Hỏi - Đáp

Sinh thuận tử an

Chủ nhật, 07/11/2022 09:45

Theo Phật giáo, với Phật tử bình thường tử an là ra đi với cận tử nghiệp thanh tịnh, giữ được chánh niệm lúc lâm chung, thần thức tái sinh vào tịnh cảnh. Những trường hợp thân thể bị ốm đau, chịu biến hoại của vô thường mà tâm giữ vững chánh niệm đến phút cuối vẫn được gọi là tử an.

Audio

Hỏi: Vừa qua ở chỗ tôi ở có đám tang, người chết đã lớn tuổi chỉ đi ngủ bình thường nhưng đến sáng người nhà gọi thì mới phát hiện là đã mất. Mọi người ai cũng đau lòng, nhưng họ bảo thôi chết vậy cũng được vì không đau ốm bệnh tật, không phiền bản thân và con cháu. Người mất kiểu này thì họ nhẹ nghiệp lắm mới đi nhanh như vậy, chứ còn nặng nghiệp thì đâu có dễ. Vậy xin hỏi quan điểm của Phật giáo về vấn đề này thế nào? Có phải nghiệp họ nhẹ mới mất được như vậy?

(Thuý Hồng, [email protected])

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đáp: Bạn Thúy Hồng thân mến!

Sinh tử vốn muôn hình vạn trạng, mỗi người có quan niệm về lẽ sinh tử khác nhau. Chung quy, sinh thuận tử an vẫn là điều lý tưởng, có phúc phần. Một người có tuổi, đi ngủ rồi không dậy nữa, liệu có tử an? 

Theo y học, người ấy có thể bị bị đột quỵ, bị trụy tim cấp… nói chung là bị các hội chứng liên quan đến người già hành hạ trong một thời gian ngắn rồi dẫn đến tử vong. Theo một số người, ra đi trong đơn độc, quá lặng lẽ và đột ngột không gặp mặt con cháu, không dặn dò người thân thì còn nhiều uẩn khúc, chưa hẳn đã an.

Theo Phật giáo, với Phật tử bình thường tử an là ra đi với cận tử nghiệp thanh tịnh, giữ được chánh niệm lúc lâm chung, thần thức tái sinh vào tịnh cảnh. Những trường hợp thân thể bị ốm đau, chịu biến hoại của vô thường mà tâm giữ vững chánh niệm đến phút cuối vẫn được gọi là tử an. 

Xét cho cùng, trong nhiều thống khổ nơi chặng cuối của đời người, một người có tuổi ra đi nhanh gọn mà “không đau ốm bệnh tật, không phiền bản thân và con cháu” có thể tạm gọi là an, cũng được xem là “nhẹ nghiệp”. 

Chúc bạn tinh tấn!

loading...