Kiến thức

Sự tiếp nối của một nụ hoa

Thứ hai, 10/02/2024 06:15

Có những sự trao truyền đến từ bên ngoài mình nhận được từ những hình ảnh đẹp, âm thanh hay, mùi hương, pháp vị và chúng cũng trở thành con người của mình. Cũng có những sự trao truyền và lặp lại đem đến bệnh hoạn và khổ đau, nhưng cái may mắn là con người không phải tuân theo hoàn toàn thuyết định mệnh.

Một điều thú vị là khi quán sát các cành cây, chúng ta thấy được có một sự lặp lại trong cái mô hình (repeating patterns) của thân cây và cành cây. Trong sinh vật học (biology), sự lặp lại này được gọi là Fractal. Ví dụ như trong nhành cây này, mình thấy nó bắt đầu từ một thân chung, rồi nó chia ra, chẻ ra làm 3 nhánh. Mỗi một nhánh sau đó chính nó lại chẻ ra làm 3, rồi mỗi một nhánh nhỏ này lại chẻ ra làm 3, và cứ tiếp tục như vậy.

Khi mình bẻ ở mỗi đoạn như vậy, thì mình thấy đoạn này là sự lặp lại của đoạn kia. Bụt cũng đã dạy về điều này trong giáo lý “Tam luân không tịch”. Trong sự trao truyền, người trao truyền, người tiếp nhận sự trao truyền, và vật được trao truyền là một, không hề sai khác. “Tam luân không tịch” nghĩa là như vậy. Ví dụ khi nói về cha mẹ và con cái, mình thường nghĩ rằng: “Cha khác với con, mẹ khác với con. Chồng khác với vợ. Họ là những người khác nhau.”

Nhưng từ hơn 2500 năm về trước, Bụt đã dạy rằng ba sự trao truyền này đều trống rỗng. Không có tu học thì khi nhìn vào người con hoặc một người trong tăng thân của mình, mình sẽ thấy người đó khác mình. Cơ thể của người đó, những tư duy và cảm thọ của người đó là khác mình. Người con, người cha, mẹ, anh chị em, bạn đồng tu, hoặc người hôn phối của mình là khác mình. Nhưng khi có sự tu học và có sự nhìn lại, mình sẽ thấy được mình trong họ và họ trong mình.

Giây phút tiếp nối với tổ tiên

419885232_710559034510458_2727250262576837251_n

Thiên nhiên dạy chúng ta tất cả những bài học này, rằng sự trao truyền được lặp lại, chính nó được tiếp nối. Khoa học chứng minh được điều này. Khi tinh trùng của người cha nhập vào trứng của người mẹ, thì tinh trùng đóng góp 23 nhiễm sắc thể của người cha và trứng đóng góp 23 nhiễm sắc thể của người mẹ. 23 nhiễm sắc thể từ người cha chứa đựng tất cả các thông tin di truyền của người cha dưới dạng gen. 23 nhiễm sắc thể từ người mẹ chứa đựng tất cả thông tin di truyền của người mẹ. Không phải chỉ màu mắt, màu tóc, hình dáng của thân thể, mà những bệnh di truyền như bệnh huyết áp cao, bệnh tiểu đường, nhiều loại bệnh ung thư cũng được trao truyền. Những cá tính, lề thói tư duy và tập khí cũng được trao truyền. Tất cả những gì trong chúng ta đều là kết quả của sự trao truyền từ tổ tiên và sự trao truyền này có sự lặp lại.

Trong y khoa có một bệnh gọi là Huntington’s Chorea. “Chorea” là từ chữ choreography, nghĩa là điệu múa. Người có bệnh này thì hai cánh tay luôn di động như đang múa, và người đó không thể nào làm chủ, dừng lại hai cánh tay của mình. Những nhà di truyền học nhìn vào cấu trúc gen và khám phá rằng có sự lặp lại trong ba chuỗi phân tử DNA (CAG). Ví dụ như bộ mã CAG trong người cha được lặp lại 30 lần, thì người cha dù mang mầm bệnh nhưng không biểu hiện bệnh này. Nhưng nếu người con sinh ra và lớn lên với những điều kiện nội tại và ngoại tại nào đó mà CAG được lặp lại hơn 36 lần (nếu ít hơn 30 lần thì không bệnh, nhưng hơn 36 lần là mang bệnh) thì người con sẽ biểu hiện bệnh Huntington’s Chorea. Nhìn người cha không thấy cái bệnh, nhưng nếu nhìn vào tận nguồn, mình thấy người cha mang mầm của căn bệnh và đã trao truyền cho con của mình. Có những sự lặp lại đưa đến sự sống. Chúng cần thiết và xảy ra thường xuyên trong thiên nhiên và trong con người. Ví dụ như sự lặp lại trong các loài cây cỏ – nếu không có cây cỏ, chúng ta không thể sống được. Nếu không có sự lặp lại của các gen chúng ta cũng sẽ không có sự sống. Ý thức điều này trong khi tu học giúp chúng ta sáng suốt chọn lựa và làm chủ những gì mình nên lặp lại.

Có những cái rất đẹp mà tổ tiên, cha mẹ đã trao truyền cho mình, và mình có thể tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển. Trong sinh hoạt tăng thân với nhau cũng có những sự trao truyền rất đẹp từ chánh pháp mà mình có thể học hỏi, đem vào con người của mình và sống được. Đối với riêng con, sống với Tăng thân không những con học được từ Sư Ông, mà con cũng học được rất nhiều từ các thầy, các sư cô, các sư anh, sư chị, sư em của con. Giống như con vịt con đi sau lưng con vịt mẹ, nó bắt chước cách đi của mẹ nó. Mình cũng vậy, có những cái đẹp từ bên trong đã được ghi mã trong mỗi tế bào của mình. Cũng có những sự trao truyền đến từ bên ngoài mà mình nhận được từ những hình ảnh đẹp, âm thanh hay, mùi hương, pháp vị và chúng cũng trở thành con người của mình. Cũng có những sự trao truyền và lặp lại đem đến bệnh hoạn và khổ đau, nhưng cái may mắn là con người không phải tuân theo hoàn toàn thuyết định mệnh.

Theo thuyết định mệnh, trao truyền như thế nào thì sự tuân theo và sự lặp lại phải y như thế đấy, như trong sự lặp lại của thân cây và các cành cây. Con người có khả năng chọn lựa, chuyển hoá và trị liệu. Con người có thể hướng năng lượng của mình. Ví dụ như khi đi tu, người tu có cơ hội thay đổi được thân và tâm của mình như trong câu: Phát túc siêu phương, tâm hình dị tục. Mình học ăn, nói, đi, đứng, nằm, ngồi có chánh niệm, có uy nghi, nên phong cách của thân mình sẽ thay đổi.

Mình học tư duy và nhìn vào các hiện tượng của tâm khác thường lệ, nên thái độ và những tâm hành của tâm mình cũng thay đổi. Nếu chúng ta có nhiều kiến thức, ngay cả kiến thức Phật học, nhưng không áp dụng được, thì thân tâm của chúng ta vẫn phản ứng và hành xử theo lề thói trước kia. Nhưng nếu chúng ta tu tập và nhìn sâu, chúng ta sẽ khám phá và chế biến được những áp dụng thực tiễn. 

*Sư cô Đẳng Nghiêm hiện đang tu tập tại Tu viện Lộc Uyển, Mỹ. Trước khi xuất gia, sư cô đã tốt nghiệp Y khoa tại UC San Francisco, Mỹ. Trên đây là trích đoạn chia sẻ từ cuốn sách “Áo vách núi” – tuyển tập những hoa trái tu tập của sư cô trong 18 năm qua.

loading...