Đức Phật

Sự chấn động của các cõi giới trong thời khắc Đức Phật thành đạo

Chủ nhật, 15/04/2019 08:34

Vào thời điểm quan trọng Đức Phật chuẩn bị thành đạo, cả trái đất chấn động theo các cách: Động, Khởi, Chấn, Dũng, Kích. Bồ Tát đã thành đạo và hợp nhất với tất cả công đức, phẩm hạnh Thân, Khẩu, Ý giác ngộ của mười phương ba đời chư Phật.

>Những triết lý Phật giáo đáng suy ngẫm

Bài liên quan

Ngay trước lúc ánh bình minh ló rạng, Bồ Tát chuẩn bị đạt thành giác ngộ, toàn thân Ngài bay lên giữa không trung ở độ cao bốn mươi chín mét so với mặt đất, tức là gấp 7 lần cây Sala. Tất cả chư Phật đồng hoan hỉ và tán thán Bồ Tát: “Như chúng ta đã đạt giác ngộ như thế nào, Người cũng đã đạt thành giác ngộ như vậy”. Từ đó trở đi, Bồ Tát được xưng tụng là “Đức Phật”, tiếng Phạn có nghĩa là “ Đấng Toàn Giác”. 

Hiện tượng siêu việt này là thể hiện chiến thắng vang dội của Bồ Tát trước thế lực hắc ám của Ma vương ngăn cản Ngài đạt giác ngộ, đồng thời là minh chứng đánh tan tất cả những nghi ngờ về trí tuệ thanh khiết, sáng trong không tỳ bợn nhơ của Đức Phật, trí tuệ Ngài chính là ánh sáng quang minh chiếu diệu vũ trụ và sự giải thoát luân hồi vĩnh viễn.

Theo tác phẩm "Phật sở hành tán", sự giác ngộ của đức Phật được nhận biết qua các dấu hiệu khác nhau:

1. Sự giao cảm của vũ trụ: Trái đất chấn động, mưa hương thơm tuôn xuống từ bầu trời không mây, hoa thơm nở tươi thắm, trái ngọt chín rộ dầu chưa đến mùa, các loại hoa báu như hoa ma-ha-mạn-đà-la tuôn rải từ trong hư không để cúng dàng Bậc đại giác;

2. Chư Phật mười phương và chư thiên các cõi trời xưng tán oai đức của Ngài và rải hoa thơm cúng dường;

3. Loài người trong nhân gian cảm thấy an bình và hoan hỷ khôn cùng.

4. Tất cả các vị quỷ thần từ mười phương gồm Indra thuộc phương đông, Yama thuộc phương nam, Varuna thuộc phương tây, Yasha thuộc phương bắc, Agnideva thuộc phương đông nam, Raksha thuộc phương tây nam, Vayudeva thuộc phương đông bắc, Bhuta thuộc phương tây bắc, Brahma thuộc thượng phương, Vanadevi thuộc hạ phương đồng tề tựu về và thề nguyện sẽ trở thành hộ pháp bảo vệ đạo Phật.

Họ nguyện bảo vệ cho tất cả những ai phát tâm học hỏi, tu tập và thực hành thiền theo lời Phật dạy. Giáo Pháp của Đức Phật nằm trong Tam Tạng kinh điển, nội dung chú trọng về rèn luyện đạo đức và đặc biệt nhấn mạnh việc trì giữ giới luật. Phần lớn những bài thuyết giảng của Đức Phật đề cập đặc biệt về việc rèn luyện định lực và bao gồm tri kiến, phương pháp để trau dồi trí tuệ.

Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật như thời khắc Ngài đản sinh, hàng phục Ma vương, đạt thành giác ngộ và nhập Đại Niết Bàn. Tất-đạt-đa (người thành tựu mọi ước nguyện của mình), Thích-ca Mâu-ni (bậc thánh của dòng họ Thích-ca), đức Thế Tôn (bậc tôn quý trong cuộc đời)… tất cả những danh xưng cao cả, những thánh hạnh cao đẹp, những phẩm tính siêu phàm nhất của đức Phật đã được thành tựu và hiển lộ trọn vẹn ngay trong thời khắc huy hoàng khi Ngài thành đạo.

Những người con Phật coi đây là thời điểm linh thiêng, cát tường nhất trong năm. Ngày này hàng năm là ngày hội truyền thống trong đạo Phật, Phật tử khắp mọi nơi trên thế giới tổ chức kỷ niệm vô cùng long trọng, thậm chí đối với truyền thống Đại thừa, ngày này còn được coi là quan trọng hơn cả Tết mừng năm mới.

loading...