Sống an vui

Sống an lạc với thuận duyên và nghịch duyên

Thứ bảy, 10/03/2023 03:41

Vấn đề hiệu quả tác dụng của duyên thật ra, chúng chỉ có giá trị tác dụng trên bình diện thực hành hơn là trên bình diện lý thuyết.

Vì lý thuyết tự chúng chỉ nói lên được, cái giá trị tương đối của khái niệm về một thực tại, chứ không phải là thực tại, do đó lý thuyết luôn luôn ở trong chiều hướng ngoại, và ngược lại thực hành luôn luôn hướng nội. Ở đây, chúng ta muốn bắt được thực tại, bằng vào mười đầu ngón tay, thì chúng ta phải nỗ lực thực hành, còn lý thuyết chỉ là việc nói chơi ở bên ngoài mà thôi. Cũng giống như chúng ta đang đói bụng mà chỉ nói chứ không ăn, thì làm sao no được?

Cứu cánh giá trị giải thoát của đạo Phật không phải ở nơi lý thuyết, triết thuyết, mà ở nơi thực hành, có nghĩa là bạn muốn an vui tự tại giải thoát trong cuộc sống, thì buộc bạn phải thực hành theo giáo lý, chứ không phải học suông để biết giáo lý. Do đó, vấn đề thực hành được đặt lên hàng đầu, theo một cái nghĩa bó buộc nào đó, để nói lên tính cách tự lực vượt thoát, hơn là nhờ vào tha lực.

Vạn sự, vạn vật trên đời này thảy đều liên quan với nhau ở một chữ “duyên”. Bất luận là nhân duyên, cơ duyên, thiện duyên hay ác duyên, đâu đâu cũng có, tồn tại mọi lúc.

Vạn sự, vạn vật trên đời này thảy đều liên quan với nhau ở một chữ “duyên”. Bất luận là nhân duyên, cơ duyên, thiện duyên hay ác duyên, đâu đâu cũng có, tồn tại mọi lúc.

Ở đây, chúng tôi đề cập đến vấn đề thực hành cũng chỉ là một cách nói khác của từ "Tu hành" mà thôi. Như chúng ta thường nghe nói: "Trên bước đường tu hành của chúng ta thường hay gặp những thuận duyên và nghịch duyên". Nhưng thuận duyên và nghịch duyên này, nếu chúng ta không nhìn thấy sâu xa, và không biết phân biệt một cách rõ ràng, thì chính chúng ta sẽ là bước cản đường, hay chính chúng là con đường nhà ma lối quỷ được thể hiện trong bước đi của chúng ta, chứ không phải là con đường của đức Phật đưa đến giải thoát. Vì sao? Vì thuận duyên của Phật ngược lại thuận duyên của chúng sanh (thế gian), và nghịch duyên của Phật thì ngược lại với nghịch duyên của thến gian. Do đó chúng ta phải luôn luôn cẩn thận nhận chân một cách rõ ràng, bằng vào những tư duy phân tích có trí tuệ, chứ không thể chỉ nhận xét một cách hời hợt, theo thói quen tập quán của thế gian được. Theo đức Phật dạy thì: "Muốn bước vào con đường của các bậc Thánh, thì phải lội nghịch dòng sanh tử". Vậy nghịch dòng sanh tử ở đây chỉ cho thuận dòng (duyên) của Phật, của giải thoát; và ngược lại thuận dòng của thế gian (chỉ cho sanh tử) trói buộc, là nghịch dòng với Phật và giải thóat.

Khi chúng ta đã nhận biết con đường thế nào rồi, thì sau đó bước đi của chúng ta mới đúng hướng, cho dù trên bước đường đi của chúng ta luôn gặp mọi chướng duyên (nghịch duyên) cản trở. Người nào thật sự có đức tin vững chắc mà trong lúc tu hành (thực hành) không gặp những chướng duyên xảy ra, thì người đó dứt khoát đã đi sai đường. Vì sao? Vì như chúng ta biết con đường đưa đến giải thoát khổ đau là con đường nghịch dòng sanh tử. Do đó, khi chúng ta cất bước bắt buộc phải gặp chướng duyên của ma cản trở kéo lại bằng mọi cách, vì chúng ta đang không đồng lõa đối với ba độc (tham sân si) của chúng nên chúng cản trở chúng ta. Ở đây, nếu chúng ta có trí tuệ cùng nghị lực, thì chúng ta sẽ đạp đổ vượt qua khỏi những chướng ngại này, nếu không thì chúng ta sẽ bị ma hàng phục kéo theo chúng, lúc đó chúng ta vĩnh viễn trôi lăn trong sanh tử luân hồi, không giải thoát được. Trường hợp, chúng ta không nhận ra thế nào là thuận duyên thế nào là nghịch duyên đối với Phật? Thì trên bước đường đi của chúng ta sẽ bị thối lui vì những chướng nạn đó, hay vì những lời nói ra nói vào của thiên hạ mà chúng ta thối thất thì thật là đáng tiếc! Điều này chúng ta thường thấy xảy ra trong cuộc sống thường nhật, được thể hiện trong những lúc chán nản tâm sự với nhau: "Sao tôi tu thường hay gặp chướng duyên xảy ra" hay "Người này do tu đổ nghiệp nên bị những tai nạn xấu ập đến"... Nếu ở đây, ai nắm vững được thế nào là thuận duyên, thế nào là nghịch duyên đối với đạo Phật, thì họ sẽ mừng thầm rằng ta đã đi đúng con đường của đức Phật đã dạy. Ngược lại, nếu người nào không nắm vững được thế nào là thuận duyên, thế nào là nghịch duyên thì sẽ bị thối bước trước những chướng nạn, và những lời dèm pha hủy báng này.

Tóm lại trên bước đường tu hành của chúng ta, làm thế nào để sống vui với nghịch duyên kể cả thuận duyên mà không gặp những nghịch duyên của sanh tử cản trở, thì bước đi của chúng ta lạc hướng, hay trên bước đường thực hiện giải thoát, mà chúng ta không gặp bất cứ trở ngại chướng duyên nào của sanh tử, thì dứt khoát bước đi của chúng ta là bước đi của đường ma lối quỷ chứ không phải bước đi của Phật, và chúng ta đang bị ma hàng phục rồi đó! Ngược lại, nếu bước đi của chúng ta bị những chướng duyên nội ma ngoại ma của ba độc Tham-Sân-Si cản trở, thì chúng ta phải biết nỗ lực dùng ba Vô lậu học Giới-Định-Tuệ hàng phục chúng, thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua khỏi những chướng nạn này một cách an toàn, đó mới chính là con đường đi đích thực của đức Phật.

loading...