Sách Phật giáo

Sự nghiệp hoằng pháp của người tu sĩ

Thứ hai, 21/11/2017 03:15

Người hoằng pháp được ví giống như một chú ong đi lấy mật, mà không làm tổn hại đến hương sắc của muôn loài hoa. Cùng với cái nhìn toàn diện trên mọi mặt, người tu sĩ đem trong mình sứ mệnh cao cả “vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương thưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc, cho chư thiên và cho loài người”. Cùng với những phân tích về mặt thực tế, cũng như những giải pháp đề ra, hy vọng bài tham luận sẽ góp phần đem đến những phân tích cũng như một cái nhìn toàn diện hơn về chủ đề “Sự nghiệp hoằng pháp của người tu sĩ”.

1. Tầm quan trọng của hoằng pháp

Hoằng pháp là một sứ mệnh quan trọng của tôn giáo giáo nói chung và của Phật giáo cũng như của người tu sĩ nói riêng trên hành trình chia sẻ tình yêu và chân lý cho chúng sinh với lý tưởng “vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương thưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc, cho chư thiên và cho loài người” như lời đức Phật đã nói lên lời dạy tha thiết cho nhân loại, lời dậy cũng đã trở thành cương lĩnh, nêu rõ trong đó thông điệp của việc hoằng pháp: 

“Này các tỳ kheo!... hãy lên đường vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả hãy truyền bá chánh pháp… Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện chí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác, được vậy là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ”.

Với sứ mệnh cùng tình yêu vô bờ bến dành cho chúng sinh, trong Phật giáo người tu sĩ như những sứ giả, cả cuộc đời mình đem chánh pháp truyền và lan rộng cho chúng sinh để những chân lý và sự giải thoát trong cuộc sống đa sắc màu của nhân loại, những chánh pháp ấy không phải là những niềm tin suông, sự mặc khải của thần thánh mà là chân lý của vũ trụ của nhân sinh, thực tiễn được biết đến một cách vi diệu nơi mỗi con người, mỗi ngõ ngách của cuộc sống và mỗi thời đại.

2. Bản chất của hoằng pháp và sứ mệnh của người tu sĩ
2.1. Bản chất của hoằng pháp

Trải qua các giai đoạn thăng trầm hơn 2000 năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam, sự nghiệp hoằng pháp của người tu sĩ đã đạt được những thành tựu nhất định. Gần 20 thế kỷ có mặt trên đất nước Việt Nam, Phật giáo đã hòa quyện trong nền văn hóa dân tộc, đã trở thành mạch sống dân tộc qua những câu ca dao:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”
Hay những vần thơ như:
“Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm”

Và để đạt được những thành tựu trải qua bao nhiêu sóng gió thời gian như vậy thì con đường hoằng pháp cần hội đủ hai yếu tố: đầu tiên, nội dung hoằng pháp; tiếp theo, là con người hoằng pháp. Người tu sĩ cống hiến tất cả cuộc đời mình cho tình yêu chúng sinh v những chân lý không phải để được ban thưởng đời này hay đời sau, không phải để vinh danh một vị thần linh nào, không phải để mở rộng, để tạo thành một đế chế trong một quốc gia hay toàn thế giới, mà sâu xa hơn tất cả: động cơ hoằng pháp của người tu sĩ là long lân mẫn đối với thế gian. Mục đích của hoằng pháp trong Phật giáo là vì lợi lạc, vì hạnh phúc của số đông và vì sự tốt đẹp cho cuộc sống thế gian.

2.2. Sứ mệnh của người tu sĩ

Người tu sĩ, người cống hiến cuộc đời mình phụng sự chúng sinh.Mạch sống của Phật giáo là nguồn suối tuôn chảy bất tận, cuộc đời người tu sĩ với sự nghiệp hoằng hóa cùng những cống hiến không ngừng cho chân lý, nỗ lực không bao giờ mệt mỏi là yếu tố quyết định vô cùng quan trọng cho sự sống của Phật giáo trong quá khứ, hiện tại và mãi mãi về sau.

Sở dĩ qua bao thế kỷ, mọi người hiểu về đạo và hướng về Phật pháp là do công hoằng hóa của lớp lớp các bậc giảng sư từ bao đời, bao thế hệ. Quí ngài đã tận tâm, tận lực, cạn lời giáo hóa chúng sanh đời ngũ trược cang cường. Ngày nay tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp của đức Thế Tôn, suy nghĩ đến con đường lý tưởng, hóa độ chúng sanh mà mỗi người cư sĩ nói chung, mỗi người tu sĩ nói riêng cần học hỏi tinh tấn, hoạch định đường hướng, nghĩa vụ hoằng pháp trong giai đoạn hiện tại để thích nghi và phát triển lợi lạc cho cộng đồng xã hội cũng như chính bản thân mình.

Bản thân người tu sĩ cần hiểu về sự nghiệp hoằng pháp là sự nghiệp thiêng liêng của cuộc đời mình dành cho nhân loại.Tính kế thừa và phát huy là nhiệm vụ thiêng liêng hàng đầu của người tu sĩ trong vai trò hoằng pháp. Giáo pháp kinh điển Đại thừa cho phép hành giả dấn thân bằng những phương tiện khác nhau, mà chư Tổ đã thành công trong việc truyền bá hóa đạo lợi ích cho đất nước, dân tộc cho sự sống đạo Phật mãi còn. Do vậy một vị giảng sư cần nhận chân rõ về mối quan hệ tương tác giữa các bộ phái Phật giáo, các nền triết học tư tưởng của chư vị Tổ sư. 

Đây được xem là yêu cầu tất yếu của người tu sĩ trong sự phát triển của các bộ phái Phật giáo theo địa sứ, thời gian nhằm đáp ứng căn tánh đa dạng của chúng sanh, phù hợp với nhu cầu tìm hiểu tri thức của con người qua mọi thời đại. Tại Việt Nam, đạo Phật phát triển theo thời gian, hòa nhập vào các mặt của đời sống xã hội như: văn hóa, chính trị và giáo dục. Trong quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam có những khuynh hướng hoằng pháp khác nhau, rải rác đâu đó còn tồn tại những hủ tục, mê tín thần quyền ăn sâu và quần chúng phật tử, vì lý do này mà vai trò nhân sự trong Phật giáo cũng như sự nghiệp hoằng pháp của người tu sĩ đòi hỏi phải được nhân rộng, nhiệm vụ giảng sư phải từ am hiểu đến thấu hiểu thân cận với tín đồ. 

Cùng với đạo đức, tài trí, sự nỗ lực học hỏi và tình yêu người tu sĩ mới có thể góp phần tháo gỡ những khuất mắc trong tâm trí tín đồ giúp từng cá nhân tìm ra được con đường trong nhận thức cũng như hành động thực tiễn. Người tu sĩ như một cầu nối là kho tàng sống của chánh pháp để trao truyền giáo lý đến cuộc sống nhằm khai ngộ chúng sanh. Sự hưng thịnh của Phật giáo cũng như những lý tưởng tuyệt đẹp của Phật giáo dành cho cuộc sống nhân loại phụ thuộc lớn vào lối sống, cung cách hành đạo của lớp lớp thế hệ người tu sĩ. 

Từ sứ mệnh thiêng liêng này, bản thân mỗi người tu sĩ cần hội tụ các yếu tố về: tầm nhìn, khả năng vận dụng, hành trang của người hoằng pháp. Về tầm nhìn, một hoằng pháp viên cần hiểu biết rõ ràng về phương diện lịch sử cũng như quá trình phát triển của Phật giáo từ khởi nguyên cho đến hiện tại, cũng như hiểu một cách thấu đáo mối quan hệ tương hỗ giữa các hệ thống triết học của đạo Phật, các hệ thống triết học của lịch sử phát triển của loài người. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tầm nhìn này vẫn cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa và đã có một thực tế phát sinh trong hệ thống đề tử của Phật giáo đó là tầm nhìn chưa được phát huy theo hướng tích cực, chủ nghĩa bộ phái, khuynh hướng đề cao cá nhân cũng đã có ảnh hưởng rõ nét trong tư duy của nhiều đệ tử Phật giáo. Một thực tế nữa, đó là khả năng thích nghi của Phật giáo trong cuộc sống thay đổi và phát triển không ngừng của thế giới. 

Việc toàn cầu hóa, xu hướng của thế giới phẳng đang diễn ra, đó là một vấn đề lớn để hệ thống Phật giáo cũng như từng thành viên hoằng pháp cần tìm ra giải pháp cũng như những phân tích đón nhận sự thay đổi một cách chủ động để Phật giáo mãi mãi phát huy được sứ mệnh cao đẹp của mình.Việc thấu hiểu những tín đồ của đạo Phật cũng là một thách thức với những người tu sĩ, trong các tín đồ của đạo Phật có những thành viên mang trong mình đặc điểm của tính thần quyền, cầu xin, cứu rỗi có thể tạo nên ảnh hưởng đối với hệ thống tín đồ Phật giáo như những hệ lụy làm xói mòn, suy yếu dần truyền thống tâm linh Phật giáo bên cạnh sự thay đổi có cả chiều hướng tích cực, tiêu cực của đạo đức, văn hóa, giáo dục trong bối cảnh Việt Nam. Đây là một thách thức đối với người tu sĩ với sứ mệnh hoằng pháp trong việc tìm ra phương hướng hoằng pháp phù hợp trong bối cảnh thời đại.

3. Những giải pháp trong việc phát triển sự nghiệp hoằng pháp

Để người tu sĩ hoàn thành sứ mệnh truyền bá của mình, cần sự nỗ lực chung của từng cá nhân, của cả hệ thống Phật giáo trong việc xây dựng chiến lược hoằng pháp hiệu quả về mặt quy mô cũng như chất lượng. Bên cạnh những phương pháp hoằng pháp truyền thống giúp con người cảm thấy tìm được nơi chốn bình yên trong những mất mát của cuộc sống, tìm thấy niềm tin để tiếp tục vững bước trên những thử thách thì Phật giáo nỗ lực hơn nữa để giúp người đời phát triển, hoàn thiện hệ tư duy của chính con người về các mặt của cuộc sống và cũng từ đó hiểu thấu chân lý vận động của tự nhiên, xã hội, tư duy, tự tin với lý tưởng sống trên con đường mà các tín đồ lựa chọn.

Vai trò nhiệm vụ hoằng pháp tại các vùng miền khác nhau cần được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để chia sẻ niềm tin và tình yêu cho các tín đồ theo nhận thức luận đúng đắn. Ngành hoằng pháp cần dần dần nghiên cứu và phát triển phương pháp hoằng pháp rõ ràng cho từng lớp đặc điểm tín đồ, lớp lứa tuổi khác nhau. Để tín đồ đi theo để hiểu chánh pháp không chỉ mang tính phong trào, thời vụ mà hiểu sâu xa về những ý nghĩa thực sự của Phật giáo.

Hoàn thiện hơn nữa hành trang của người tu sĩ, có những sự chuyển biến quan trọng trong công tác hoằng pháp như sự tham gia của các tăng ni trẻ vào các hoạt động của Phật giáo. Đưa đạo vào từng ngõ ngách của cuộc sống thông qua công tác từ thiện, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, nơi vùng kinh tế nghèo như vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, dường như những hoạt động còn nhiều tính tự phát, nó cũng mang đến những đóng góp tích cực cho cuộc sống, tuy nhiên về mặt tổ chức thì những người tu sĩ cần hệ thống hóa và phát triển để đạt được sự thẩm thấu sâu sắc hơn nữa về tình yêu của Phật giáo dành cho nhân loại.

Mỗi người tu sĩ đi truyền niềm cảm hứng cho chính lớp tu sĩ nói chung và cho những người hoằng pháp nói riêng, quá trình nỗ lực không chỉ là sự nghiên cứu những lý thuyết mà còn là sự ứng dụng giáo lý Phật giáo vào cuộc sống hàng ngày.

4. Kết luận vấn đề
“Thí như phong thái hoa
Bất hoại sắc dữ hương
Đãn thủ kỳ vị khứ
Tỳ kheo nhập tự nhiên

Bất vi lệ tha sự
Bất quán tác bất tác
Đản tự quá thân hành
Nhược chính nhược bất chính”

Người hoằng pháp được ví giống như một chú ong đi lấy mật, mà không làm tổn hại đến hương sắc của muôn loài hoa. Cùng với cái nhìn toàn diện trên mọi mặt, người tu sĩ đem trong mình sứ mệnh cao cả “vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương thưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc, cho chư thiên và cho loài người”. Cùng với những phân tích về mặt thực tế, cũng như những giải pháp đề ra, hy vọng bài tham luận sẽ góp phần đem đến những phân tích cũng như một cái nhìn toàn diện hơn về chủ đề “Sự nghiệp hoằng pháp của người tu sĩ”.

Tham luận của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Giang
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)
loading...