Sống an vui
Sống tuỳ duyên thuận pháp
Thứ năm, 25/11/2023 02:54
Sống tuỳ duyên tức là pháp đến thế nào thì thấy nó là như vậy, không buông xuôi theo nó mà cũng không đối nghịch lại nó. Người sống được như thế là người có sức mạnh lớn nhất.
Về phương diện đời sống của con người, ai cũng biết cuộc đời luôn có hai mặt: Thành công - thất bại, hạnh phúc - đau khổ, đúng - sai, đẹp - xấu, yêu thích - ghét bỏ… Tùy lúc, tùy thời khi một trong các duyên này xuất hiện tác động vào đời sống của mỗi người, chúng ta không thể chọn lựa mặt này mà chối bỏ mặt kia. Nhất là khi duyên tới từ phía nghiệp quả.
Duyên đến như thế nào mình chấp nhận như thế đó! Duyên tốt thì mình trân trọng. Duyên xấu thì mình phải tự hiểu đó là do lỗi lầm của mình gây ra trước kia, cần phải điều chỉnh thái độ sống sao cho tốt hơn!
Trường hợp, duyên thành công trong nghề nghiệp, duyên giàu có dồi dào tiền bạc, duyên con cái học hành đổ đạt, duyên gia đình hạnh phúc… xuất hiện trong cuộc đời chúng ta, xin đừng quên lời Phật dạy “các pháp hữu vi đều vô thường”. Trong thời gian hưởng thụ do phước đãi, nếu không lo bồi dưỡng thêm phước mới. Đến khi phước củ xài hết, mà nhân mới là nhân bất thiện, thì một ngày nào đó mình phải chịu trả quả xấu tương đương hoặc nhiều hơn mà thôi!
Còn như hiện tại bị duyên trái ngang, đổ vỡ, phiền muộn, đau khổ. Gặp duyên này thì đừng quá thất vọng, bi quan, chán nản. Đây có thể là do nhân xấu mình đã tạo trước kia, bây giờ phải gánh chịu. Có phản kháng cũng không ích lợi gì. Nên thực hành pháp tu “Tinh tấn và Nhẫn nại”. Tinh tấn ở đây là siêng năng làm lành lánh dữ. Nhẫn nại chịu đựng để vượt qua thời gian khó khăn. Thời gian chịu khổ dài hay ngắn là do nghiệp mình gây ra nặng hay nhẹ mà thôi!
Nói chung “Tùy duyên thuận pháp” không có nghĩa là mình buông xuôi bất kể mọi chuyện. Là người học Phật, chúng ta nên chấp nhận duyên xấu hay duyên tốt đến với mình bằng tinh thần tích cực. Chúng ta hiểu rằng con người sinh ra và sống trong Nhân Quả thì khó mà trốn tránh được hậu quả những gì mình đã gây ra. Thay vì chán nản buồn khổ, khiến cho cuộc sống mỗi lúc, mỗi thêm rối ren đen tối, thì chúng ta có thể chuyển nghiệp xấu thành tốt bằng cách nghĩ lành, làm lành, tạo nhân tốt cho mai sau. Hoặc khi duyên lành tới, trong lúc hưởng thụ cũng đừng quên các pháp vốn “vô thường, khổ, vô ngã” mà sống sao cho tốt với chính mình, với mọi người và mọi loài xung quanh.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần hiểu rằng “Tùy duyên” là các pháp phụ thuộc bên ngoài. Còn “Thuận pháp” là Nhân. Nhân mới là chủ yếu bên trong tâm của chúng ta. Khi duyên xuất hiện tác động đến chúng ta, điều quan trọng là phản ứng của tâm lúc ấy ra sao? Chúng ta có bình tỉnh thấy biết như thật về duyên đó hay là chúng ta mê man hưởng thụ? Nếu mê man thích thú hưởng thụ, thì bấy giờ tâm ta đã khởi “Nhân tham”. Còn như bực bội khó chịu là chúng ta đang khởi “Nhân sân”. Tâm tham lam, sân hận, là hai thứ lậu hoặc, ô nhiễm mang sự lo âu, sợ hãi, khổ đau đến cho người cưu mang nó!
Tóm lại, người gặp hoàn cảnh khó khăn trở ngại, hoặc dễ dàng suông sẻ, tâm người đó bình tỉnh, không bị dao động, thì đó là người có tu tập, có trí tuệ vậy!