Kiến thức

Sức mạnh của đồng hạnh đồng nguyện với Bồ-tát

Thứ hai, 24/09/2023 02:13

Tu hành, trước hết chúng ta đạt tới chân linh của mình là thành Phật, chúng ta mới thấy được những điều mầu nhiệm. Vì chúng ta đã vào thế giới Phật, chung quanh chúng ta chỉ có Phật và Bồ-tát thôi.

Thứ đến, khi đạt tới chân linh rồi, thì Phật, Bồ-tát là bạn của chúng ta. Đó là người tới chân linh thật, nhưng người chưa tới chỗ này mà nghĩ mình đã tới là tăng thượng mạn, rất nguy hiểm.

Người đạt tới chân linh là đỉnh cao nhất từ dưới đi lên, phải hết phiền não, trần lao, nghiệp chướng. Điển hình là Phật Thích Ca đạt đến đỉnh cao này thì mười phương Phật phóng quang gia hộ Ngài và Ngài quan hệ với tất cả chư Phật, thông được với mười phương Phật. Ví như ngày nay mình sử dụng điện thoại thông minh liên hệ được với bạn bè khắp thế giới.

Ngày xưa, Phật không dùng điện thoại nhưng dùng tu chứng, Ngài đạt đến đỉnh cao của tuệ giác thì chân linh của Ngài và chân linh của chư Phật ngang nhau. Nhưng Phật tử chưa đoạn sạch phiền não, nghiệp chưa hết, thì mình và nó đồng nhau, nên quan hệ của mình là quan hệ với nghiệp, phiền não và mối quan hệ này gắn bó chặt chẽ với nhau, mình không bỏ được. Thật vậy, thiết nghĩ ai cũng muốn có bạn tốt, nhưng tại sao bạn tốt không tới mà bạn xấu lại tới. Phật nói vì nghiệp mình còn nên chiêu cảm nó tới. Thực tế cho thấy người ham mê cờ bạc tự nhiên có người chuyên cờ bạc tới rủ. Ham mê bất cứ cái nào sẽ có bạn tương ưng với cái đó tìm tới. Khi quý vị tu được thì bạn xấu tự biến mất.

Bồ Tát Quan Thế Âm lắng nghe với tâm từ bi

63

Có Phật tử thưa với tôi rằng anh thường uống rượu nên bạn anh là bạn nhậu. Sáng sửa soạn đi làm, bạn nhậu tới rủ uống một ly, rồi hai ly cho đến uống say mèm, bỏ việc. Có nghiệp cờ bạc, uống rượu sẽ có bạn đó tới rủ. Bạn tới rủ nhưng tâm mình có thích không, thích là đồng nghiệp với họ. Vì vậy, tu hành phải bứt phá, quyết tâm bỏ và bỏ được thì họ không tới.

Anh kia nói người bạn nhậu không tới nữa. Tôi hỏi anh làm sao. Anh nói họ tới rủ nhưng con nghĩ đến Phật, đến thầy, phải ráng tu, không uống rượu. Đó là cắt nghiệp thì đau chứ, đương nhiên có phản ứng bên ngoài và bên trong.

Phật nói điều quan trọng là lòng mình còn muốn hay không. Một, hai, ba lần từ chối không đi nhậu, cố gắng vượt được nghiệp, thì họ rủ không được và lòng mình cũng không muốn, nên mình và họ cách ly.

Tu xuất gia là đoạn nghiệp. Ở chùa tu, bạn xấu ta đoạn tuyệt, họ không thể rủ, hay có rủ, ta cũng không đi, vì cạo đầu, mặc áo tu, làm sao đi uống rượu được. Tu phải quyết tâm. Còn cư sĩ bị dụ dỗ nhiều hơn, nhưng xuất gia quyết tâm thì đoạn nghiệp dễ. Tuy nhiên, có người tu nhưng không quyết tâm cũng bị kéo ra đời, bỏ tu, vượt nghiệp không được.

Phật dạy phải cắt nghiệp mình lần cho đến hết, thì con người thực của mình là chân tánh, chân linh mới hiện ra. Nhưng hiện giờ, quý vị có linh hồn là vọng thức thuộc nghiệp và phiền não, nên chỉ hiểu biết theo nghiệp mà thôi. Vì vậy, Phật nói chúng sanh không thấy đúng, chỉ thấy theo nghiệp. Anh Võ Đình Cường nói ý này là mang cặp kính màu hay kính nghiệp. Nhưng mình hết nghiệp, mang cặp kính trắng thì thấy đúng tướng bên ngoài của người và nhìn sâu, cũng thấy đúng tánh của họ. Tánh họ tham hay không tham, nóng hay hiền lành. Nhìn người bên ngoài mà biết tánh bên trong của họ, nhờ mang kính trắng. Còn mang kính màu bị lầm lẫn, nghe theo bị đọa.

Tu hành lần lần biết chính xác, đi đến chân linh là con người thực của mình. Để được như vậy, Phật dạy phải vô tham, vô sân, vô si là ba nghiệp chính của tâm. Còn bây giờ, mình lấy tham lam, bực tức, ngu si làm mình. Thật vậy, khi ai nói mình ngu thì mình liền tức giận vì dám khi dể mình. Nhưng mình biết rồi, họ nói mình ngu, mình cũng nhận là mình ngu theo cái thấy của họ, không phải theo cái thấy của mình. Người tu khác người không tu ở điểm này. Nhận mình ngu là mình hết ngu, vì mình không bực tức, còn nghĩ mình khôn và cãi lại, mà cãi lại và bực tức là ngu rồi. Vì bực tức là lòng mình khổ làm cho tâm mình tối và còn cãi nữa là quá ngu.

Người tu chấp nhận mình ngu là tâm mình được an thì rà soát coi họ nói đúng chỗ nào, sai chỗ nào để điều chỉnh. Rà soát nếu thấy hiểu của họ đúng, mình ngu thiệt thì mình sửa. Hai là nếu hiểu của họ về mình không đúng thì mình chấp nhận họ hiểu mình không đúng, như vậy họ đâu còn là bạn tốt của mình, nên mình cẩn thận, giữ mình. Mình khôn thiệt không làm bạn với người không hiểu đúng về mình. Vì làm bạn với người hiểu sai mình thì nghiệp mình càng tăng, càng khổ. Nhiều người càng tu càng phạm sai lầm bị đọa là vậy.

Với người hiểu đúng về mình, mình coi họ là bạn. Người hiểu hơn mình, coi họ là thầy. Mình chưa hiểu tới, nhưng nhờ hiểu đúng của họ, gọi là nhờ họ khai ngộ, nhờ họ nói, mình phát hiện lỗi lầm và điều chỉnh. Họ không khai thì mình không biết.

Các Bồ-tát sống với nhau theo cách này. Cái mình hiểu sai, nhờ bạn chỉ, mình thức tỉnh, thấy đúng lại, từng bước mình lên. Đó là nhờ có Bồ-tát, Bồ-đề quyến thuộc hiểu đúng về mình và lần lần mình cũng hiểu đúng về họ.

Về ý này, Phật nói chỉ có Phật với Phật hiểu được nhau. Trong kinh Pháp hoa, Phật Thích Ca nói, Phật Đa Bảo nghe, điều này là chân lý. Và ngược lại, Phật Đa Bảo nói, Phật Thích Ca nghe. Hai Đức Phật này hiểu nhau. Vì vậy, những gì Phật Thích Ca thấy, Phật Đa Bảo cũng thấy. Những gì Phật Thích Ca hiểu biết, Phật Đa Bảo cũng hiểu biết. Điều này kinh Pháp hoa gọi là vô tự chân kinh. Hai Đức Phật thấy biết giống nhau thì không cần nói, là diễn tả chân lý.

Bồ-tát dưới Phật một bước, có điều hiểu, có điều không hiểu, có điều làm được, có điều chưa làm được, nên nhờ Phật khai ngộ, Phật khai tri kiến cho mình.

Hành Bồ-tát đạo, mình hiểu và làm, được Phật hộ niệm. Nhưng có những cái chưa hiểu chưa làm được, mình nhờ Phật khai ngộ. Muốn Phật khai ngộ, quý vị ngồi yên, giữ Chánh niệm, đừng nghĩ bất cứ cái gì, để tâm lắng yên. Và khi tâm lắng yên thì chỉ nghĩ đến Phật thôi, bấy giờ Phật mới có thể khai ngộ cho mình. Vì vậy, có người tụng kinh suốt đời không được Phật khai ngộ, vì họ không có Chánh niệm không thể tới với Phật. Phật không tới với họ được, nên Phật không khai ngộ mà họ tự làm, phải thọ quả báo.

Giữ Chánh niệm, được Phật khai ngộ, nghĩa là tự lòng mình sáng lên giúp mình biết việc nên làm, việc không nên làm. Những bậc chân tu đắc đạo đều đi theo con đường này là nhờ Phật, nhờ thầy khai ngộ mới thấy biết và làm đúng, công đức mới sanh.

Trở lại việc những người bạn không hiểu mình trước đây thì mình nên xa lần. Vì họ không hiểu thì thường chọc tức, nói những điều mình không có, mình không thích làm mình sanh phiền não và tâm mình càng tối khiến mình xa Phật, đi vào lưới ma. Tu hành cần cân nhắc điều này.

Vì vậy, Phật dạy bao giờ họ hiểu mình thì mình tới với họ. Họ chưa hiểu mà mình tới là có chuyện. Hiểu và cần mình thì mình tới, nhưng họ cần mà mình phải hiểu thêm là việc họ nhờ có đúng không và mình làm được hay không. Ý này thể hiện rõ nét trong việc cứu khổ của Bồ-tát Quan Âm. Có người cầu, Quan Âm hiện ra cứu. Có người cầu không thấy được Bồ-tát, không thấy được sự mầu nhiệm, vì Quan Âm hiểu rõ yêu cầu của mình không thể được, nên Ngài không tới. Nhu cầu phần lớn phát xuất từ lòng tham và Quan Âm chỉ xuất hiện với người không tham. Nghĩ đến Bồ-tát mà mình không có tham cầu nào, Bồ-tát mới đến với mình.

Thực tế cho thấy mình cho người tham, họ được rồi lại muốn nhiều hơn nữa, tức lòng tham của họ tăng trưởng và đến mức mình không đáp ứng được, họ sẽ phản lại. Biết vậy, người trí không bao giờ giúp để người tham thêm.

Người không tham dễ gần các Bồ-tát. Mình tu sống chung với bạn dễ nhận ra điều này, vì gần người tham lam, tự nhiên mình có cảm giác ớn sợ. Gần người không tham, mình thấy nhẹ nhàng thì biết đây là quyến thuộc Bồ-đề, mình không tham và bạn cũng không tham, có thể hợp tác giúp đỡ nhau được.

Các Bồ-tát giúp đỡ mình để mình làm việc gì đó thuộc về hạnh của Bồ-tát, nguyện của Bồ-tát. Các ngài cũng muốn như vậy, nhưng không có thân xác tứ đại, các ngài vô hình nên không làm được. Mình không tham để lặn sâu vào vô hình, trở về chân tánh của mình thì chân tánh mình và các ngài ngang nhau, từ đó suy nghĩ và cái muốn của mình giống với suy nghĩ và cái muốn của các ngài, gọi là đồng hạnh đồng nguyện có thể hỗ tương giúp đỡ nhau.

Thật vậy, trong thế giới tu chứng, ta lặn vào Pháp giới thấy Quan Âm nói rằng Ngài cũng muốn tới đó để làm việc đó, nhưng chúng sanh không thấy Ngài. Vậy ông hãy tới đó làm việc đó, Ngài sẽ giúp. Vì vậy, mình tới làm là làm việc của Quan Âm, Quan Âm ở đằng sau hộ niệm. Thực tế cho thấy nhiều người phát Bồ-đề tâm, làm được việc lớn mà tưởng không được là nhờ nhận được sức mạnh vô hình của Bồ-tát.

Nhưng khi được việc, người ta lại khởi niệm không tốt. Vì không thấy chân lý nữa, nên bị lòng tham làm mờ mắt thì bấy giờ làm theo dụng ý. Hồi nãy vô tâm làm được, nhưng hữu ý liền thất bại. Thật vậy, có nhiều người tới thưa rằng khi con chưa biết làm ăn thì làm chơi ăn thiệt, nhưng biết rồi, có kinh nghiệm và tính toán kỹ mà làm gì cũng thất bại. Khôn rồi, giỏi rồi lại không làm được.

Bồ Tát Quan Thế Âm bao giờ cũng ở sẵn trong tâm ta

Tôi nói tại anh khôn quá, Phật, Bồ-tát không tới với anh được nữa. Hồi nãy anh không tham, không tính toán hơn thua, nên các ngài gia bị, thì anh chỉ làm trong phước báu của mình, nghĩa là Phật chỉ cho mình có trí khôn để mình biết chỗ đó là phước báu của mình. Mình không tham thì được, nhưng mình tính toán và làm theo ý là làm theo tham vọng, nên đôi khi cái nhìn của mình theo quyền lợi của mình thì quyền lợi mình đụng chạm quyền lợi người khác, nên mình xa Phật rồi.

Hồi nhỏ, mình còn chút ít căn lành, tin Phật, Bồ-tát, được các ngài gia bị. Nhưng lớn lên, đi vào cuộc đời, lấy khôn dại của cuộc đời tròng lên đầu mình thì đầu mình là đầu khôn dại, nên các đầu khôn dại cứ húc nhau, tiêu diệt nhau.

screenshot_68-1114

Nhưng tu hành, ta trụ chơn tâm là đi ngược dòng sanh tử trở về Niết-bàn. Còn theo dòng sanh tử đi tới, từ chư thiên rớt xuống con người cho đến xuống A-tỳ địa ngục.

Vì vậy, tu hành muốn gần Phật, Bồ-tát thì đi ngược lại. Phật thuyết Tam thừa, Ngũ thừa là thuyết chỗ này, vì người trình độ thấp phải thực tập được các pháp này. Thí dụ với người nhiều tham dục, Phật bảo ra bãi tha ma thấy xác chết sình thối, nghĩ đến mai kia mình cũng như vậy, bắt đầu ớn sợ.

Nhiều người nói một năm, hai năm cho đến mười năm hay xa hơn nữa mình mới chết. Nhưng Phật nói con người chết trong từng hơi thở, thở ra mà không hít vào là chết. Nhìn thấy mạng người ngắn ngủi, chúng ta không theo đuổi thân vật chất và đoạn được nghiệp, phiền não. Người theo Nam truyền Phật giáo dùng thiền Tứ niệm xứ, tập trung tư tưởng, quán sát thân tâm và các pháp, đoạn được nghiệp tham dục, tâm đứng yên, trí sáng ra.

Một là quán thân bất tịnh, nhìn con người như thùng phân. Ở Trung Hoa, Đức Quan Âm hiện làm nhà sư, người ác nhìn thấy, úp thùng phân lên đầu ông. Tu hành có thử thách lớn như vậy mà vẫn thanh thản là biết bậc chân tu, nếu bị chọc phá mà ngưng tu một tiếng để giải quyết là tu giả. Nhà sư cứ để yên thùng phân trên đầu mà đi ung dung tự tại, vì đó là Bồ-tát Quan Âm thị hiện và còn nói một câu dễ thương rằng thùng phân lớn đội thùng phân nhỏ. Vì ông quán thân này là thùng phân, không bực tức là đạt quả Vô sanh. Người tu nhân hoàn cảnh ác xấu ập đến để luyện tập hạnh đức hoặc là không gặp thực tế phũ phàng như vậy thì mình nghĩ như thế nào nếu nó xảy đến với mình.

Tôi đọc câu chuyện này nghĩ rằng giả sử mình bị vậy không biết tính sao. Giận không được, không giận cũng không được. Chưa đạt tới mức nhẫn lực cao như vậy, thiết nghĩ nên tránh. Vượt được thử thách lớn nhỏ thể hiện sự quyết tâm tu.

Quán thân cho đến quán pháp vô ngã rằng con người tứ đại không phải là mình, tới chân linh mới là con người thực của mình.

Ban đầu vào cửa Phật, vào cửa Không gọi là vô ngã. Vì nghĩ có mình, có người, có thương ghét, chống phá làm mình chưa giải thoát.

Vô ngã thì tất cả những thứ này mình coi là phản ứng tự nhiên của ngũ uẩn, quán xem ai đặt thùng phân lên đầu ai, đầu là gì, thùng phân là gì…

Nhập Không môn, Phật nói thân này không phải là mình, xúc chạm, vọng tưởng, điên đảo cũng không phải là mình (sắc, thọ, tưởng, hành và thức không phải là mình). Đa số người khổ đau vì chấp thân, xúc chạm, vọng tưởng, điên đảo là mình. Nhưng bỏ những thứ này mới có chân thân hiện ra, mới quan hệ được với thế giới Phật, Bồ-tát.

Hành đạo thấy an lành vì có Quan Âm, Thế Chí dẫn đường, có Văn Thù khai thị. Bệnh có Dược Vương cứu và có hai người bạn dễ thương là Di Lặc và Nguyệt Quang. Di Lặc cứ cười, ai chửi đánh, nói xấu cũng cười. Phun nước bọt vô mặt cũng cười, không lau để tự khô thì ta không phiền, người cũng không phiền.

Tôi tu, nghĩ Di Lặc đứng bên cạnh mình thì ai xử sự gì cũng cười. Nguyệt Quang cũng dễ thương, với người tốt xấu, Ngài xem bình đẳng. Có hai vị Bồ-tát này kèm hai bên mình thì buồn bực một chút mà thấy Di Lặc, mình cũng cười theo. Thấy người ngang bướng bên cạnh mình, nhưng thấy Nguyệt Quang xử sự tốt khiến mình cũng xử sự tốt theo. Quý vị tu không có bạn như vậy dễ bị đọa. Ngoài ra còn có Phổ Hiền. Vị Bồ-tát này rất đặc biệt, gần như tất cả nhu cầu của mình đối với xã hội, Ngài sẵn lòng giúp.

Mình xây dựng xung quanh có Bồ-đề quyến thuộc bằng bảy vị Bồ-tát như vậy giúp mình vững tâm hành đạo. Được như vậy thì tới phần mình là “Quyết lòng độ tận chúng sanh muôn đời”.

Đọc kinh Pháp hoa, tôi cảm ý này, nên phát nguyện quyết lòng độ tận chúng sanh muôn đời. Vì thấy chung quanh mình có lực lượng Bồ-tát hùng hậu quá, nên mình làm việc không sợ.

Chúng ta có phát nguyện: “Trước Phật đài con xin phát nguyện, cõi Ta-bà thị hiện độ sanh. Thọ trì đọc tụng chân kinh, quyết lòng tế độ chúng sanh muôn đời”.

Vì mình ở chân tánh gặp các Bồ-tát quyến thuộc này sẵn lòng với mình rằng ông vào Ta-bà, tôi sẽ hết lòng với các ông. Và mình vào Ta-bà thọ trì đọc tụng chân kinh là vô tự chân kinh mà mình nhận từ Phật Thích Ca, Phật Đa Bảo. Mình thọ trì chân kinh, không thọ trì 28 phẩm kinh Pháp hoa văn tự.

Chân kinh là trí tuệ của Phật, chân kinh mình nhận là trong lòng mình có Phật Thích Ca, Phật Đa Bảo và tôi làm theo ý chỉ của hai vị Phật này và làm với sự hợp tác của bảy vị Bồ-tát mà tôi đã gặp trên chân tâm.

Quý vị có quyết tâm độ sanh như vậy thì bấy giờ nhìn ra bên ngoài có Thiên long bát bộ và các vị Bồ-tát, thiện thần nhiều lắm. Chỉ cần mình thực tu, các Ngài giúp. Không thực tu, các Ngài không giúp, còn đánh đuổi mình đi. Chùa mình có thờ hai vị Bồ-tát là Kim Cang, Mật Tích, ai có tà tâm ác ý, các ngài đưa đi chỗ khác, không thể tới gần mình.

Mình còn cầu xin đại tướng Dược Xoa, đừng cho tà giáo ác ma đến gần. Trong kinh Dược Sư có 12 vị Dược Xoa suốt 24 tiếng đồng hồ túc trực bên mình, ủng hộ mình. Tà giáo ác ma tới, nó không thấy được mình, mà thấy 12 Dược Xoa mặt dữ dằn. Vì vậy, càng tu mình càng hiền lành thì các Dược Xoa càng che chở mình, khiến ác ma thấy mình, nó sợ. Điển hình là hiền như Phật nhưng ai thấy Phật cũng sợ, vì sợ 12 ông Đại tướng Dược Xoa, tới gần Phật, coi chừng các ông này búa một cái chết liền.

“Cầu xin thổ địa sơn thần, bà con quyến thuộc xa gần tin theo”. Thực tâm tu có nhiều điều lạ lắm. Thực tế cho thấy có người phát tâm tu thực, được Phật hộ niệm, trở về nhà, tự nhiên người trong nhà tử tế với họ, tốt hơn với họ. Thật vậy, một người tới chùa tu, về nhà cha mẹ thấy con dễ thương khiến cha mẹ và con cháu của họ cũng tu theo, trong đạo tràng mình có gia đình đến bốn đời theo tu.

Sơn thần, thổ địa, bà con quyến thuộc là những người sống chung quanh mình. Vì vậy, người tu được thì người nhà thương kính và bạn tốt tự đến, tự tu theo. Mình tu mà ai cũng ghét là sai rồi. Đi chùa về, không ai ưa là đọa.

Và Phật tử tu được, thấy các thầy có người tu đúng lời Phật dạy, có người không tu đúng lời Phật dạy làm Phật giáo suy đồi, khiến mình buồn. Mình lạy “Cầu xin Thích tử Tỳ-kheo, giữ tâm trong sạch, tu theo Phật-đà”. Mình chỉ nghĩ như vậy thôi, đừng nói ra làm các thầy tức giận, mình phạm tội.

Thánh tăng trọn lành, phàm tăng còn sơ suất, thấy cái chưa tốt mà mình nổi nóng là đọa. Thấy vậy, mình thầm nghĩ, xin các Ngài mặc áo Phật, nên tu theo hạnh của Phật. Tu không giống Phật làm mình buồn. Chúng con chưa xuất gia được, còn là người thế tục, nên cầu mong quý thầy ráng tu theo Phật đạo, giữ tâm trong sạch, chúng con sẵn sàng hộ đạo.

“Cầu xin tất cả mọi nhà, ăn chay niệm Phật, lên tòa Như Lai”. Mình cầu nguyện như vậy, vì một mình tu không thể chuyển đổi cả xã hội. Cần có nhiều người ăn chay, niệm Phật, biết thực hiện lời Phật dạy, sống trong sạch khiến xã hội trở thành tốt đẹp.

“Cầu cho những cuộc chiến tranh, bỏ ngay tánh ác, niệm danh Di Đà. Cầu cho những kẻ tâm tà, chưa vào địa ngục nhận ra sai lầm”. Những cuộc chiến tranh trên thế giới, trong khu vực vẫn xảy ra, tại sao con người tự sát hại, chém giết nhau. Nước Việt Nam đã trải qua các cuộc chiến tranh kéo dài nên mình thấm thía nỗi khổ đau vô cùng rồi, tới bây giờ mà dư chứng của chiến tranh vẫn còn, biết bao người bị thương tật, bị chất độc da cam trở thành phế nhân. Thấy như vậy, mình nói tôi đã thấm thía khổ đau vì chiến tranh lắm rồi, các vị chưa biết, phải nhận ra địa ngục, trước khi vào địa ngục, vào địa ngục rồi thì hối hận cũng không kịp, còn phải trả quả báo. Đừng ỷ thế mình giàu có gây chiến tranh làm người khổ đau vô tận. Cầu xin các cuộc chiến tranh sớm chấm dứt, đó là tâm lượng của Bồ-tát phát nguyện.

“Cầu cho tất cả thiền môn, Như Lai Bồ-tát nhiều hơn Tăng phàm”. Vì Phật Bồ-tát ít, mình mong Thánh nhiều hơn phàm mới giúp xã hội chuyển đổi tốt đẹp. Thật vậy, các Thánh nhân xuất hiện trên cuộc đời cảm hóa được nhiều người sống thiện lành để xã hội được an vui phát triển, thế giới được bình yên.

Đó là phát nguyện mình đi vào cuộc đời, chung quanh có bảy vị Bồ-tát, Kim Cang, thần Dược Xoa, Thiên long bát bộ là những thế lực mạnh hỗ trợ mình đi tới đâu bình yên tới đó. Phật nói hành giả Pháp hoa tới chỗ nào thì cách 500 do tuần cũng được an lành.

Tóm lại, tôi triển khai ý nghĩa của bài sám Pháp hoa mà tôi cảm tác vào năm 1976 trong hoàn cảnh khó khăn để Phật tử suy nghĩ hiểu được và lần thực tập, gặt hái được kết quả như vậy, hay tốt hơn nữa.

loading...