Sống an vui
Sống thảnh thơi trong ràng buộc
Thứ sáu, 31/05/2023 08:00
Theo tuệ giác của Đức Thế Tôn cho thấy, nếu ta bước tới hoặc đứng lại đều bị rơi vào cạm bẫy của vô minh tham ái. Chỉ có tâm định tĩnh sáng suốt mới dễ dàng ung dung tự tại để ngắm nhìn vẻ đẹp của cơn giận, lòng tham và nỗi buồn đang biểu hiện.
Để đạt được mục đích đó, con người cần phải cố gắng, nỗ lực suy tính và vạch ra nhiều phương cách nhằm đáp ứng thỏa mãn các nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ít ai có thể thực hiện được điều này, vì mỗi khi trong tâm ta vẫn còn hiện hữu sự tham vọng cầu toàn và cố tránh né những gì bất như ý xảy ra thì sự thảnh thơi và hạnh phúc đích thực sẽ vắng mặt.
Bởi lẽ, khi chúng ta hiện hữu trên cõi đời này thì đương nhiên phải có nhiều mối quan hệ qua lại, nào là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, công việc, v.v… không một ai có thể tồn tại riêng lẻ, biệt lập. Và khi mối tương quan này hình thành thì dĩ nhiên con người sẽ bị ràng buộc trong sự thương ghét, lựa chọn và chiếm hữu.
Cha mẹ luôn bênh vực cho con cái, anh sẽ bênh vực cho em, vợ phải bênh vực cho chồng… vì người này là thân thuộc của tôi, còn người kia là kẻ xa lạ, cho nên, dù biết người thân của mình sai phạm nhưng vẫn dùng lời lẽ và uy quyền để giành được phần hơn. Nhưng, nếu chẳng may sự tranh giành ấy bạn bị thất bại thì sao? Chắc chắn rằng bạn sẽ bị sợi dây phiền não trói buộc, giam giữ và mất hết quyền tự chủ.
Do vậy, để được tự tại, thảnh thơi trong mối liên hệ chằng chịt đó là vấn đề không phải ai cũng có thể thực hiện được. Nên đòi hỏi chúng ta phải thường trực quán niệm, soi chiếu thân tâm mình và hoàn cảnh đương tại, mới có thể thoát ra khỏi mọi xiềng xích giam giữ của bản ngã tham sân si.
Biết thảnh thơi mới là thực sống
Thực ra, để có một lối sống thảnh thơi, an lạc, không nhất thiết ta phải đạt được một mục tiêu nào đó, lại càng không thể tránh xa những con người “khó ưa” để được yên ổn mọi bề, mà là giáp mặt với thực tại để thấy ra thói quen chống cự, ưa thích của cái ta tham vọng cầu toàn. Vì, chính thái độ chọn lựa, cầu toàn là đầu mối làm hoang phí sinh lực và đánh mất khả năng giác ngộ, giải thoát.
Nếu bạn có ý niệm truy tìm sự thảnh thơi thì vô tình chính ý niệm ấy lại là thủ phạm tạo ra sự xao động, rối ren và bất an, chẳng khác gì có một người đi ra ngoài phố chợ rồi la lớn rằng “Tất cả mọi người hãy im lặng! Tất cả mọi người hãy im lặng!”. Hành động khờ khạo ấy không khiến cho những người ở phố chợ lặng im mà trái lại còn tạo thêm sự ồn ào và hao phí sinh lực.
Trong khi đó, bạn chỉ cần nhận biết rõ ràng mọi động dụng lăng xăng tìm cầu đang diễn ra ở nơi thân tâm mình, mà không cần phải chống đối, trừ khử thì niềm an vui hạnh phúc tức thời hiện hữu.
Đây chính là kinh nghiệm mà Đức Thế Tôn đã thực chứng và chỉ dạy lại cho chúng đệ tử rằng: “Này các vị Khất sĩ! Mỗi khi nội tâm có tham dục, vị Khất sĩ ấy ý thức là nội tâm có tham dục. Mỗi khi nội tâm không có tham dục, vị ấy ý thức là nội tâm không có tham dục. Mỗi khi trong tâm có sân hận, vị Khất sĩ ấy ý thức là trong tâm có sân hận. Mỗi khi trong tâm không có sân hận, vị ấy ý thức là trong tâm không có sân hận. Mỗi khi tâm thức mình si mê, vị ấy ý thức rằng tâm thức mình si mê. Mỗi khi tâm thức mình không si mê, vị ấy ý thức rằng tâm thức mình không si mê. Mỗi khi tâm thức mình có thu nhiếp, vị ấy ý thức rằng tâm thức có thu nhiếp. Mỗi khi tâm thức mình tán loạn, vị ấy ý thức rằng tâm thức mình tán loạn…Và như vậy, vị ấy an trú một cách tự do, không bị bất cứ một thứ gì trong cuộc đời làm vướng bận” (Kinh Bốn lĩnh vực quán niệm, Nhật tụng thiền môn năm 2000, Thiền sư Nhất Hạnh soạn dịch).
Các sự vật hiện tượng trong vũ trụ này vốn không ràng buộc vào nhau, mà chỉ liên hệ trong sự tương giao, hội tụ và đổi thay như đám mây bay lơ lửng trên bầu trời, khi đầy đủ điều kiện thì trở thành cơn mưa, dòng sông, con suối, đến khi hết nhân duyên thì chúng chuyển sang tướng trạng khác nhau và vẫn thong dong từng cá thể. Chính vì ta sống trong thất niệm mê mờ và không thấy rõ tính duyên sinh vô ngã của vạn pháp, nên bị bản ngã tham sân si điều động, sai sử rồi tạo ra sự rối ren, phân chia và chọn lựa. Trong khi đó, bản chất của các pháp vốn tự do bình đẳng và luôn luôn vận hành đúng theo tiến trình nhân-duyên-quả mà tự thân của mỗi người đã tạo ra trước đó.
Vì vậy, đoạn kinh trên chỉ dẫn rằng, khi trong tâm thức khởi lên một niệm sân hận hoặc là niệm hoan hỷ, thì bạn chỉ cần nhận biết trọn vẹn quá trình sinh khởi và hoại diệt của ý niệm ấy mà không chạy theo, nắm giữ hay tiếc nuối. Thói quen muốn được thỏa mãn các giác quan (dục ái) và nắm giữ những gì mình ưa thích (hữu ái) là sợi dây trói buộc ta vào vòng lục đạo luân hồi. Vì một khi ý niệm mong cầu đó không được đáp ứng, thì tâm trạng bực bội phiền muộn tức thời hiện hữu (phi hữu ái), tạo ra sự xung đột đấu tranh và hận thù.
Chính vì lẽ đó cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng: “Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu. Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu? Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống; khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt. Do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu” (Kinh Tương ưng bộ I). Bước tới là chạy theo dục lạc tham muốn, còn đứng lại là nắm giữ, sở hữu cái mình ưa thích. Theo tuệ giác của Đức Thế Tôn cho thấy, nếu ta bước tới hoặc đứng lại đều bị rơi vào cạm bẫy của vô minh tham ái. Chỉ có tâm định tĩnh sáng suốt mới dễ dàng ung dung tự tại để ngắm nhìn vẻ đẹp của cơn giận, lòng tham và nỗi buồn đang biểu hiện.
Nếu bạn quán chiếu được điều này, thì ý niệm mong cầu để trở thành một cái gì đó trong tương lai sẽ tự động rơi rụng. Vì bạn đã hiểu được rằng, niềm an lạc, thảnh thơi không thể dùng ý chí hay lý trí để phá vỡ công trình tạo dựng ngàn đời của bản ngã, mà chỉ cần thấy rõ quy trình dựng lập của nó thì bạn sẽ tự do dạo chơi qua lại trong cõi sinh tử và Niết-bàn.
Tuy vậy, khát vọng phàm tình của kiếp người vẫn là mong ước được sống chung với những người hiền hòa dễ mến, và có một lối sống đầy đủ điều kiện thuận lợi để được an hưởng hạnh phúc lâu dài. Nhưng kỳ thực, không ai có thể tìm ra một con người hoàn hảo và với công việc thuận lợi êm xuôi, vì khi trong tâm thức ta vẫn còn chứa đựng sự thèm khát mong cầu thì cái thấy về con người, về hoàn cảnh xã hội sẽ bị phiến diện hạn hẹp, do đó ta không bao giờ thỏa mãn được những ước vọng cầu toàn.
Mặt khác, chính vì muốn sở hữu “cái này là của tôi” nên khi bị người khác chiếm đoạt thì tâm sân hận phát khởi và làm che mờ cái thấy biết trong sáng, hồn nhiên và trung thực. Và một khi tâm đã mang nặng nỗi buồn, cơn giận thì ta không thể nào tiếp xúc được các vẻ đẹp của thiên nhiên đồi núi, vẻ đẹp lúc mặt trời sắp ló dạng ở buổi ban mai, vẻ đẹp của bầy chim đang ríu rít bay nhảy trước sân nhà, vẻ đẹp hồn nhiên của lũ trẻ con đang nô đùa trong nắng sớm, v.v… Cuộc sống vốn có rất nhiều cái hay, cái đẹp nhưng người biết cảm nhận và thừa hưởng thì quả thật quá hiếm hoi!
Vậy thì, chúng ta phải làm thế nào để đạt được tự do và hạnh phúc ngay trong cuộc đời này? Xin thưa, chính ý niệm “phải làm thế nào” lại là thái độ lăng xăng khẩn trương của bản ngã bày vẽ ra. Đơn giản, bạn chỉ cần thấy rõ các trạng thái xao động sinh diệt ấy thôi, không cần phải thêm thắt điều gì nữa cả, mọi hoạt động của thân tâm diễn ra như thế nào thì bạn nhận biết trọn vẹn y như thế đó. Hay nói cách khác, bạn sống tùy thuận theo dòng chảy của nhân duyên nghiệp quả mà không kháng cự, loại trừ, thêm bớt… thì ngay khi ấy bạn được tự do, tự tại.
Để từng bước vượt thoát mọi buộc ràng và thiết lập một lối sống thảnh thơi an lạc, không gì hơn bạn cần phải thân cận, học hỏi với các bậc minh sư phạm hạnh. Nhờ vào năng lượng vững chãi, bình an của vị thầy sẽ giúp cho bạn dần dần khai sáng tâm tư, và từ đó bạn phát huy được cái nhìn trong sáng, hồn nhiên và trung thực. Bởi lẽ, thảnh thơi an lạc hay ràng buộc khổ đau không hẳn là do hoàn cảnh từ bên ngoài tạo ra, mà nó tùy thuộc vào cách nhìn nhận ở nơi bạn và nơi tôi.