Sống an vui
Sống an vui giữa đời phiền luỵ
Thứ sáu, 04/01/2024 11:38
Việc nâng cao các tiện nghi vật chất và phương tiện hỗ trợ phát triển bản thân những tưởng giúp ta cởi bỏ phiền lụy để sống an vui, nhưng thực tế, ta vẫn còn tiếp tục loay hoay giữa rối ren.
Nhất là, từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, loài người phải đối diện nhiều “cảm thọ khổ đau” hơn nữa. Theo Báo cáo của WHO về sức khỏe tâm thần thế giới (World mental health report) năm 2022: “Khi thế giới bắt đầu chung sống và học được bài học từ những tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, tất cả chúng ta phải suy ngẫm về một trong số những khía cạnh nổi bật nhất – chính là thiệt hại to lớn mà nó đã gây ra đối với sức khỏe tâm thần của con người. Vốn đã là thực trạng phổ biến thì [từ đại dịch trở đi] tỷ lệ trầm cảm và lo âu đã tăng hơn 25% trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch, làm tăng thêm gần một tỷ người đang chung sống với chứng rối loạn tâm thần” [1]. Những cảm thọ khổ đau, phiền muộn, than tiếc, âu lo, quẫn trí, sầu hận, uất ức, … khiến đời sống con người chẳng khác gì con thuyền nặng nề mệt nhọc, mấp mé chìm xuống đáy biển.
Hơn 2.000 năm trước, Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ điện ngọc cung son tìm con đường giải thoát khỏi nỗi khổ niềm đau, đi tới giác ngộ. Trở nên bậc toàn giác, bậc Vô Thượng sĩ và gần nửa thế kỷ tại thế trao truyền chánh pháp, Đức Phật đã dạy cho con người nhận diện nỗi khổ niềm đau: “Người ấy cảm nhận hai cảm thọ – một cảm thọ về thân và một cảm thọ về tâm”. Ta vẫn hay than: sao tôi khổ thân quá, sao tôi khổ tâm quá! Quá trình lăn trở trong nỗi khổ niềm đau, người ấy khởi sinh và dung dưỡng lòng sân hận, uất ức, bất bình. Đồng thời, người ấy tìm cách giãy giụa vượt thoát hoặc tránh né nỗi khổ niềm đau bằng cách tìm đến “khoái lạc giác quan”. Nhưng khoái lạc giác quan chỉ là biến tướng của đau khổ, có thể giúp che đậy khổ đau nhất thời chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn. Cho nên, Đức Phật bảo rằng người ấy vẫn còn bị trói buộc trong đau khổ: “Nếu người ấy cảm nhận một lạc thọ, người ấy cảm thấy bị dính mắc. Nếu người ấy cảm nhận một khổ thọ, người ấy cảm thấy bị dính mắc. Nếu người ấy cảm nhận một bất lạc bất khổ thọ, người ấy cảm thấy bị dính mắc. Này các Tỳ kheo, đây được gọi là kẻ vô văn phàm phu bị trói buộc với sinh, già và chết; bị dính mắc với ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn phiền, tuyệt vọng. Ta nói rằng người này bị trói buộc với khổ đau” [2].
Jean-Paul Sartre từng nói rằng con người như bị quẳng vào đời, rơi vào tình thế buộc phải khởi sự hành trình sống trải. “Tự do là lưu đày và tôi đã bị kết án phải tự do” [3]. Con người ấy bị kết án lưu đày biệt xứ giữa sa mạc trần thế. Cuộc sống người ấy bị vây bủa trong âu lo: lo sống, lo già, lo bệnh, lo chết. Cơ hồ, người ấy sinh ra đời chỉ để lo hết chuyện này tới chuyện nọ. Đời của người ấy khác gì con thuyền sa lầy giữa bãi cạn sình bùn. Làm sao để con thuyền vươn mình cưỡi sóng lướt gió trên mặt biển mênh mông? Làm thế nào có thể sống an vui giữa đời phiền lụy?
Quán chiếu bản chất phiền luỵ
Gặp chuyện phiền lụy, ta thường có khuynh hướng tìm kiếm giải pháp chôn lấp, tránh né bằng khoái lạc cảm quan; hoặc ta truy tìm nguồn cơn muộn phiền trong thế giới bên ngoài và tìm cách triệt tiêu nguồn cơn gây khổ cho mình. Như thể, đời làm cho ta khổ nên ta phải làm khổ lại đời; vì ta nghĩ rằng làm như vậy thì đời hết khổ (hoặc chí ít là bớt khổ). Nào ngờ, ta càng thêm rối ren khổ đau, càng sa lầy vào vực thẳm phiền muộn.
Giữa cơn phiền lụy, điều quan trọng trước hết mà Đức Phật dạy, chính là quán chiếu vào nội tại của niềm đau nỗi khổ. Việc quán chiếu này giúp cho vị “đa văn Thánh đệ tử” có thể hiểu rõ bản chất và quá trình sinh khởi, tiêu biến của cảm thọ khổ đau. Quán chiếu này soi rọi vào cảm thọ khổ đau của thân, đồng thời không làm sinh khởi khổ đau của tâm. Do đó, vị Thánh đệ tử không dính mắc tàng ẩn sân hận bi phẫn, không bị xô đẩy đến bước đường tìm kiếm những khoái lạc giác quan. “Vị ấy như thật hiểu rõ sự sinh khởi, sự chấm dứt, sự thỏa mãn, mối nguy hiểm và sự thoát ly ra khỏi những cảm thọ ấy. Vì vị ấy hiểu rõ những điều này, khuynh hướng vô minh đối với bất khổ bất lạc thọ cũng không tiềm ẩn dưới cảm thọ này” [4].
Vị ấy hiểu rõ bản chất những hiện tượng phiền lụy xảy đến. Thể như: Sóng biết mình là nước/ Ngàn năm không vỗ bờ! Biết rằng đằng sau mây đen giông gió là trời xanh lồng lộng! Như vị Thánh đệ tử ấy nhìn thấy các pho tượng mà biết rằng: Đó không phải là trâu, bò, gà, dê mà chỉ là đất sét. Vị ấy liền không còn bị dính mắc vào lạc thọ, khổ thọ, bất lạc bất khổ thọ. “Nếu vị ấy cảm nhận một lạc thọ, vị ấy không bị dính mắc. Nếu vị ấy cảm nhận một khổ thọ, vị ấy không bị dính mắc. Nếu vị ấy cảm nhận một bất lạc bất khổ thọ, vị ấy không bị dính mắc. Này các Tỳ kheo, đây được gọi là bậc Thánh đệ tử không bị trói buộc với sinh, già và chết; không bị dính mắc vào phiền muộn, than vãn, đau đớn, ưu sầu, tuyệt vọng. Ta nói vị này không bị trói buộc với khổ đau” [5]. Không bị trói buộc vào cảm thọ các hiện tượng sinh già bệnh chết, con thuyền đời tự dưng nhẹ nhàng trồi lên mặt bể, lướt gió thong dong.
Trong lời Phật dạy, ta cần nhận ra mấu chốt phiền lụy chính là dính mắc của thân ta và tâm ta vào phiền lụy đó. Việc quán chiếu không chỉ giúp ta nhìn thấu bản chất phiền muộn khổ đau mà còn giúp cho ta nhìn thấu những thương tổn, đau nhức, gút mắc tàng ẩn một cách vi tế bên dưới các cảm thọ (mà khoa phân tâm Tây phương đã thực chứng bằng thí nghiệm [6]). Xông thẳng vào căn nguyên khổ đau cũng chính là xông thẳng tới vọng tưởng ngã thể. Như thế, lời Phật dạy không chỉ dừng lại ở việc chạy chữa các triệu chứng cục bộ mà còn đoạn trừ gốc rễ muộn phiền, tránh tích tụ những di chứng khổ đau tiềm ẩn có thể gây ra hành động lầm lạc (hại mình, hại người).
Quán chiếu tám pháp thế gian đều vô thường
Quán chiếu sâu vào phiền lụy, vị Thánh đệ tử có thể nhận ra bản chất phiền lụy là vô thường. Phiền lụy chẳng phải ta, đó chỉ là các hiện tượng sinh khởi bởi cuộc tương giao giữa các pháp. Biết rằng có sinh khởi tức là biết có hoại diệt. Phiền lụy như mưa giông kéo đến rồi tan đi. Thành ra, việc quán chiếu này không chỉ nhằm lột trần bản chất phiền lụy mà còn góp phần thanh tịnh tâm, an định tâm. Bởi thế gian “thương hải tang điền”, biến đổi không ngừng, xoay trở theo tám pháp “thắng lợi và thất bại, danh thơm và tiếng xấu, khen ngợi và chê bai, khoái lạc và khổ đau”; vậy hà cớ gì lại để tâm phóng dật trôi nổi bồng bềnh theo cơn dập dìu ảo tượng. Chính vì thế, vị Thánh đệ tử ấy rời xa sự lôi kéo của biến đổi, từ bỏ các pháp nhị nguyên của thế gian.
“Này các Tỳ kheo, nhưng khi một bậc đa văn Thánh đệ tử được thắng lợi, vị ấy suy nghĩ về việc này như sau: “Thắng lợi này đến với ta là vô thường, bị ràng buộc với khổ não và phải chịu sự thay đổi”. Và vị ấy cũng suy nghĩ như vậy khi gặp phải thất bại… Vị ấy hiểu đúng như thật các pháp ấy, và các pháp ấy không xâm nhập tâm của vị này. Vì vậy, khi được thắng lợi, vị ấy không vui mừng và khi gặp phải thất bại, vị ấy không buồn khổ; không sung sướng khi được danh thơm, không khổ sở khi bị tiếng xấu; không khoái trá khi được khen ngợi, không phiền muộn khi bị chê bai; không thích thú khi được khoái lạc, không ưu sầu khi bị khổ đau. Như vậy, vị ấy đã từ bỏ yêu và ghét, vị ấy sẽ thoát khỏi sinh, già, bệnh và chết; thoát khỏi ưu sầu, than vãn, đau đớn, buồn khổ và tuyệt vọng. Ta nói rằng người ấy sẽ được giải thoát khỏi khổ đau” [6].
Nhận diện biến đổi, cắt đứt cơn dao động của tâm; góp phần thanh tịnh tâm, an định tâm. Nhất tâm vậy! Từ việc quán tám pháp thế gian đều vô thường, nhìn lại liền thấy phiền muộn chỉ là bào ảnh. Thế thì hãy buông xả, trả lại các phiền muộn cho vô thường thế gian. Như Trung niên thi sĩ – Bùi Giáng:
“Trước khi về chín suối
Em xin gửi đá vàng
Của trăm năm buồn tủi
Về trở lại nhân gian”.
Hay:
“Em có khóc? ta xin em đừng khóc
Em nhìn ta? lệ chảy có vui gì
Trang phượng mở giữa nguồn em hãy đọc
Nước xuôi giòng ngàn thu hận tan đi”.
Quán chiếu chấp thủ ngã biệt
Qua lời Phật dạy, ta đã rõ bản chất phiền lụy là sự dính mắc vào tám pháp biến đổi của thế gian. Tức là có chủ thể ý thức về thân và tâm bị dính mắc vào các pháp ấy. Chủ thể ý thức đó có những cảm thọ trên phương diện cảm giác, tri giác, trực giác nhất định. Chính những cảm thọ ấy gây tạo vọng tưởng về sự hiện hữu như thực của ngã biệt (trong thế tách rời với thân thể). Do đó, không dừng dạy ở việc quán các pháp thế gian vô thường mà còn quán chiếu vào “chủ thể” cố chấp ấp ôm phiền lụy. Đức Phật dạy: “Người ấy xem thọ như là tự ngã… tưởng như là tự ngã… hành như là tự ngã… thức như là tự ngã, hay là tự ngã có thức, hay là thức trong tự ngã, hay tự ngã trong thức. Rồi thức của người ấy thay đổi và biến hoại. Với sự thay đổi và biến hoại của thức, thức của người ấy bị xâm chiếm bởi sự thay đổi của thức. Phiền não và một chuỗi tâm hành tiêu cực phát sinh do sự thay đổi của thức vẫn ám ảnh tâm người ấy. Bởi vì tâm bị ám ảnh, người ấy sợ hãi, đau khổ và ưu sầu; và do bởi chấp thủ, người ấy bị phiền não” [8].
Ví như người ra khơi vẫn khư khư giữ lấy quá nhiều đồ đạc vật dụng, chỉ cơn gió nhẹ cũng có thể khiến cho đắm thuyền. Nếu người ấy biết buông bỏ bớt những thứ không cần thiết và cả những thứ cần thiết nhưng chưa phù hợp, thì con thuyền có thể khinh an lướt trên mặt bể. Nhưng người ấy giữ lấy cái nghĩ “tôi”, cái nghĩ “có tôi” nên kéo theo tri nhận về thân của tôi, lợi của tôi, danh của tôi, quyền của tôi, tình của tôi,… Nói khác đi, chấp ngã biệt dẫn đến chấp ngã sở (nên gọi ngã ngã sở). Đặc tính của ngã biệt: vô minh và tham dục. Bởi hai đặc tính này, chuỗi nhân duyên đen tối sinh khởi: “Này Ananda, do nhân duyên cảm thọ sinh ra khát ái, do nhân duyên khát ái sinh ra tìm cầu, do nhân duyên tìm cầu sinh ra thắng lợi, do nhân duyên thắng lợi sinh ra quyết định, do nhân duyên quyết định sinh ra tham dục, do nhân duyên tham dục sinh ra chấp thủ, do nhân duyên chấp thủ sinh ra chiếm hữu, do nhân duyên chiếm hữu sinh ra keo kiệt, do nhân duyên keo kiệt sinh ra phòng thủ, và do phòng thủ phát sinh nhiều bất thiện pháp như cầm lấy cây trượng và vũ khí, xung đột, gây gổ, tranh chấp, lăng mạ, vu khống và vọng ngữ” [9].
Vòng xoáy đảo điên càng khiến cho tâm trí sa lầy trong phiền não. Chính vậy nẻo đời cứ ngập ngụa xung đột, thù hằn, bạo lực, điếm trá. Hỏi sao, lấy mình làm lăng kính nhìn đời, thấy đâu cũng méo mó sai lạc! Nào ngờ, đó là bóng phản chiếu sai lạc méo mó của chính mình. Những người bị vô minh tham dục che lấp trói buộc thì bị cuốn vào phiền não không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc. Đó là lý do Đức Thế Tôn dạy vị Thánh đệ tử cần từ bỏ chấp thủ. “Vị ấy không xem thọ như là tự ngã… tưởng như là tự ngã… hành như là tự ngã… thức như là tự ngã, hay là tự ngã có thức, hay là thức trong tự ngã, hay tự ngã trong thức. Rồi thức của vị ấy thay đổi và biến hoại. Mặc dù có sự thay đổi và biến hoại của thức, thức của vị ấy không bị xâm chiếm bởi sự thay đổi của thức. Phiền não là một chuỗi tâm hành tiêu cực phát sinh do sự thay đổi của thức không ám ảnh tâm vị ấy. Bởi vì tâm không bị ám ảnh, vị ấy không sợ hãi, đau khổ và ưu sầu, và do bởi không chấp thủ, vị ấy không bị phiền não. Này các Tỳ kheo, như vậy là tâm không phiền não do không chấp thủ” [10].
Quán chiếu đến khi chấp thủ ngã ngã sở tiêu biến thì đồng thời vọng tưởng về ngã cũng tàn lụi. Gốc rễ bị đốn hạ thì cành nhánh tham-sân-si cũng héo rũ khô chết. Vị Thánh đệ tử sẽ được giải thoát khỏi phiền lụy, sống an vui trong đời hiện tại (ở đây và ngay lúc này).
Bên cạnh việc quán chiếu, Đức Thế Tôn còn dạy bốn pháp thực hành giúp ta có được cuộc sống an vui trong hiện tại: “Thành tựu nỗ lực bền bỉ, thành tựu sự bảo vệ, tình bạn tốt đẹp, và một cuộc sống cân bằng” [11]. Đây là những cách thực hành giúp cho cuộc sống trước mắt có được an vui. Lựa chọn cách sống phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện khả dĩ. Lao động và tích lũy thành quả làm việc một cách chân chính; giao thiệp với những người có đạo đức, niềm tin, giới hạnh, biết bố thí và có trí tuệ; giữ cho cuộc sống cân bằng về cả điều kiện vật chất và tinh thần (không chi tiêu quá đà, không keo kiệt quá mức; không báng bổ đức tin cũng không dị đoan cuồng tín).
Các pháp thực hành ấy có thể được thực hiện dễ dàng trong đời sống thế tục; nhưng cần có pháp tu tập để duy trì cuộc sống cân bằng an vui này. Do đó, Đức Phật dạy thêm bốn pháp thực hành giúp ta có được cuộc sống an vui trong tương lai: “thành tựu tín tâm, giới đức, bố thí và trí tuệ” [12]. Đây là những cách thực hành giúp cho người đệ tử có cuộc sống an vui lâu bền. Thành tựu tín tâm nhờ đặt niềm tin vào sự giác ngộ của Như Lai; thành tựu giới đức nhờ vào từ bỏ sát sanh, trộm cướp, tà dâm, dối trá, rượu chè, nghiện ngập, phóng dật; thành tựu bố thí nhờ tấm lòng rộng mở hào phóng hoan hỷ trong việc chia sẻ trao tặng; thành tựu trí tuệ nhờ vào quán chiếu triệt để sinh diệt của các pháp, bản chất của các pháp, để đoạn trừ khổ đau.
Việc quán chiếu bản chất các pháp, chấp thủ ngã biệt cùng những dính mắc phiền não đưa vị Thánh đệ tử trở thành “người vô sự”. Dù muôn vàn sự thể nhiều như cát sông Hằng, nhiều như tất cả cây cỏ trong cõi Diêm Phù Đề thì vị Thánh đệ tử của Đức Phật vẫn là “người vô sự”; bởi không còn dính mắc vào phiền lụy, không bị vô minh cản trở và tham dục trói buộc. Tâm không trôi cuốn phóng dật lăn trở cùng tám pháp vô thường nên không bị ám ảnh. Vị ấy không sợ hãi, đau khổ và ưu sầu.
Đời người nhộn nhịp bon chen; trong giây phút nào xao lòng, bấn loạn, vội vã, cuống quýt, sợ hãi, bất an liền nên trở về với chính mình ngay lúc đó. Tự biết mình, quán niệm từ hơi thở đến việc làm và suy nghĩ, an định trong sự biết về chính mình ở giây phút hiện tại. “Tôi biết thân tôi đang”, “Tôi biết tâm tôi đang”, sẽ thấy cơn “áp thấp” dần tiêu tan, biển lặng trời êm!
Chú thích:
[1] WHO (2022). World mental health report: transforming mental health for all. Geneva, Switzerland: World Health Organization, p.vi.
[2] Bhikkhu Bodhi (2016). Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pali (Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch). Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, tr.67.
[3] Dẫn theo Lê Thành Trị (1974). Hiện tượng luận về hiện sinh. Saigon: Trung tâm Học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, tr.256.
[4] Bhikkhu Bodhi (2016). Sđd, tr.67.
[5] Bhikkhu Bodhi (2016). Sđd, tr.67-68.
[6] Carl Gustav Jung (2007). Thăm dò tiềm thức (Vũ Đình Lưu dịch). Hà Nội: Nxb. Tri thức.
[7] Bhikkhu Bodhi (2016). Sđd, tr.69.
[8] Bhikkhu Bodhi (2016). Sđd, tr.70.
[9] Bhikkhu Bodhi (2016). Sđd, tr.73.
[10] Bhikkhu Bodhi (2016). Sđd, tr.71.
[11] Bhikkhu Bodhi (2016). Sđd, tr.185.
[12] Bhikkhu Bodhi (2016). Sđd, tr.187.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bhikkhu Bodhi (2016). Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pali (Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch). Hà Nội: Nxb. Hồng Đức.
[2] Carl Gustav Jung (2007). Thăm dò tiềm thức (Vũ Đình Lưu dịch). Hà Nội: Nxb. Tri thức.
[3] Lê Thành Trị (1974). Hiện tượng luận về hiện sinh. Saigon: Trung tâm Học liệu – Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên.
[4] WHO (2022). World mental health report: transforming mental health for all. Geneva, Switzerland: World Health Organization.
Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo