Lời Phật dạy
Sống theo lời Phật: Mạng sống vô thường
Thứ hai, 15/09/2020 04:19
Mỗi ngày trôi qua nhanh thì cuộc sống của chúng ta giảm dần, ví như cá bị mắc cạn ở trong ao, nên chẳng có vui gì trong sự biến đổi của vô thường thế thái.
Quán niệm về sự sanh, trụ, dị, diệt
Biển Nam Hải vụt nổi một cơn sóng dữ dội đẩy ba con cá lớn vào chỗ nước cạn. Ba con cá cùng bảo nhau rằng: “Chúng ta bị nguy hiểm rồi đây! Nhưng hiện giờ, nước chưa cạn, còn chảy ra vào, cần nên ngược dòng trở về biển cả!”.
Nhưng không may, lại vừa có con thuyền chặn ngang dòng thủy khẩu, nên cá không thể tự do chạy ra. Con thứ nhất đem tận lực vượt qua khỏi thuyền. Con thứ hai may mắn nhờ đám cỏ cũng lủi qua được. Duy còn con thứ ba bởi sức yếu nên bị ngư ông bắt được. Đức Phật xem biết việc này liền nói bài kệ rằng:
Ngày nay đã qua, mạng ta giảm đi
Như cá ít nước, đâu có vui gì!
Thiền sư tự tại khi biết vô thường
Bởi vì cá lấy nước làm nhà sống, mà nước hết thời chết. Người nương mạng căn mà còn, mạng giảm thời tiêu. Mạng căn theo đêm ngày bị giảm, thân thể bởi tám khổ mà mòn; vô thường già bệnh chẳng cho người hẹn. Kìa như cá khô nước đâu có vui gì!
Lời bàn: Mỗi ngày trôi qua nhanh thì cuộc sống của chúng ta giảm dần, ví như cá bị mắc cạn ở trong ao, nên chẳng có vui gì trong sự biến đổi của vô thường thế thái. Ấy vậy mà cả đời chúng ta chỉ biết chạy theo cái mồi danh và bả lợi cùng những dục vọng thị phi của cuộc đời để rồi chuốc lấy sự khổ đau. Chúng ta chẳng bao giờ bằng lòng với phút giây hiện tại mà chẳng biết rằng chính cái giây phút ấy lại vô cùng quý báu đối với cuộc đời.
Tập đế là nguyên nhân dẫn đến các khổ đau
Hãy bằng lòng với những gì mà chúng ta đang có. Trong cuộc sống này, chẳng có gì tồn tại mãi mãi. Từ con người đến vũ trụ cũng đều chịu chung một định luật vô thường chi phối. Bởi vậy, ta đừng nên tham đắm và quyến luyến những thứ vốn tồn tại trên bản chất của danh và sắc mà hãy dang tay đón nhận những hạnh phúc hay khổ đau đến với mình một cách an nhiên, tự tại. Vì sự sợ hãi sẽ đeo bám chúng ta nếu chúng ta tìm cách trốn tránh khổ đau. Và thất vọng chán chường sẽ đến nếu chúng ta thích đón nhận sự sung sướng và hạnh phúc.
Vì bản chất của đời sống là vô thường, là biến diệt, không trường tồn, giả tạm, vay mượn của tứ đại thì cũng trả lại về cho tứ đại. Cho nên, mỗi ngày chúng ta hãy dành một ít thời gian để niệm Phật hoặc thiền định, để xóa bỏ đi những ham muốn của dục lạc và sự tị hiềm ganh ghét. Hãy dùng tuệ giác quán xét kỹ về điều đó, ta sẽ không còn sự âu sầu hay lo lắng. Ta nên học theo hạnh “từ bi, hỷ xả” của đức Phật và chư đại Bồ tát, biết dừng lại và không chạy theo ảo ảnh. Bởi vì thể xác và trí tuệ vốn tồn tại trong sự liên quan và mật thiết với nhau, không thể tách rời tựa như cá với nước. Nếu tách rời một trong hai thì chúng sẽ bị tiêu hoại. Vì thế, trong mọi hành động, chúng ta hãy bình tâm để thấy rõ điều gì mình nên làm hay không nên làm, điều gì có thể tăng trưởng thiện căn trong ta và có lợi ích cho mọi người.
Tóm lại, chúng ta phải biết quán chiếu sự vô thường để luôn sống tỉnh thức trong mỗi giây phút thực tại. Ta hãy tinh tấn niệm Phật để khi sống, thân tâm ta luôn được an lạc và khi mất thân này, ta được sinh về thế giới của Phật A Di Đà. Có như thế, ta mới không uổng phí một kiếp người ngắn ngủi phù du ở cõi Ta bà giả tạm này.