:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng
Nhuỵ vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Trong các loài hoa mà tôi đã biết, chưa có loài hoa nào có thời gian sinh trưởng dài và lâu úa tàn như hoa sen. Cũng chưa có loài hoa nào lại có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống thường nhật của con người hiện tại và ngày xưa. Đó cũng là lý do hoa sen được chọn làm Quốc hoa ở Việt Nam. Nói về hoa sen ở mùa hạ thì không bao giờ hết, vì đây là mùa chính sen nở. Sen có thể trồng ở ao, ở hồ, ở trong nhà, trong chậu cảnh… khi trồng ở vị trí khác nhau, hoa sen thường cho ý nghĩa và có vị thế khác nhau. Nhưng đối với tôi, có lẽ hoa sen có nhiều xúc cảm khi gắn liền với tự viện, với nhà Phật
 
Nhớ lại cách đây ít ngày khi được về chiêm bái chùa Phúc Linh tại thôn Đồng Lại, xã Quyết Thắng, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã đưa chúng tôi về với thế giới thanh tao, ngát hương nhưng thật gần gũi, thân quen của hồ sen chùa quê.

Hồ sen của chùa Phúc Linh không lớn lắm nhưng lại có vị trí thuận lợi khi toạ lạc phía bên phải ngôi chùa nhìn từ hướng chùa chính. Với vị trí này không chỉ thuận lợi cho cảnh quanh xanh mát, còn giúp cho chùa Phúc Linh được đón nhận những hương vị thanh khiết ngọt lịm, ngát hương từ sen mang lại. 
 
Ngồi dưới gốc cây nhãn to xù xì đang đợi các phật tử lấy hoa sen từ dười hồ lên, Ni sư Thích Giới Vân – trụ trì chùa Phúc Linh cho biết: “Hồ sen này trước đây là chiếc ao để thả cá. Mấy năm trở lại đây, nhà chùa không thả cá nữa mà trồng sen. Toàn bộ giống sen này đều được nhà chùa tự tay lựa chọn giống, nên khi nở các bông hoa sen có cánh to, nhuỵ vàng, quan trọng nhất là sen nở đúng mùa, lâu úa tàn và có mùi hương thơm ngát dễ chịu”. Nhìn những bông hoa sen đủ màu sắc được các phật tử hái dưới hồ mang lên mà lòng chúng tôi cũng thấy hoan hỉ vô cùng."

Những bông hoa sen được xếp ngay ngắn nhẹ nhàng trên chiếc bàn đá cổ và những chiếc lọ nhỏ xinh đã được chuẩn bị trước đó để cận thận một bên. Vừa đưa từng bông hoa sen lên để cắt tỉa, Thầy Giới Vân như muốn gửi những tâm tư, tình cảm và cả tâm hồn vào những cánh sen. Những cánh sen có hình lòng thuyền có đủ màu sắc khác nhau tạo thành từng chiếc bẹ ôm lấy nhau như một sự đoàn kết, gắn bó bền chặt. Nếu như cứ để nguyên thì những cánh hoa sen dễ bung nở, nhanh héo úa. Cho nên, Thầy Giới Vân cẩn thận gấp các đầu cánh hoa lại xếp lên nhau, tạo kiểu khác lạ, nét đẹp cho bông hoa nhưng vẫn giữ được hồn cách của sen. Mỗi một bông hoa sen, màu sắc hoa sen có thể cắm vào mỗi loại lọ khác nhau, có lọ chỉ cắm được một bông, có lọ cắm 3, 5, 7 bông. 
 
 
Vừa hoan hỉ mang lọ hoa sen do chính tay Thầy Giới Vân vừa cắm, cô Thanh – người giúp việc cho chùa khoe với chúng tôi: “Chú thấy lọ hoa sen có đẹp không, cách Thầy cắm rất đẹp. Chú chưa tiếp xúc nhiều với Thầy, nên chú không biết. Thầy khéo tay lắm. Hễ nhà chùa có công việc gì một mình Thầy tự mua hoa về cắm và bài trí, sắp xếp. Thầy có dạy chúng tôi, nhưng chúng tôi cắm thì không được đẹp như thầy”. 

Trở lại với hồ sen đang ngập tràn sắc hương thơm ngát của chùa Phúc Linh. Chúng tôi mới có thời gian được ngắm nhìn tận mắt những bông hoa sen. 1, 2, 3, 4… rồi chúng tôi không thể đếm nổi những bông hoa sen đang bung cánh đón chào ánh nắng ban mai và mang hương sắc thơm trong lành từ các kẽ hoa mang đến.

Hồ sen chùa Phúc Linh có diện tích không lớn, nhưng được sư Thầy trồng đủ các loại hoa sen khác nhau. Từ hoa sen trắng, hoa sen tía màu hồng, màu đỏ, đỏ nhạt phai đến sen màu tím - đó là cách gọi tự chúng tôi đặt dựa trên màu sắc của hoa. Có những bông hoa đang chúm chím vươn nên cong mình đón lấy ánh sáng, có những bông sen bung cánh nở sặc sỡ khoe chiếc nhuỵ vàng óng bên trong. Cũng có khi có bông sen lại nở dấu mình trong những lá sen to bản. Tất cả mỗi bông hoa sen đều chọn cho mình một cách tạo dáng bông và cách nở khác nhau để làm cho cảnh sắc hồ sen đa màu sắc và sinh động. 

Nếu xét ở góc độ tình cảm con người, sen cũng có hồn và mang dáng dấp như con người, luôn hiện hữu song hành cùng sự tồn tại phát triển của chúng ta. Nó thể hiện sự khát vọng cháy bỏng vươn lên từ khó khăn khổ ải, không chịu sống dưới lớp bùn đen đủ mùi tạp úa. Nhưng càng sống trong thứ mùi hỗn tạp ấy là nguồn nhựa sống kết tụ hương thơm cho từng bông hoa. Hồ càng sâu, lớp bùn đen càng dầy thì những bông hoa sen càng to rực rỡ và những cuống hoa càng phải chắt lọc những chất dinh dưỡng từ đáy bùn sâu. Con người chúng ta cũng như những bông hoa sen kia, cũng phải cố gắng vươn lên để bắt nhịp với cuộc sống thực tại đầy khó khăn này. 
 
 
Hoa sen tuy dễ sống nhưng cũng rất khó tồn tại. Có thể hồ ao rất sạch thì sen lại không sống, mà có sống thì cũng chỉ được một vài năm rồi lụi dần cùng năm tháng, thậm chí không ra hoa. Nhưng có thể hồ ao đó rất úa tạp, bùn lầy thì sen lại xanh tốt hoa nở quanh năm. Và cũng có thể chỉ cần vứt một thứ gì đó xuống ao kỵ với sen, sen cũng không sống được. Điều đó được Sư thầy Giới Vân chỉ cho chúng tôi về chiếc giếng chùa trước mặt, Thầy cho biết: “Không hiểu lí do vì sao mà nhà chùa trồng sen ở chiếc giếng cổ này mấy năm, năm nào sen cũng không sống được. Giếng chùa nước trong mát, sạch sẽ, thoáng mát mà không trồng được…”. Câu nói của sư Thầy trụ trì chùa Phúc Linh khiến cho câu chuyện giữa chúng tôi và phật tử nơi đây gần gũi hơn.  

Hướng mắt ra hồ sen đang vào mùa nở rộ, Sư thầy Giới Vân kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu tiếp nhận tự viện Phúc Linh và hành đạo, ánh mắt suy tư, đượm buồn nhưng luôn tràn đầy tự tin như nhựa sống căng tràn của hoa sen.

Cảnh vật hoang tàn, ngổn ngang, xung quanh chùa là thùng, vũng, ao hồ. Biết bao khó khăn, biết bao sự vất vả cực nhọc của sư Thầy và các phật tử nơi đây để tạo dựng lên một tự viện như ngày hôm nay. Thành quả đó, Thầy không dám nhận về mình mà đó là sự thành tâm hướng Phật của chúng sinh. Mượn cảnh Phật để hành đạo là phương châm của Thầy, cũng là lí do Thầy về Phúc Linh tạo dựng tự viện.

Những sẻ chia của Thầy cũng giống như những bông hoa sen đang đung đưa trước gió dưới hồ, gần bùn mà không hôi tanh, không úa tạp, vẫn dịu mát, nồng nàn tỏa ngát hương.

Hồ sen Phúc Linh không chỉ có mùi thơm từ những bông hoa sen khoe sắc mà những lá sen, cuống sen cũng có mùi thơm đặc trưng thanh tao thuần khiết. Hồi còn nhỏ, tôi còn nhớ mỗi lần mẹ đi chợ về mua ít bánh đúc, ít bún, bánh rán gói vào những chiếc lá sen bản to, xanh ngát và được buộc lại bằng dây rơm vàng óng. Chỉ nhìn thấy những gói quà quê ấy, chúng tôi lại vui mừng đón nhận, hít hà mùi thơm của quà và mùi thơm dịu ngọt từ lá sen.

Hôm nay, trở về chùa Phúc Linh, được nghe những câu chuyện của Sư thầy Giới Vân bao nhiêu kỷ niệm tuổi ấu thơ trong tôi lại ùa về như vô thức xen lẫn hương thơm từ hồ sen mang lại.  

Đưa cho chúng tôi những bát sen đầy hạt căng tròn để làm quà cho chuyến hành hương về với cõi Phật Phúc Linh, Sư thầy Giới Vân hoan hỉ tiễn chúng tôi ra cổng Tam quan trong hương sắc hoa sen vấn vương lòng du khách. 

Đức Tuỳ
loading...