Kiến thức
Sự thanh tịnh tâm hồn là niềm an lạc nhiệm mầu
Thứ năm, 01/10/2022 03:36
Tùy theo quan niệm sống của mỗi người mà cảm thụ hạnh phúc, vui sướng với những cung bậc và cấp độ khác nhau. Sống mà không có mảy may an vui và hạnh phúc thì chẳng khác nào đang thọ hình trong cõi ác, đọa xứ.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:
Có hai loại lạc này, này các Tỷ kheo, thế nào là hai? Lạc tại gia và lạc xuất gia. Tối thắng trong hai lạc này là lạc xuất gia.
Có hai loại lạc này, này các Tỷ kheo, thế nào là hai? Dục lạc và viễn ly lạc. Tối thắng trong hai lạc này là viễn ly lạc.
Có hai loại lạc này, này các Tỷ kheo, thế nào là hai? Lạc sanh y và lạc không sanh y. Tối thắng trong hai lạc này là lạc không sanh y.
Có hai loại lạc này, này các Tỷ kheo, thế nào là hai? Lạc thuộc thân và lạc thuộc tâm. Tối thắng trong hai lạc này là lạc thuộc tâm.
Có hai loại lạc này, này các Tỷ kheo, thế nào là hai? Lạc bậc Thánh và lạc không phải bậc Thánh. Tối thắng trong hai lạc này là lạc bậc Thánh.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Lạc, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.150)
Lời bàn:
Đi tìm hạnh phúc là nhu yếu, mong cầu chính đáng của con người. Tùy theo quan niệm sống của mỗi người mà cảm thụ hạnh phúc, vui sướng với những cung bậc và cấp độ khác nhau. Sống mà không có mảy may an vui và hạnh phúc thì chẳng khác nào đang thọ hình trong cõi ác, đọa xứ. Do vậy, dù mỗi người một hoàn cảnh, lý tưởng sống khác nhau nhưng chung quy họ đều nỗ lực tìm kiếm và hướng về an vui, hạnh phúc.
Hạnh phúc trong cuộc sống đối với mọi người thường là đầy đủ sức khỏe, ít bệnh hoạn, kế đến là thỏa mãn những nhu cầu của các giác quan, sở hữu càng nhiều về vật chất, tiền bạc, tình cảm, danh tiếng và ngủ nghỉ… cùng các lạc thú nói chung. Tuy nhiên, việc chạy theo ngũ dục nhằm tìm kiếm và kiến tạo hạnh phúc thật mong manh, bởi chúng khó tìm nhưng dễ mất. Đó là chưa kể đến khi đã đứng trước bến bờ hạnh phúc thì sức cùng lực kiệt hay phải trả giá đắt cho những toan tính cùng niềm ân hận đến suốt đời.
Người tu thì ngược lại, họ chối bỏ những lạc thú thế tục nhưng vẫn không ngoài mục tiêu tìm kiếm niềm an lạc thoát tục. Khác với hạnh phúc của người đời là chiếm hữu, hạnh phúc của người xuất gia là buông bỏ. Càng buông bỏ, xả ly, sẻ chia, sống vì mọi người thì hạnh phúc càng lớn, đó chính là viễn ly lạc. Mặt khác, ở cấp độ thô, hạnh phúc là thỏa mãn những nhu cầu của thân như ăn, mặc, ngủ nghỉ… Đi sâu vào nội tâm, sự thanh tịnh tâm hồn là niềm an lạc nhiệm mầu. Những ai trải nghiệm thiền định đều kinh nghiệm sâu sắc về niềm vui tịch tịnh của nội tâm vắng lặng.
Niềm vui và hạnh phúc chân thật, vững bền nhất là hỷ lạc của các bậc Thánh. An lạc phát khởi khi tham sân si phiền não bị triệt tiêu, khát ái được đoạn tận, vô minh bị xóa sạch, bậc Thánh an trụ trong niềm tịnh lạc, giải thoát, Niết bàn.