Kiến thức
Sự cần thiết phải phát huy giá trị đạo đức Ni giới trong xã hội Việt nam hiện nay
Thứ hai, 13/11/2020 10:28
Phát huy giá trị đạo đức của Ni giới trong xã hội Việt Nam hiện nay là cấp thiết và hết sức quan trọng trong thực tiễn thời đại hiện nay, vì đạo đức là lĩnh vực then chốt của văn hóa xã hội; là nền tảng tinh thần xã hội.
Một xã hội sẽ bị suy yếu và sụp đổ nếu không có một nền tảng tinh thần vững chắc. Mặt khác, đạo đức thể hiện trình độ và tính nhân văn của nền văn hóa tinh thần ở mỗi cộng đồng, mỗi thời đại khác nhau. Thời kỳ trước, có một số ý kiến cho rằng, cuộc sống tu hành là những nơi “chạy chốn”, sống ẩn dật, xa lánh hiện thực. Tuy nhiên, trên thực tế, từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã luôn đồng hành cùng dân tộc, giúp ích cho Đời, cho Đạo. Ngày nay, Phật giáo vẫn tiếp tục nhập thế và được thể hiện qua vai trò người tu hành.
Việt Nam đang tiến hành Công nghiệp hóa (CNH) - Hiện đại hóa (HĐH) và Đô thị hóa (ĐTH) trên nền tảng một nước nông nghiệp lạc hậu, hiện nay nông dân vẫn chiếm đại đa số (gần 80% dân số). Đi đôi với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, trên lĩnh vực văn hóa, chúng ta phải chuyển đổi nền văn hóa đạo đức xã hội truyền thống nông dân - nông nghiệp - nông thôn sang nền văn hóa đạo đức của xã hội CNH - HĐH; chuyển đổi nền văn hóa đạo đức của thời kỳ tập trung, bao cấp, kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tự hạch toán kinh tế[1].
Hơn nữa, công cuộc CNH - HĐH của các nước châu Á và Việt Nam đang tiến hành theo con đường “đi tắt, rút ngắn”, một mặt đã tạo đà cho sự Tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, tạo sự năng động cho các cá nhân. Song, mặt trái của ĐTH “nóng” và kinh tế thị trường, đã làm nảy sinh những bất cập. Đặc biệt là, sự lệch chuẩn đạo đức ở một bộ phận người dân như “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường các giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ… đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp; buôn lậu và tham nhũng phát triển….” [2]
Do vậy, sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa (XHCH) đòi hỏi, nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện những con người mới có nhân cách đạo đức, nhất là xây dựng đội ngũ thanh, thiếu niên trở thành con người có tri thức, có đạo đức vừa hồng, vừa chuyên.
Đạo đức Ni giới trong xã hội hiện nay là một vấn đề hết sức quan trọng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tín ngưỡng truyền thống là yếu tố không thể thiếu để hình thành nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, tôn giáo trong đó chủ thể thực hành là yếu tố góp phần không nhỏ vào sự hình thành bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia. Do du nhập và tồn tại lâu đời nên Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt Nam trên mọi phương diện chính trị, xã hội, văn hóa, đặc biệt là đạo đức.
Đạo đức Ni giới bao gồm giá trị đạo đức, ý thức đạo đức, hành vi đạo đức, quan hệ đạo đức, cùng toàn bộ các phương tiện, thiết chế truyền bá và giáo dục đạo đức của Ni giới trong xã hội. Ngoài ra, đạo đức Ni giới còn có các yếu tố khác như phong tục tập quán, lễ nghi... và các Phật tử.
Nền tảng để xây dựng nền đạo đức Ni giới là giáo lý Nghiệp - Đó là luật Nhân - Quả và sự tác động của nó đối với tiến trình sống của họ; về sự báo ứng của những suy nghĩ, lời nói, việc làm của họ đối với đời sống tu hành. Do vậy, họ chính là chủ nhân của sự hạnh phúc hay đau khổ. Và họ luôn thấu hiểu rằng muốn có đời sống không khổ đau thì mỗi người phải tạo ra “Nghiệp” tốt lành ngay trong suy nghĩ, lời nói, hành động của mình[3], thay vì đi tìm kiếm hạnh phúc nơi đâu xa xôi ngoài kiếp sống thực tại. Đó cũng là điểm xuất phát để giáo lý Nghiệp đi đến chủ trương xây dựng một nền đạo đức nhân bản cho các Ni giới. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa những người tu hành Phật giáo với những người tu hành các tôn giáo khác.
Đạo đức Ni giới được bảo lưu như một lối sống, nếp sống, một thói quen suy nghĩ và giao tiếp và hòa nhập vào nền văn hóa của dân tộc. Những nguyên tắc, giá trị, chuẩn mựccủa Ni giới như Ngũ giới, Thập thiện, Lục hòa, Lục độ…, nhằm hướng tới loại bỏ những điều ác; thực hiện các điều thiện, điều lành; giữ ý thanh tịnh bằng cách đoạn tuyệt với mọi thứ ô nhiễm. Hành vi đạo đức của Ni giới đóng vai trò quan trọng nhằm tiến tới thực hiện nó trong đời sống xã hội như, khuyên mọi người tu tập, phát huy tiềm năng, nội lực của mỗi cá nhân, vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, bình an trong cuộc sống thực tại.
Như vậy, một lối sống thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, có đạo đức gương mẫu, sẽ là những tấm gương sáng cho Phật tử, dân chúng noi theo, tác động tích cực tới suy nghĩ và hành động của mỗi người và do vậy trong cuộc sống thường ngày, đạo đức của Ni giới trở thành điểm tựa về tinh thần một bộ phận lớn người dân. Vì với Ni giới không chỉ giúp người Phật tử nhận thức, tu tập, điều chỉnh hành vi, nhân cách mà còn hướng họ có những hành động sống tốt hơn, giúp nước, giúp đời.
Sự kiện ni giỡi lãnh nhận thêm Bát Kỉnh Pháp
Trong điều kiện đất nước CNH - HĐH và toàn cầu hóa (TCH), những tấm gương đạo đức của các bậc Ni giới tiền bối vẫn còn giữ nguyên giá trị: Tư tưởng nhân ái, cứu nhân độ thế, vị tha của các vị có tác dụng bồi đắp thêm đạo lý làm người, với những tư tưởng, hỷ xả là liều thuốc làm trong sáng đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của Phật tử Việt Nam, trước áp lực của quá trình CNH - HĐH, ĐTH dồn dập và của cạnh tranh khốc liệt của lợi nhuận; tư tưởng khoan dung, hòa bình, khuyến thiện, ngừa ác, có tác dụng thức tỉnh lương tri con người, làm cho con người được sống trong hòa bình, nhân ái[4]
Những năm gần đây, để tiếp bước các tiền bối đi trước, Ni giới đang thâm sâu hơn vào xã hội khi tham gia “nhập thế”. Các Ni giới tích cực tham gia vào những hoạt động xã hội, đạo đức, y tế, giáo dục…của cộng đồng; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vận động quần chúng tham gia vào các công tác từ thiện xã hội như: xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng chùa chiền bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, cùng các hoạt động từ thiện và sinh hoạt văn hóa khác... Qua đó cho thấy, Ni giới đã và đang góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng con người mới, bảo tồn văn hóa dân tộc.
Như đã rõ, trong lịch sử biết bao những Ni sư đã dày công không những phát triển Phật pháp mà còn để lại cho dân tộc những giá trị nền tảng đạo đức xã hội đến tận hôm nay, trước hết phải kể đến Ni sư Diệu Nhân (1041 - 1113), xuất thân là một công chúa triều Lý tên thật là Lý Thị Ngọc Kiều, con gái đầu của Lý Nhật Trung do vua Lý Thánh Tông phong làm công chúa năm 1058 hay Ni trưởng Đàm Soạn, Trụ trì chùa Thanh Nhàn, Từ Hàng - Đức Viên là vị Ni đầu tiên được mời vào cung thuyết giảng cho hoàng hậu, phi tần và nữ quan nhà Nguyễn, người còn tích cực ủng hộ Hội nữ Phật tử Dược Sư Gia Định hiến cúng chùa để thành lập trường Ni sinh. Ni trưởng Đàm Hữu (1911 - 1981), trong thời gian chống Mỹ, Ni trưởng đã tích cực xông pha trận mạc tiếp tế lương thực và là một bậc Giới sư ni đức độ của các đại giới đàn miền Bắc. Hay Ni trưởng Đàm Tín (1899 - 1982) (Hà Tây cũ) trong thời loạn lạc, Ni trưởng vẫn luôn giữ chí nguyện hộ trì Tam Bảo, hướng dẫn người tu học, đi tới nhiều nơi khai mở những vùng đất hoang thành Già lam thắng địa[5].
Ni giới và những điều Phật dạy
Phải nói rằng, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều Ni sư đã lên đường chiến đấu và ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Sau Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, đến việc tự thiêu của Đại đức Thích Nguyên Hương trước tĩnh đường Bình Thuận ngày Mồng 4/8 thì đặc biệt phải kể đến Ni cô Diệu Quang tại Ninh Huệ và biết bao những Ni sư khác đã vì đạo pháp vì dân tộc ngã xuống kiên quyết đấu tranh cho nền độc lập quốc gia. Do vậy, Ni giới Việt Nam nói riêng, Phật giáo Việt nam nói chung ngay từ bước phát triển đầu tiên, đã dấn thân vào dân tộc. Chính vì vậy mà người Việt Nam không ngạc nhiên khi thấy trong lịch sử, vua Lý Nam Đế, khi xây dựng một nhà nước độc lập ngắn ngủi vào thế kỷ VI, đã cho xây ngôi chùa có tên là Khai Quốc, nghĩa là “mở nước”[6]. Chính lẽ đó mà trong một bài viết về nhận thức văn hóa Việt Nam, học giả Phan Ngọc đã phải nhận định về Phật giáo: “Như đã nói trong bài về nhận thức văn hóa, nhiều tôn giáo có tính chất thế giới và phủ nhận vai trò của nước. Đạo Phật là một thí dụ rất rõ. Nhưng đã nhập vào Việt Nam, lập tức Phật giáo bị “khúc xạ” qua lăng kính Tổ quốc Việt nam. Suốt thời Bắc thuộc cho đến thời quân chủ, các nhà sư (Ni sư)[7] đều là những người tận tâm vì Tổ quốc.
Chú thích:
[1] Xem Lê Quý Đức - Hoàng Chí Bảo (2007), Văn hóa đạo đức ở nước ta hiện nay - Vấn đề và giải pháp, tr 7.
[2]Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII.
[3] Các tôn giáo như Ấn giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, thừa nhận sự thống trị, sự quyết định của các thế lực, các sức mạnh tại ngoại đối với đời sống con người.
[4]Xem Đặng Văn Bài (2008), Nhận diện để phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 5.
[5] Xem “Phát huy vai trò của ni giới”. Nguồn Wikipedia.
[6] Chùa Khai Quốc là tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay ở Hà Nội.
[7] Tôi nhấn mạnh và làm rõ thêm vai trò của Ni giới vì thực sự người song hành cùng Phật giáo Việt Nam là các Ni giới, qua câu chuyện Man Nương.