Đức Phật
Sự từ bỏ vĩ đại
Thứ bảy, 17/03/2024 02:35
Ngược dòng lịch sử trở về nơi xứ Ấn, cách đây hơn 2600 năm, có một sự kiện lịch sử trọng đại, đó là kỷ niệm ngày xuất gia của thái tử Tất Đạt Đa, phải chăng hành trình ra đi của Ngài là một sự từ bỏ vĩ đại?
Như chúng ta đã biết, cuộc sống con người là cả một quá trình phấn đấu với bản thân để đạt được ước mơ và hoài bão, vì người ta cho rằng:“ Ước mơ là chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống, là mục tiêu thúc đẩy con người hướng về phía trước”, cũng vì điều đó mà con người phải vất vả tìm cầu. Ấy thế mà, thái tử Tất Đạt Đa có đầy đủ mọi thứ, nhưng Ngài đã từ bỏ tất cả để đi tìm chân lý tối thượng. Như vậy, sự ra đi của Ngài có ý nghĩa gì đối với đời sống nhân loại, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Trước hết, sự xuất thân của thái tử rất đặc biệt, Ngài là một đông cung thái tử, hưởng thụ đầy đủ ngũ dục thế gian, một cuộc sống mà bao người mơ ước, nhưng Ngài lại dễ dàng từ bỏ, thử hỏi trên đời này có mấy ai làm được?
Với cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, thấy được nỗi thống khổ của nhân sinh, thái tử nhận ra rằng chính lòng tham ái đã trói buộc con người vào vòng trầm luân đau khổ, cũng từ đó Ngài quyết chí xuất gia, tìm chân lý giải thoát cho nhân loại.
Nghĩ về sự từ bỏ vĩ đại của Đức Phật để xem lại chúng ta đã “từ bỏ” được những gì?
Vào ngày mùng 8/2 âm lịch, năm 623 trước Công nguyên, tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ, nơi thái tử Sĩ Đạt Ta sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, trong tình yêu thương của hoàng tộc. Vì cảm nhận được nỗi khổ đau của cuộc đời, sự sống mong manh, cái chết vô thường...biết bao nhiêu thứ mà con người phải đối mặt, làm cho thái tử cứ mãi thao thức suy tư. Thế rồi, sau một đêm yến tiệc linh đình, mọi người trong kinh thành đã chìm sâu vào giấc ngủ, Thái tử Tất Đạt Đa từ giã vợ con lần cuối, rồi cùng người hầu cận Sa Nặc ra đi trong màn đêm tăm tối.
“Trời tối nhân gian mờ mịt quá
Giờ này Thái tử định đi đâu?
Chính vì trời tối nên Ta phải
Đi để tìm ra ánh đạo mầu”
Sự ra đi của thái tử phải chăng là một cuộc chinh phục vĩ đại, một sự từ bỏ có một không hai trong lịch sử loài người, cũng từ đó dệt nên trang sử vàng cho Phật giáo. Quá trình ra đi của thái tử, được ghi lại trong kinh Trung Bộ, bài kinh Thánh Cầu như sau: “ Này các Tỳ-kheo, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son của cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ….”. Ngài từ bỏ mọi phú quý vinh hoa, suốt 5 năm tầm đạo, 6 năm khổ hạnh, trải biết bao vất vả gian lao, chỉ mong tìm ra chân lý, giúp nhân loại thoát khổ được vui.
Cũng vì “sanh tử sự đại”, thái tử không màng đến hạnh phúc cá nhân, lòng chỉ luôn ấp ủ một hoài bão lớn. Do vậy, con đường Ngài đi là cả một hành trình chiến đấu và nỗ lực của tự thân, cuối cùng Ngài đã chứng ngộ giáo Lý duyên khởi, sau 49 ngày đêm thiền quán dưới cội Bồ đề, thành bậc Chánh đẳng Chánh giác, hiệu là Thích ca Mâu Ni Phật.
Sự ra đi của thái tử là một sự hy sinh to lớn, một sự từ bỏ vĩ đại, lúc mới xuất gia Ngài từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lúc tu khổ hạnh Ngài từ bỏ phương pháp sai lầm, vì nó không đưa đến mục đích tối thượng. Khi đạt được mục đích tối thượng rồi, Ngài tận tâm thuyết pháp độ sinh cho đến ngày công viên quả mãn.
Có thể nói, cuộc đời của thái tử Tất Đạt Đa từ lúc xuất gia cho đến chứng ngộ là cả một hành trình gian khổ, chiến đấu với tự thân “Tự mình tu tập, tự mình chứng ngộ” một ý chí mạnh mẽ kiên cường, dù con đường Ngài đi có chướng ngại thế nào cũng không bao giờ từ bỏ, pháp tu này không thích hợp chuyển đổi pháp tu khác, cuối cùng Ngài quyết định đến cội cây Bồ đề thiền quán và phát nguyện: “Nếu ta ngồi nơi đây mà không đắc đạo, thì dù cho thịt nát xương tan, ta quyết không rời khỏi cội cây này”. Một con người phi thường, đầy nghị lực như Ngài cuối cùng cũng đạt được mục đích tối thượng.
Tóm lại, qua quá trình xuất gia của thái tử, chúng ta rút ra được bài học gì?
Thứ nhất, phải nhận thức rằng vạn vật trên thế gian này đều chịu sự chi phối của vô thường, nên ta tập quán chiếu và buông bỏ, vì tất cả chỉ là giả tạm.
Thứ hai, hàng ngày ta phải nuôi dưỡng tâm Bồ đề, để cho chí nguyện xuất gia của mình luôn vững vàng, kiên cố, vì mục đích thoát ly sanh tử.
Thứ ba, luôn lấy sự kiên trì, tinh tấn làm nền tảng, noi theo gương sáng của thái tử Tất Đạt Đa, cho dù trên bước đường tu tập có chướng ngại, ta cũng cố gắng vượt qua để hướng đến sự giải thoát cao thượng.