Kiến thức

Sự tích cái mõ

Chủ nhật, 26/10/2023 08:18

Thuở xưa, có một Sư Cụ quá giang trên một chiếc đò sang sông, đang ngồi niệm Phật. Thình lình lượn sóng từ xa phăng phăng lướt tới, giữa lúc trời quang mây tạnh, chiếc thuyền nghiêng lắc do những lượn sóng dập dồn, làm cho hành khách hoang mang lo sợ lính quính kêu la.

Nhưng xem kỹ lại chẳng phải là sóng gió bão bùng, mà là một con cá Kình thật to dài đuồng đuột đang rẽ nước định phóng vào đám đông người, trong ấy có cả Sư Cụ nữa, lội tới tận thuyền nó cất tiếng kêu lớn:

- “Hãy ném lão ác Tăng xuống nước, đặng ta dìm chết quách cho rồi đi ta mới hả giận. Ngày trước ta theo lão tu hành, ta biếng nhác giải đãi, chỉ lo ăn ngủ, không lo chăm học kệ kinh, giới luật chẳng nghiêm trì, lén bỏ việc chùa chiền rong chơi ngoài thế sự, tháp chùa không dọn quét, Phật tượng chẳng lau chùi. Thế mà lão không nghiêm trách phạt răn, để cho đến nỗi ngày nay ta bị đọa làm loài súc sanh, mang thân cá kình to lớn này thật là khổ sở, lội tới đâu ồn ào tới đó, chẳng còn con mồi nào ở yên cho mà ăn, đói khát hơn ngạ quỷ. Vì thế mà ta oán lão đó thôi, chớ hành khách trong thuyền ta không hại ai cả”.

Sư Cụ cười nói:

“Thế thì mi còn si mê nữa, đạp gai thì phải lấy gai mà lể, phạm tội thì phải bòn phước mà trừ, cần lo tu trải ăn năn sám hối cho nghiệp dứt phước sanh. Ta đã làm thầy ngươi, lúc ngươi còn sanh tiền ngươi lầm lỗi, mỗi khi hành phạt nhắc thức ngươi, thì ngươi cằn nhằn nói là nghiêm khắc, tu hành sao còn hay rầy hay nói, còn để cho ngươi tự do phóng túng thì ngươi phải đoạ thú thân. Hôm nay đã phải đọa, thì mách bảo cho ta biết để tụng kinh chú nguyện cho mi siêu độ, nếu mi dìm ta chết rồi ai cứu mi. “Phạm Phật Tăng cứu, phạm Tăng Phật bất độ”, súc sanh kia mi có nhớ câu đó chăng?”

Mõ được chạm trổ theo hình con cá với thâm ý là muốn thức tỉnh con người cũng như chúng hữu tình đang còn trong mê muội, u trầm.

Mõ được chạm trổ theo hình con cá với thâm ý là muốn thức tỉnh con người cũng như chúng hữu tình đang còn trong mê muội, u trầm.

Sư cụ quở dứt lời, cá kình lặn xuống nước, bảy hôm sau tiếng cầu kinh vang rền cả chùa, cá kình trườn đến sau chùa nằm dài thượt cất tiếng bạch rằng:

“Bạch Sư Cụ! Con nhờ oai đức của sư cụ và chư Tăng Ni cầu nguyện cho con được thoát kiếp kình ngư, sanh lên cõi trời, trước khi sanh lên Thiên đường hưởng sự nhàn lạc nơi cảnh thiên đường, con xin gởi mảnh thân cứng rắn này để làm gương muôn đời cho Tăng chúng và cũng là một bài học để trau tâm. Mỗi khi đặt dùi mõ lên đầu cá thì nhớ bổn phận tu thân hành đạo, biết sợ tội lỗi và chớ phạm thượng đối với bề trên”.

Vì sự tích đó mà sau này các chùa người ta đẽo mỏ giống đầu cá, gọi mỏ cá, mỏ kình; tiếng chày kình cũng do đó mà ra.

Sự tích này cũng là một cái gương để cho nhà đạo soi chung, noi theo đây tinh tấn tu hành và biết y theo nghiêm lịnh của Giáo hội mà nhất là Sa-di cần phải cẩn thận về lời nói, ý niệm, cử chỉ và hành vi của mình đối với bậc bề trên. Khi có lỗi các bậc thầy răn dạy phải ăn năn sám hối, cầu xin xả đoạ cho mình được nhẹ nhàng, từ đó về sau phải lo trau tâm sửa tánh, không dám tái phạm để khỏi phụ lòng các bậc Thầy. Chớ chẳng phải lầm lỗi rồi khi bị rầy đem lòng oán hận vô lễ bất kỉnh tỏ bày những cử chỉ nghịch ngợm cứng cỏi. Mặc dù sa di có tâm sân hận đối đãi như thế, nhưng bậc bề trên không chấp nhứt, mà còn thương hại cho sa-di sau này phải đọa.

Vậy khuyên sa-di phải khiêm nhường, nhẫn nhục, nhu nhã, thuận hoà, lễ phép, cung kỉnh bề trên, yêu vì bạn đạo. Sa-di phải biết sợ tội lỗi, ăn năn, sám hối, sửa đổi tánh tình, vui chịu với mọi cảnh ngộ, sa-di phải nhớ bổn phận của mình cư xử sao cho phải đạo với bậc thầy. Ví dầu có gặp phải Thầy dốt học cũng phải vâng lời, kỉnh người về đạo đức chớ buông ý dể khinh, vì trong đạo tràng chỉ dùng cây thước đạo đức mà đo trình độ, chớ ỷ tài mà kém đức thì không nên.

Như vậy, sa-di dầu gặp thầy thông minh hay dốt học thì cũng phải giữ tròn bổn phận làm trò, chớ trái ý, chớ tự do, mà phải nương tùng thì sa-di ấy sẽ nên nhà đạo hoàn toàn và sẽ đắc quả, vì lẽ biết sợ tội lỗi, siêng lập công bồi đức tinh tấn tu hành.

loading...