Kinh Phật
So sánh sơ lược các bản Hán dịch kinh Kim cang
Thứ sáu, 11/10/2022 09:36
Kinh Kim cang là một trong những bản kinh thuộc hệ tư tưởng Đại thừa Bát-nhã, đồng thời là một bản kinh được các đại dịch sư nổi tiếng dịch rất nhiều lần và rất được chú trọng.
Trong bài viết này, tác giả sơ lược dịch dẫn và chỉ ra các niên đại cũng như địa điểm phiên dịch, đặc biệt là sự so sánh giữa các bản dịch với nhau, nhằm chỉ ra rằng tuy cùng một nguyên bản nhưng sau khi được dịch ra tiếng Hán lại có sự khác biệt khá rõ ràng. Bên cạnh đó, bài viết chỉ ra sự giản lược, cắt gọt cũng như vấn đề lô-gíc trong ngôn ngữ được các dịch sư sử dụng trong quá trình phiên dịch bản kinh này.
Dẫn nhập
Kinh Kim cang là một trong những quyển kinh quan trọng nhất của Phật giáo Đại thừa. Trong lịch sử phiên dịch kinh điển Phật giáo Trung Quốc, có sáu vị cao tăng đã tiến hành phiên dịch bản kinh này, và tất cả các bản dịch này đang được bảo tồn, lưu giữ cho đến ngày hôm nay. Đây cũng chính là tư liệu rất quan trọng để chúng ta đối chiếu nghiên cứu và tham học.
Tại Việt Nam chúng ta, các nhà Phật học, các dịch giả lỗi lạc cũng đã dịch các bản kinh Kim cang này ra tiếng Việt, như Hòa Thượng (HT) Thích Thiện Hoa, HT.Thích Thiện Siêu, HT.Thích Trí Tịnh, HT.Thích Trí Quang, HT.Thích Thanh Từ, HT.Thích Từ Thông, HT.Thích Nhất Hạnh, HT.Thích Chơn Thiện, HT.Thích Thái Hòa... Ngoài ra còn có các bản dịch khá nổi tiếng của các vị khác như Đoàn Trung Còn, Phạm Thiên Thư... Tất cả làm cho kho tàng kinh điển tiếng Việt của chúng ta ngày một phong phú. Tuy nhiên, để có sự nghiên cứu chuyên sâu hơn về các vấn đề liên quan đến niên đại bản dịch cũng như văn bản của bản kinh này, tác giả đã dựa vào các bản Hán dịch làm đối tượng nghiên cứu.
Tổng cộng có sáu bản Hán dịch(1), và các bản dịch được liệt kê thứ tự như sau:
1- Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh, do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào đời Hậu Tần2.
2- Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh, do ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch vào đời Nguyên Ngụy3.
3- Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh, do ngài Chân Đế dịch vào đời Trần4.
4-Kim cang năng đoạn Bát-nhã Ba-la-mật kinh, do ngài Đạt Ma Cấp Đa dịch vào đời Tùy5.
5-Năng đoạn kim cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh, do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường6 (thuộc hội thứ 9, quyển 577 trong bộ Đại Bát-nhã).
6- Phật thuyết Năng đoạn Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh, do ngài Nghĩa Tịnh dịch vào đời Đường7.
Giới thiệu sơ lược về các bản Hán dịch kinh Kim cang
Vấn đề lịch sử phiên dịch liên quan đến kinh Kim cang từ tiếng Phạn ra tiếng Hán về cơ bản đã rõ ràng. Riêng đối với các bản Hán dịch, việc làm rõ vấn đề niên đại cũng như vấn đề văn bản của các bản dịch này là một trong những điểm mà các học giả rất quan tâm. Vì thế ở đây chúng ta đi vào giới thiệu và làm sáng tỏ sáu bản dịch kinh Kim cang với các vấn đề cụ thể như: thời gian dịch thuật, địa điểm cũng như đặc điểm phiên dịch, và tình trạng lưu hành của bản kinh này.
Bản dịch Hậu Tần của ngài Cưu Ma La Thập
Tên gọi đầy đủ của bản dịch này là “Kinh Kim cang Bát-nhã ba-la-mật”. Đây chính là bản dịch đầu tiên của kinh này, gọi tắt là “La Thập bản”. Ngài Cưu Ma La Thập dịch bản kinh này ở khuôn viên Tây Minh Các tại Trường An. Niên đại của bản dịch này chủ yếu có hai quan điểm: quan điểm thứ nhất là vào niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ 3, tức Công nguyên (CN) năm 401; quan điểm thứ hai là vào niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ 4, tức năm 402 CN. Xuất Tam tạng ký tập quyển 14, truyện Ngài Cưu Ma Thập, cho rằng: “Hoằng Thủy tam niên ... đáo kỳ niên thập nhị ngoạt nhị thập nhật, Thập chí Trường An, đãi dĩ Quốc sư chi lễ, thậm kiến ưu sủng... Thập ký chí chỉ, nhân thỉnh nhập Tây Minh hiệp Tiêu Diêu viên dịch xuất chúng kinh... Thập trì Hồ bổn hưng chấp cựu kinh, dĩ tương thù hiệu. Kỳ tân văn dị cựu giả, nghĩa giai viên thông, chúng tâm thiệp phục, mạc bất hân tán yên”. (Niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ 3, vào ngày 20 tháng 12 năm 401, ngài La Thập đến kinh đô Trường An, được nhiều người sùng kính và được tiếp rước chiêu đãi như một vị quốc sư. Ngài đã dừng nghỉ tại nơi đây, được thỉnh vào Tây Minh Các và vườn Tiêu Diêu để dịch các bộ kinh. Trong lúc dịch, ngài luôn luôn cầm giữ quyển kinh gốc tiếng Phạn để tiện cho việc đối chiếu chỉnh sửa. Bản kinh mới dịch này văn chữ đều viên thông, nghĩa lý uyên thâm được mọi người kính phục, đều được chúng hội vui mừng và hết lời tán thán).
Ngoài ra, trong Cao tăng truyện quyển 2, truyện thứ nhất, ngài Cưu Ma La Thập cho rằng: “Hưng Hoằng Thủy tam niên tam ngoạt, chí cửu ngoạt Long thượng biểu quy hàng, phương đắc nghinh Thập nhập quan, dĩ kỳ niên thập nhị ngoạt nhị thập nhật chí vu trường An, Hưng đãi dĩ quốc sư chi lễ, thập kiến ưu sủng... Thập ký chí chỉ, nhân thỉnh nhập Tây Minh Các cập Tiêu Diêu viên dịch xuất chúng kinh... Thập trì Phạn bản, hưng chấp cựu kinh, dĩ tương thù hiệu, kỳ tân văn dị cựu giả nghĩa giai viên thông, chúng tâm thiệp phục mạc bất hân tán”.
Từ hai khía cạnh sử liệu trên, cho thấy rằng, ngài Cưu Ma Thập vào ngày 20 tháng 12 năm Hoằng Thủy thứ 3 đã đến kinh đô Trường An để bắt đầu chủ trì công việc dịch kinh, nhưng do vì trong lúc dịch kinh cần có sự đối chiếu giữa bản dịch và bản gốc tiếng Phạn, do vậy mà bản dịch kinh Kim cang rất có khả năng hoàn thành vào năm thứ 2, tức là vào niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ 48.
Có hai bản dịch được lưu truyền. Bản dịch này có 5.176 chữ và một bản dịch có 5.180 chữ. Có một điểm khác nhau duy nhất ở nơi hai bản dịch này là cụm từ “thị danh Phật pháp”. Bản dịch trước không có bốn chữ này nhưng bản dịch sau lại xuất hiện bốn chữ này. Tuy nhiên, bản dịch của ngài La Thập được lưu giữ ở trong Đại chánh tân tu Đại tạng kinh (Đại chánh tạng) cũng không có bốn chữ này. Và cũng như các bản dịch hiện đang lưu hành của ngài Cưu Ma La Thập cũng không có bốn chữ này. Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau đôi chút về hai truyền bản này rất có thể trong quá trình ghi chép, căn cứ vào dạng thức kết cấu của kinh Kim cang mà được bổ sung hoặc thêm vào.
Kinh Kim cang thường dùng dạng thức kinh văn này “...giả, tức phi..., thị danh...”. Ví dụ như, “Trang nghiêm Phật độ giả, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm”. Dạng thức được biểu đạt một cách chuẩn tắc là: thị A, phi A, danh A. Dùng phương thức giảng giải hoặc thể cách ngôn ngữ này có hai ý nghĩa, một mặt là giúp cho người nghe dễ dàng thấu hiểu một cách chính xác giáo nghĩa và tinh thần của kinh Kim cang; mặt khác là giúp cho hàng Phật tử tín đồ đời sau dễ nhớ thuộc và hiểu được hàm ý của kinh văn.
Nhìn vào kinh văn của kinh Kim cang, dạng giảng giải câu thức và thể cách ngôn ngữ như vậy thì rất nhiều. Nếu như y cứ vào dạng thức “thị A, phi A, danh A” này một cách nghiêm túc, thì con số có thể đạt đến 23 lần. Cho nên bốn chữ phía sau “thị danh Phật pháp” rất có thể do người đời sau trong quá trình ghi chép đã thêm vào. Nhưng đồng thời, thể cánh ngôn ngữ của kinh văn trong kinh Kim cang lại cũng y cứ nghiêm túc vào phương thức “thị A, phi A, danh A” hoặc thể cách ngôn ngữ này. Lại nữa, tàng bản trong Đại chánh tạng không có bốn chữ này. Do dó, bản dịch trước được đại đa số học giả đánh giá là trung thực.
Do ngài Cưu Ma La Thập phiên dịch kinh Phật rất cần mẫn (Thập trì Phạn bản, hưng chấp cựu kinh, dĩ tương thù hiệu), đồng thời trình độ Hán ngữ của ngài cũng rất giỏi, do vậy các bản dịch đều được lưu loát, nghĩa lý viên thông. Ngôn từ văn dịch của bản dịch này giản thanh thông thoát, ngôn ngữ viên dung tú lệ, nghĩa lý thông thoát dễ hiểu, cũng chính vì thế mà HT.Trí Quang đã nhận xét rằng:“Với lối dịch thượng thặng của Cưu Ma La Thập, kinh Kim cương Hoa văn quả thật ý càng cao mà từ càng giản, giản mà hoa. Đọc cảm thấy tiêu sái, khoái sảng, thấy chẳng có gì mà không bỏ nổi, chẳng có gì mà không làm được”9. Do những đặc tính ưu việt như vậy, bản kinh này nhanh chóng được yêu thích và lưu truyền một cách rộng rãi. Bản dịch của ngài La Thập không chỉ là bản dịch kinh Kim cang đầu tiên mà còn là một bản dịch về mặt lịch sử có sự ảnh hưởng rất lớn và rất quan trọng.
Bản dịch đời Nguyên Ngụy của ngài Bồ Đề Lưu Chi
Tên gọi đầy đủ của bản dịch này là Kinh Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật, được ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch tại chùa Vĩnh Ninh ở Lạc Dương. Đây là bản dịch thứ hai, gọi tắt là “Lưu Chi bản”. Về vấn đề niên đại của bản dịch này, quyển 4 trong Cổ kim dịch kinh đồ ký chép rằng:
“Sa-môn Bồ Đề Lưu Chi... dĩ Ngụy Tuyên Võ Đế Vĩnh Bình nguyên niên tuế thứ Mậu Tý chí Lạc Dương. Võ đế thân úy lao. Trụ Vĩnh Ninh tự cung cấp. Thất bách phạn Tăng dĩ Lưu Chi vi dịch cân... tòng Ngụy Vĩnh Bình nguyên niên tuế thứ Mậu Tý. Chí Thiên Bình nhị niên tuế thứ Ất Mão. Dịch Phật danh kinh (thập nhị quyển)... Kinh Kim cang Bát-nhã ba-la-mật (nhất quyển)...”.
Như vậy cho thấy rằng, niên đại Kinh Kim cang Bát-nhã ba-la-mật do ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch là vào niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ nhất (tức năm 508) đến niên hiệu Thiên Bình năm thứ hai (tức năm 535); thời gian phiên dịch gần 30 năm tại chùa Vĩnh Ninh ở Lạc Dương. Ngoài ra, Khai Nguyên thích giáo lục quyển 6, phần hậu chú về danh xưng Kinh Kim cang Bát-nhã ba-la-mật lại cho rằng: “Vĩnh Bình nhị niên, vu Hồ tướng quốc, đệ dịch thị nhị xuất, Tăng lang bút thọ, dữ Tần thế la Thập cập Đại Bát Nhã đệ cửu Năng đoạn kim cang phần đẳng đồng bản”. Còn “Trinh Nguyên tân định thích giáo mục lục” quyển 9, phần hậu chú danh xưng của Kinh Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật do ngài Bồ Đề Lưu Chi phiên dịch thì cho rằng: “Vĩnh Bình nhị niên, vu Hồ quốc dịch, thị đệ nhị xuất, Tăng lang bút thọ, dữ Tần thế La Thập cập Bát Nhã đệ cửu hội Năng đoạn kim cang phần đẳng đồng bản, kiến pháp thượng lục”.
Như vậy, đã có sự ghi chép chính xác về thời gian phiên dịch; và đối chiếu với sự ghi chép về thời gian phiên dịch trong Cổ kim dịch kinh đồ ký nói trên cho thấy đều giống nhau. Có thể nhận định rằng ngài Bồ Đề Lưu Chi tiến hành công việc phiên dịch kinh Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật vào năm Vĩnh Bình thứ 2 (Vĩnh Bình nhị niên), tức năm 509 CN.
Nhưng hậu chú của kinh văn trong Đại chánh tạng số hiệu No.236 cho rằng:
“Kim cang Bát-nhã, tiền hậu lục phiên. Án ‘Khai Nguyên lục’, thử đệ nhị dịch. ‘Tư Khê’ Kinh bản cánh thất kỳ truyền, ngộ tương Trần triều Chân Đế Tam Tạng giả trùng xuất, tiêu tác Ngụy triều Lưu Chi sở dịch, đại hữu kinh đình. Kim vu Lưu Chi Tam Tạng sở phiên luận trung lục xuất kinh bản, san bản lưu thông, thứ kỳ phi duyệt tri hữu nguyên hỷ”.
Bản dịch kinh Kim cang Bát-nhã như đã đề cập ở trên là một trong những bản mà ngài Bồ Đề Lưu Chi đã phiên dịch, và vẫn còn một bản khác nữa, tức là bản kinh “Tư Khê”, nhưng bản này vốn dĩ được dịch một cách đơn lẻ nên đã bị thất truyền (cánh thất kỳ truyền). Và quyển kinh mà ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch vào năm Vĩnh Bình thứ 2 đó lại là bản dịch (gồm có 6.105 chữ) được biên lục từ bản dịch Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh luận của ngài, được cất giữ trong Đại chánh tạng số hiệu No.1511.
Như vậy, từ nội dung và kết cấu văn dịch mà nói, bản dịch của ngài Bồ Đề Lưu Chi và bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập tương đối gần giống nhau, hay nói rõ hơn là bản dịch của ngài Bồ Đề Lưu Chi chịu sự ảnh hưởng từ bản dịch của ngài La Thập rất nhiều, tuy nhiên bản dịch của ngài Lưu Chi rất hiếm gặp trong dân gian. Có thể nói rằng nguyên nhân dẫn đến sự hiếm gặp này là do chất lượng của bản dịch này không thể vượt qua bản dịch của ngài La Thập.
Và cũng cần lưu ý rằng, phần sau của bản dịch vào đời Nguyên Ngụy của Thiên Trúc Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi trong Đại chánh tạng số hiệu No.236, có phụ lục thêm một bản dịch khác của Bồ Đề Lưu Chi. Có học giả nhận định rằng đây là bản dịch kinh Kim cang thứ 2 của ngài Bồ Đề Lưu Chi, nhưng căn cứ vào tài liệu hiện tại thì vấn đề thời gian cũng như địa điểm của bản dịch này không thể xác minh và làm rõ được.
Bản dịch đời Trần của ngài Chân Đế
Tên gọi đầy đủ là Kinh Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật. Đại Đường nội điển lục quyển 5, phần hậu chú tên kinh Kinh Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật của ngài Chân Đế viết rằng: “Đệ tam xuất, dữ Thập, Bồ Đề Lưu Chi xuất bản đồng quảng lược dị”. Và Khai Nguyên thích giáo lục quyển 7, phần hậu chú tên kinh Kinh Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật của ngài Chân Đế viết rằng: “Đệ tam dịch, dữ Diêu Tần La Thập, Nguyên Ngụy Lưu Chi đẳng xuất giả đồng bản”. Bản dịch này là bản dịch thứ 3, gọi tắt là “Chân Đế bản”. Về vấn đề thời gian và địa điểm dịch kinh, phần chú thích của bản dịch trong Đại chánh tạng số hiệu No.237 cho rằng:
“Tây Thiên Trúc Ưu Thiền Ni quốc Tam Tạng Pháp sư, hiệu Câu La Na Tha, thử vân Chân Đế. Lương Võ Hoàng Đế viễn khiển nghinh tiếp, kinh du Mân, Việt, tạm khế Lương An... Pháp sư bất thừa bổn nguyện, thọ tam thỉnh nhi mặc nhiên. Tầm thử cựu kinh, thâm hữu thoát ngộ. Tức vu Nhâm Ngọ niên ngũ ngoạt nhất nhật trùng phiên, Thiên Trúc định văn y Bà-Tấu luận thích, Pháp sư thiện giải phương ngôn, vô lao độ ngữ. Chúc bỉ huyền văn, tuyên thử áo thuyết... chí cửu ngoạt nhị thập ngũ nhật, văn nghĩa đô cánh. Kinh bản nhất quyển, văn nghĩa thập quyển...”.
Dẫn chứng trên cho thấy, địa điểm mà ngài Chân đế dịch là ở quận Lương An, thời gian dịch từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 25 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (Nhâm Ngọ niên ngũ ngoạt nhất nhật trùng phiên..., chí cửu ngoạt nhị thập ngũ nhật, văn nghĩa đô cánh), niên hiệu Trần Thiên Gia năm thứ 3, tức năm 562 CN. Tài liệu này cũng cho thấy rằng, ngài Chân Đế dịch bản kinh này là do sự thỉnh mời ba lần của vua Lương Võ Đế. Ngài Chân Đế sau khi xem lại bản dịch của ngài La Thập, phát hiện có rất nhiều chỗ thiếu sót (thâm hữu thoát ngộ), cho nên trong lúc ngài dịch đã nỗ lực vay mượn từ “Bà-Tấu luận thích” để tham cứu, cuối cùng mới hoàn thành kinh bản một quyển, văn nghĩa mười quyển. Bản dịch này cũng gần giống với bản dịch của ngài Bồ Đề Lưu Chi kể trên.
Bản dịch đời Tùy của ngài Đạt Ma Cấp Đa
Về bản kinh Kim cang do ngài Đạt Ma Cấp Đa dịch, tên kinh nếu gọi đầy đủ thì trong sử liệu kinh điển Phật giáo ghi lại có đôi chút sai khác. Khai Nguyên thích giáo lục quyền 6 chép rằng: “Cấp Đa dịch kinh Kim cang năng cắt Bát-nhã Ba-la-mật nhất quyển”. Trong khi Đại chánh tạng số hiệu No.238 ghi là: “Kinh Kim cang năng đoạn Bát-nhã Ba-la-mật”. Như vậy, tên gọi đầy đủ của bản kinh có đôi chút sự sai khác; một bên là “năng cắt”, một bên là “năng đoạn”. Đây là bản dịch thứ 4, gọi tắt là “Cấp Đa bản”, và kinh này có số lượng 7.109 chữ.
Về vấn đề thời gian và địa điểm dịch kinh, kinh Kim cang toát yếu san định ký quyển thứ 2 viết: “Cấp Đa, Khai Hoàng thập niên vu Lạc Dương dịch thành thập lục chỉ, danh Kim cang đoạn cắt”. Lại nữa, Tiêu thích kim cang khoa nghi hội yếu phê chú quyển thứ 2 viết rằng: “Khai Hoàng thập niên, vu Lạc Dương. Dịch thành thập lục chỉ. Diệc danh Kim cang đoạn cắt Bát-nhã Ba-la-mật dã”. Như vậy, chúng ta biết được đây là bản dịch do ngài Đạt Ma Cấp Đa thực hiện vào niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 10, tức năm 590 CN, tại Thành Lạc Dương.
Vấn đề cần chú ý là, bản dịch này so với các bản dịch khác khác nhau rất rõ. Ngôn từ sử dụng không lô-gic, diễn đạt rất khó hiểu, kinh văn không lưu loát và giáo nghĩa cũng rất khó hiểu. Chính vì vậy trong những bản dịch được lưu hành ở đời sau, bản dịch này dường như không được tìm thấy.
Bản dịch Đời Đường của ngài Huyền Trang
Tên đầy đủ là Kinh Năng đoạn Kim cang Bát-nhã ba-la-mật. Đây là bản dịch thứ 5, gọi tắt là “Huyền Trang bản”. Ngài Huyền Trang trước sau có tất cả hai lần dịch kinh Kim cang. Lần thứ nhất vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ 22, tức năm 648 CN, lúc bấy giờ ngài 47 tuổi. Sách Phật giáo danh nhân niên phổ-Đường Huyền Trang Pháp sư niên phổ chép rằng: “Thập ngoạt nhất nhật, phiên Năng đoạn kim cang Bát-nhã kinh ngật, tấu thượng chi”10. Và phần hậu chú về tên kinh trong Khai Nguyên thích giáo lục quyển 8 cho rằng:
“Đệ tứ xuất (do ư một hữu bả Cấp Đa bản nhận định vi tứ xuất, sở dĩ dĩ thử vi tứ xuất, thực vi đệ ngũ xuất), dữ Diêu Tần La Thập đẳng xuất giả đồng bản, Trinh Quán nhị thập nhị niên thập ngoạt nhất nhật vu phường Châu Nghi Quân Huyện Ngọc Hoa Cung Hoằng Pháp trị dịch, trực trung thư Đỗ Hạnh Nghỉ bút thọ”.
Nhưng bản dịch này hiện không còn và có lẽ đã bị thất lạc từ lâu. Bản dịch hiện tại của Ngài Huyền Trang là Năng đoạn kim cang phần (gồm có 8.208 chữ), trong phần hội thứ 9, quyển 577 của kinh Đại Bát-nhã. Cả bộ này gốm có 600 quyển và được dịch tại Trường An. Phật giáo danh nhân niên phổ-Đường Huyền Trang Pháp sư niên phổ ghi lại rằng: “Hiển Khánh ngũ niên, Công nguyên 660 niên, ngũ thập cửu tuế, xuân chánh ngoạt nhất nhật, khởi thủ phiên Đại Bát-nhã kinh ”11. Và cuốn này cũng cho rằng: “Long Sóc tam niên, Công nguyên 663 niên, lục thập nhị tuế, thập ngoạt nhị thập nhật, phiên Đại Bát-nhã kinh-ngật”12. Như vậy cho thấy, từ lúc bắt đầu phiên dịch cho đến khi hoàn thành xong bộ kinh Đại Bát-nhã, thời gian dịch chỉ vỏn vẹn trong vòng ba năm. Trong quá trình phiên dịch, một mặt bản thân kinh Kim cang không phải là kinh văn làm tiền đề cho bộ Đại Bát-nhã này; mặt khác ngài Huyền Trang lại để kinh này nằm ở phần hội thứ 9, quyển 577 trong kinh Đại Bát-nhã, một vị trí gần như nằm cuối bộ kinh Đại Bát-nhã gồm 600 quyển. Do đó, rất có khả năng là ngài Huyền Trang đã dịch kinh Năng đoạn kim cang phần trong khoảng thời gian của năm thứ ba, và có thể nói rằng thời gian trễ nhất để dịch bản kinh này cũng không thể nằm ngoài năm 663 CN.
Như chúng ta được biết, ngài Huyền Trang là một trong bốn vị dịch kinh Phật nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc (Cưu Ma La Thập, Chân Đế, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh). Ngài không những tinh thâm tiếng Phạn mà còn thông đạt nghĩa lý Phật giáo. Cho nên trong lúc phiên dịch và sau khi chỉ ra những chỗ thiếu sót trong bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập, ngài đã nỗ lực hết mình làm sao cho bản dịch không bị rơi rớt, tránh sự sai sót, và chính xác với kinh văn từ nguyên bản tiếng Phạn. Bản dịch này của ngài Huyền Trang được cho là bản dịch dài nhất trong sáu bản hiện còn, và cũng gần giống với ngữ nghĩa tiếng Phạn nhất, độ trung thực và tính chính xác cao. Tuy vậy, ở các đời sau, bản dịch này lại không được lưu truyền rộng rãi như bản dịch của ngài La Thập. Tuy nhiên nó có sự ảnh hưởng rất lớn, là nguồn tham khảo quan trọng cho vấn đề nghiên cứu phiên dịch kinh Phật và tư tưởng kinh Kim cang.
Bản dịch đời Đường của ngài Nghĩa Tịnh
Tên gọi đầy đủ của bản dịch này là Kinh Phật thuyết năng đoạn kim cang Bát-nhã Ba-la-mật”. Đây là bản dịch cuối cùng trong sáu bản dịch được kể trên, gọi tắt là “Nghĩa Tịnh bản”. Vấn đề thời gian và địa điểm phiên dịch, Khai Nguyên thích giáo lục quyển 9 ghi:
“Sơ cộng Vu Điền Tam Tạng Thực Xoa Nan Đà phiên Hoa nghiêm kinh. Cửu thị dĩ hậu phương tự phiên dịch. Tức dĩ cửu thị nguyên niên Canh Tý chí Trường An tam niên Quý Mão. Ư Đông Đô Phước Tiên tự cập Tây Kinh Tây Minh tự. Dịch Kim quang minh tối thắng vương, Năng đoạn kim cang Bát-nhã, Nhập định Bất định ấn, Di Lặc thành Phật, Nhất tự chú vương, Trang nghiêm vương đà-la-ni, Thiện dạ, Lưu truyền chư hữu, Diệu sắc vương nhân duyên, Vô thường, Nhập vô hạ hữu hạ, Trường Trảo Phạm Chí đẳng kinh”.
Tống cao tăng truyện quyển 1 ghi rằng: “Sơ dữ Vu Điền Tam Tạng Thực Xoa Nan Đà phiên Hoa nghiêm kinh. Cửu thị chi hậu nãi tự chuyên dịch. Khởi Canh Tý tuế chí Trường An Quý Mão. Ư Phước Tiên tự cập Ung Kinh Tây Minh tự. Dịch Kim quang minh tối thắng vương, Năng đoạn kim Cang Bát-nhã, Di Lặc thành Phật, Nhất tự chú vương, Trang nghiêm vương đà-la-ni, Trường Trảo Phạm Chí đẳng kinh”.
Như vậy, dựa vào dẫn chứng trên, cho thấy rằng ngài Nghĩa Tịnh thực hiện bản dịch này trong thời gian 3 năm (năm Qúy Mão, tức năm 703 CN), tại chùa Tây Minh ở Trường An.
Bản dịch này của ngài Nghĩa Tịnh có tất cả 5.118 chữ, và cũng là bản dịch được xem có số lượng chữ ít và ngắn nhất trong sáu bản dịch nêu trên. Nếu đem so với hai bản dịch của ngài La Thập và ngài Huyền Trang thì bản dịch này đã có sự thừa hưởng trực tiếp từ những ưu điểm của hai bản dịch trước, cho nên bản dịch này không chỉ lưu loát về mặt ngôn ngữ và có văn từ tú lệ, mà còn ngắn gọn, súc tích và tính chuẩn xác cao. Đây là một bản Hán dịch rất hay, nhưng tiếc là không phổ biến.
So sánh các bản Hán dịch của kinh Kim cang
Như trên đã nói, kinh Kim cang hiện còn sáu bản Hán dịch. Từ nội dung đã được phiên dịch thì ta thấy có sự khác nhau khá rõ rệt. Bản của ngài Cấp Đa thì chú trọng về chữ nghĩa mà dịch; bản của ngài La Thập thì nghiêng về ý mà dịch; bản của ngài Huyền Trang thì dịch tương đối rõ ràng cặn kẻ; còn bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh thì có sự giản lược đôi chút. Mặt khác, ở góc độ ngôn ngữ biểu đạt, sáu bản dịch kinh Kim cang này cũng có sự khác nhau rõ ràng: ngài Cấp Đa thì rất nghiêm túc trong việc y cứ vào ngôn từ văn tự biểu đạt, theo phong cách thường dùng trong truyền thống Ấn Độ mà dịch; còn ngài La Thập thì chú trọng ngôn từ biểu đạt theo phong cách thường dùng trong truyền thống văn hóa Hán ngữ v.v. Trong bài viết này, tác giả chỉ giản lược giới thiệu so sánh một vài yếu tố để làm ví dụ, nhằm nói lên sự khác nhau giữa các bản dịch kinh Kim cang này.
Sự khác nhau nhỏ về phiên dịch tên kinh
Có thể nói rằng, các vị dịch sư trong lúc phiên dịch kinh Kim Cang đã sử dụng tựa đề kinh cơ bản giống nhau, nhưng bên cạnh đó vẫn có sự sai khác khá rõ ràng. Trong sáu bản dịch, ba bản của ngài La Thập, Lưu Chi và Chân Đế đều cùng một tựa đề là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh. Ngài Cấp Đa có hai bản dịch là Kim cang năng đoạn Bát-nhã Ba-la-mật kinh và Kim cang năng cắt Bát-nhã Ba-la-mật kinh. Hai tựa đề này chỉ có một chữ khác nhau (đoạn và cắt). Bản dịch của ngài Huyền Trang trong Đại chánh tạng có tựa đề là Năng đoạn kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh; còn bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh có tựa đề là Phật thuyết năng đoạn kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh. Như vậy, từ sự phân tích so sánh tựa đề kinh, chúng ta thấy sự khác nhau chủ yếu là có và không có hai từ “năng đoạn”, hoặc là “năng đoạn kim cang”, hay là “kim cang năng đoạn”. Nếu từ nguyên bản tiếng Phạn mà đối chiếu, thì kinh Kim cang nói rằng: “Thị kinh danh vi Bát-nhã ba-la-mật, dĩ thị danh tự, nhữ đương phụng trì.” (Kinh này được gọi là Bát-nhã Ba-la-mật, ông nên ghi nhớ như vậy)13.
Rõ ràng nơi tựa đề kinh này không có hai chữ “kim cang” và cũng không có hai từ “năng đoạn”. Thế thì các vị dịch sư trong lúc phiên dịch kinh Kim cang tại sao lại “nỗ lực” thêm vào hai từ “kim cang” hay “năng đoạn” này? Phải chăng do các vị này muốn tư tưởng Phật giáo được xiển dương một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa. Ở đây, cụ thể là hai bản dịch của ngài La Thập và ngài Huyền Trang. Ngài Cưu Ma La Thập xiển dương Bát-nhã tư tưởng không, lấy Bát-nhã ví cho “kim cang” và cho rằng Bát-nhã “không” có thể phá trừ tất cả vọng chấp phân biệt mà không hề bị các vọng chấp trói buộc; còn ngài Huyền Trang lại là bậc Đại sư của Pháp tướng Duy Thức tông, đã lấy phiền não ví cho “kim cang”, và cho rằng phiền não giống như kim cang nên rất khó để đoạn trừ. Do vậy, một bên lấy “kim cang” ví với Bát-nhã và một bên lấy “kim cang” ví với phiền não. Chính vì thế mà hai nhà phiên dịch có hai khuynh hướng dịch khác nhau. Và cũng do vậy mà tựa đề kinh của các vị dịch sư đã có sự khác nhau.
Sự khác nhau về nội dung phiên dịch
Về vấn đề nội dung phiên dịch của kinh Kim cang, mỗi bản dịch đều có những sự khác nhau nhất định. Phần viết này chỉ đề cập đến bốn câu kệ nổi tiếng trong phần kết thúc của kinh Kim cang để minh chứng cho điều đó. Có thể nói, ở bốn câu kệ kết thúc kinh Kim cang này, nội dung phiên dịch ở mỗi bản dịch tuy tương đối giống nhau, nhưng bên cạnh đó cũng có phần khác nhau rõ rệt.
Bản dịch của ngài La Thập:
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán”.
Bản dịch của ngài Lưu Chi:
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như tinh ế đăng huyễn
Lộ bào mộng điện vân
Ưng tác như thị quán”.
Bản dịch của ngài Chân Đế:
“Như như bất động
Hằng hữu chánh thuyết
Ưng quán hữu vi pháp
Như ám ế đăng huyễn
Lộ bào mộng điện vân”.
Bản dịch của ngài Cấp Đa:
“Tinh ế đăng huyễn
Lộ bào mộng điện vân
Kiến như thị
Thử thị vi giả”.
Bản dịch của ngài Huyền Trang:
“Chư hòa hợp sở vi
Như tinh ế đăng huyễn
Lộ bào mộng điện vân
Ưng tác như thị quán”.
Bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh:
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như tinh ế đăng huyễn
Lộ bào mộng điện vân
Ưng tác như thị quán”.
Qua sáu bản dịch trên, nếu phân tích một cách cận kẽ, chúng ta thấy có hai vấn đề khác biệt cần làm rõ. Thứ nhất, vấn đề thứ tự của văn tự phiên dịch; và thứ hai chính là điểm thiếu sót trong bản dịch của ngài La Thập mà ngài Huyền Trang trong lúc phiên dịch đã đề cập, đấy là “cửu dụ khuyết tam”. Trước hết, phần bốn câu kệ trong sáu bản dịch vừa nêu trên, chỉ có bản dịch của ngài Cấp Đa về vấn đề thứ tự phiên dịch khác hẳn với các bản dịch khác, ngoài ra thứ tự lô-gíc hoàn toàn đi ngược với các bản dịch này. Nguyên nhân là do bản dịch của ngài y cứ vào thứ tự nguyên văn tiếng Phạn từng câu từng chữ mà dịch. Vì vậy bản dịch của ngài Cấp Đa là “bản dịch tiếng Hán” theo “cách thức tiếng Phạn”. Năm bản dịch còn lại đều phù hợp với ngôn từ biểu đạt và phương thức hiểu của người Trung Quốc. Chính vì thế mà bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập được lưu hành một cách rộng rãi cho đến ngày hôm nay.
Tiếp theo, trong lúc ngài Huyền Trang trùng dịch lại bản kinh Kim cang, ngài đã chỉ ra điểm thiếu sót trong bản dịch của ngài La Thập ở chỗ “cửu dụ khuyết tam”. Căn cứ vào ngài Huyền Trang, “cửu dụ” tức là chín sự vật hiện tượng, gồm có: tinh (ánh sao), ế (hoa đốm), đăng (ngọn đèn), huyễn (ảo thuật), lộ (sương mai), bào (bọt nước), mộng (chiêm bao), điện (ánh chớp), vân (đám mây). Trong khi bản dịch của ngài La Thập lại chỉ có “lục dụ”, đó là: mộng (chiêm bao), huyễn (ảo thuật), bào (bọt nước), ảnh (ảnh tượng), lộ (sương mai), điện (ánh chớp), thiếu hết “tam dụ”. Các bản dịch khác thì đầy đủ cả “cửu dụ”. Từ đó có thể thấy rằng, bản dịch của ngài La Thập tuy câu cú đẹp đẽ, bóng bẩy, nhưng về mức độ trung thực thì rõ ràng có sự thiếu sót.
Kết luận
Nhìn chung, nội dung chủ đạo của các bản dịch kinh Kim cang đại khái đều giống nhau, tuy nhiên xét về mặt chi tiết thì có sự khác nhau. Sự khác nhau này được thể hiện qua ba phương diện.
Thứ nhất, do bản thân các vị dịch sư đối với kinh văn nguyên bản có sự hiểu biết sai khác, cho nên trong lúc phiên dịch kinh tiếng Phạn khó tránh khỏi việc cắt giảm hoặc điều chỉnh nội dung của nguyên văn Phạn bản, điều này khiến cho sự phiên dịch trong mỗi bản dịch có sự khác nhau.
Thứ hai, do trong quá trình phiên dịch có hiện tượng cắt giảm nội dung của nguyên bản, cho nên lúc dịch thành bản Hán văn thì vấn đề tín thực nội dung trong kinh điển cũng là thực trạng khó tránh, hoặc là mức độ tính chính xác trong mỗi bản dịch không giống nhau.
Thứ ba, do sự sai khác về biểu đạt lô-gíc ngôn từ trong thói quen thường dùng của hai loại ngôn ngữ giữa tiếng Phạn và tiếng Hán, nên các vị dịch sư trong lúc phiên dịch kinh văn, có vị chú trọng về thó